Công nhân ở các nước Bắc Âu hiện nay
Các nước Bắc Âu gồm Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và Ai-xơ-len đang bước vào trình độ kinh tế tri thức. Công nhân Bắc Âu tuy có thể coi là một trường hợp tiêu biểu trong sản xuất hiện đại, nhưng cũng đang phải chịu sự tác động nhiều mặt của mô hình kinh tế thị trường xã hội và thể chế chính trị - xã hội tại nơi đây.
1 - Là công nhân tri thức
Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một nước được coi là có nền kinh tế tri thức khi: 70% GDP được mang lại từ công nghệ cao; 70% giá trị gia tăng là từ lao động trí óc; công nhân tri thức chiếm 70% tổng số công nhân;... Thực tế các nước Bắc Âu hiện nay đối chiếu với các chỉ số trên đều gần như thỏa mãn.
Trong cơ cấu kinh tế của các nước Bắc Âu, tỷ trọng dịch vụ khoảng gần 70%; công nghiệp khoảng 25% và nông nghiệp từ 3% đến 5%. Chẳng hạn năm 2005, Thụy Điển chỉ có 2% lao động nông nghiệp, 29% lao động công nghiệp và 69% lao động dịch vụ. Ai-xơ-len, nông nghiệp chiếm 8,4%, công nghiệp chiếm 15,6% và dịch vụ chiếm 76% GDP. Na Uy, những con số tương ứng là 2,2%, 37,2%, 60,6%...
Tỷ trọng các ngành công nghệ cao chiếm phần lớn trong GDP các nước Bắc Âu. Tỷ trọng này của Phần Lan đã tăng gấp 5 lần trong 10 năm gần đây do đi nhanh vào công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Trong khi 300 công ty lớn nhất thế giới chi trung bình 4% doanh thu cho nghiên cứu triển khai (R&D), thì các công ty Phần Lan đầu tư gấp đôi, đạt 10,4%. Theo đó, chỉ số cạnh tranh thương mại (BCI) của nhiều nước Bắc Âu vượt trội trên thế giới. Theo Báo cáo phát triển của Ngân hàng thế giới, năm 2006, về chỉ số BCI, Phần Lan đứng thứ 1, Thụy Điển thứ 3, Đan Mạch thứ 4. Trong thống kê về 10 nước có số người nối mạng nhiều nhất trên 1.000 dân thì khối các nước Bắc Âu cũng đứng ở tốp đầu: Ai-xơ-len là 102, Phần Lan: 100, Thụy Điển: 91, Na Uy: 90, Đan Mạch: 87.
Công nghiệp và dịch vụ các nước Bắc Âu phát triển mạnh và có nhiều ngành công nghiệp đỉnh cao với những thương hiệu nổi tiếng của các công ty xuyên quốc gia (TNC) khổng lồ. Chẳng hạn Nokia (Phần Lan) chiếm 37% thị phần điện thoại di động thế giới; Đan Mạch sản xuất hoặc quản lý ri-xăng của 30% động cơ tàu biển thế giới...
Công nghiệp vẫn là ngành mang lại giá trị kinh tế lớn nhất và công nhân là lực lượng sản xuất hàng đầu của các nước Bắc Âu. Tại Thụy Điển, chế tạo máy là ngành công nghiệp lớn nhất có khoảng 450.000 công nhân, sản xuất ra 42% giá trị sản xuất công nghiệp, 50% giá trị công nghiệp xuất khẩu. Công nghiệp hóa chất có khoảng 75.000 công nhân, chiếm 11% giá trị sản xuất công nghiệp, 13% giá trị xuất khẩu. Công nghiệp khai khoáng và luyện kim có 72.000 công nhân, sản xuất 6% giá trị sản xuất công nghiệp, 7% giá trị xuất khẩu. Công nghiệp giấy và gỗ có 124.000 công nhân, chiếm 16% giá trị sản xuất công nghiệp, 20% giá trị xuất khẩu...
Công nhân Bắc Âu là sản phẩm trực tiếp của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và của sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản trong mô hình kinh tế thị trường xã hội. Trình độ tri thức, văn hóa của công nhân Bắc Âu khá cao, khoảng 40% có trình độ đại học hoặc cao đẳng. Để đạt được tỷ lệ này, nhà nước thực hiện quyền được hưởng giáo dục trung học miễn phí, sau đó ứng trước một khoản cho người lao động để học nghề và nâng cao trình độ. Khoản này được thu hồi lại thông qua thuế thu nhập và một số ràng buộc khác. Điều này làm cho công nhân bị lệ thuộc hơn vào chế độ tư bản, song như nhận định của C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" rằng, đó là một cách mà "giai cấp tư sản đang tạo ra những người sử dụng vũ khí để giết mình". Vị thế của người công nhân đang được cải thiện từ trình độ văn hóa, tay nghề. "Tri thức của công nhân trở thành sức mạnh để cải thiện địa vị bản thân"(1) và là một năng lực để nhận thức và cải tạo xã hội. Sản xuất hiện đại đang tạo ra một thế hệ mới của những người đảm nhận sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân hiện đại - công nhân tri thức.
2 - Đang được "trung lưu hóa"
Có hai tác động tạo nên mức sống khá giả của công nhân Bắc Âu. Thứ nhất, các nước Bắc Âu có nền sản xuất đạt trình độ xã hội hóa cao với năng xuất lao động thuộc tốp đầu của thế giới. Thứ hai, chính sách kinh tế thị trường xã hội và sự vận dụng khá triệt để lý thuyết xã hội hóa phân phối: Nhà nước vẫn khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân nhưng điều chỉnh lại bằng thuế thu nhập. Sự điều chỉnh của nhà nước đóng vai trò lớn trong điều tiết và bảo đảm mức sống của người lao động theo nguyên tắc: vừa phát huy tính tích cực của thị trường, sự linh hoạt của sở hữu tư nhân, lại vừa không để xuất hiện những chênh lệch lớn trong xã hội.
Ngoài ra, có một số nhân tố khác cùng góp phần cho việc nâng cao mức sống: dân số ít, mật độ dân số thưa (trung bình 17 người/km2); thu nhập bình quân đầu người thuộc loại cao nhất thế giới. Năm 2006, bình quân ở Ai-xơ-len là 54.858 USD, Na Uy: 40.784 USD, Đan Mạch: 37.000 USD, Phần Lan: 33.700 USD, Thụy Điển: 32.200 USD.
Tuy nhiên, sự phân tầng trong công nhân là khá mạnh mẽ. Vào những năm 50 - 60 (của thế kỷ XX) trở về trước, công nhân ở những nước này, về cơ bản, là thuần nhất và tương đối thống nhất về địa vị kinh tế, vị trí xã hội, nhu cầu tinh thần... thì ngày nay họ bị phân hóa khá rõ thành những nhóm như sau:
Nhóm công nhân hiện đại gắn bó và có năng lực đáp ứng được yêu cầu của kinh tế tri thức. Hiện có một khoảng cách nhất định giữa tính tiêu biểu cho sản xuất hiện đại và tính tích cực, tiên phong chính trị của nhóm xã hội này. Về thu nhập và mức sống, họ thuộc trung lưu lớp trên, tỷ lệ của nhóm này thường chiếm từ 50% - 60% trong công nhân. Trung lưu hóa được các nhà nước Bắc Âu khuyến khích vì họ cho rằng "tầng lớp trung lưu là một chiếc neo bảo đảm sự ổn định xã hội"(2). Phần lớn trong họ là cơ sở xã hội cho các đảng xã hội dân chủ. Với họ, độ ổn định của mức sống khá giả và những điều chỉnh của chính quyền là hai tác động khiến cho ý thức đấu tranh và mục tiêu đấu tranh giai cấp hoặc suy giảm, hoặc chưa xuất hiện.
Nhóm công nhân truyền thống có mức sống tạm đủ, phụ thuộc khá mạnh vào tác động của thị trường thế giới và sự lên xuống của các công ty xuyên quốc gia nơi họ phải bán sức lao động. Họ chiếm khoảng 20% - 25% lực lượng công nhân.
Nhóm công nhân trình độ trung bình hoặc thấp trong các ngành có mức lương thấp, thường là người nhập cư. Tỷ lệ có khác nhau ở các quốc gia Bắc Âu, thông thường từ 10% - 15% trong lao động xã hội. Nhìn chung do luật nhập cư của nhiều quốc gia Bắc Âu khá chặt chẽ nên nhóm công nhân nhập cư ở các nước này còn ít so với các nước Tây Âu. Họ thường là nhóm công nhân có nguồn gốc Đông Âu. Hai nhóm sau vẫn là lực lượng trung kiên trong các phong trào đấu tranh vì tiến bộ xã hội.
3 - Đang chịu tác động nhiều mặt của môi trường chính trị khá đặc thù
Vai trò của các đảng cộng sản với công nhân Bắc Âu. Cuộc cạnh tranh về uy tín chính trị trong cơ chế đa nguyên là khá phức tạp. Song, thập niên gần đây, vị thế và vai trò của các đảng cộng sản Bắc Âu đã có dấu hiệu phục hồi, dẫu tốc độ, quy mô vận động còn chậm và ảnh hưởng với xã hội còn chưa được như mong đợi. Trong các văn kiện cương lĩnh, các đảng cộng sản đều khẳng định chủ nghĩa tư bản tuy tạm thời có được ưu thế, song xã hội đang đứng trước nhiều nguy cơ và nhiều vấn đề chính trị, kinh tế xã hội nan giải. Chủ nghĩa tư bản có những biến đổi, điều chỉnh và tạm có được thế cân bằng nhưng không thể là tương lai của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội mới là giải pháp cho sự phát triển nhân bản và bền vững. Các đảng cộng sản đều nhấn mạnh nhiệm vụ chính trị hiện nay là liên minh với các lực lượng cánh tả, tranh thủ quần chúng, tích cực đấu tranh bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động trước chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa. Trong bối cảnh chính trị phức tạp như hiện nay, thì sự phục hồi và có ảnh hưởng chính trị công khai trong xã hội của các đảng cộng sản Bắc Âu cần được xem như một thành tựu quan trọng. Bối cảnh chính trị - xã hội Bắc Âu đang đặt ra cho các đảng cộng sản những nhiệm vụ đặc thù. Đó là phát triển dân chủ, triệt để tận dụng những tiền đề kinh tế và xã hội mà chủ nghĩa tư bản phát triển tạo ra để giác ngộ nhu cầu dân chủ xã hội chủ nghĩa và có được những hành động mang tính tích cực chính trị cao hơn.
Các đảng xã hội dân chủ vốn cầm quyền đã lâu, khá nhiều kinh nghiệm chính trị và còn hấp dẫn với nhiều nhóm xã hội. Tác động của các đảng cánh tả và trung tả đối với xã hội Bắc Âu là khá mạnh và trên thực tế, họ cũng đã làm được không ít những điều mà người dân bình thường hằng mong muốn. Tuy nhiên, quan niệm mang màu sắc "tả" và hành động "cải lương" xã hội tư bản, xây dựng "dân chủ siêu giai cấp" của các đảng xã hội dân chủ đang gây ra nhiều ảnh hưởng phức tạp trong phong trào công nhân Bắc Âu.
Công đoàn các nước Bắc Âu là một tập hợp của nhiều tổ chức công đoàn - nghề nghiệp. Khả năng thu hút lượng thành viên lớn là nét rất riêng của nhiều tổ chức công đoàn Bắc Âu và ít gặp trong bối cảnh hiện nay. Tổng công đoàn Thụy Điển hiện vẫn duy trì được số lượng với khoảng 90% công nhân áo xanh (2,2 triệu) và 80% viên chức (khoảng 1,3 triệu) trong tổng số 4,4 triệu lao động. Hình thức hoạt động của công đoàn cũng có sự thay đổi, thương lượng tập thể có lúc được thay thế bằng luật pháp hoặc được phân cấp cho các ngành. Mối quan tâm của các công đoàn Bắc Âu cũng đang ngày càng mở rộng hơn, bởi vì lợi ích của người lao động đang gắn với quá trình đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn xuyên quốc gia. Nó phản ánh sự gắn kết lợi ích của người lao động từng nước trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, một xu thế mà C.Mác và Ph.Ăng-ghen từng đúc kết: "Công nhân toàn thế giới đoàn kết lại!". Khác với một số nước Tây Âu và Bắc Mỹ, công đoàn Bắc Âu trong nhiều trường hợp, khá gắn bó với hệ thống chính trị hiện hành. Việc xã hội tạo ra cho người lao động nếp nghĩ theo pháp luật và cách ứng xử theo những khuôn mẫu của chính trị tư sản là một thách đố, có thể là lớn nhất, với hoạt động của công đoàn và các đảng cộng sản tại các nước Bắc Âu.
(1) Lại Văn Sang: Chủ nghĩa tư bản hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t1, tr 76
Sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản ”  (12/03/2008)
Sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản ”  (12/03/2008)
Mũi nhọn kinh tế - Cơ sở lý luận và thực tiễn.  (12/03/2008)
Vấn đề cải tổ Liên hợp quốc trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay  (12/03/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên