Quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội) thực hiện tái thiết đô thị và phát triển không gian văn hóa sáng tạo tiến tới hình thành trung tâm sáng tạo của Thủ đô
TCCS - Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố Hà Nội xây dựng nhiều trung tâm thiết kế sáng tạo. Ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, Quận ủy Hoàn Kiếm thực hiện tái thiết đô thị và phát triển không gian văn hóa sáng tạo tiến tới hình thành trung tâm sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
Quận Hoàn Kiếm có diện tích 5,28km2 với số dân 139.670 người, là quận trung tâm nội đô lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng anh hùng; được xác định là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa của thành phố Hà Nội, với 190 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, quần thể kiến trúc có giá trị, tiêu biểu của Thủ đô và đất nước.
Quận Hoàn Kiếm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của thành phố Hà Nội, cùng với sự phát triển chung của thành phố, những năm gần đây sự nghiệp văn hóa đã có những bước phát triển mới, tương xứng với phát triển kinh tế. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011, quận Hoàn Kiếm có 4 khu vực quy hoạch, gồm: Khu phố cổ Hà Nội (được xếp hạng là di tích quốc gia); khu vực Hồ Gươm và phụ cận (được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt); khu phố cũ quận Hoàn Kiếm; khu ngoài đê sông Hồng quận Hoàn Kiếm.
Hiện nay, công nghiệp văn hóa được Chính phủ xác định bao gồm 12 lĩnh vực, gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh và du lịch văn hóa. Kiến trúc là lĩnh vực được quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội) đặc biệt quan tâm và đầu tư mạnh mẽ. Đây là một trong những điểm tựa cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo của quận Hoàn Kiếm, góp phần kích thích du lịch và tạo danh tiếng cho Thủ đô Hà Nội.
Xác định văn hóa là “nguồn lực mềm” quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, với mục tiêu phấn đấu đưa quận Hoàn Kiếm trở thành một trung tâm văn hóa, đô thị kiểu mẫu của thành phố Hà Nội, những năm qua, Quận ủy Hoàn Kiếm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đô thị; quan tâm, đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, trong đó có việc tái thiết đô thị, di chuyển các nhà máy công nghiệp không phù hợp ra khỏi địa bàn quận theo đúng chủ trương của thành phố Hà Nội, chuyển đổi các di sản công nghiệp thành những không gian văn hóa sáng tạo, góp phần tạo nên kết cấu hạ tầng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hoàn Kiếm lần thứ 26 nhiệm kỳ 2020 - 2025 xây dựng 7 chương trình công tác, trong đó có 2 chương trình công tác về quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị với 7 đề án triển khai thực hiện, 1 chương trình công tác về phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội với 6 đề án. Đây là chủ trương đúng đắn để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của thành phố Hà Nội về tái thiết đô thị và phát triển không gian văn hóa sáng tạo góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch của Thủ đô.
Hoàn Kiếm là quận có lợi thế về không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, vì vậy, để phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạnh, những năm qua, Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm chủ động xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng đô thị; xây dựng các không gian văn hóa; tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của quận theo hướng thương mại - du lịch - dịch vụ. Nhờ đó, diện mạo đô thị quận Hoàn Kiếm ngày càng khang trang, sạch đẹp, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển.
Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm cũng phối hợp với các sở, ngành rà soát, cập nhật các định hướng phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quận và khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai thực hiện các giải pháp cải tạo, chỉnh trang, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc cảnh quan của danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố chính; cải tạo vườn hoa, xanh hóa hè phố kết hợp cải tạo mặt hè, thoát nước, hạ ngầm đường dây đi nổi; cải tạo các công trình có giá trị, các công trình biệt thự xây dựng trước năm 1954; chiếu sáng các công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu; kiểm soát tổ chức, nhân dân bảo tồn nhà cổ; cải tạo, chỉnh trang các không gian công cộng và các công trình phục vụ kinh doanh thương mại, Nhà hát Lớn, phố Tràng Tiền…
Đối với khu vực ngoài đê, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành để cập nhật các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quận tại khu vực này vào đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng, như quan tâm thực hiện đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, mở rộng phố Chương Dương Độ; đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả công năng khu nhà gỗ với chức năng hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại, giao thông tĩnh và trường học…
Phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025 quận Hoàn Kiếm tập trung cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng bộ, chất lượng cao theo hướng văn minh, hiện đại về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Huy động các nguồn lực cho công tác cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị để quận Hoàn Kiếm là đô thị kiểu mẫu, tiến tới đô thị thông minh của Thủ đô Hà Nội. Những kết quả đạt được của quá trình “tái thiết đô thị” là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, mở ra các không gian sáng tạo mới của Thủ đô Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng.
Về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, quận Hoàn Kiếm chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, như tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân, cơ quan, trường học ra khỏi các di tích, trả lại cảnh quan, không gian văn hóa tâm linh cho các di tích. Đồng thời, khôi phục và phát huy các giá trị di sản, như xây dựng Đề án “Tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm” với 14 lễ hội đặc trưng, tiêu biểu, như lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội Đình Yên Thái, lễ hội Đình Kim Ngân, lễ hội Trung thu Phố cổ... Quản lý và phát huy tốt công tác bảo tồn di sản của khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, đặc biệt là đối với các điểm di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng trên địa bàn. Giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể gắn với giới thiệu nghề thủ công, phố nghề, làng nghề truyền thống; biểu diễn âm nhạc truyền thống; tọa đàm, hội thảo, triển lãm xung quanh các vấn đề về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội để xứng đáng với giá trị của di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô và đất nước.
Về tổ chức các không gian sáng tạo, quận Hoàn Kiếm đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức tạo điểm tĩnh kết hợp với không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng lồng ghép một cách hài hòa với các không gian đi bộ trên địa bàn (không gian đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian văn hóa đọc phố sách Hà Nội) - không gian sáng tạo (phố bích họa - Phùng Hưng) với quy mô lớn. Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận kết nối với không gian đi bộ trong khu phố cổ tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội; là nơi giao lưu, điểm hẹn, điểm đến thú vị của mọi người dân; phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm.
Về tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển văn hóa, quận Hoàn Kiếm phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai nhiều dự án văn hóa nhằm tạo ra các không gian sáng tạo, qua đó phát triển du lịch, thu hút khách tham quan, như phối hợp với Korea Foundation (Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc) và UN-Habitat (Ủy ban định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam) ra mắt Không gian bích họa phố Phùng Hưng năm 2018; khai thác hiệu quả Trung tâm thông tin và hỗ trợ khách du lịch tại số 28 phố Hàng Dầu - Vườn hoa đền Bà Kiệu, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ - số 50 Đào Duy Từ, Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm - số 2 phố Lê Thái Tổ; nghiên cứu triển khai xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ tại số 49 Trần Hưng Đạo thành điểm quảng bá, kết nối, giao lưu để phát triển du lịch...
Về phát triển du lịch văn hóa, quận Hoàn Kiếm tập trung phát triển du lịch văn hóa, coi du lịch văn hóa, di sản văn hóa là trọng tâm, du lịch ẩm thực là động lực; xây dựng và triển khai các đề án, như Đề án nâng cao chất lượng tuyến phố Văn hóa ẩm thực tại phố Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông (Cấm Chỉ), Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của các không gian đi bộ, không gian sáng tạo trên địa bàn quận... Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm cũng đẩy mạnh đa dạng hình thức tổ chức các tour du lịch kết nối giữa phố nghề, phố chuyên doanh, điểm di tích lịch sử - văn hóa, các hoạt động văn hoá - nghệ thuật dân gian của quận với các tour, tuyến du lịch của thành phố Hà Nội. Xây dựng và quảng bá hình ảnh Hoàn Kiếm là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Để tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tập trung triển khai một số giải pháp sau:
Một là, tập trung triển khai thực hiện các chương trình công tác toàn khóa, các chương trình, đề án, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về phát triển đô thị và công nghiệp văn hóa, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội, xác định nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Hai là, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của quận nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn, phát triển các không gian đổi mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Xây dựng văn hóa và lối sống đô thị văn minh; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là các nguồn xã hội hóa để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của quận về kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ.
Ba là, tăng cường công tác quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án chậm triển khai. Tạo môi trường thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bốn là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tạo nguồn lực trung tâm để phát triển kinh tế tri thức, văn hóa sáng tạo. Khuyến khích sự tham gia của các tầng lớp trí thức, chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, lịch sử Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa quận Hoàn Kiếm thông qua tổ chức hội thảo, tọa đàm từ đó đề xuất các đề tài, đề án, ý tưởng hay để quận Hoàn Kiếm thẩm định, chọn lọc, triển khai thực hiện.
Năm là, đẩy mạnh công tác đối ngoại, tích cực mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố, quận, huyện trong nước và quốc tế trong các hoạt động hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, giao lưu văn hóa, giới thiệu sản phẩm văn hóa… Xây dựng hình ảnh quận Hoàn Kiếm và xác lập môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, bình đẳng, có tính cạnh tranh cao, phát triển phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế./.
Công an thành phố Hà Nội tích cực cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng tinh nhuệ và hiện đại  (15/10/2023)
Về miền di sản Sơn Tây (thành phố Hà Nội)  (15/10/2023)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay