Petrovietnam tổ chức Hội nghị Thăm dò, khai thác dầu khí năm 2021
TCCS - Ngày 15-4-2021, tại thành phố Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội nghị Thăm dò, khai thác dầu khí năm 2021 nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí giai đoạn 2016 - 2020; định hướng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Về phía Petrovietnam có đồng chí Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn, cùng các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên.
Hội nghị đã đánh giá khái quát kết quả tìm kiếm, thăm dò, khai thác phát triển mỏ giai đoạn 2016 - 2020, đưa ra bài học kinh nghiệm và định hướng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, các vấn đề vướng mắc liên quan đến khung pháp lý cho hoạt động đầu tư dự án dầu khí, cũng như đề xuất cơ chế chính sách phù hợp cho đầu tư các dự án thăm dò, khai thác dầu khí cũng đã được trình bày và thảo luận tại Hội nghị.
Qua các báo cáo cho thấy, năm 2020, mặc dù chịu tác động kép của đại dịch COVID-19 và suy giảm giá dầu nhưng Petrovietnam đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu gia tăng trữ lượng cũng như sản lượng khai thác dầu thô ở trong và ngoài nước. Trong năm, gia tăng trữ lượng đạt 15,02 triệu tấn quy dầu; sản lượng khai thác dầu thô trong nước và nước ngoài lần lượt đạt 9,65 triệu tấn và 1,8 triệu tấn.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, công tác tìm kiếm thăm dò đã được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp thềm lục địa Việt Nam, cùng với khai thác phát triển mỏ, đã có đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Qua đánh giá, tiềm năng trữ lượng còn lại trên thềm lục địa Việt Nam còn khá lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, kế hoạch gia tăng trữ lượng với mục tiêu bảo đảm sản lượng khai thác ổn định trong giai đoạn tới sẽ hết sức khó khăn và nhiều thách thức.
Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021, cũng như giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, Petrovietnam định hướng hoạt động thăm dò, khai thác của Tập đoàn gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, bền vững, có khả năng cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, tham gia thực thi bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Cụ thể, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí trong nước, đồng thời tìm kiếm cơ hội thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia vào các hoạt động thăm dò, khai thác của Tập đoàn, tăng cường nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò đối với các đối tượng phi truyền thống... cũng cần được quan tâm triển khai quyết liệt.
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, bên cạnh những nỗ lực từ Petrovietnam thì cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động dầu khí có vai trò quyết định, Petrovietnam kiến nghị các cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí có chủ trương nhất quán và ổn định cho công tác thăm dò, khai thác dầu khí; xây dựng nguồn quỹ phù hợp với tìm kiếm thăm dò; kiện toàn khung pháp lý về dầu khí theo hướng tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư triển khai công việc trong tình hình mới, tránh chồng chéo với các quy định khác.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, dầu khí là ngành kinh tế lớn, là niềm tự hào của đất nước. Đồng chí đánh giá cao đóng góp của lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí nói riêng và Petrovietnam nói chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thực thi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Với vai trò quan trọng đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An mong muốn Petrovietnam tiếp tục giữ vững niềm tin để đi tới, phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020, nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm 2021, cũng như giai đoạn tiếp theo. Trong đó, Tập đoàn phải luôn xác định rằng thăm dò, khai thác dầu khí là cốt lõi trong các lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn từ đó có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Bộ Công Thương luôn đồng hành trong tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn trong các cơ chế, chính sách liên quan.
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, xuyên suốt quá trình hoạt động của mình, thăm dò, khai thác dầu khí vẫn và sẽ là lĩnh vực cốt lõi, đóng góp lớn trong hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch và chiến lược của Petrovietnam nói riêng và đất nước nói chung, do vậy việc tâp trung đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Tập đoàn luôn sẵn sàng về nguồn lực và tiềm lực để thực hiện các kế hoạch thăm dò, khai thác mang tính đột phá và quyết liệt. Tuy nhiên, sự phát triển của thăm dò, khai thác dầu khí hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn chủ quan và khách quan. Bên cạnh những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, khó khăn trong cơ chế chính sách, pháp luật về dầu khí đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Tiềm năng trữ lượng dầu khí Việt Nam còn lại lớn, để nguồn tài nguyên này có thể góp phần vào phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, công tác tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác cần được triển khai thuận lợi, thông suốt. Petrovietnam kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm có sự điều chỉnh về cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí cho phù hợp với tình hình mới để làm động lực cho các nhà đầu tư, tăng cường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, qua đó tạo ra các nguồn thu mới cho đất nước.
Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Petrovietnam đã có nhiều nỗ lực vượt khó, đạt những kết quả đáng khích lệ, tạo nguồn thu cho Tập đoàn và Chính phủ. Tập đoàn đang cố gắng hết sức để thực hiện thành công kế hoạch năm 2021, cũng như giai đoạn 5 năm tiếp theo với các mục tiêu chủ yếu là: Tập trung cho các dự án trọng điểm; tối đa các giá trị tài sản hiện có; phát triển các dự án mới để đạt mục tiêu gia tăng trữ lượng. Để thực hiện các mục tiêu đó, Tập đoàn đã trao đổi, đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó có 3 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là nguồn lực con người; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí; cùng với đó là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, khung pháp lý để tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư./.
Fitch Ratings nâng triển vọng của PVN lên “tích cực”, xếp hạng tín dụng độc lập ở mức “BB+”  (13/04/2021)
Petrovietnam hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính quý I/2021  (08/04/2021)
Văn hóa là gốc của công tác chuyển đổi số  (07/04/2021)
Vietcombank triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng SME vay vốn  (05/04/2021)
“BSR cần lấy thắng lợi ngắn hạn để tạo động lực cho dài hạn”  (28/03/2021)
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm