Hội thảo khoa học: “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”
20:11, ngày 04-06-2012
TCCSĐT – Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Phạm Hùng (11-6-1912 – 11-6- 2012), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung với cách mạng Việt Nam, sáng 4-6-2012, tại Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: TS Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng, GS,TS Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an: đồng chí Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư.
Cùng dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Bùi Quang Bền, Thứ trưởng Bộ Công an; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí Thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; Trần Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang; Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Tư lệnh Quân khu 9; Đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, An Giang…; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Quân khu 9; đại diện các bộ, ban, ngành của Trung ương, ban tuyên giáo các tỉnh, thành phía Nam, các nhà khoa học, các đồng chí lão thành cách mạng và thân nhân gia đình đồng chí Phạm Hùng.
Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long” được tổ chức trọng thể vào lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thành công của Hội thảo sẽ góp phần làm tăng thêm động lực tinh thần, động viên các cấp, các ngành, các địa phương; cổ vũ cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động sáng tạo trong công tác và học tập, lập nhiều thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và những học trò xuất sắc của Người; không ngừng giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.
Trong Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tóm tắt và nêu bật những công lao to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng: cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng gắn với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất oanh liệt, hào hùng của Đảng, của dân tộc ta và quê hương Vĩnh Long. Đồng chí là nhà lãnh đạo, nhà tổ chức tài năng, là cán bộ sâu sát với quần chúng, nhân dân, lời nói luôn đi đôi với hành động. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Long - mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, năm 1946, trên cương vị Bí thư Xứ ủy và Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, cùng với các cựu tù chính trị Côn Đảo, đồng chí đã củng cố, tăng cường cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Nam bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến trong thời kỳ khó khăn, phức tạp nhất của cách mạng nước ta; xóa bỏ thành kiến giữa “Việt Minh cũ - Việt Minh mới” (Giải phóng và Tiền Phong). Là Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đồng chí lại cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân ta nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí tiếp tục đem hết tâm huyết và trí tuệ của mình phục vụ Đảng, phụng sự nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với mục đích làm rõ những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với cách mạng Việt Nam, trong Báo cáo Đề dẫn Hội thảo đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị các đại biểu tập trung đi sâu làm rõ thêm các nội dung cơ bản: đồng chí Phạm Hùng - người cộng sản kiên cường, bất khuất; đồng chí Phạm Hùng - nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta; đồng chí Phạm Hùng - tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng; đồng chí Phạm Hùng - người con kiên trung của quê hương Vĩnh Long.
Theo đó, để nêu lên những đóng góp của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Thượng tướng Trần Đại Quang nêu rõ: một trong những quan điểm nhất quán xuyên suốt trong tư duy chỉ đạo chiến lược của đồng chí Phạm Hùng, là xây dựng công an nhân dân trở thành một trong những lực lượng vũ trang trọng yếu có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng chí đặc biệt quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chú trọng giáo dục, rèn luyện tư cách người công an cách mạng theo sáu Điều Bác Hồ dạy.
Với tham luận “Đồng chí Phạm Hùng - người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng”, PGS, TS Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, gần 15 năm trong nhà tù đế quốc, hơn 11 năm bị lưu đày ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng không ngừng nêu cao tinh thần cách mạng, thể hiện rõ là người lãnh đạo xuất sắc, người đứng mũi chịu sào, luôn bất khuất, hiên ngang, hiểm huy không sờn lòng, khó khăn không lùi bước, luôn tỏ rõ tinh thần lạc quan cách mạng, với một khí thế tấn công quân thù không khoan nhượng. Trong xây dựng và phát triển đất nước, là người đứng đầu Chính phủ, trực tiếp chỉ đạo các cấp, các ngành hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng… đồng chí xứng danh là một người cộng sản chân chính, nhà cách mạng mẫu mực của cách mạng Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh với tham luận “Đồng chí Phạm Hùng với đại thắng mùa Xuân 1975” và tham luận “Phạm Hùng với khúc quanh lịch sử” của đồng chí Nguyễn Kí Ức - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã khơi dậy những hình ảnh oanh liệt của quân và dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc để nêu bật vai trò, sự đóng góp quan trọng của đồng chí Phạm Hùng trong giai đoạn lịch sử quan trọng này.
Với tham luận “Đồng chí Phạm Hùng sống mãi trong lòng người dân Sài Gòn - Gia Định”, đồng chí Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại các sự kiện cách mạng của địa phương gắn với những công lao quan trọng của đồng chí Phạm Hùng, nhất là việc đồng chí luôn theo dõi sát sao các hoạt động của tổ chức đảng và chỉ đạo đường lối của cách mạng Việt Nam trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định trong đấu tranh giải phóng miền Nam, cũng như kiến thiết đất nước; đặc biệt đồng chí đã giải quyết hàng ngàn mẫu đất để nhân dân trồng cao su, xây dựng nhà máy điện Trị An và nhiều công trình dân sinh khác… góp phần làm nên diện mạo của Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.
Là Thư ký cuối cùng của đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Phan Diễn đã chia sẻ những kỷ niệm khi được làm việc với đồng chí Phạm Hùng, đồng chí còn cho biết thêm: trăn trở trước khó khăn của đất nước sau ngày hoàn toàn thống nhất, đặc biệt là khi Đại hội VI của Đảng thành công, đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta lúc bấy giờ đã chỉ đạo một khối lượng công việc khổng lồ để tiến hành công cuộc đổi mới nền kinh tế của đất nước. Đồng chí Phạm Hùng là một trong những người khởi xướng và đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới của Đảng ta; là một biểu tượng của sự liêm khiết, nghiêm khắc trong việc chống quan liêu, tham nhũng và hết sức quan tâm đến cuộc sống của nhân dân.
Phát biểu kết luận, GS, TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: Với nhiều góc độ khác nhau, các tham luận đã tập trung làm rõ quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng trong cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước ta; Hội thảo tiếp tục khẳng định đồng chí Phạm Hùng là hiện thân mẫu mực của người chiến sĩ cách mạng tiên phong trong đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa; luôn chăm lo cho sự phát triển vững mạnh của Đảng, của dân tộc; là tấm gương sáng của người cộng sản chân chính. Với việc tập hợp được hơn 70 tham luận, có 8 tham luận trình bày tại Hội thảo, đã tập trung nêu bật những cống hiến, đóng góp quan trọng của đồng chí Phạm Hùng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước ta. Suốt quá trình hoạt động cách mạng, với tinh thần trách nhiệm cao, kiên định, sáng tạo, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: trong công tác, đồng chí luôn thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tài năng; có phong cách bình dị, gần gũi, ân cần, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào, nhưng lại rất nghiêm khắc với mình; trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, trên cương vị Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, cùng nhân dân cả nước thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi đất nước được thống nhất, trên các cương vị công tác khác nhau, đặc biệt khi đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta, đồng chí đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc, mẫu mực; luôn chăm lo xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đem hết nhiệt huyết và trí tuệ phục vụ cho Đảng và nhân dân.
Trước khi vào Hội thảo, các đại biểu đã đến dâng hương và trồng cây lưu niệm ở Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng tại ấp Long Thuận, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long./.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thăm chính thức Việt Nam  (04/06/2012)
Lập hồ sơ đề nghị hát Then là di sản văn hóa thế giới  (04/06/2012)
Thúc đẩy quan hệ hai thành phố Việt Nam-Hàn Quốc  (04/06/2012)
Thủ tướng Nhật Bản công bố đợt cải tổ nội các mới  (04/06/2012)
Đẩy mạnh hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Brazil  (04/06/2012)
Thí sinh kết thúc kỳ thi với niềm tin chiến thắng  (04/06/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay