Petrovietnam hoàn thành vượt mức kế hoạch 4 tháng đầu năm 2023
TCCS - Trong tháng 4-2023, mặc dù chịu tác động lớn do giá các sản phẩm dầu khí đều suy giảm mạnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt kết quả tích cực hơn so với tháng 3-2023, qua đó hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản lượng và tài chính trong 4 tháng đầu năm 2023.
Thông tin được Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng cho biết trong cuộc họp giao ban điều hành sản xuất, kinh doanh thường kỳ tháng 5-2023 với lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn ngày 8-5-2023.
Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023, bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới cho thấy có nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát tiếp tục ở mức cao, tăng trưởng giảm, gia tăng nguy cơ suy thoái hệ thống tài chính, cầu tiêu dùng sụt giảm,… Chỉ số PMI toàn cầu tháng 4 tiếp tục nằm ở ngưỡng dưới 50 điểm, giữ mức 49,6 điểm. Các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta, như Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN đều gặp khó khăn. Cùng với tác động bất lợi của tình hình thế giới và trong nước, yếu tố suy giảm giá dầu khí tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam. Mặc dù OPEC+ tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5 nâng tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu, nhưng giá dầu không tăng mà có xu hướng giảm từ cuối tháng 4 khi nỗi lo suy thoái tiếp tục hiện hữu tại các nền kinh tế lớn, lạm phát tiếp tục gia tăng, lãi suất có nguy cơ tiếp tục được các ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng. Giá dầu thô xuất bán của Petrovietnam trung bình trong tháng 4 giảm hơn 17,1 USD/thùng so với cùng kỳ, tương đương mức giảm gần 16%; giá khí đốt tự nhiên trên thị trường tiếp tục duy trì mức thấp trong bối cảnh dư cung và nhu cầu yếu; giá phân bón ở mức thấp, đặc biệt là phân đơn, nhu cầu tiêu thụ yếu.
Trong bối cảnh đó, Petrovietnam đã quyết liệt triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại từ các yếu tố bất lợi, đặc biệt là yếu tố giá, tận dụng các cơ hội để gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Nhờ đó, tháng 4-2023 hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam tương đối ổn định, khả quan hơn so với tháng 3.
Cụ thể, về sản lượng, khai thác dầu, khai thác khí trong tháng 4 tiếp tục đạt kết quả tích cực hơn so với những tháng đầu năm 2023. Trong đó, khai thác dầu thô trong nước tháng 4-2023 đạt tương đương với mức thực hiện cùng kỳ 2022; khai thác dầu ở nước ngoài đạt tiệm cận mức thực hiện cùng kỳ năm 2022. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiếp tục duy trì công suất cao (đạt từ 106% - 114% công suất thiết kế) góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định thị trường xăng dầu của cả nước. Tính chung 4 tháng, tất cả các chỉ tiêu sản xuất chính của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch: Khai thác dầu thô vượt 15,3%; khai thác khí vượt 20,3%; sản xuất đạm vượt 12,8%; sản xuất xăng, dầu vượt 13%; sản xuất điện vượt 4,6% so với kế hoạch 4 tháng.
Các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam trong 4 tháng đầu năm cũng vượt cao so với kế hoạch và tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu. Trong đó, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 262,2 nghìn tỷ đồng vượt 21% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn (không bao gồm NSRP) ước đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, vượt 77% kế hoạch, bằng 52% kế hoạch năm 2023.
Đặc biệt, ngày 27-4-2023, Petrovietnam đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7 - 7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia; đưa tổng công suất các nhà máy điện đã vận hành của toàn Tập đoàn đạt 6.605MW, chiếm khoảng 8,5% tổng công suất lắp đặt của cả nước.
Một trong những điểm sáng trong 4 tháng đầu năm 2023 của Petrovietnam là các đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ của Tập đoàn có hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng ổn định và dự báo tiếp tục duy trì kết quả khả quan trong những tháng tiếp theo của năm 2023.
Tại buổi giao ban, các đơn vị đã báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh 4 tháng đầu năm 2023, kế hoạch tháng 5 và những tháng tiếp theo của năm 2023 cùng các đề xuất, kiến nghị. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và các phó tổng giám đốc phụ trách các lĩnh vực hoạt động, các ban, đơn vị liên quan đã thảo luận, đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ cho từng đơn vị/lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm cần thúc đẩy trong tháng 5 và các tháng tiếp theo của năm 2023 gồm: Tiếp tục bảo đảm các điều kiện, giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ duy trì sản lượng khai thác; bảo đảm an toàn, ổn định, khả dụng cao của các nhà máy điện, tận dụng cơ hội thị trường khi nguồn cung ứng điện đang rất căng thẳng để gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời cung cấp điện tối đa phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tập trung thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng, giải quyết các thủ tục đầu tư, đặc biệt chú trọng các dự án trọng điểm như Chuỗi dự án khí Lô B, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4;…
Kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm của toàn Tập đoàn với sự nỗ lực cố gắng rất lớn của toàn hệ thống trong điều kiện môi trường kinh doanh hết sức khó khăn.
Xác định tiếp tục kiên định mục tiêu duy trì ổn định, tăng trưởng đưa ra từ đầu năm, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn, tiềm tàng suy thoái kinh tế, tài chính, biến động giá dầu và các sản phẩm dầu khí theo hướng bất lợi, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị/lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. Đồng thời, Tổng Giám đốc đề nghị tập trung một số giải pháp chung, như thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan (Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí); khắc phục tình trạng suy giảm sản lượng ở các lĩnh vực sản xuất; khắc phục suy giảm doanh thu ở các đơn vị, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu toàn Tập đoàn; thúc đẩy đánh giá nguồn lực dịch vụ, xây dựng sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tiếp tục đẩy mạnh công tác quản trị danh mục/dự án đầu tư, chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số,… cố gắng nỗ lực trong các tháng còn lại để hoàn thành mục tiêu quản trị đề ra của Tập đoàn./.
Giảm thiểu tác động tiêu cực, Petrovietnam hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ quý I-2023  (11/04/2023)
Petrovietnam ký kết thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II  (22/02/2023)
Petrovietnam tổ chức ra mắt sách “Nhật ký CEO Meetings”  (09/02/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên