Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội
TCCS - Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình chuyển đổi số là chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố Hà Nội, là xu hướng tất yêu trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Thông qua nhiều chương trình, quyết định, kế hoạch của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, các ban, ngành lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Những kết quả bước đấu từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Từ chủ trương chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, Việt Nam cần tăng tốc triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, Chính phủ đã phê duyệt quyết định về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo chương trình, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số, phát triển các chủ thể kinh tế số, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp Trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.
Có ít nhất 60% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công, 25% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của tiêu chí số 6 về kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Chương trình cũng hướng đến tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, Chương trình đề ra mục tiêu có ít nhất 70% số xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Bên cạnh đó, Chương trình phấn đấu có ít nhất 40% số đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…) làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.
Như vậy, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã nhấn mạnh tới chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đạt được nhiều kết quả nổi bật với 100% số xã; 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, đường làng, ngõ xóm khang trang, xanh - sạch - đẹp... Với tinh thần xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng, không có điểm kết thúc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, thành phố Hà Nội có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố”1. Đây là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và nông dân Thủ đô để hướng đến mục tiêu mới trong giai đoạn mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ thành phố, ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025. Đây là chương trình có nhiều nét mới, hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa “tam nông” - nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể. Thành phố tập trung phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị...
Ngày nay, cuộc Cách mạng khoa học công nghiệp lần thư tư và quá trình chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tương tự như các lĩnh vực khác, nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu này. Việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng của quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay phải gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là lần đầu tiên, Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình riêng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xác định đây là những yếu tố “thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”. Theo đó, mục tiêu chung là: “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực”. Để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu trên, Chương trình số 07-CTr/TU đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có giải pháp về tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Thực hiện chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện số 185/KH-UBND, ngày 11-8- 2021, yêu cầu rà soát, cơ cấu lại các chương trình khoa học và công nghệ thành phố theo hướng tinh gọn, thiết thực gắn kết với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới Thủ đô sẽ tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, sinh vật chất lượng cao, có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị các nguồn gen bản địa quý hiếm của thành phố. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản từ sản xuất đến tiêu dùng theo hướng bền vững; các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố; Hà Nội sẽ hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt: 10 doanh nghiệp, chăn nuôi: 32 doanh nghiệp, thủy sản: 2 doanh nghiệp), 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tập trung vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP; công nghệ sản xuất ươm tạo giống; công nghệ bảo quản; công nghệ chế biến sâu. Bảo tồn, khai thác và phát triển các nguồn gen bản địa quý hiếm của Hà Nội; phối hợp, trao đổi phát triển các nguồn gen có giá trị của Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với sự quyết tâm chỉ đạo của thành phố, sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị, cùng với việc huy động các nguồn lực, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. Để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững trên địa bàn, Hà Nội đã khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất phát triển nông nghiệp và thu được nhiều kết quả.
Một số thành tựu trong lĩnh vực chăn nuôi, như đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất bò thịt; ứng dụng công nghệ sinh học trong tái chế men bia thải làm thức ăn chăn nuôi; ứng dụng một số giải pháp khoa học - công nghệ để nâng cao khả năng sinh sản của đàn lợn tại các trang trại trên địa bàn ngoại thành. Thử nghiệm thành công thụ tinh nhân tạo trên đàn gà. Nhập ngoại giống gà D300 (của Séc) vào lai tạo, sản xuất cho kết quả tốt. Phát triển các giống bản địa, như vịt cỏ Vân Đình, gà Mía Sơn Tây và phát triển các giống lai có năng suất, chất lượng cao. Đây là bước đột phá của ngành chăn nuôi Hà Nội, làm chủ công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong việc lai tạo và sản xuất giống vật nuôi quý, chất lượng cao, tạo sự đa dạng và phong phú về nguồn gen, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tiết kiệm ngoại tệ.
Trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu, như làm giàu oxy bằng quạt nước trên diện tích 6.000ha, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước trên 9.000ha và sử dụng công nghệ Biofloc gần 17ha2.
Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, tạo các sông trong ao với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi cá với mật độ cao như ở xã Trâm Lộng, huyện Ứng Hòa; xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, năng suất tăng từ 6 đến 8 lần so với nuôi thông thường, chất lượng cá thịt ngon hơn, giá cao hơn. Năng suât đạt 80 tấn/ha, giá trị 3,5 tỷ đồng/ha3.
Năm 2021, có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã được Ủy ban nhân dân thành phố quyết định công nhận sản phẩm OCOP, gồm 367 sản phẩm 4 sao, 228 sản phẩm 3 sao (vượt kế hoạch thành phố giao 400 sản phẩm OCOP năm 2021). Trong đó ngành thực phẩm có 380 sản phẩm, ngành đồ uống có 5 sản phẩm, ngành thảo dược có 10 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ có 193 sản phẩm, ngành vải và may mặc 7 sản phẩm4.
Các trang trại đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Có 243 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Những kết quả đạt được trên đây là hiệu ứng trực tiếp từ chủ trương, chính sách đúng đắn của Hà Nội về xây dựng nông thôn mới gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số. Những kết quả đó, một lần nữa cho thấy chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố đã vào cuộc sống. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao./.
--------------
(1), (2), (3), (4), Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, ngày 6 tháng 6 năm 2022, Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội quý I-2022; nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2022.
Phát huy vai trò của y tế dự phòng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô  (24/10/2022)
Hà Nội quan tâm đầu tư phát triển y tế cơ sở tạo nền tảng bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân  (22/10/2022)
Thủ đô Hà Nội: Xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp  (19/10/2022)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm