Nguy cơ Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit
Đàm phán Brexit: Những tiến triển chậm chạp
Dự luật Brexit của Chính phủ Anh đã được Quốc hội nước này thông qua. Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật với tỷ lệ 319 phiếu ủng hộ và 303 phiếu chống. Hạ viện đã bác đề nghị trao quyền cho các nghị sĩ để tránh xảy ra kịch bản nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào. Thượng viện cũng đã chấp thuận những sửa đổi của chính phủ, trong đó cam kết coi trọng vai trò của nghị viện trong thỏa thuận cuối cùng về Brexit. Đạo luật này đã trải qua hơn 250 giờ tranh cãi gay gắt tại Hạ viện kể từ khi được trình lên vào tháng 7-2017.
Tiếp đó, dự luật rút khỏi EU của Chính phủ Anh đã được Nữ hoàng Elizabeth II phê chuẩn để chính thức ban hành thành luật. Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow cho biết dự luật bãi bỏ Đạo luật Cộng đồng châu Âu năm 1972 đưa Anh trở thành một thành viên của EU, đã được Nữ hoàng Elizabeth thông qua. Theo đó, bộ luật sẽ chuyển bộ luật của châu Âu vào bộ luật của Anh nhằm tránh xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào về luật pháp. Đạo luật cũng nêu rõ Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào lúc 23h ngày 29-3-2019.
Việc ban hành dự luật Brexit là bước tiến quan trọng trong hoạt động chuẩn bị của Anh, và là tin tốt đối với tất cả những ai muốn có cuộc chia tay với EU trong suôn sẻ và có trật tự. Dự luật Brexit đã chính thức trở thành luật, mở đường cho nước Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU thì vẫn còn nhiều “nút thắt” phía trước.
Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23-6-2016 về việc Anh rời Liên minh châu Âu, bắt đầu từ cuối tháng 3-2017, nước Anh đã chính thức khởi động tiến trình đàm phán với các nước thành viên EU để rời khỏi liên minh này. Các cuộc đàm phán Brexit đã chính thức được bắt đầu vào tháng 6-2017. Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã liên tục lâm vào bế tắc khi cả hai bên vẫn không thể đi đến một quyết định quan trọng nào. Giữa Anh và EU tồn tại nhiều vấn đề phải đàm phán, trong đó chủ chốt là vấn đề nghĩa vụ tài chính, quyền công dân và biên giới Ireland.
Sau một quá trình đàm phán, đến tháng 12-2017, hai bên đã đạt được nhất trí về nội dung các văn bản pháp lý liên quan đến hai vấn đề là quyền của các kiều dân và nghĩa vụ tài chính hay còn được gọi là “hóa đơn ly hôn”. Hai bên thống nhất cam kết để các công dân của Anh sang EU và công dân 27 nước EU sang Anh trong giai đoạn chuyển tiếp cũng được hưởng các quyền lợi và nhận được sự đảm bảo giống với những người đã tới trước Brexit.
Đến tháng 3-2018, sau một loạt những thương lượng căng thẳng, cuối cùng EU và Anh đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, với giai đoạn chuyển giao kéo dài tới gần 2 năm. Đây được coi là bước tiến mới trong đàm phán Brexit. Theo đó, giai đoạn chuyển tiếp sẽ tính từ ngày Anh rời EU vào 29-3-2019 và kết thúc vào ngày 31-12-2020. Trong khoảng thời gian này, Anh sẽ không tham gia vào các tiến trình hoạch định chính sách của EU tuy nhiên vẫn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của nước thành viên và được tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng như liên minh hải quan. Ngày 21-6-2018, EU và Anh còn ra tuyên bố chung về những tiến bộ đạt được trong tiến trình đàm phán về Brexit trong các lĩnh vực như hải quan, Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), chứng nhận hàng hóa, thuế giá trị gia tăng…
Sau những bước tiến nêu trên, tiến trình đàm phán Brexit lại dậm chân tại chỗ, và triển vọng khó có thể kết thúc đúng hẹn. Những bế tắc mới nhất giữa hai bên hiện nằm ở vấn đề tự do đi lại và đường biên giới Ireland.
Đầu tiên là vấn đề tự do đi lại. Thủ tướng Anh Theresa May từng cam kết sẽ rút Anh khỏi liên minh thuế quan và thị trường chung, chấm dứt việc tự do đi lại giữa EU và Anh sau khi nước này rời EU vào tháng 3-2019. Tuy nhiên, các quốc gia đứng đầu Liên minh châu Âu sẽ không để Anh ở lại khối thị trường chung nếu London không chấp nhận cho công dân các nước tự do đi lại. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Borrell nhấn mạnh các quốc gia đứng đầu EU sẽ đảm bảo rằng Anh phải chấp nhận cho công dân các nước tự do đi lại để đạt được thỏa thuận cuối cùng (hàm ý việc ở lại khối thị trường chung châu Âu). Ông Borrell khẳng định: Đức sẽ nói không, Pháp sẽ nói không, Tây Ban Nha sẽ nói không. EU khẳng định London không thể hy vọng lưu lại bất kỳ thứ gì của khối thị trường chung, nhấn mạnh đây là "giới hạn đỏ".
Về vấn đề biên giới Ireland, đối thoại Anh và EU cũng chưa có tiến triển nào mới. Anh muốn xây dựng một thỏa thuận thuế quan tạm thời với EU, theo đó Anh có thể tiếp tục ở lại liên minh thuế quan của châu Âu thêm 1 năm kể từ sau khi giai đoạn chuyển tiếp 2 năm hậu Brexit kết thúc. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU M.Barnier lại cho rằng, phương án liên minh thuế quan có thể không được áp dụng đối với toàn nước Anh. EU đã đề xuất giải pháp trong đó chỉ có Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan hậu Brexit. Từ phía Anh, Anh cho rằng việc này sẽ khiến Bắc Ireland tách biệt khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh. Chính phủ Anh khẳng định, Anh sẽ không bao giờ chấp nhận đường biên giới hải quan giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh, đồng thời cho biết lập trường này sẽ không thay đổi. Quan điểm thống nhất của Anh là không tạo ra một "đường biên giới cứng" giữa khu vực Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland (là một thành viên của EU). Như thế, có thể thấy quan điểm hai bên còn rất khác biệt, rất khó để vượt qua, nếu như không có những nhượng bộ đáng kể.
Tác động kinh tế, xã hội của Brexit
Việc kết thúc "cuộc hôn nhân” không hạnh phúc kéo dài 43 năm giữa Anh và EU tác động tiêu cực cả về chính trị, kinh tế, thương mại và xã hội cho cả nước Anh lẫn Liên minh châu Âu.
Quyết định rời khỏi EU, Anh đã tự đẩy mình vào một vị thế kinh tế ít thuận lợi hơn trong thị trường chủ chốt. Brexit khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% GDP vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU. Các nhà phân tích đưa ra ước tính mức độ thiệt hại từ quyết định Brexit đối với nền kinh tế của Anh vào khoảng từ 1-2% GDP, tương đương 20-40 tỷ bảng mỗi năm. Ðến hết quý I-2018, quy mô kinh tế Anh thu hẹp khoảng 1,2% so với giai đoạn trước Brexit, tương đương 24 tỷ bảng, tương đương khoảng 450 triệu bảng/tuần hoặc 870 bảng/hộ gia đình. Trong năm 2018, tác động của Brexit sẽ tiếp tục tích dồn lại và có thể tương đương 2% GDP vào cuối năm.
Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, Brexit còn kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU, có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội. Brexit cũng đẩy chính trường Anh vào giai đoạn “bất ổn”, tranh cãi giữa Quốc hội và Chính phủ Anh, giữa các lực lượng chống đối và ủng hộ Brexit.
Đối với EU, Brexit cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị của Liên minh châu Âu. Về quân sự, EU sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thất khi thiếu vắng cường quốc quân sự này. Việc mất đi một cường quốc quân sự với thế mạnh về hải quân như Anh sẽ khiến sức mạnh quân sự của EU bị suy giảm (để khắc phục, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp, 9 nước thành viên chủ chốt của EU đã ký thỏa thuận quốc phòng mang tên “Sáng kiến Can thiệp châu Âu”, gồm Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Theo Chính phủ Pháp, sáng kiến về lực lượng phòng thủ chung này tách biệt với cơ chế hợp tác quốc phòng của Liên minh châu Âu, cho phép Anh có thể tham gia sau khi rời khỏi khối. Anh từ lâu đã rất nỗ lực để xây dựng cơ chế hợp tác quốc phòng của riêng châu Âu và ý tưởng này đã biến thành những sáng kiến kể từ khi Anh tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về rời khỏi Liên minh châu Âu năm 2016. Việc Anh tham gia tổ chức này đóng một vai trò quan trọng, vì lực lượng quân sự của Anh, Pháp có nhiều nét tương đồng, có chung cách tiếp cận phân tích để xử lý các cuộc khủng hoảng và không phải nước nào trong Liên minh châu Âu cũng có những điểm tương đồng như vậy. Không chỉ Anh, “Sáng kiến Can thiệp châu Âu” cũng tạo điều kiện cho những quốc gia châu Âu không thuộc Liên minh châu Âu (EU) tham gia. Italy, một trong những quốc gia chủ chốt còn lại của Liên minh châu Âu dù chưa ký tham gia, nhưng cũng không lên tiếng loại trừ khả năng sẽ tham gia tổ chức này trong tương lai).
Về kinh tế, Anh cũng là nước đóng góp lớn thứ hai cho ngân sách của EU. Khi Anh rời EU, khối này có nguy cơ bị mất khoảng 12 tỷ euro (tương đương 13 tỷ USD). Nếu tiến trình đàm phán Brexit không đạt được thỏa thuận nào (còn gọi là Brexit “cứng”), EU có thể bị mất 1,2 triệu việc làm. Còn trong trường hợp nếu Anh và EU đạt được thỏa thuận (Brexit “mềm”), EU cũng sẽ mất khoảng gần 300.000 việc làm…
Sức ép của xã hội và giới kinh doanh đối với đàm phán
Đàm phán về thỏa thuận Brexit ảnh hưởng đến người dân, xã hội và kinh doanh không chỉ ở Anh mà cả ở Liên minh châu Âu. Người dân, giới kinh doanh đặc biệt quan tâm đến nội dung cụ thể của thỏa thuận cuối cùng, đặc biệt là các điều khoản về mối quan hệ thương mại giữa Anh và EU thời hậu Brexit.
Việc Anh và EU chưa thể đi đến một một thỏa thuận cụ thể nào đã khiến các doanh nghiệp châu Âu lo ngại khi đầu tư vào Anh. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà chế tạo và buôn bán ô tô (SMMT), đầu tư vào ngành ô tô đã giảm xuống còn 347 triệu bảng (tương đương 461 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức 647 triệu bảng (gần 800 triệu USD) của cùng kỳ năm ngoái. SMMT cảnh báo các dự án đầu tư mới đang bị cản trở do những diễn biến liên quan đến cuộc đàm phán giữa Chính phủ Anh và EU về tiến trình Brexit. Trong thông báo cùng ngày, SMMT kêu gọi các bên đạt được một tiến bộ sớm hơn về Brexit, ít nhất cũng đạt được một thỏa thuận cụ thể, như ở lại Liên minh thuế quan hoặc phân chia những lợi ích từ thị trường chung.
Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus mới đây đã cảnh báo rằng hãng này sẽ rút khỏi Anh trong trường hợp tiến trình Brexit không đạt được thỏa thuận nào. Hãng Airbus cho rằng việc Anh rút khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào "sẽ dẫn tới tình trạng đình trệ và gián đoạn nghiêm trọng trong lĩnh vực sản xuất ở Anh". Do đó, Airbus cảnh báo kịch bản này sẽ buộc hãng phải cân nhắc lại những hoạt động đầu tư cũng như sự hiện diện lâu dài của hãng tại Anh, làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực của Anh nhằm duy trì một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ cạnh tranh và đổi mới, phát triển những năng lực và công việc giá trị cao. Airbus cho rằng trong trường hợp Anh rời khỏi thị trường chung của EU và liên minh thuế quan mà không có thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp, hoạt động của tập đoàn này tại Anh sẽ bị đình trệ và gián đoạn nghiêm trọng, gây ra thiệt hại doanh thu ước tính lên tới 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) mỗi tuần. Airbus sẽ giám sát thận trọng mọi khoản đầu tư mới tại Anh và hạn chế mở rộng cơ sở đối tác hay nhà cung cấp ở Anh".
Hiện nay, tại Anh, Airbus sở hữu 25 trung tâm sản xuất cánh và bộ phận hạ cánh cho máy bay thương mại và một trung tâm công nghệ không gian. Gần 15.000 lao động tại Anh đang làm việc trực tiếp cho Airbus, bên cạnh hơn 100.000 người tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn này. Ngoài ra, tại xứ Wales, Airbus cũng hỗ trợ việc làm cho hơn 11.000 người.
Thời gian cho đàm phán về thỏa thuận Brexit đang cạn dần. EU đã đặt ra thời hạn hoàn tất thỏa thuận với Anh vào tháng 10-2018 để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu có đủ thời gian để thông qua trước thời điểm Anh chính thức rời EU (ngày 29-3-2019). Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu tiến trình đàm phán vẫn chậm chạp, nguy cơ Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit với EU đang ngày càng lớn dần. Và, nếu vậy, các thách thức đối với Anh sẽ lớn hơn nhiều lần so với hiện nay./.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6  (11/07/2018)
Đồng chí Trương Thị Mai tiếp Đoàn nữ nghị sỹ Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản  (11/07/2018)
Chấn chỉnh kịp thời tổ chức, cá nhân lạm dụng hình thức khen thưởng  (11/07/2018)
Việt Nam tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Italy lần thứ nhất  (11/07/2018)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 02 đến 08-7-2018)  (11/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay