TCCS - Đất đai được coi là nguồn lực lớn cho phát triển, do liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và nhà đầu tư. Việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng trên cơ sở loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, tạo sự thuận lợi, dễ dàng hơn cho người dân thực hiện và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng để thu hút nhà đầu tư.

Tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Sau khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành 06 nghị định; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành theo thẩm quyền 35 thông tư và thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 43/NQ-CP, ngày 06-6-2014, về “Một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh”; Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP, ngày 28-4-2016, về “Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020”; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 06-1-2017, về “Việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai”. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP đã giảm thời gian thực hiện một số thủ tục (từ 2 ngày đến 20 ngày), tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện các thủ tục về đất đai. Đồng thời, mở rộng thêm 05 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Bên cạnh đó là việc đơn giản hóa số bộ và loại bỏ một số loại giấy tờ phải nộp, đã bổ sung quy định về hồ sơ thủ tục đăng ký lập dạng số đối với địa phương đã triển khai thực hiện đăng ký điện tử; bổ sung quy định giao dịch điện tử; quy định cụ thể việc cung cấp thông tin, luân chuyển hồ sơ giữa Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế và kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp trích lục bản đồ địa chính; liên thông thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư.

Ngày 28-4-2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1085/QĐ-BTNMT về “Việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Trên cơ sở bộ thủ tục hành chính do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, các địa phương tiến hành công bố bộ thủ tục hành chính tại địa phương. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố công bố bộ thủ tục hành chính tại địa phương. Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được coi trọng, trình tự thủ tục đơn giản hóa, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn, phương thức thực hiện đa dạng hóa, chuyển dần từ trực tiếp sang trực tuyến, từng bước đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Với quan điểm cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5394/QĐ-UBND, ngày 24-10-2023, về “Việc công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp thành phố”. Danh mục 05 thủ tục hành chính mới ban hành gồm: Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký thay đổi biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc từ hợp đồng mua bán tài sản khác gắn liền với đất. Cả 05 thủ tục hành chính nêu trên đều có thời hạn giải quyết trong 08 giờ làm việc. Trường hợp cơ quan đăng ký có lý do chính đáng phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì thời hạn giải quyết hồ sơ không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Theo đó, các thủ tục hành chính tại Quyết định số 5562/QĐ-UBND, ngày 8-12-2020, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về “Việc công bố danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp thành phố” hết hiệu lực. Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình nội bộ giải quyết các thủ tục hành chính đã được công bố tại quyết định này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo quy định.

Ngày 28-10-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 281/KH-UBND, về “Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Kế hoạch xác định rõ mục tiêu về thống kê, công bố, công khai thủ tục hành chính nội bộ. Theo đó, trước ngày 01-4-2023, 100% số thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố được thống kê, công bố (lần đầu) và được công khai trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội (https://www.hanoi.gov.vn), trang thông tin điện tử của các sở, ngành và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (theo ngành, lĩnh vực). Về rà soát, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, trước ngày 01-1-2025, 100% số thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố được rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm đạt tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% số thủ tục hành chính nội bộ và 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nội bộ. Trong đó, trước ngày 01-1-2024, rà soát, phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với ít nhất 50% số thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố; cắt giảm ít nhất 10% số thủ tục hành chính nội bộ và 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nội bộ. Trước ngày 01-1-2025, rà soát, phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 100% số thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố; cắt giảm ít nhất 10% số thủ tục hành chính nội bộ và 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nội bộ.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, thống nhất, khoa học các công việc cụ thể được giao tại kế hoạch này, bảo đảm tiến độ, chất lượng và mục tiêu đề ra. Tiêu chí, cách thức, quy trình thống kê, công bố, công khai, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố được thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Các sở, ngành và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; ủy ban nhân dân cấp huyện, xã xác định rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị giai đoạn 2022 - 2025.

Tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội

Triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính trên, năm 2023, ngành tài nguyên và môi trường Hà Nội tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; xác định rõ trách nhiệm của trưởng phòng, đơn vị đối với kết quả, nhiệm vụ cải cách hành chính. Các đơn vị sử dụng hiệu quả những phần mềm ứng dụng, đặc biệt trong việc giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý công việc qua hệ thống thông tin báo cáo và hệ thống quản lý văn bản, điều hành tập trung của thành phố; tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại; thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết công việc liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thực hiện Quy chế phối hợp liên thông giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính liên thông. Các thủ tục hành chính liên thông, gồm: Chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất, thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; bán hoặc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước theo hình thức thuê đất trả tiền hằng năm; gia hạn sử dụng đất ngoài khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến nhiều hồ sơ phải do cán bộ làm thay cho người dân khi đến nộp hồ sơ. Việc trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích chưa được người dân sử dụng, do hồ sơ về đất đai (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có giá trị lớn, người dân chưa tin tưởng để giao cho đơn vị bưu chính. Các trang thiết bị công nghệ thông tin được đầu tư từ lâu, hiện đã xuống cấp, cần bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp để triển khai các hệ thống thông tin dùng chung do thành phố triển khai. Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày (giảm 03 ngày); thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày... Rà soát từng thành phần hồ sơ, khâu thực hiện, liên thông hồ sơ, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30% đến 50%. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính được trang bị, lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động theo hướng hiện đại. Toàn bộ hồ sơ hành chính giao dịch của tổ chức, công dân được xử lý, lưu vết trên phần mềm, quản lý trên một cơ sở dữ liệu chung. Ngành tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội áp dụng hình thức gửi văn bản và giấy mời theo hệ thống thư điện tử; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện và duy trì sử dụng ổn định hệ thống mạng LAN. Bước đầu hình thành phương thức làm việc mới hiện đại, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí triển khai xây dựng chính quyền điện tử; triển khai phần mềm một cửa dùng chung 03 cấp, xây dựng và cung cấp 06 dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử.

Với quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là “thước đo”, thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định hành chính, thủ tục hành chính nội bộ, trọng tâm là thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng... Đặc biệt, rà soát, đánh giá hiệu quả để tiếp tục đề xuất phương án thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính nhiều giao dịch như tư pháp, đất đai, xây dựng... Cùng với đó là thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu chỉ tiêu, thời hạn của Trung ương và thành phố; gắn với tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã, đặc biệt là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp./.