Hà Nội chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với tình hình thực tiễn
TCCS - Thời gian qua, với chiến lược phòng, chống dịch đúng đắn, công tác triển khai quyết liệt, hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Hà Nội chủ động xây dựng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền thành phố
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, về “Ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19””, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 14-10-2021, về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây là một trong những văn bản chỉ đạo quan trọng của thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, nhấn mạnh một số những nội dung quan trọng như:
Quán triệt sâu sắc quan điểm: 1-Tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của thành phố; bảo đảm mọi người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. 2- Thống nhất trong việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an dân, an sinh, trật tự, an toàn xã hội. 3- Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết, tiếp tục thực hiện yêu cầu “5K” và quét mã QR, đề cao ý thức người dân với lực lượng y tế là nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an,... động viên sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là chính quyền cơ sở.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát.
Nêu cao vai trò của chi bộ thôn, tổ dân phố, cán bộ, đảng viên tại cơ sở và nơi cư trú, sự vào cuộc một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa của hệ thống chính trị ở cơ sở, của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng (do lực lượng công an cơ sở làm nòng cốt), các lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên... nhất là đoàn viên, thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh... trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các biện pháp của người dân trên địa bàn, theo dõi, giám sát di biến động dân cư, nhất là người từ các địa phương khác về thành phố…
Quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, kế hoạch, phương hướng của thành phố, đặc biệt là Chỉ thị số 08-CT/TU, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai hiệu quả, quyết liệt, thể hiện qua một số mặt, cụ thể:
Thứ nhất, công tác kiểm tra phòng, chống dịch các khu vực đông người luôn được chú trọng.
Thời gian qua, trong 4 đợt giãn cách xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đồng sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, xác định phương châm phòng, chống dịch từ sớm, từ xa và chuẩn bị các điều kiện ở cấp độ cao hơn với những giải pháp trúng và đúng để tránh bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra; đã tập trung thần tốc triển khai xét nghiệm tầm soát y tế diện rộng trên toàn địa bàn thành phố, tiêm vắc xin phủ trên 98% mũi 1 cho toàn bộ người dân từ đủ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện; tập trung đầu tư các khu thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, xây dựng các khu cách ly tập trung; siết chặt quản lý các khu cách ly, phong tỏa; tập trung thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh; củng cố các “pháo đài” chống dịch tại từng xã, phường, thị trấn; lấy người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Do đó, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho Thủ đô.
Thời gian tới, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tiếp tục phải được triển khai có hiệu quả trên địa bàn với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đặc biệt tập trung vào các khu vực đông người, như cơ quan, đơn vị, cơ sở dịch vụ, di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+ vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân” để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Tập trung vào việc phổ biến kiến thức cho người dân quy định, hướng dẫn người mắc COVID-19 theo dõi sức khỏe tại nhà, các trường hợp nguy cơ cao, phát hiện và xử lý kịp thời diễn biến bất thường liên quan bệnh lý nền.
Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố thực hiện công tác quản lý, đón tiếp khách thăm quan gắn liền các phương án phòng, chống dịch bệnh cụ thể. Bố trí lực lượng phân luồng, không để ùn ứ, ách tắc tại các lối ra/vào; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở dịch vụ giải trí được mở cửa hoạt động. Công an thành phố phối hợp với các quận, huyện, thị trấn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát, quản lý, giám sát việc biến động dân cư, tất cả các trường hợp ngoại tỉnh, nhập cảnh từ nước ngoài về làm việc và cư trú trên địa bàn để giám sát, theo dõi, xử lý kịp thời các tình huống; đồng thời, xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm.
Thứ hai, công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội triển khai có hiệu quả.
Dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, tinh thần của người dân và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố. Xác định công tác thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, trên cơ sở kinh nghiệm đã có, các cơ quan, đơn vị chức năng đã quan tâm, tập trung chỉ đạo, định hướng, triển khai bài bản, quyết liệt, huy động sức mạnh tổng thể của các lực lượng làm công tác này. Thông tin về các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được cung cấp kịp thời, minh bạch và sâu rộng tới tất cả các nhóm đối tượng, tạo ra sự hưởng ứng mạnh mẽ, đồng thuận của toàn xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch. Các cấp chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với từng giai đoạn cụ thể bảo đảm yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể theo đúng tinh thần, định hướng của cấp trên và tình hình thực tiễn. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, nhanh nhạy, linh hoạt. Trong đó xuất hiện nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền miệng với tuyên truyền trên báo chí, trên nền tảng số, internet, cổng/trang thông tin điện tử và truyền thông xã hội bằng nhiều hình thứ, như video, banner, ảnh, infographics, tin nhắn,… Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, đội truyền thông lưu động, thông qua hội nghị, các buổi sinh hoạt chính trị… Qua đó, thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến với người dân được toàn diện, đầy đủ, nhanh, hiệu quả,… góp phần củng cố niềm tin của đông đảo người dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Thời gian tới, để công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được triển khai có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Trung ương.
Hai là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch, đó là “xét nghiệm, cách ly, điều trị”; nguyên tắc “5K+ vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân” và các biện pháp khác. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ, về “Ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17-3-2022, của Chính phủ, về “Ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19”; chủ động, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra, kể cả trường hợp dịch bùng phát trở lại.
Ba là, tuyên truyền các chỉ đạo của Trung ương và của thành phố về phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo thành dòng thông tin chủ lưu về những diễn biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước và của thành phố; các chính sách, giải pháp mới nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, sớm phục hồi phát triển kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh; tạo sự yên tâm, tin tưởng nhưng không chủ quan, lơ là của người dân. Tuyên truyền các vấn đề trong phòng, chống dịch gắn với phục hồi kinh tế - xã hội theo nhiều góc nhìn tích cực, truyền cảm hứng cho xã hội.
Cùng với đó, tích cực tuyên truyền phản ánh gương người tốt, việc tốt; đấu tranh với các vi phạm về phòng, chống dịch, xử lý nghiêm việc đưa tin sai lệch về dịch bệnh gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng; xây dựng những nội dung hướng dẫn cụ thể, sinh động, dễ hiểu để người dân thực hiện đúng việc điều trị, cách ly tại nhà và các biện pháp phòng, chống dịch tại trường học, doanh nghiệp. Phát huy cao độ vai trò thông tin qua hệ thống các cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội, loa truyền thanh cơ sở trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.
Bốn là, quản lý việc tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, hội nghị,... phù hợp với tình hình và các quy định về cấp độ dịch, bảo đảm an toàn. Thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ.
Năm là, thường xuyên theo dõi, cập nhật các văn bản về định hướng, kế hoạch, chính sách của Trung ương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động của ngành y tế trên địa bàn thành phố. Các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, hộ gia đình và mỗi cá nhân chủ động thực hiện tầm soát, xét nghiệm để kịp thời phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây từ sớm, từ xa./.
Tổ COVID cộng đồng phát huy vai trò tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội  (20/08/2022)
Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác nắm bắt dư luận trong thời đại bùng nổ thông tin mạng hiện nay  (20/08/2022)
Hà Nội nỗ lực nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh  (19/08/2022)
Phát huy bản lĩnh, ý chí, truyền thống của dân tộc Việt Nam qua thực tiễn phòng, chống dịch bệnh COVID-19  (14/08/2022)
Đẩy mạnh sử dụng công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải rắn sinh hoạt  (12/08/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển