Chương VII : Một số bài học kinh nghiệm từ những chặng đường đã qua
Từ khi tạp chí Đảng ra số đầu tiên đến nay đã tròn 80 năm, trong đó 55 năm tạp chí ra được đều kỳ hằng tháng. Nhìn lại những chặng đường đã qua, điều đáng vui mừng là qua các thời kỳ, trong đấu tranh bí mật, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, tạp chí Đảng đã có những đóng góp xứng đáng vào công tác lý luận, công tác tư tưởng của Đảng.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu của tình hình mới, trước những đòi hỏi của công cuộc đổi mới đối với công tác lý luận, và trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Tạp chí Cộng sản cần phát huy truyền thống và có những cố gắng to lớn về nhiều mặt để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, luôn xứng đáng là một ngọn cờ lý luận và tư tưởng của Đảng.
Trong hành trang để bước vào giai đoạn phát triển mới, những kinh nghiệm của quá khứ có vai trò rất quan trọng.
Từ những chặng đường phát triển của Tạp chí Cộng sản trong 80 năm qua, có thể bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, luôn bám sát đường lối, các quan điểm của Đảng
Tạp chí là cơ quan lý luận và chính trị của Đảng, cho nên đường lối, quan điểm của Đảng là linh hồn của tạp chí. Những người viết bài cho tạp chí phải nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng mới có được sự nhạy cảm và sắc bén về chính trị trong việc lựa chọn đề tài, trình bày quan điểm, trong việc biểu dương và phê phán.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã và đang đạt được những thắng lợi rất quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Phục vụ tốt đường lối đó là nội dung chủ yếu của việc đổi mới tạp chí.
Ngoài nhiệm vụ trình bày đường lối của Đảng một cách khoa học, có sự phân tích cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, Tạp chí còn có nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đường lối, quan điểm của Đảng. Đặc biệt trong những thời điểm bước ngoặt của cách mạng hoặc trong những thời điểm mà tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân diễn biến phức tạp, việc bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vì trong những thời điểm đó, hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần biết rõ những quan điểm của Đảng về thời cuộc để tự mình có nhận thức và hành động đúng. Tạp chí phải đưa đến cho người đọc đường lối, quan điểm của Đảng, đồng thời phê phán một cách sâu sắc những nhận thức, quan điểm sai. Nhìn lại những chặng đường đã qua, trước những luận điệu lừa bịp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong những năm kháng chiến, trước những sai lầm của cải cách ruộng đất, sự chống đối của một số phần tử phản động trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, và gần đây, trước những luận điệu của các thế lực thù địch trong âm mưu “diễn biến hòa bình”, v.v.. tạp chí của Đảng đã lên tiếng kịp thời. Việc làm đó đã góp phần bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng, thu hút lòng tin của bạn đọc đối với tạp chí, khiến cho đông đảo bạn đọc đã coi tạp chí là “người hướng dẫn”, là “người bạn tin cậy”.
Hiện nay, trên thế giới, nhiều quan điểm lý luận tư tưởng đan xen với nhau, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa phục thù thừa cơ nổi dậy, các thế lực thù địch đang tìm mọi cơ hội, mọi sơ hở để chống phá chủ nghĩa xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, sự bùng nổ thông tin đã ảnh hưởng nhất định đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Bài học về nắm vững và kiên quyết bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Nói đến đường lối, quan điểm của Đảng, phải nói đến sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, bởi vì chính sự lãnh đạo đó biến đường lối của Đảng thành hiện thực. Bộ Biên tập tạp chí phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, tranh thủ và tuân thủ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, bởi có như thế tạp chí mới nắm đúng nhiệm vụ biên tập của mình trong từng thời kỳ cụ thể. Tuy nhiên, với chức năng là cơ quan lý luận và chính trị của Đảng, khi thấy giữa đường lối, quan điểm của Đảng với thực tiễn cách mạng có những điểm chưa ăn khớp thì Bộ Biên tập tạp chí phải kịp thời báo cáo và xin ý kiến để có hướng nghiên cứu và biên tập sát đúng, bổ sung cho đường lối của Đảng.
Trong quá trình xuất bản tạp chí, đặc biệt là trong hơn năm thập niên vừa qua, Bộ Biên tập tạp chí thường xuyên được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ngoài các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về các nhiệm vụ chung mà Bộ Biên tập dùng làm cơ sở để định ra chương trình nghiên cứu và biên tập của mình, ngoài các cuộc gặp và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng với Bộ biên tập tạp chí, chỉ tính từ năm 1955 đến nay, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chín lần ra chỉ thị hoặc thông báo về công tác của tạp chí mà gần đây nhất là Chỉ thị số 60-CT/TW, ngày 22-12-2000, của Bộ Chính trị# Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về công tác của Tạp chí Cộng sản trong tình hình mới. Có thể nói, mỗi lần tình hình trong nước và thế giới có chuyển biến lớn, cách mạng nước ta sang thời kỳ mới, Đảng lại có chỉ thị về tạp chí, vạch rõ phương hướng công tác của Bộ Biên tập, chỉ rõ các biện pháp phải thực hiện để Tạp chí đáp ứng kịp yêu cầu công tác tư tưởng của Đảng.
Do quán triệt các chỉ thị đó của Trung ương Đảng và thể hiện một cách có sáng tạo vào hoạt động của mình, Tạp chí đã vượt qua nhiều thử thách, ngày càng trưởng thành. Vì vậy, có thể nói rằng, qua lịch sử tạp chí Đảng, nổi bật lên nét đẹp truyền thống mà tạp chí luôn cần giữ gìn và phát huy: đó là tinh thần kiên quyết bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng.
Hai là, luôn nắm vững chức năng lý luận và chính trị của Tạp chí
Trên mặt trận tư tưởng, báo và tạp chí Đảng đều là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể của Đảng. Tuy vậy, mỗi loại báo và tạp chí có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Trong lúc báo Đảng đem đến cho quần chúng một cách nhanh chóng và kịp thời những thông tin về tình hình, những hiểu biết cần thiết về đường lối, chủ trương của Đảng, cổ động quần chúng hành động cách mạng thì nhiệm vụ chủ yếu của tạp chí Đảng là vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để tuyên truyền đường lối và các quan điểm của Đảng một cách sâu sắc, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ cơ sở khoa học - thực tiễn của đường lối và các quan điểm của Đảng. Tạp chí Đảng trang bị cho cán bộ, đảng viên về lý luận, về nhận thức tư tưởng, về phương pháp luận để họ có cái vốn cần thiết làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn, lãnh đạo quần chúng. Trong lịch sử, đã có những thời kỳ Trung ương Đảng không xuất bản báo, nhưng lại xuất bản tạp chí, và những bài trên tạp chí Đảng là chỗ dựa để các đảng bộ địa phương có hướng biên tập tờ báo của mình.
Với chức năng là cơ quan lý luận và chính trị của Đảng, Tạp chí Cộng sản phải làm rõ cơ sở lý luận, tính đúng đắn, tính khoa học của đường lối, chính sách của Đảng. Tạp chí lại phải dùng lý luận phân tích những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống chính trị - xã hội trong nước và trên thế giới mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, từ đó hướng dẫn các hoạt động thực tiễn. Và, từ thực tiễn phong phú của phong trào cách mạng, tạp chí phải đúc kết thành lý luận để hướng dẫn phong trào lên một bước cao hơn. Thông qua việc tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tạp chí Đảng đấu tranh chống các khuynh hướng tư tưởng sai lầm, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng. Trong cuộc đấu tranh đó, Tạp chí phải dùng lý luận để phân tích, phê phán những điều sai trái, và trình bày những tư tưởng, quan điểm, nhận thức đúng. Các bài viết đăng trên tạp chí phải có sức thuyết phục bằng sự soi sáng của lý luận. Có nắm vững chức năng lý luận chính trị của tạp chí mới phát hiện đúng những đề tài, những vấn đề mà tạp chí cần đề cập trong từng thời kỳ, và cả trong từng bài cụ thể.
Tuy nhiên, lý luận của tạp chí - hay nói một cách rộng hơn lý luận của Đảng ta không phải là thứ lý luận kinh viện, sách vở, giáo điều, mà là lý luận được kết hợp chặt chẽ với thực tiễn cách mạng nước ta. Lý luận đó phải thể hiện được sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào tình hình cụ thể của cách mạng nước ta, thể hiện tư duy độc lập, có tính nguyên tắc và sáng tạo của Đảng. Quá trình phát triển của Tạp chí cho thấy, muốn làm tốt công tác biên tập, ngoài việc nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, còn phải làm tốt công tác nghiên cứu thực tiễn, lấy thực tiễn cuộc sống để chứng minh lý luận và phát triển lý luận. Qua các thời kỳ, Tạp chí đã tạo điều kiện cho cán bộ biên tập bám sát các hoạt động thực tiễn, dự các cuộc hội nghị, đi thực tế dài ngày và ngắn ngày, nghe các báo cáo khảo sát thực tế và thông báo thường kỳ về mọi mặt của tình hình đất nước, v.v.. Sự hiểu biết thực tế, biết kết hợp chặt chẽ lý luận và thực tế, là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng bài vở. Nhìn lại lịch sử tạp chí, những bài viết có chất lượng cao, được bạn đọc hoan nghênh, đều là kết quả sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với thực tiễn nhằm thúc đẩy thực tiễn phát triển lên một bước cao hơn. Những bài như vậy thường có tác dụng rõ rệt trong việc chỉ đạo, hướng dẫn phong trào cách mạng.
Ba là, phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập
Tạp chí là của toàn Đảng, chất lượng tạp chí trước hết phụ thuộc vào sự phát triển và chất lượng các hoạt động lý luận của Đảng. Tuy nhiên, với chức trách và nhiệm vụ của mình là cơ quan lý luận và chính trị của Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng về việc tổ chức, biên tập bài của tạp chí, đội ngũ cán bộ biên tập của tạp chí có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của tạp chí. Chính họ là người vạch ra kế hoạch hằng năm, từng quý, từng tháng của tạp chí và chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch đó. Chính họ là người chịu trách nhiệm tổ chức, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên, góp ý với cộng tác viên về đề tài và nội dung thể hiện trong từng bài, trực tiếp biên tập bài do cộng tác viên gửi đến. Ngoài ra, hằng năm, họ cũng phải viết một số bài.
Bộ Biên tập tạp chí vừa là một tòa soạn, vừa là một ban của Trung ương Đảng. Điều đó đòi hỏi Bộ Biên tập chẳng những phải quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, mà còn phải quán triệt quan điểm báo chí cách mạng của Đảng. Cán bộ trong Bộ Biên tập tạp chí phải thật sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, là những người có phẩm chất chính trị tốt, có tính đảng cao, có lập trường, quan điểm vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, tin tưởng tuyệt đối ở Trung ương Đảng, có trình độ hiểu biết về lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng. Cán bộ biên tập tạp chí phải hiểu biết sâu về thực tiễn cách mạng Việt Nam, nắm được kịp thời những vấn đề cuộc sống đang đặt ra. Đồng thời họ phải là nhà báo thật sự, phải có năng lực nghiên cứu và biên tập, phải có sự nhạy cảm trong việc nắm bắt các vấn đề, và có trình độ thể hiện. Đó là chưa nói đến trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học cần thiết mà một người hoạt động báo chí không thể thiếu. Mặt khác, cán bộ biên tập tạp chí phải là những người làm báo có đạo đức, giữ vững đạo đức báo chí, không cá nhân, vị kỷ, không chạy theo danh lợi mà uốn cong ngòi bút.
Trong những nhân tố đó thì phẩm chất chính trị, sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của Đảng là đòi hỏi hàng đầu. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, qua những lần đến thăm hoặc làm việc với tạp chí, thường căn dặn: cán bộ tạp chí phải luôn luôn giữ vững lập trường, không thể dao động về mặt tư tưởng, quan điểm. Một sai lầm dù nhỏ về mặt lý luận có thể dẫn tới những tác hại lớn.
Tuy nhiên, không thể coi nhẹ các mặt trình độ và năng khiếu biên tập. Bài viết trên tạp chí không những phải đúng mà còn phải hay, có nội dung phong phú, sâu sắc, có đề tài đa dạng, có hình thức thể hiện hấp dẫn, có văn phong chuẩn mực. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ biên tập phải có trình độ và tay nghề cao. Kinh nghiệm những năm qua càng cho thấy, việc tìm tòi những hình thức thể hiện phong phú, sinh động là rất cần thiết, thiếu nó thì việc đưa tư duy mới đến với bạn đọc sẽ bị nhiều hạn chế.
Trong quá trình đã qua, do lịch sử hình thành đội ngũ cán bộ của Đảng, không thể ngay từ đầu có được đầy đủ cán bộ lý luận đáp ứng những tiêu chuẩn trên. Do vậy, khâu lựa chọn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ biên tập của tạp chí về tất cả các mặt là có ý nghĩa quyết định. Trong công việc này, một mặt, Bộ Biên tập phải phát huy tinh thần chủ động; mặt khác, sự giúp đỡ của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương, các ban Đảng Trung ương, các học viện chính trị, v.v.. là không thể thiếu.
Việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập của Tạp chí có thể được tiến hành bằng nhiều cách: cử tham dự các lớp đào tạo dài ngày, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, dự hội thảo, đi nghiên cứu thực tế trong nước và ngoài nước, học hỏi nhau trong công tác biên tập, v.v... Ngoài ra, một kinh nghiệm đáng chú ý là phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn, vì đó là cơ sở của công tác biên tập, là cơ sở nâng cao chất lượng biên tập. Đó cũng là cách để kết hợp được lý luận và thực tiễn trong nội dung của tạp chí. Đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập còn có nghĩa là phải chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, tạo phương tiện vật chất cần thiết để cán bộ có điều kiện hoạt động thuận lợi. Thực tế cho thấy là một khi trụ sở của tạp chí được nâng cấp xây dựng khang trang hơn, phương tiện làm việc của cán bộ (sách báo, tài liệu tham khảo, máy vi tính v.v..) được đầy đủ hơn, điều đó sẽ có tác dụng đáng kể góp phần nâng cao chất lượng tạp chí.
Bốn là, xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên
Để nâng cao chất lượng của tạp chí, sự nỗ lực của bản thân Bộ Biên tập là chưa đủ. Tạp chí muốn tồn tại và phát triển tốt, phải dựa vào đội ngũ cộng tác viên. Khi Đảng chưa nắm được chính quyền, còn phải hoạt động bí mật, việc tập hợp đội ngũ cộng tác viên tạp chí dĩ nhiên chưa thể được đặt ra. Nhưng sau khi Đảng đã giành được chính quyền, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, mặc dù xuất bản trong hoàn cảnh kháng chiến, đã coi trọng công tác cộng tác viên. Cho đến Tạp chí Học tập thì việc huy động những cộng tác viên có tài năng vào việc viết bài cho tạp chí được coi là một mặt công tác quan trọng trong hoạt động của tạp chí. Hiện nay, bình quân hằng năm, cộng tác viên đóng góp khoảng 65% - 75% số bài đăng trên tạp chí. Vì vậy, có thể nói đội ngũ đó là lực lượng chủ yếu quyết định chất lượng của tạp chí. Đội ngũ đó trước hết gồm các đồng chí lãnh đạo của Đảng, của các ngành, các cấp. Theo quy định của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo của Đảng mỗi năm phải viết ít nhất một bài có tính lý luận cho tạp chí. Các đồng chí ủy viên Trung ương phụ trách các ngành cũng phải viết bài cho tạp chí của Đảng. Điều đáng mừng là qua các thời kỳ phát triển của tạp chí, nhiều đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, nhất là các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã quan tâm viết bài cho tạp chí. Tính bình quân thì từ 1955 đến nay, số bài do các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng viết cho tạp chí hằng năm chiếm khoảng 1/4 tổng số bài đăng trên tạp chí. Những bài đó thường là những bài có chất lượng, có tác dụng tích cực trong việc chỉ đạo, hướng dẫn thực tiễn.
Đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí còn bao gồm những cán bộ lý luận, cán bộ nghiên cứu, cán bộ khoa học làm việc ở các cấp, các ngành, đặc biệt là các ngành ở Trung ương. Các đồng chí đó là những người vừa có trình độ lý luận, vừa có sự hiểu biết sâu sắc về tình hình thực tiễn. Những đề tài nghiên cứu của họ, kết quả của một quá trình tìm tòi, suy nghĩ, nếu được thể hiện thành bài vở đăng trên tạp chí, sẽ là những bài có chất lượng cao.
Kinh nghiệm cho thấy, để tập hợp được đông đảo đội ngũ cộng tác viên, trước hết cán bộ của Bộ Biên tập phải có đủ trình độ và phẩm chất giao dịch với cộng tác viên, có khả năng phát hiện những người có tài năng, tiếp nhận những thông tin của họ và gợi ý cho họ những đề tài cần thiết. Cán bộ trong Bộ Biên tập phải thường xuyên thông báo cho cộng tác viên kế hoạch biên tập của tạp chí, và chọn cộng tác viên để đặt bài thích hợp. Ngoài sự cố gắng của từng cán bộ trong Bộ Biên tập, ban lãnh đạo tạp chí hằng năm phải gặp gỡ đông đảo cộng tác viên, thông báo với họ tình hình năm qua và hướng biên tập năm tới của tạp chí, đồng thời lắng nghe ý kiến của họ nhận xét, đánh giá công việc của tạp chí.
Một trong những yêu cầu hàng đầu đối với cộng tác viên là phải quán triệt đường lối của Đảng, thể hiện đúng quan điểm của Đảng. Mọi sự tìm tòi nghiên cứu, mọi cuộc trao đổi ý kiến đều phải nhằm mục đích làm sáng tỏ cơ sở khoa học của đường lối, quan điểm của Đảng, tính đúng đắn của đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần hoàn thiện đường lối và các quan điểm đó. Từ khi ra đời đến nay, qua các thời kỳ, tạp chí đều coi trọng các bài nghiên cứu, các bài trao đổi ý kiến, các cuộc tranh luận, v.v.. nhưng tất cả đều nhằm mục đích xây dựng, củng cố sự lãnh đạo của Đảng. Bộ Biên tập cần làm cho mỗi cộng tác viên thấy rõ những đòi hỏi đó trong việc viết bài cho tạp chí, đồng thời cũng căn cứ vào những đòi hỏi đó để có hướng đúng trong công tác xây dựng đội ngũ cộng tác viên.
Năm là, phải làm tốt công tác phát hành - bạn đọc và công tác tuyên truyền
Sau khi được in ra, tạp chí có phát huy được tác dụng tốt hay không còn tùy thuộc ở số người sử dụng và cách sử dụng tạp chí. Vì vậy, vấn đề được đặt ra trước hết là trong từng thời kỳ, tạp chí Đảng phải xác định rõ đối tượng người đọc của mình.
Đối tượng bạn đọc của Tạp chí thay đổi qua các thời kỳ, tùy theo sự phát triển của phong trào cách mạng, yêu cầu của công tác xây dựng Đảng, trình độ chính trị và học vấn của cán bộ và nhân dân, v.v.. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đối tượng của tạp chí Đảng là cán bộ Đảng từ trung cấp trở lên. Từ năm 1955, ngoài đối tượng đó còn có thêm những người ngoài Đảng và những trí thức muốn nghiên cứu lý luận và chính trị. Năm 1962, trong Chỉ thị số 41, Bộ Chính trị quy định đối tượng của tạp chí là cán bộ của Đảng từ sơ cấp trở lên. Năm 1978, trong Chỉ thị số 32, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Tạp chí Cộng sản cần được phát hành đến tận các chi bộ của Đảng. Chi bộ và đảng viên của Đảng có nhiệm vụ đọc và vận động nhiều người đọc Tạp chí Cộng sản”. Năm 1985, trong Chỉ thị số 59, Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định: tạp chí cần được phát hành đến các đảng ủy cơ sở và có một lượng thích đáng bán lẻ cho bạn đọc ngoài Đảng. Trong Chỉ thị ngày 29-3-1988, Ban Bí thư chỉ rõ: “Cho phép các đảng bộ cơ sở và chi bộ đông đảng viên được sử dụng đảng phí mua Tạp chí Cộng sản”. Vấn đề này một lần nữa được nhấn mạnh tại Chỉ thị số 60-CT/TW, ngày 22-12-2000, của Bộ Chính trị về công tác của Tạp chí Cộng sản trong tình hình mới: “Các cấp ủy đảng và cơ quan tuyên giáo các cấp cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung và hướng dẫn sử dụng có hiệu quả Tạp chí Cộng sản trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các đảng bộ thuộc cơ sở, các chi bộ thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn thể của trung ương, các chi bộ thuộc lực lượng vũ trang, công an nhân dân; các chi bộ thuộc các Tổng công ty 90, 91 được sử dụng đảng phí để mua Tạp chí Cộng sản. Các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam cần giới thiệu mục lục và nội dung chủ yếu của mỗi số Tạp chí Cộng sản”.
Lịch sử tạp chí Đảng cho thấy, có xác định rõ đối tượng phục vụ, tạp chí mới giữ đúng tôn chỉ, mục đích của mình, mới có hướng đi nhất quán, không chao đảo. Khi đối tượng bạn đọc đã được xác định, tạp chí phải bằng mọi cách tìm hiểu đặc điểm, trình độ, yêu cầu của bạn đọc để có hướng biên tập thích hợp ngay cả cho từng số. Trong quá trình xuất bản tạp chí, phải thường xuyên lắng nghe ý kiến nhận xét, đóng góp của bạn đọc để cải tiến kịp thời và đúng hướng công tác biên tập. Bộ Biên tập tạp chí cần có những hoạt động nhiều mặt để tăng cường mối liên hệ giữa tạp chí với bạn đọc và tuyên truyền cho tạp chí. Những hoạt động đó bao gồm việc lắng nghe ý kiến của bạn đọc đối với tạp chí, các cuộc tiếp xúc với bạn đọc, tiếp nhận và trả lời một cách nghiêm túc thư của bạn đọc, tổ chức đều kỳ việc giới thiệu tạp chí trên các báo, đài, v.v.. Những năm gần đây, trong hoàn cảnh cơ chế thị trường, các loại báo chí xuất bản ngày càng nhiều, để thu hút bạn đọc, Tạp chí càng phải tìm nhiều cách để tuyên truyền cho mình, làm cho người đọc quan tâm đến tạp chí. Dĩ nhiên, để làm tốt việc này, điều trước hết là Tạp chí phải đổi mới về mặt nội dung, đi sát cuộc sống, nâng cao tính lý luận và tính chiến đấu, nhưng bên cạnh đó việc tuyên truyền, giới thiệu tạp chí, thu hút sự chú ý của bạn đọc cũng là điều không thể thiếu.
Việc tuyên truyền, giới thiệu tạp chí rất cần có sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp ủy ở địa phương, các ngành, cũng như các cơ quan thông tin đại chúng. Đặc biệt, các cấp ủy cần lãnh đạo tốt việc phát hành, việc đọc và sử dụng tạp chí để cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ quán triệt các quan điểm lý luận, tư tưởng trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, từ đó có hướng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác của địa phương, của ngành. Việc làm đó vừa đáp ứng lợi ích của địa phương, của ngành, vừa góp phần tích cực vào việc tuyên truyền cho tạp chí.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ  (17/05/2011)
Giao lưu trực tuyến về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016  (17/05/2011)
Chương III : Tạp chí Cộng sản từ 1977 đến 1986  (17/05/2011)
Chương II : Tạp chí Tiền phong  (17/05/2011)
Tạp chí Nghiên cứu  (17/05/2011)
Chương II : Tạp chí Học tập (1955-1976)  (17/05/2011)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên