V.Putin - Con người thay đổi nước Nga (phần IV)

Đại tá Lê Thế Mẫu lược dịch Theo http://www.putin2012.ru/#article-4
10:10, ngày 07-05-2012
TCCSĐT - Trong chương trình tranh cử Tổng thống Nga hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng V.Putin đã cho công bố 7 bài viết trình bày những nội dung cơ bản trong chiến lược xây dựng nước Nga trong nhiệm kỳ tới của ông. Nhân sự kiện ông V.Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga, Tạp chí Cộng sản lần lượt giới thiệu những nội dung cơ bản trong 7 bài viết trên để bạn đọc tham khảo.
***
Bài 4: Dân chủ và chất lượng của Nhà nước

Sự phát triển ổn định của xã hội không thể thiếu một nhà nước có năng lực, và nền dân chủ thực sự là điều kiện cần thiết để xây dựng nhà nước nhằm phục vụ lợi ích của xã hội. Không thể tạo dựng  nền dân chủ thực sự ngay tức khắc, cũng như không thể sao chép dân chủ từ bên ngoài. Cần tạo điều kiện để xã hội sẵn sàng sử dụng các cơ chế dân chủ, để đa số người dân cảm thấy mình cần phải có nghĩa vụ công dân, sẵn sàng đầu tư trí tuệ, thời gian và sức lực tham gia quá trình quản lý đất nước. Nói cách khác, dân chủ sẽ phát huy hiệu quả ở những nơi con người sẵn sàng góp phần xây dựng cho nền dân chủ đó.

Vào đầu những năm 1990, xã hội chúng ta chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống Xô-viết một đảng và được quản lý theo cơ chế mệnh lệnh - hành chính. Trong khi đó, ngay bên cạnh chúng ta đã sẵn có hình mẫu các nên dân chủ văn minh và lâu đời ở Mỹ cũng như các nước Tây Âu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng các hình thức nhà nước dân chủ đã làm ngừng trệ các cải cách kinh tế cần thiết và sau đó những hình thức này đã bị các giới tài phiệt ở trung ương và địa phương sử dụng một cách trắng trợn để phục vụ cho mục đích chiếm đoạt tài sản của toàn xã hội.

Kết cục là trong những năm 1990, dưới ngọn cờ phát triển dân chủ, chúng ta đã không thể xây dựng được một nhà nước hiện đại mà chỉ là cuộc đấu tranh gay gắt giữa các phe nhóm và vô vàn các biểu hiện của chế độ nửa phong kiến. Chúng ta đã không tạo ra được chất lượng mới cho cuộc sống, không tạo ra sự công bằng và xã hội tự do mà chỉ để lại vô vàn các hạn chế về mặt xã hội, một sự vô lối của các giới tinh hoa tự phong, công khai bỏ mặc và không đếm xỉa đến lợi ích của những người dân bình thường.

Trong những năm 1990, xã hội của chúng ta bao gồm những con người vừa mới chia tay với chế độ Xô-viết, chưa học được cách trở thành chủ nhân của chính số phận mình, vẫn quen sống và chờ đợi vào Nhà nước, nhiều khi bị thất vọng và không có khả năng ứng phó trước mọi thủ đoạn lừa gạt. Trải qua một quá trình trưởng thành đầy khó khăn, chúng ta đã phục hồi lại Nhà nước và chủ quyền của nhân dân vốn là nền tảng của nền dân chủ đích thực. Nền chính trị được hình thành trong những năm 2000 đã từng bước thể hiện được ý chí của người dân. Điều này đã được khẳng định qua mỗi lần bầu cử và các cuộc thăm dò dư luận xã hội giữa các cuộc bầu cử. Hiện nay, xã hội Nga đã hoàn toàn khác so với đầu những năm 2000.

Về sự phát triển dân chủ


"Môi trường chính trị" cũng như môi trường đầu tư đòi hỏi không ngừng được hoàn thiện. Nhưng cùng với đó, điều đầu tiên chúng ta cần phải chú ý là làm thế nào cơ chế chính trị tính hết được lợi ích của các tầng lớp xã hội.

Chúng ta không cần phải làm ảo thuật và cạnh tranh trong việc tung ra những lời hứa không có cơ sở bảo đảm. Chúng ta không cần tạo ra tình trạng mà trong đó dân chủ chỉ là một tấm biển quảng cáo, “quyền lực của nhân dân” chỉ là trò thuyết giảng chính trị diễn ra một lần như một hình thức giải trí và là sự tung hứng của các ứng cử viên qua những lời cáo buộc lẫn nhau. Chúng ta cần phải tránh xa sự bế tắc này. Trong chính trị bao giờ cũng có một phần tất yếu của công nghệ chính trị nhưng những người tự tạo dựng hình ảnh cho mình và “các nhà sản xuất quảng cáo” thì không thể là những nhà chính trị.

 
 Trung tâm thông tin quốc tế giám sát quá trình bầu cử Tổng thống Nga ngày 4-3-2012 nhằm bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ với sự tham gia của hàng ngàn quan sát viên đến từ nhiều nước.

Nền chính trị không chỉ bảo đảm tính hợp pháp của bộ máy quyền lực mà còn tạo ra niềm tin ở con người vào sự công bằng trong quyền lực, kể cả khi con người thuộc thiểu số trong xã hội. Chúng ta cần phải có một cơ chế để bảo đảm cho nhân dân đề cử những người có trách nhiệm và có trình độ chuyên môn vào bộ máy quyền lực ở tất cả các cấp để suy nghĩ vì mục đích phát triển quốc gia. Chúng ta cần một cơ chế
mở, rõ ràng linh hoạt đối với xã hội để soạn thảo, thông qua và thực hiện các quyết định có ý nghĩa chiến lược cũng như chiến thuật.

Một điều quan trọng là chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống chính trị mà trong đó mọi người
được và cần nói sự thật. Những ai đề xuất giải pháp và chương trình phải chịu trách nhiệm thực hiện những điều đó. Những ai bầu chọn những người ra quyết định phải hiểu rõ họ cần bầu chọn ai. Điều này sẽ đem lại niềm tin, sự đối thoại mang tính xây dựng cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa xã hội và bộ máy quyền lực.

Cơ chế tham gia mới


Chúng ta cần phải có khả năng phản ứng trước nhu cầu của con người ngày càng trở nên phức tạp trong thế kỷ thông tin, khi nhu cầu của xã hội đang có những chất lượng mới. Do đó, một nền dân chủ hiện đại vốn là quyền lực của nhân dân không thể chỉ dẫn đến sự “vỗ tay hoan hô”. Dân chủ chính là quyền cơ bản của nhân dân để lựa chọn bộ máy quyền lực cũng như khả năng tác động đến bộ máy quyền lực và quá trình thông qua các quyết định của bộ máy quyền lực. Nghĩa là, dân chủ cần phải có những cơ chế tác động thường xuyên và tác động trực tiếp, có các kênh đối thoại hiệu quả, có cơ chế kiểm soát xã hội, truyền thông và mối liên hệ ngược. Trước hết, chính trị thể hiện ở chỗ toàn dân được thảo luận về các dự luật, các quyết định, các chương trình được thông qua ở tất cả các cấp của bộ máy quyền lực, đánh giá các bộ luật hiện hành và hiệu quả áp dụng các bộ luật đó.

Các công dân, các liên đoàn nghề nghiệp và xã hội cần có khả năng “kiểm nghiệm” trước các văn kiện của nhà nước. Ngay từ khâu đó, sự phê phán mang tính xây dựng từ phía các cộng đồng doanh nhân, giáo viên, bác sĩ, các nhà khoa học sẽ giúp chúng ta tránh được những quyết định không thành công và tìm ra được những giải pháp tốt nhất. Do đó, chúng ta phải cải thiện ngôn ngữ soạn thảo các văn bản luật sao cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ đóng góp ý kiến.

Ngay từ bây giờ, chúng ta đang sử dụng hình thức giới thiệu các dự án luật trên mạng Internet để mỗi người đều có quyền đưa ra các đề nghị hoặc sửa đổi. Những đề nghị đó của người dân sẽ được xem xét và sẽ được tính đến trong phương án cuối cùng của dự luật. Nhưng ở đây chỉ mới thực hiện “quyền thụ động”, nghĩa là khả năng của công dân phản ứng trước những ý tưởng và đề án của bộ máy quyền lực, của các chủ thể đề xuất dự luật. Chúng ta đang cần đến một sự “tham gia chủ động” của công dân, nghĩa là tạo khả năng cho các công dân đóng góp vào nội dung dự luật, tự đề xuất phương án của mình và đề ra các hướng ưu tiên.

Do đó, tôi đề nghị đưa ra một quy định, nhà nước nhất thiết phải xem xét mọi sáng kiến của người dân một khi đã thu thập được trên 100.000 chữ ký trên mạng Internet để đưa ra xem xét tại Quốc hội. Cách làm đó đã từng được áp dụng ở Anh. Dĩ nhiên, chúng ta không thể chấp nhận những ý kiến nặc danh trên mạng Internet, do đó cần nghiên cứu soạn thảo chế độ đăng ký chính thức trên mạng Internet cho những ai muốn tham gia hệ thống góp ý này. Dân chủ trên Internet cần phải được kết hợp trong dòng chảy chung của sự phát triển các thể chế của nền dân chủ trưng cầu ý dân trực tiếp. Cách làm này cần phải được áp dụng rộng rãi ở cấp độ thành phố và khu vực.

Trang web chính thức của Chính phủ điện tử chứa đựng các thông tin về hoạt động chi tiêu của nhà nước là một cơ chế chống tham nhũng mạnh, do đó nhiều dịch vụ của nhà nước cũng cần phải được chuyển sang dưới dạng điện tử. Đây là một cách làm tốt, cần nghiên cứu áp dụng. Đặc biệt cần chú ý đến trang web của các cơ sở và chủ thể liên bang vì đó là nền tảng quyền lực điện tử.

Cần định hướng Đề án Chính phủ điện tử nhằm phục vụ nhu cầu và yêu cầu của các công dân, trong đó công khai tối đa thông tin về hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, trung ương và địa phương. Thông qua công nghệ điện tử, cần làm cho cơ chế của nhà nước trở lên dễ hiểu và dễ tiếp cận đối với công dân.

Tự quản địa phương là trường học của dân chủ


Hoạt động tự quản ở địa phương là trường học trách nhiệm của công dân. Đồng thời, đây cũng là một trường học chính trị - chuyên nghiệp, hình thành nên kinh nghiệm của một nhà chính trị trong sự nghiệp của họ. Đó là khả năng đối thoại với các tầng lớp xã hội khác nhau, biết cách đưa ý tưởng của mình đến với mọi người, bảo vệ quyền và lợi ích của các cử tri. Tôi cho rằng, sự trưởng thành về nghề nghiệp chính trị và những người quản lý trong bộ máy nhà nước cần phải được hình thành trong hệ thống tự quản ở cơ sở.

Việc gia tăng tính độc lập kinh tế là đặc biệt cần thiết đối với các thành phố lớn và trung bình. Ở đây tập trung chủ yếu tiềm lực kinh tế của đất nước và những công dân hoạt động tích cực nhất. Các thành phố phải là nguồn tăng trưởng kinh tế và sáng kiến công dân.

Một vấn đề bức xúc hiện nay là các thành phố nhỏ mà ở đó chỉ có ít công dân sinh sống. Đôi khi họ không có được nguồn thu nhập bình thường và buộc phải sống nhờ vào số tiền chuyển từ ngân sách khu vực. Trong khi đó, những thành phố nhỏ lại là môi trường tốt nhất cho hoạt động dân chủ ở địa phương. Ở đây mọi người thường biết nhau rất rõ và họ cũng biết rất rõ hoạt động của các cơ quan. Tôi cho rằng, cần phải bảo đảm cho những cơ sở này có được nguồn thu nhập lâu dài, ổn định giống như nguồn thu nhập trước đây nhận được từ khu vực.

Về Liên bang Nga

Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta quay trở lại chế độ bầu cử trực tiếp các thống đốc vùng, đồng thời, Tổng thống Nga vẫn nắm các công cụ kiểm soát, trong đó có quyền cách chức thống đốc vùng. Điều này bảo đảm hài hòa quyền lực của trung ương và địa phương.

Trung ương cần phải biết sử dụng quyền hạn đồng thời cũng phải thực hiện phân quyền. Đây không chỉ là quyền hạn mà còn là nguồn tài chính - ngân sách của địa phương và khu vực. Dĩ nhiên, Trung ương cũng không thể đánh mất khả năng quản lý đất nước nói chung; không thể chấp nhận sự phân bổ một cách cơ học nguồn lực và quyền hạn giữa các cấp trong bộ máy chính quyền. Sự phân bổ quyền lực nhà nước theo các cách khác nhau cần phải được thực hiện theo một tiêu chuẩn rõ ràng, nghĩa là cần giao phó chức năng cho cấp độ khu vực nào mà ở đó sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho các công dân Nga, cho hoạt động kinh doanh của họ, cũng như để phát triển đất nước nói chung.

Cần phải tính đến đặc điểm là các vùng lãnh thổ của Liên bang Nga đang ở trong mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau nhưng một giá trị quan trọng là tiếng Nga, văn hóa Nga, nhà thờ chính thống Nga và các tôn giáo truyền thống khác của Nga là các yếu tố liên kết, gắn kết mạnh mẽ. Dĩ nhiên, ngoài các yếu tố đó, còn là kinh nghiệm nhiều thế kỷ của các dân tộc khác nhau trong một nhà nước Nga thống nhất cùng những sáng tạo lịch sử và kinh nghiệm này rõ ràng nói lên một điều đất nước cần phải có một trung tâm liên bang mạnh, có năng lực và được tôn trọng. Đó sẽ là yếu tố chính trị có ý nghĩa then chốt để cân bằng mối quan hệ giữa các khu vực, giữa các sắc tộc và giữa các tôn giáo. Nhiệm vụ lịch sử của chúng ta chính là phát huy một cách đầy đủ nhất tiềm năng, tạo ra các yếu tố kích thích để phát triển hoạt động và tính tích cực của tất cả các khu vực trong nước.

Nhà nước có khả năng cạnh tranh

Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa là thế giới vừa cạnh tranh, vừa hợp tác giữa các quốc gia. Để tạo điều kiện tốt nhất, khả năng cạnh tranh cao nhất cho đời sống, sự sáng tạo và kinh doanh của Nhà nước Nga, cần tập trung vào những ưu tiên chủ yếu sau đây.

Một là, phải loại bỏ mối quan hệ giữa quyền lực và sở hữu; phải xác định rõ ranh giới, giới hạn can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh tế.

Hai là, phải vận dụng một cách rộng rãi kinh nghiệm thực tiễn sống động trong hoạt động của các thể chế nhà nước ở những quốc gia dẫn đầu thế giới.

Ba là, phát triển sự cạnh tranh giữa các thống đốc, thị trưởng, các nhà quản lý ở tất cả các cấp và trong tất cả các trường hợp, khi các điều này là có lợi. Muốn vậy, cần phải thiết lập lại trật tự quản lý, phát hiện và vận dụng rộng rãi kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất trong hoạt động quản lý nhà nước, đối với các quyết định ở cấp độ liên bang cũng như để thông tin cho các cử tri ở cấp độ khu vực và thành phố.

Bốn là, cần phải chuyển sang tiêu chuẩn dịch vụ nhà nước kiểu mới, không chỉ dựa trên quan điểm của người thực hiện mà còn phải dựa vào quan điểm của người sử dụng các dịch vụ đó.

Năm là, thông qua đạo luật quy định cách đánh giá thực tế về hoạt động và trách nhiệm của các quan chức dựa vào tiêu chuẩn dịch vụ công cho dân chúng cũng như cho các doanh nhân. Những ai không tuân thủ các tiêu chuẩn đó, vi phạm thô bạo hoặc vi phạm nhiều lần tiêu chuẩn dịch vụ công sẽ bị xử phạt như miễn nhiệm chức vụ.

Sáu là, phải tạo ra một đội ngũ quan chức nhà nước có trình độ chuyên môn phù hợp và có kinh nghiệm công tác. Vận dụng hệ thống trả công lao động mới để cải tiến chất lượng đội ngũ này. Thiếu điều đó sẽ không thể thu hút các nhà quản lý có hiệu quả và có trách nhiệm.

Bảy là, tiếp tục phát triển các thể chế thanh tra có chức năng bảo vệ pháp luật. Chúng ta sẽ phải đi theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa thể chế này.

Chúng ta cần phải chiến thắng tham nhũng


Trong lịch sử đã từng có người có tham vọng chiến thắng tham nhũng bằng các biện pháp trấn áp, tuy nhiên, vấn đề ở đây còn sâu sắc hơn nhiều. Đó là vấn đề minh bạch, các thể chế nhà nước nằm trong tầm kiểm soát của xã hội và vấn đề động cơ của các quan chức vốn là những người phục vụ Nhà nước.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, trẻ vị thành niên ở Nga trong những năm 1990 đã từng mơ ước chọn nghề để trở thành tài phiệt, còn hiện nay đa số họ lại lựa chọn nghề nghiệp quan chức nhà nước vì đối với nhiều người, nghề quan chức nhà nước là một nguồn bóc lột nhanh chóng và dễ dàng. Do đó, sẽ không thể tiến hành thành công bất kỳ biện pháp thanh lọc nào một khi động cơ đó còn chiếm ưu thế trong xã hội. Nếu quan chức nhà nước không được nhìn nhận như một người phục vụ nhân dân mà chỉ là nơi để thu vén cá nhân thì khi thay người này, những kẻ khác lên thay thế sẽ vẫn tham nhũng.

Để chiến thắng nạn tham nhũng đã trở thành hệ thống, không chỉ phải tách quyền lực ra khỏi quyền chiếm hữu, mà còn phải tách quyền lực hành pháp và kiểm soát quyền lực đó. Trách nhiệm chính trị trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng cần phải thuộc về cả bộ máy quyền lực.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng cần phải là công việc đích thực của toàn dân và xã hội. Những ai kêu gào to hơn tất cả mọi người về sự trì trệ trong chống tham nhũng và đòi hỏi trấn áp đều không hiểu được một thực tế là trong điều kiện tham nhũng thì hành động đàn áp có thể trở thành đối tượng tham nhũng.

Chúng ta đề nghị một giải pháp thực tế và có hệ thống, cho phép làm trong sạch các thể chế nhà nước một cách có hiệu quả hơn. Chúng ta phải áp dụng các nguyên tắc mới trong chính sách cán bộ, trong hệ thống lựa chọn các quan chức, luân chuyển và trả công cho họ. Cụ thể là chúng ta cần để cho những kẻ muốn tham nhũng nhận thấy rằng, nếu làm thế họ sẽ mất uy tín trong xã hội, mất nguồn thu nhập về tài chính, vật chất và gặp các rủi ro khác nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Tôi đề nghị xác định những chức vụ có nguy cơ tham nhũng trong bộ máy hành pháp cũng như trong bộ máy quản lý của các công ty nhà nước. Một quan chức cần phải có thu nhập cao nhưng cũng phải chấp nhận minh bạch tuyệt đối, kể cả chi tiêu và những mua sắm lớn của gia đình. Cần phải xem xét vấn đề như nơi cư trú thực tế, nguồn chi trả cho các hoạt động nghỉ ngơi. Ở đây nên nghiên cứu kinh nghiệm chống tham nhũng của các nước châu Âu để xử lý những vụ việc như vậy.

Về sự phát triển hệ thống tư pháp

Để phát triển hệ thống tư pháp, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp cụ thể.

Một là, làm cho hệ thống tư pháp dễ tiếp cận đối với các công dân. Trong đó, sẽ áp dụng thực tế lập hồ sơ tư pháp không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn đối với các cuộc tranh chấp dân sự giữa công dân với quan chức. Lập hồ sơ tư pháp trước hết là nhằm bảo vệ quyền của công dân.

Hai là, các tổ chức xã hội được quyền thay mặt công dân kiện lên tòa án nhằm bảo vệ lợi ích của các thành viên của họ, tạo khả năng cho công dân có quyền được bảo vệ khi tranh chấp với thống đốc bang.

Ba là, cần công khai hóa hoạt động của tòa án trọng tài như truyền hình trực tiếp các buổi xét xử tại toà án qua mạng Inernet và công bố biên bản báo cáo về các phiên tòa đó.

Bốn là, cần phục hồi hoạt động báo chí tại tòa án, cho phép thảo luận rộng rãi hơn và sâu sắc hơn các vấn đề luật pháp của xã hội, nâng cao trình độ nhận thức về luật pháp của công dân.

Tóm lại, các biện pháp cải tiến dân chủ và chất lượng nhà nước sẽ phục vụ lợi ích của toàn xã hội, bảo đảm cho nước Nga và xã hội Nga phát triển theo hướng hiện đại và bền vững./.