Quảng Ninh bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân
TCCS - Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Quảng Ninh có nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng, miền, khoảng cách giàu nghèo, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển toàn diện và bền vững.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng chi an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 1.435 tỷ đồng, tăng 38,4% cùng kỳ (cùng kỳ 1.037 tỷ đồng). Đạt được kết quả này, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, như hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở; chăm sóc sức khỏe nhân dân, đầu tư cho giáo dục - đào tạo, bảo trợ xã hội...
Chú trọng phát triển nhà ở xã hội
Là địa phương có số lượng lớn lao động đến từ nhiều tỉnh, thành phố, do đó, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở xã hội, giúp người lao động yên tâm an cư - lạc nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, thu hút lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2279/QĐ-UBND, ngày 8-8-2022 phê duyệt đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh; quy hoạch 663 ha đất dành cho đầu tư nhà ở xã hội, khoảng 55,5ha đất xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp. Các quỹ đất này đều được quy hoạch, bố trí tại các vị trí thuận lợi về giao thông, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh có 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 4.000 căn hộ cho người thu nhập thấp, lao động, công nhân khu công nghiệp được đầu tư xây dựng, gồm Dự án khu nhà ở xã hội khu dân cư đồi Ngân hàng thuộc phường Hồng Hải và Cao Thắng (thành phố Hạ Long); Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên) và Dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai (thị xã Quảng Yên) phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sông Khoai và 10 dự án đã lập quy hoạch đô thị nằm tại địa bàn thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh đã có 343 cá nhân và hộ gia đình đủ điều kiện được phê duyệt hồ sơ mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội khu dân cư đồi Ngân hàng thuộc địa phận 2 phường Hồng Hải và Cao Thắng (thành phố Hạ Long). Trong đó, có 275 cá nhân và hộ gia đình đã ký hợp đồng mua căn hộ. Song song, tỉnh Quảng Ninh cũng đã đẩy mạnh thu hút đầu tư; công bố công khai, rộng rãi các chương trình, đề án, kế hoạch, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư; chỉ đạo triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Để đáp ứng nhu cầu của cá nhân và hộ gia đình, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiên nguồn vốn bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người thu nhập thấp, giúp người dân ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển bền vững,… để mọi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, có điều kiện tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng và hướng tới dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa… Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư, tạo điều kiện phát triển ngành y tế thông qua các cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực; các dự án đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, củng cố kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất. Đây chính là những “cú huých” mạnh tạo đà cho y tế Quảng Ninh phát triển.
Về công tác khám, chữa bệnh, trong 9 tháng đầu năm, ngành y tế Quảng Ninh đã triển khai khám, chữa bệnh cho 237.919 lượt người, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2023. Tại các bệnh viện đã thực hiện xây dựng các quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiều kỹ thuật của tuyến Trung ương đã được triển khai thực hiện tại bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện, hoạt động chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tuyến dưới được tích cực triển khai. Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giải pháp sử dụng chung nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với hoạt động chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn giữa các đơn vị trong tỉnh, qua đó chất lượng dịch vụ y tế và công tác khám, chữa bệnh ngày một nâng lên, tạo sự tin tưởng, hài lòng của người bệnh và nhân dân. Tỷ lệ chuyển tuyến là 3,55%, thấp nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Đầu tư nâng cấp và sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng bảo đảm đồng bộ, hiện đại cho cả hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám, chữa bệnh. Sở Y tế Quảng Ninh tiến hành rà soát hiện trạng tất cả các trạm y tế xã khó khăn, xuống cấp thuộc trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố,… để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung xây dựng cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao cho y tế xã, huyện, tỉnh và được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND, ngày 8-12-2023 quy định chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Theo Nghị quyết, từ ngày 1-1-2024 đến 31-12-2025, ngành y tế tỉnh đặt mục tiêu thu hút tối thiểu 298 bác sĩ về làm việc tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã.
Đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các cơ sở y tế của tỉnh Quảng Ninh. Nhiều khu vực phòng khám, phòng bệnh bị hư hại nặng nề, nhưng các y, bác sĩ tại tất cả các đơn vị y tế không chỉ bảo đảm an toàn về tính mạng cho người bệnh và nhân viên, còn cố gắng duy trì liên tục hoạt động y tế, bảo đảm các bệnh nhân vẫn nhận được sự chăm sóc tốt nhất ngay trong những tình huống thiên tai phức tạp.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ toàn diện cho nhân dân, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; đẩy mạnh công tác đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng chuyên sâu, thực hiện các chính sách thu hút bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ tốt nghiệp sau đại học về công tác tại Quảng Ninh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tích cực nghiên cứu, đưa ra giải pháp rút ngắn thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng sự hài lòng của bệnh nhân.
Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giáo dục - đào tạo
Trong mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm coi trọng thực hiện quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và dành nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đạo tạo; coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Hằng năm, ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục - đạo tạo chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh Quảng Ninh, trong đó, chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30% - 35% tổng chi thường xuyên, trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích giáo viên, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt. Chất lượng giáo dục được duy trì, giữ vững và phát triển, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng từ 90,2% lên 90,8%, dự kiến sẽ đạt và vượt chỉ tiêu năm 2024 đạt từ 91% trở lên; tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày tăng từ 85% lên 94,58%, dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu hết năm 2025 đạt 100%. Đặc biệt, điểm thi trung bình tốt nghiệp trung học phổ thông có sự tiến bộ vượt bậc, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành, tăng 11 bậc so với năm trước, tăng 25 bậc so với năm 2020.
Tỉnh Quảng Ninh có những bước tiến mạnh mẽ trong xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Năm học 2022 - 2023, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục Quảng Ninh là trên 21.200 người, trong đó cấp mầm non có 6.338 người; tiểu học có 5.857 người; trung học cơ sở có 5.829 người; trung học phổ thông có 2.976 người; khối giáo dục thường xuyên có 199 người; các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục là 1.468 người. Đội ngũ đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo đạt trên 99%.
Mạng lưới cơ sở giáo dục từ mầm non đến cao đẳng, đại học phát triển theo từng năm. Hiện, tỉnh Quảng Ninh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 1 cơ sở trực thuộc trường đại học, 646 cơ sở giáo dục phổ thông với hơn 335.000 trẻ mầm non và học sinh các cấp học. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 87,81%, đáp ứng tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới.
Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các ngành kinh tế
Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương có diện tích các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, hiện tỉnh Quảng Ninh có 4 khu công nghiệp còn dư địa phát triển, đó là khu công nghiệp Texhong Hải Hà, khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, khu công nghiệp Nam Tiền Phong, khu công nghiệp sông Khoai với diện tích có thể thu hút nhà đầu tư năm 2024 là khoảng 336 ha. Ngày 11-2-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 80/QĐ-TTg quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 5 khu kinh tế và 23 khu công nghiệp. Đây sẽ là dư địa lớn để tỉnh Quảng Ninh thu hút các nhà đầu tư FDI đến đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển theo chiều sâu các khu kinh tế, khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Đồng thời, với việc tham gia vào kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông góp phần tăng tính liên kết giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh với các địa phương trên trục cao tốc, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn. Chủ trương thu hút đầu tư FDI là thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Qua đó, tạo ra môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh lập đề án “Xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040”; chú trọng công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy và nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách.
Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Nhận thức rõ những nguy cơ, thách thức của tình trạng ô nhiễm môi trường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, coi trọng và gắn chặt với công tác bảo vệ môi trường.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”(1). Ngày 26-9-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030”.
Nỗ lực, quyết tâm vì một mục tiêu chung bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đề ra những giải pháp kịp thời, hiệu quả, phù hợp để bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên. Theo đó, một trong những giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển bền vững là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường hiện nay, tích cực chăm lo xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường ở các cấp, ngành, đơn vị, ở mỗi địa phương và các cơ sở sản xuất… Tăng cường chỉ đạo rà soát, đánh giá, nhận định những tiêu cực, tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường. Phân định rõ nhiệm vụ trong quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước; quản lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đất đai; quản lý, cải thiện chất lượng không khí. Tỉnh Quảng Ninh triển khai hiệu quả 2 bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương là Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh; Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh. Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; duy trì công tác giám sát chất lượng môi trường ở Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long cũng như việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại khu vực vịnh; giám sát chặt chẽ nguồn thải xuống vịnh. Triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển, như phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - Đảo Trần; từng bước thả rạn nhân tạo, phấn đấu trồng phục hồi thêm khoảng từ 30 ha - 50 ha đến năm 2030; thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.../.
-------------------------
(1): Xem: Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, ngày 27-9-2020, https://www.quangninh.gov.vn/chuyen-de/DH-Dang/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=94007
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng - Kinh nghiệm từ Quảng Ninh  (10/12/2024)
Tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử  (10/12/2024)
Tỉnh Quảng Ninh chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số  (10/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển