Khiêm nhường một phân, tôn quý vạn phần
Có một số người khi được giao quản lý một nguồn lực nào đó của cơ quan, thay vì hiểu rằng bổn phận của mình là giúp cơ quan bảo quản, vận hành và khai thác tốt nguồn lực tài sản, thì họ lại “tự tung tự tác”, tự cho mình quyền hạn như là chủ nhân thực sự của nguồn tài sản đó. Thế nên, thay vì khiêm nhường làm việc với đúng chức trách được giao thì họ lại tỏ ra có “quyền sinh quyền sát”, thực hiện nhiệm vụ nhưng lại như “ban phát” quyền lợi, “gia ân” cho người khác. Và đương nhiên những người được lòng hay thân thiết với họ sẽ được ưu ái nhiều hơn, trong khi những người khác sẽ gặp không ít trở ngại mặc dù đó cũng là quyền được thụ hưởng chính đáng của họ.
Câu chuyện này nghe có vẻ rất vô lý, nhưng lại là sự thực hiện hữu ở không ít công sở và được biểu hiện dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau.
Khi đến giao dịch ở một cơ quan nào đó, nhiều người không khỏi ngán ngẩm khi phải qua “cửa ải” đầu tiên là “ông” bảo vệ. Với nhiệm vụ “trấn giữ biên cương”, với tính chất đặc thù và phức tạp, bởi chỉ sơ sẩy một chút là có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, người bảo vệ phải kỹ lưỡng rà xét tất cả mọi người ra vào cơ quan mỗi ngày. Chuyện chẳng có gì đáng đưa ra bàn ở đây, nếu như bên cạnh những người bảo vệ có tâm, luôn “cần mẫn” thực hiện đầy đủ chức phận của mình với sự khiêm tốn, đúng mực, thì có những người nghĩ mình có quyền hành không giới hạn nên hạch sách tất cả mọi người, không chừa một ai, với một thái độ trịnh thượng, cửa quyền, thậm chí có lúc còn có biểu hiện thiếu văn hóa. Những người “không biết mình là ai” như vậy tuy chỉ là thiểu số, nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ tới không khí và tinh thần làm việc chung, vi phạm đạo đức công vụ, là những “con sâu làm rầu nồi canh” trong môi trường văn hóa công sở.
“Khiêm nhường một phân, tôn quý vạn phần”!
Nghịch lý là, trong khi đa số người đứng đầu cơ quan rất chuẩn mực, gần gũi, khiêm nhường, thì một vài thành viên có chức trách, nhiệm vụ khiêm tốn lại hay tự cho mình là quan trọng, có thái độ hách dịch vượt khỏi chức trách cho phép. Cổ nhân từng đúc kết: “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”… Thực tế, tài giỏi là yếu tố khiến người khác nể nang nhưng khiêm nhường mới là đức tính khiến người ta trở nên cao quý. Khiêm nhường là cái gốc của “sức mạnh mềm”, vì thế, con người càng khiêm nhường bao nhiêu càng được trân quý bấy nhiêu.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là mẫu mực của đức khiêm nhường, đồng thời Người rất quan tâm giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên về đức khiêm nhường. Người phê bình thái độ của một số cán bộ “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”. Người căn dặn: “Cán bộ đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Học tập và làm theo đức tính khiêm nhường của Bác chính là xây dựng cho mình một bản lĩnh, trí tuệ, tình yêu thương với đồng nghiệp, đồng chí, với quần chúng, bạn bè; là đức khiêm tốn, sự cầu thị tiến bộ, ý chí quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người “đầy tớ” trung thành và tận tụy của nhân dân. Mỗi một cá nhân trong một tập thể đều có vai trò như “một cánh én nhỏ” để “làm nên mùa xuân”, do đó, dù ở vị trí, cương vị nào cũng cần làm tròn bổn phận của mình với một thái độ gương mẫu, chính trực và khiêm nhường./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay