Việc người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ chọn Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và Trung Quốc làm những điểm thăm chính thức đầu tiên trong sự nghiệp ngoại trưởng cho thấy chính quyền mới của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma rất coi trọng quan hệ với châu Á trong chính sách đối ngoại của mình. Sự lựa chọn này là một tính toán có tính chiến lược trong bối cảnh “những thay đổi” đang diễn ra trên thế giới và ở nước Mỹ.  

Sự thay đổi lớn nhất trên thế giới khi bước vào thế kỷ XXI là so sánh lực lượng đang trong quá trình chuyển dịch từ Tây sang Đông khiến những người đang lái con thuyền ngoại giao Mỹ nhận thấy rằng: quan hệ với châu Á là một “điều thiết yếu không thể thiếu được” trong quan hệ của Mỹ đối với thế giới.

Điều này khiến cách đề cập của chính giới Mỹ, đứng đầu là Tổng thống B.Ô-ba-ma, đối với châu Á cũng đã thay đổi. Thay vì tiếp tục chính sách “chia để trị”, chính quyền mới ở Mỹ đã rất coi trọng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong lúc vẫn xem quan hệ với Nhật Bản là “hòn đá tảng” trong chính sách ngoại giao của mình ở châu Á.

Chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng H.Clin-tơn diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới đang chìm trong cơn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mang tầm thế kỷ, đòi hỏi sự hợp tác của toàn thế giới, trước hết là giữa các nền kinh tế lớn và chính quyền Ô-ba-ma xem việc giải cứu nền kinh tế Mỹ ra khỏi khủng hoảng là ưu tiên hàng đầu.

Do đó có thể thấy rõ mục đích chính của cuộc đi thăm này là:

- Tranh thủ sự hợp tác của các nước đến thăm nhất là Trung Quốc và Nhật Bản để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Khi công bố lộ trình chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho biết: Mỹ đặt lên hàng đầu chương trình đi thăm là hồ sơ “biến động trên thị trường tài chính”.

- Tiếp tục thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

- Cải thiện hình ảnh của Mỹ trong thế giới Hồi giáo và Đông Nam Á.

- Vấn đề biến đổi khí hậu …

Vì thời gian của chuyến thăm này quá ngắn, vẻn vẹn chỉ có 8 ngày (15 đến 22-2-2009), mỗi nước chỉ từ 1-2 ngày, mà vấn đề đặt ra lại quá lớn, không thể giải quyết qua một vài buổi hội đàm, do đó thành công lớn nhất của bà H.Clin-tơn trong chuyến đi này là đã để lại cho các nước đi thăm và người dân khu vực Đông Á một ấn tượng tốt đẹp về “kỷ nguyên ngoại giao mới của Mỹ” mà bà H.Clin-tơn gọi là “quyền lực thông minh” (smart power), tức là “ngoại giao thông minh và thực lực”, hay nói một cách dễ hiểu hơn là, ngoại giao “kết hợp cứng rắn và mềm dẻo”; theo đó, Mỹ “cần phải sử dụng các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, luật pháp và văn hóa một cách thông minh, linh hoạt để giải quyết các vấn đề khó khăn” (trích phát biểu của bà H.Clin-tơn).
 
Điều này được thể hiện rõ nhất trong phản ứng ôn hòa của bà Ngoại trưởng trước những tuyên bố của CHDCND Triều Tiên về khả năng chiến tranh có thể nổ ra giữa hai miền và việc quốc gia này có thể sẽ thử tên lửa tầm xa cũng như trong đối thoại với lãnh đạo Trung Quốc về việc giới tài chính Mỹ đòi Trung Quốc phải tăng giá đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ hay vấn đề “dân chủ, nhân quyền” ở Trung Quốc v.v..
Thành công lớn thứ hai của bà H.Clin-tơn trong chuyến thăm này là đã đặt cơ sở cho một mối quan hệ cân bằng hơn giữa Mỹ và các đối tượng chính trong khu vực Đông Á, đặc biệt là giữa Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Từ trước đến nay, các chính quyền của Mỹ vẫn loay hoay xử lý mâu thuẫn “tăng cường liên minh Mỹ - Nhật” nhằm kiềm chế Trung Quốc, bị Trung Quốc chống lại; hình thành quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Trung lại đe dọa liên minh Mỹ - Nhật.
 
Ở Đông Nam Á cũng vậy. Việc Mỹ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, nhất là về mặt an ninh bị Trung Quốc xem là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chuyến thăm này đã tạo được một tiến trình đối thoại 3 bên Mỹ - Trung - Nhật, trước mắt là thông qua đối thoại tay đôi Mỹ - Trung, Mỹ - Nhật, Trung - Nhật để giải quyết các vấn đề an ninh đặt ra trước cả ba nước.
 
Việc bà H.Clin-tơn đã đến Ban Thư ký ASEAN ở Gia-các-ta không chỉ với mục đích lễ tân nhằm xoá bỏ ấn tượng xấu về việc Mỹ đối với ASEAN do việc Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền Bu-sơ đã hai lần không đến dự Hội nghị ASEAN, kể cả Hội nghị năm 2007 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN, mà chủ yếu nhằm khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở khu vực này.
 
Trong cuộc gặp Tổng thư ký ASEAN, bà H.Clin-tơn đã hứa sẽ đến dự Hội nghị cấp Bộ trưởng sau Hội nghị cấp cao lần thứ 14 và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 16 sắp tổ chức ở Thái Lan trong tháng 7 tới và Mỹ sẽ khởi động lại tiến trình gia nhập Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Bước đi này của chính quyền mới ở Mỹ là rất tích cực trong việc xác lập sự có mặt thường xuyên của Mỹ ở khu vực này theo mong muốn của các nước ASEAN nhằm củng cố nền hòa bình và hợp tác ở Đông Nam Á và nâng cao vai trò của ASEAN trong quan hệ với các nước lớn trong khu vực cũng như trên thế giới. Đồng thời, nó làm cho quan hệ giữa Mỹ với khu vực Đông Nam Á được cân bằng hơn.
 
Một thành công nữa của chuyến thăm là Mỹ đã tranh thủ được In-đô-nê-xi-a, nước Hồi giáo lớn nhất thế giới, giúp cải thiện hình ảnh của Mỹ trong thế giới Hồi giáo. Sau khi gặp Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Yu-đô-yô-nô, bà H.Clin-tơn đã tuyên bố với báo chí rằng: “In-đô-nê-xi-a có vai trò mới trong “quyền lực thông minh” - tức là chính sách ngoại giao mới của Mỹ. Điều đó có thể hiểu là In-đô-nê-xi-a sẽ giúp Mỹ cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo kể cả vấn đề hạt nhân của I-ran. Đó là một sự lựa chọn tích cực.
 
In-đô-nê-xi-a là nước mà số người theo đạo Hồi có tư tưởng ôn hòa lớn nhất thế giới. Hiện In-đô-nê-xi-a là Thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hơn nữa, ông B.Ô-ba-ma đã nhiều năm trải qua thời kỳ niên thiếu của mình ở đây, nên ông rất am hiểu tâm tư, tình cảm cũng như tập tục văn hóa, tôn giáo đạo Hồi, cũng như thế giới Hồi giáo đang phát triển. Đó là cơ sở để người ta tin rằng, những cảm nghĩ của ông về thế giới Hồi giáo và việc ông muốn tạo ra một quan hệ lành mạnh giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo là chân thành, không phải xuất phát từ động cơ chính trị, có lợi cho việc xây dựng một thế giới hòa bình và hợp tác để cùng phát triển. Do đó, có thể nói việc bà H. Clin-tơn đến In-đô-nê-xi-a là một thông điệp mạnh mẽ về tính chất hòa giải của Mỹ gửi đến thế giới Hồi giáo ở Trung Đông.
 
Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là trọng tâm của tất cả các cuộc thảo luận với tất cả các nước trong chuyến đi này. Mục đích của Mỹ là khởi động lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tạm thời bị đóng băng do có sự chuyển giao quyền lực ở Oa-sinh-tơn; đồng thời trấn an Nhật Bản và Hàn Quốc về chính sách ngoại giao mới của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên.
 
Điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc lo ngại là tuyên bố của bà H.Clin-tơn tại Hội nghị châu Á, trước khi bắt đầu chuyến công du này một tuần, rằng: “Chính phủ Bắc Triều Tiên đã cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và sẽ sớm quay lại tham gia vào Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng ta tiếp tục làm sao để họ giữ lời cam kết này. Nếu Bắc Triều Tiên thực sự sẵn sàng từ bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của họ và có thể kiểm chứng được, chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma sẵn sàng bình thường hóa quan hệ song phương và thay thế các thỏa thuận đình chiến ở bán đảo Triều tiên đã tồn tại lâu nay bằng một hòa ước vĩnh viễn; và Mỹ sẽ trợ giúp để Bình Nhưỡng đáp ứng được nhu cầu về năng lượng và các nhu cầu kinh tế khác của nhân dân Bắc Triều Tiên”.

Để giải tỏa những e ngại đó, bà H.Clin-tơn hứa sẽ thông báo đầy đủ các diễn biến mới trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên, riêng với Nhật Bản, bà H.Clin-tơn đã gặp gia đình những người Nhật được xem là bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc và hứa sẽ giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề này.

Chuẩn bị cho việc họp lại Hội nghị 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bà H.Clin-tơn một mặt vẫn cử ông Cri-xtô-phơ Hin, trưởng đoàn cũ của Mỹ đi cùng, đồng thời cử ông Xte-phân Box-uốt, cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc làm đặc phái viên của Mỹ về vấn đề CHDCND Triều Tiên và kiêm luôn chức Trưởng đoàn Mỹ tại cuộc đàm phán 6 bên. Điều này nhằm làm cho Hàn Quốc an tâm hơn.

Trung Quốc là điểm cuối cùng của chuyến thăm châu Á đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ. Dư luận cho rằng: chuyến thăm Trung Quốc mới là trọng tâm của chuyến đi này. Mục tiêu lâu dài của chính quyền Ô-ba-ma nói chung và của bà H.Clin-tơn nói riêng là tạo sự tin cậy đối với chính quyền mới của Mỹ trong quan hệ đối với Trung Quốc.
 
Với chính sách ngoại giao mới thực dụng, mềm dẻo hơn và tính đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, ngay từ khi vận động bầu cử năm 2008, bà H.Clin-tơn đã cho rằng: “quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ này”; và trước khi đến Bắc Kinh trong chuyến thăm này bà H.Clin-tơn đã tuyên bố sẽ “không để vấn đề dân chủ, nhân quyền ngăn cản những tiến bộ trong sự hợp tác giữa hai nước” trong các vấn đề tay đôi cũng như trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trong các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh, bà H.Clin-tơn tỏ ra thực tế và khiêm nhường, tránh động chạm đến những vấn đề gay cấn. Bà H.Clin-tơn đã được tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở cấp cao nhất đón tiếp trọng thị và hai bên đã thỏa thuận sẽ đưa quan hệ đối tác giữa hai nước phát triển sâu rộng hơn, cùng nhau tăng cường hợp tác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu, vấn đề biến đổi khí hậu cũng như trong việc phác thảo ra những đề án hợp tác trong tương lai. Mỹ khuyến khích Trung Quốc tiếp tục vai trò tích cực là chủ nhà trong cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Như vậy, có thể thấy, với cách đề cập mới của nền ngoại giao “quyền lực thông minh” của Mỹ, chính quyền Ô-ba-ma bước đầu đã tạo ra được một bước phát triển mới trong quan hệ với Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung, có lợi cho hòa bình và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới./.