Trung Quốc đã đặt mục tiêu giảm tăng trưởng kinh tế xuống còn 8% trong năm nay sau năm năm liên tiếp tăng trưởng hơn 10%. Đây là mục tiêu đặt ra cho kinh tế vĩ mô để giảm lạm phát và “hạ nhiệt” nền kinh tế đang tăng trưởng quá “nóng”.

Trình bày báo cáo về công tác của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội khóa 11 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói: "Trên cơ sở cải thiện cơ cấu kinh tế, năng suất lao động, hiệu suất sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng khoảng 8% trong năm nay".

Các nhà kinh tế Trung Quốc nhận định, mục tiêu tăng trưởng 8% là một định hướng cho việc điều chỉnh vĩ mô hơn là một mục tiêu cụ thể. Mục tiêu này không có nghĩa là tăng trưởng kinh tế sẽ thực sự giảm được nhiều như vậy.

Một số nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ vào khoảng 10%, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 11,4% trong năm ngoái.

Đây cũng là thông điệp rõ ràng gửi đến các chính quyền địa phương, đó là tập trung vào chất lượng chứ không phải là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thời điểm hiện nay, Trung Quốc cần tránh sự biến động mạnh về tăng trưởng kinh tế do tác động của những xáo trộn có khả năng xảy ra trên thị trường trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Những chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng, tác động của việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại đối với xuất khẩu của Trung Quốc vẫn chưa rõ, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức ở bên trong nhiều hơn là từ bên ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng này là có tính khoa học và bền vững. Chìa khóa cho sự phát triển của Trung Quốc là bảo vệ môi trường, sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý, cải thiện hiệu quả kinh tế và thay đổi cách thức phát triển. Nhìn chung kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại không phải là điều xấu. Nó sẽ mang lại cơ hội cần thiết để điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế và thay đổi cách thức tăng trưởng.

GDP của Trung Quốc năm 2007 tăng 11,4% so với năm 2006, lên mức hơn 24 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 3.430 tỉ USD), nhưng những nguy cơ về lạm phát tăng và tăng trưởng kinh tế quá “nóng” cũng gia tăng.

Năm 2007, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc - thước đo lạm phát chính - tăng 4,8% so với năm 2006, cao hơn mức mục tiêu 3% do Chính phủ Trung Quốc đặt ra.

Tháng giêng năm nay, CPI của Trung Quốc tăng 7,1% do giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng vào dịp Tết Nguyên đán và hiện tượng tuyết rơi dày, kéo dài nhất trong 50 năm qua gây thiệt hại nặng tại các tỉnh miền trung và miền nam Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, tuyết rơi dày, kéo dài gây tổn thất ít nhất 111 tỉ nhân dân tệ (15,4 tỉ USD), lạm phát tăng, cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp mua nhà trả góp và giá dầu tăng vọt trên thị trường thế giới đã đặt ra những thách thức “chưa từng có” đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay, Trung Quốc sẽ thực thi một chính tài chính thận trọng và một chính sách tiền tệ thắt chặt.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã khẳng định nguy cơ chính hiện nay đối với nền kinh tế Trung Quốc là lạm phát và Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên trì thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ.

Ngân hàng này đã tiến hành một loạt các biện pháp như: từ năm ngoái đến nay đã 11 lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và sáu lần tăng lãi suất để giảm lượng tiền quá lớn trong lưu thông và các biện pháp này đã đóng vai trò tích cực trong việc giảm tốc độ tăng của lạm phát.

Trong bản báo cáo đưa ra vào tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẵn sàng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Báo cáo có đoạn: “Chúng tôi sẽ sử dụng việc tăng lãi suất một cách hợp lý và từng bước xúc tiến cải cách lãi suất trong cơ chế thị trường. Dựa trên những thay đổi về tình hình tài chính và kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, chúng tôi sẽ sử dụng công cụ lãi suất một cách thích hợp để kiềm chế lạm phát và ổn định lạm phát kỳ vọng”.

Năm 2007, Trung Quốc đã sáu lần tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và “làm nguội” nền kinh tế.