Đẩy mạnh hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, góp phần phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong bối cảnh mới
TCCS - Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết của Thủ đô. Thời gian qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung với những tác phẩm có chất lượng về cả nội dung tư tưởng và nghệ thuật; qua đó khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và xây dựng văn hóa Thủ đô thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tích cực thực hiện sứ mệnh cao cả
Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội - mái nhà chung của đội ngũ văn nghệ sĩ, với sứ mệnh cao cả là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, Đảng bộ và chính quyền Thủ đô luôn quan tâm củng cố và phát triển Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (gọi tắt là Hội) ngày càng vững mạnh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trong 5 năm (2014 - 2019), mức kinh phí đầu tư từ ngân sách thành phố cho các hoạt động của Hội là khoảng 58 tỷ đồng. Hà Nội đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước đạt chất lượng và hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, như Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND, ngày 17-7-2013, của Hội đồng nhân dân thành phố về “Chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng phát triển Thủ đô”, Quyết định số 538/QĐ-SVHTT, ngày 14-12-2015, của Sở Văn hóa - Thể thao về việc “Phê duyệt Đề án Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, nghệ sĩ và vận động viên thể dục thể thao trên địa bàn Thành phố”… Thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo để lắng nghe các văn nghệ sĩ “hiến kế” xây dựng và phát triển Thủ đô; định kỳ tổ chức cung cấp thông tin về tình hình thời sự trong nước và quốc tế; cập nhật, phổ biến, quán triệt những chỉ thị, nghị quyết, văn bản chính sách, pháp luật mới nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, bổ sung kiến thức cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Thành phố rất chú trọng đổi mới hình thức, nội dung định hướng tư tưởng, sáng tác văn học, nghệ thuật thông qua việc mở các trại sáng tác, đưa văn nghệ sĩ của Hội đi thực tế để hiểu và có những sáng tác chất lượng về sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Nhờ sự quan tâm của thành phố, thời gian qua, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với gần 3.800 hội viên, sinh hoạt trong 9 hội chuyên ngành. Hội luôn quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ; đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động, gắn sáng tạo văn học, nghệ thuật với thực tiễn xây dựng Thủ đô hiện nay. Các hội viên của Hội luôn phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó, sáng tạo những tác phẩm có giá trị, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân; góp phần xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hướng tới mục tiêu phát triển Thủ đô toàn diện và bền vững. Trong giai đoạn 2014 - 2019, hội viên của Hội đã có trên 15.000 tác phẩm, trong đó có 79 tác phẩm của 9 hội chuyên ngành đạt Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô. Nhiều văn nghệ sĩ của Hội đã được biểu dương và tôn vinh, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Công dân Thủ đô ưu tú…
Có thể thấy, trong thời gian qua, nội dung, phương thức biểu hiện của tác phẩm văn học, nghệ thuật của Thủ đô đã được đầu tư tìm tòi và mạnh dạn thể nghiệm. Các dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo ngày càng được phát huy và trân trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực nghệ thuật đều có những tác phẩm chất lượng tốt, có giá trị, phản ánh chân thực cuộc sống, phần nào đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng phong phú, đa dạng của công chúng Thủ đô và cả nước. Các phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng hiện đại. Hội đã tham gia tích cực vào việc tư vấn, phản biện, thẩm định các đề án, tham gia xét duyệt và thực hiện các chương trình văn hóa nghệ thuật lớn diễn ra trên địa bàn thành phố; đóng góp ý kiến về chỉnh trang, quy hoạch kiến trúc các công trình làm đẹp Thủ đô; tham gia tích cực vào Hội đồng tư vấn và biên soạn “Tủ sách 1000 năm Thăng Long”, tham gia Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn tủ sách “Người tốt, việc tốt” xuất bản đều đặn vào dịp 10-10 hằng năm; phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành của Trung ương trong việc xét các giải thưởng, tổ chức kỷ niệm, hội thảo, triển lãm, trại sáng tác.
Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã rất nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ với phương châm “Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới và phát triển”. Hội chủ động phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức cho cán bộ, hội viên học tập, quán triệt sâu sắc các nghị quyết Trung ương; góp ý vào Điều lệ sửa đổi của các Hội chuyên ngành nhiệm kỳ 2020 - 2025; phát động cuộc thi viết về gương “Người tốt việc tốt” năm 2020, trong phong trào thi đua yêu nước Hà Nội năm 2020; phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020”, cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức thành công một số hội thảo, tọa đàm khoa học, như “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ Thủ đô”, “Thành tựu văn học nghệ thuật Thủ đô: 10 năm sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, “Văn nghệ sĩ Thủ đô nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật”, “Văn nghệ sĩ Thủ đô phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh với nghệ sĩ sân khấu Thủ đô”, “Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước”, “Nghệ sĩ điện ảnh Thủ đô sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh”…; tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, chương trình ca múa nhạc “Tình yêu Hà Nội” năm 2020... Hội cũng thường xuyên giới thiệu và tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên Báo Người Hà Nội, Tạp chí Tản Viên Sơn...
Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội là cơ quan thường trực ban biên tập sách “Những bông hoa đẹp năm 2020” với hơn 30 nhà văn, nhà báo có kinh nghiệm chuyên viết về gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt của Hà Nội và nhiều bài viết có chất lượng, đề cao các gương điển hình, nhân tố có tính phát hiện mới, có sức lan tỏa trong xã hội, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong bối cảnh mới hiện nay. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đêm ca múa nhạc chào mừng lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và thành công của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, tổ chức thành công Liên hoan Sân khấu Thủ đô.
Năm 2020, kế hoạch hoạt động của các hội thành viên được tiếp tục triển khai theo các chương trình đã dự kiến, như tổ chức các trại sáng tác, đi thực tế, hội nghị, hội thảo chuyên môn, hoạt động đầu tư sáng tác và liên kết; chương trình xuất bản, biểu diễn và triển lãm. Qua đó, hàng trăm tác phẩm của hội viên đã được tài trợ, xuất bản và công diễn tạo không khí sáng tác, hoạt động văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi trong các hội viên và hội chuyên ngành.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cũng cho thấy, hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội còn một số bất cập, như việc huy động, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng thành phố, phản biện xã hội còn chưa tập trung; việc phát huy nội lực và sức sáng tạo của các hội viên trong Hội chưa đạt hiệu quả như mong muốn; công tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật của các hội viên còn nhiều hạn chế; ít tác phẩm xứng tầm thời đại…
Một số định hướng thời gian tới
Trong bối cảnh mới hiện nay, trước những thời cơ, thách thức đan xen, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cần nâng tầm, đổi mới mạnh mẽ, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình văn học, nghệ thuật cũng như tiềm năng sáng tạo to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô để có những sáng tạo mới, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người của Thủ đô và đất nước.
Năm 2021, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cần tiếp tục triển khai các kế hoạch hoạt động của Liên hiệp và 9 hội thành viên theo chương trình; đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, cũng như chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, không ngừng nâng cao nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Mỗi người nghệ sĩ Thủ đô cần nỗ lực hết mình để hoàn thành sứ mệnh cao cả là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng; phát huy tính sáng tạo, tâm huyết, khát vọng cống hiến cho nền văn học nghệ thuật của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung qua những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật; khẳng định và tôn vinh những giá trị văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật cần ý thức rõ trách nhiệm và tình cảm, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, về tính chất đặc thù của Hội; nâng cao năng lực, trình độ, tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đến với công chúng Thủ đô và cả nước. Cần nhận rõ nguy cơ, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, để vừa xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vừa quan tâm tuyên truyền tới hội viên và toàn thể văn nghệ sĩ trau dồi bản lĩnh, phẩm chất, không bị dao động, không bị lôi kéo trước cái xấu, cái sai trái, không có những sáng tác đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục hoặc đi ngược với lợi ích của nhân dân và đất nước.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức có hiệu quả các đợt sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm sáng tác, trao đổi về tác phẩm mới sáng tác của hội viên. Chú trọng và đề cao giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm; đổi mới cách thể hiện, hình thức hài hòa với nội dung, phù hợp với trình độ ngày càng cao của công chúng và yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Thứ tư, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác xã hội hóa; thu hút các nguồn lực cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hoạt động văn học nghệ thuật. Tích cực vận dụng cơ chế “ký hợp đồng làm tác phẩm theo điều kiện thỏa thuận” để phát huy tối đa sáng kiến và sự năng động của các hội viên trong Hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả tài năng phát huy được hết năng lực và tâm huyết, có những tác phẩm chất lượng.
Thứ năm, tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách về văn học, nghệ thuật. Các cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe các ý kiến phản biện, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ để có những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. Thành lập các diễn đàn, trang thông tin, kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình đất nước, cùng những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương tới đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô.
Thứ sáu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, công bố, phổ biến tác phẩm. Thường xuyên mở các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các cuộc thi sáng tác chuyên đề. Chú trọng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ, những nghệ sĩ có trách nhiệm với cộng đồng, có khát vọng cống hiến, vươn lên. Đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động với các đơn vị, tổ chức văn học nghệ thuật thế giới. Tăng cường quảng bá các giá trị văn học nghệ thuật của Thủ đô và đất nước ra nước ngoài, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn học nghệ thuật thế giới để làm phong phú nền văn học nghệ thuật trong nước, góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Thủ đô và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới./.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lực lượng vũ trang Thủ đô: Những kết quả nổi bật và phương hướng, giải pháp thời gian tới  (02/08/2021)
Xây dựng khu vực phòng thủ và diễn tập chiến đấu phòng thủ: Nâng cao tiềm lực quốc phòng Thủ đô  (02/08/2021)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên