Phòng, chống tội phạm: phòng ngừa là chính, tuyên truyền là giải pháp số 1
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng công an nhân dân; đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương; các nhà báo, nhà khoa học đã tham dự và đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Hơn 30 tham luận gửi đến Hội thảo với những lập luận chặt chẽ, những minh họa phong phú, sinh động từ thực tiễn hoạt động báo chí đã tập trung phân tích 3 mảng nội dung lớn: những vấn đề chung về vai trò của báo chí - truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực tiễn hoạt động báo chí - truyền thông tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, và, các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí trong cuộc đấu tranh này.
Báo chí - kênh thông tin quan trọng trong phòng, chống tội phạm
Các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định và đánh giá cao vai trò của báo chí trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm. Giữa báo chí và lực lượng công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm có mối quan hệ chặt chẽ, tích cực. Thể hiện cụ thể ở những điểm sau:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền đã góp phần đắc lực tạo nên phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào phòng, chống tội phạm rộng khắp, có tác động to lớn trong việc kiềm chế hoạt động phức tạp của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhiều nơi, nhiều lúc đã đẩy lùi, làm giảm được tội phạm và tệ nạn xã hội.
Thứ hai, bằng các hoạt động tác nghiệp của mình, báo chí đã phát hiện, tham gia thu thập thông tin về tội phạm, phản ánh, công khai sự thật về tình hình phức tạp của tội phạm, những tụ điểm hình sự phức tạp, địa bàn hoạt động của tội phạm kinh tế, buôn lậu, tụ điểm về hoạt động ma túy; các vi phạm pháp luật về an ninh trật tự an toàn xã hội, cũng như sự thiếu trách nhiệm của các ngành, các cấp, những cán bộ công chức nhà nước... qua đó tác động tích cực đến việc giải quyết tình hình và xử lý tội phạm; chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự; tiến hành xác minh, điều tra, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật và các hành vi phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, hỗ trợ đắc lực lực lượng công an nhân dân trong các đợt tấn công tội phạm; điều tra xử lý các vụ phạm tội phức tạp, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thông qua việc cung cấp, phản ánh công khai các dấu hiệu tiêu cực, vi phạm pháp luật, qua đó tạo áp lực xã hội để lên án cái sai, cái ác, cái tiêu cực, tạo cơ sở để lực lượng công an tiến hành các hoạt động điều tra, ngăn chặn, xử lý tội phạm. Điển hình là các vụ Khánh trắng, Phúc bồ (ở Hà Nội), Năm cam (ở Thành phố Hồ Chí Minh), nếu không có sự hỗ trợ lên án của dư luận chắc sẽ khó xử lý kiên quyết tội phạm. Báo chí đã phản ánh kịp thời những vụ án lớn, phân tích các phương thức thủ đoạn phạm tội nhằm phòng ngừa, răn đe tội phạm.
Thứ tư, tham gia, đóng góp tích cực vào việc xây dựng lực lượng công an nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền, cổ vũ các đơn vị, cá nhân điển hình tiến tiến, những gương cán bộ chiến sỹ công an nhân dân tận tụy trong công việc, sẵn sàng hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo công luận và phong trào quần chúng nhân dân ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ lực lượng công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ.
Chưa phát huy hết tiềm năng trong tham gia phòng, chống tội phạm
Mặc dù báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng, chống tội phạm nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng to lớn của mình.
- Việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuống tới cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, đến với đối tượng cần tuyên truyền còn hạn chế. Việc thông tin để định hướng dư luận, tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật còn yếu. Vì thế, nhiều người phạm tội mà không biết mình phạm tội, hay không biết hết được hậu quả sẽ ra sao.
- Vẫn còn tình trạng chỉ chạy theo các vụ việc, đưa những thông tin phản cảm, thiếu nhân văn, sa đà vào việc mô tả tỉ mỉ, vô cảm hành vi phạm tội, chạy theo lợi ích của bản báo chứ không phải vì mục tiêu phòng, chống tội phạm. Nhiều tờ báo khai thác quá đậm nét, đưa tin giật gân, gây sốc về những vụ việc tiêu cực, sai phạm, hay vụ án, khiến cho công chúng có những nhận thức sai lệch về thực tế đời sống xã hội.
- Thông tin về vụ án đôi khi được đưa lên mặt báo thiếu chính xác, phiến diện, một chiều, không đầy đủ, thậm chí sai lệch, thiếu kiểm chứng..., khiến cho thông tin đến với công chúng bị sai lệch, gây hiểu lầm, hoặc đánh giá không đúng về vụ việc, gây nên những bức xúc, nghi ngờ trong nhân dân; có những thông tin về nội dung vụ án được đưa quá sớm, có vụ việc còn lồng ghép thêm nhận xét chủ quan, làm lộ lọt thông tin, lộ bí mật vụ án, thậm chí có thông tin công bố thủ pháp nghiệp vụ, khiến cho đối tượng phạm tội có thêm thời gian, biện pháp để chống đối hoặc tìm cách can thiệp… làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, phá án.
- Những thông tin đưa trên báo chưa phân rõ ràng giới giữa thông tin phục vụ phòng và chống, đặc biệt, chưa dành những quan tâm thỏa đáng cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, thậm chí, còn có những trường hợp thông tin phản tác dụng, gây lo ngại trong dư luận vì cho rằng, cái tiêu cực được nêu trên báo đã làm cho những người xấu bắt chước, làm theo.
Phát huy hơn nữa tiềm năng của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang diễn ra phức tạp và năng động, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, cạnh tranh thông tin gay gắt, cạnh tranh giành độc giả, nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhằm đạt được yêu cầu tối thượng là phục vụ sự phát triển của đất nước, các ý kiến phát biểu và tham luận của Hội thảo đã tập trung vào một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Một là, các cấp, các ngành, đoàn thể, các lực lượng chính trị - xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí cần nhận thức rõ ràng và đầy đủ rằng, việc phòng, chống tội phạm phải bằng phòng ngừa là chính. Để đáp ứng định hướng phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật, một mặt, người dân cần hiểu rõ chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm để chấp hành theo quy định; nắm được tình hình và thủ đoạn của tội phạm để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh. Mặt khác, chất lượng thông tin cung cấp cho báo chí cũng phải đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật. Báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng để đưa những thông tin này đến với người dân, tác động đến ý thức xã hội, định hướng thái độ, hành vi cho công chúng, và do vậy, tuyên truyền cần được xác định là nhiệm vụ số 1 để phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.
Hai là, với số lượng cơ quan báo chí khá lớn, đa dạng, nên mỗi tờ báo cần nắm vững mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng độc giả của mình để tập trung chuyên sâu khai thác các khía cạnh khác nhau phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, tính chất của từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, ngành và lực lượng xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; chú ý tuyên truyền việc phòng, chống các nguyên nhân là nguồn gốc phát sinh, phát triển các loại tội phạm; quan tâm đến các biện pháp khắc phục. Chẳng hạn, khi đưa tin về vụ việc, cần chú trọng hơn đến việc phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến vụ việc đó, giúp cho việc phòng ngừa những vi phạm tương tự xảy ra.
Ba là, các cơ quan báo chí cần tác nghiệp đúng quy định của Luật Báo chí; phản ánh khách quan, công khai sự thật, tránh suy diễn một chiều; đưa quá sự thật tạo nghi ngờ, bức xúc trong dư luận; các cơ quan báo chí cần có quan điểm rõ ràng, đúng đắn trong phản ánh thông tin, tránh những thông tin gây hiểu lầm, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Bốn là, công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ những người làm báo về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cũng cần được đẩy mạnh, người làm báo cần nắm vững pháp luật, có kiến thức về nghiệp vụ điều tra, luôn bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức xã hội để nâng cao khả năng phản ánh, phân tích, bình luận thông tin từ đó có cách nhìn tổng quan, khách quan sâu sắc về sự vật, sự việc.
Năm là, giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao phẩm chất đạo đức của người làm báo. Đấu tranh phòng, chống tội phạm là cuộc đấu tranh gian khổ, đòi hỏi nhà báo phải dũng cảm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm và dám hy sinh, vì thế những phẩm chất này lại càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Sáu là, cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa lực lượng báo chí và lực lượng công an trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật báo chí dưới nhiều hình thức; cung cấp thông tin, đưa tin công bằng, khách quan về các vụ việc, nắm bắt phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm mới để tuyên truyền giúp công chúng cập nhật thông tin và có các biện pháp tự bảo vệ, phòng ngừa.
Trong xã hội hiện đại, vai trò của báo chí, tầm ảnh hưởng của báo chí càng lớn thì trách nhiệm của cơ quan báo chí và người cầm bút càng phải cao. Và, đó cũng là một yêu cầu quan trọng để báo chí thực sự trở thành một kênh thông tin quan trọng, tin cậy tích cực đóng góp vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân./.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí  (15/06/2012)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí  (15/06/2012)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí  (15/06/2012)
Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp  (15/06/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay