Tám tháng đầu năm 2024: Petrovietnam khơi thông động lực, đạt kết quả sản xuất, kinh doanh tích cực
TCCS - Nhận diện những thách thức, khó khăn trong xu thế chung của thế giới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã nỗ lực tìm kiếm những động lực và giải pháp mới, liên tục duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan trong 8 tháng đầu năm 2024.
Kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm
Trong tháng 8, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, đối mặt với các thách thức lãi suất, lạm phát và cảnh báo những yếu tố không ổn định. Cùng chung những áp lực của kinh tế thế giới, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam tháng 8 giảm 2,3 điểm so với tháng 7, về mức 54,7 điểm, nhưng nhìn chung, bức tranh vĩ mô vẫn ở mức lạc quan. Về thị trường các mặt hàng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn như: giá dầu, khí có xu hướng giảm trong tháng 8. Ngược lại giá LNG, giá gas tăng ở mức tích cực, nhưng huy động điện khí và khí tiếp tục ở mức thấp…
Trước những thách thức, cơ hội của thị trường, Petrovietnam đã nỗ lực triển khai các giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả để tận dụng cơ hội, giảm thiểu tác động bất lợi, tiếp tục ghi nhận kết quả sản xuất, kinh doanh tích cực, cùng nhiều sự kiện, dấu mốc quan trọng. Trong tháng 8-2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng từ 6,3 - 28,2%. Tính chung 8 tháng năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 2,7 - 29,2%, tăng từ 2,5 - 26,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngày 21-8-2024, Tập đoàn phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương hoàn thành nội dung và tổ chức thành công Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 76-KL/TW, ngày 24-4-2024 của Bộ Chính trị, làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ liên quan và trọng tâm là phối hợp với các bộ ngành triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Petrovietnam phát triển theo chủ trương Kết luận số 76-KL/TW và Nghị quyết số 41-NQ/TW, triển khai xây dựng Cchiến lược phát triển ngành dầu khí/Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia.
Ngày 28-8-2024, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và đối tác Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore đã tổ chức Lễ trao thầu Gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất, Dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore. Mới đây, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vận chuyển thành công chuyến hàng LNG đầu tiên bằng đường sắt từ miền Nam ra miền Bắc với số lượng 16 bồn LNG và bắt đầu cung cấp cho khách hàng từ ngày 11-9-2024.
Về chỉ tiêu sản xuất, sản lượng khai thác dầu thô, toàn Tập đoàn tháng 8 đạt 833 nghìn tấn, vượt 28,2% so với kế hoạch tháng. Lũy kế 8 tháng đạt 6,64 triệu tấn, vượt 20,2% kế hoạch 8 tháng. Sản lượng khai thác khí toàn Tập đoàn tháng 8 và 8 tháng đầu năm lần lượt đạt 450 triệu m3, vượt 19,7% kế hoạch tháng và 4,41 tỷ m3, vượt 29,2% kế hoạch 8 tháng. Sản xuất điện toàn Tập đoàn tháng 8 đạt 2,01 tỷ kWh, tăng 11,4% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng, đạt 19,23 tỷ kWh, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Nhờ tăng trưởng sản xuất, kinh doanh tích cực, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 8 tháng ước đạt 650,4 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch 8 tháng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 96,5 nghìn tỷ đồng, vượt 49% kế hoạch 8 tháng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt trên 35,5 nghìn tỷ đồng, vượt 84% kế hoạch 8 tháng.
Bên cạnh kết quả sản xuất, kinh doanh, Petrovietnam còn đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội với giá trị thực hiện an sinh xã hội trong 8 tháng qua là 469 tỷ đồng. Petrovietnam cũng phát huy tinh thần văn hóa nghĩa tình dầu khí, tích cực ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra. Con số huy động đóng góp đến nay đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Nỗ lực tìm kiếm động lực mới
Trong 8 tháng đầu năm, các khối/lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam tiếp tục có nhiều nỗ lực để bổ sung các động lực mới, hướng tới hoàn thành cao nhất mục tiêu quản trị năm 2024. Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) dự báo công tác thăm dò, gia tăng trữ lượng sẽ vượt mức kế hoạch đề ra. Công tác phát triển mỏ, dự án mới được triển khai tích cực. Ở khối khí - điện - đạm, đại diện PV GAS thông tin sản lượng khí về bờ giảm do huy động điện khí thấp. Tuy nhiên, kinh doanh khí ngoài điện tăng trưởng khá tốt, PV GAS cũng vừa bổ sung sản phẩm LNG ra thị trường phía Bắc. Kinh doanh quốc tế cũng đạt tăng trưởng tích cực. Trong thời gian tới, PV GAS sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng tiêu thụ khí ngoài điện, đẩy mạnh hơn nữa những động lực mới của doanh nghiệp.
Khối dịch vụ dầu khí có nhiều khả quan. Đại diện PTSC cho biết, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp dự kiến sẽ vượt 5% và 9% so với cùng kỳ 2023. PTSC hiện có nhiều hợp đồng lớn ở các dự án trong nước, dự kiến tỷ trọng nguồn thu trong nước sẽ tăng trong năm 2024.
Đối với khối dịch vụ, tài chính, bảo hiểm, Công ty cổ phần PVI (PVI Holdings) nhận gần 600 đơn đề nghị bồi thường thiệt hại do bão lũ, ước tính trách nhiệm với tư cách nhà bồi thường gốc khoảng 2.400 tỷ đồng và dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. PVI Holdings đã huy động tất cả các nguồn lực để hỗ trợ khách hàng, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý hồ sơ tổn thất, giảm thiểu tối đa thời gian cho khách hàng.
Petrovietnam và các đơn vị thành viên cũng tích cực đóng góp hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động như: góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có cơ chế cho điện khí LNG để giảm thiểu rủi ro đầu tư cho doanh nghiệp; các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Lạc quan về kinh tế vĩ mô trước những thách thức
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn biểu dương và ghi nhận nỗ lực các đơn vị thành viên đã đóng góp vào kết quả doanh thu toàn Tập đoàn, tăng 13% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước vượt 7% so với cùng kỳ. Đồng thời, nhận định những khó khăn từ tình hình kinh tế thế giới và hậu quả của cơn bão số 3 trong nước là trở ngại lớn. Những khó khăn đó sẽ là thách thức đối với hoàn thành kế hoạch quản trị năm 2024 của Tập đoàn. Vì vậy, Petrovietnam phải tập trung xây dựng kế hoạch quản trị rủi ro, đồng thời có sự phân bổ phù hợp với việc thực hiện kế hoạch của các doanh nghiệp thành viên và từng lĩnh vực cụ thể.
Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn chỉ đạo quản trị rủi ro dòng tiền, xử lý các vấn đề tồn đọng như công nợ, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức; rà soát, thúc đẩy giải ngân đầu tư, đánh giá rõ hơn về các nguyên nhân chủ quan để tìm giải pháp khắc phục; tập trung xây dựng các chiến lược phát triển ngành, phát triển Tập đoàn, chiến lược chuyển đổi số, khoa học công nghệ. Năm 2025 là năm bản lề trong hoạt động của Tập đoàn, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, bước sang một giai đoạn mới với điểm nhấn là kỷ niệm 50 năm thành lập Tập đoàn, tổ chức đại hội Đảng các cấp. Do đó, cần sớm xây dựng các kế hoạch, chuẩn bị chu đáo và xác định rõ các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025.
Song hành với trách nhiệm xã hội, cộng đồng, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn cũng lưu ý lãnh đạo các đơn vị cần tập trung vào công tác hỗ trợ cho các đơn vị, người lao động dầu khí bị ảnh hưởng bởi đợt bão lũ vừa qua./.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số - chìa khóa cho sự phát triển bền vững của Petrovietnam  (10/09/2024)
Thời cơ mới, vận hội mới để Petrovietnam phát triển bền vững  (03/09/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên