Vê-nê-xu-ê-la: Những thách thức của cách mạng vẫn còn ở phía trước
TCCS - Trong những năm gần đây, dư luận quốc tế, nhất là những người yêu chuộng hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội rất quan tâm đến hiện tượng Vê-nê-xu-ê-la với việc ông U-gô Cha-vét trúng cử làm Tổng thống liên tiếp hai nhiệm kỳ và thực hiện một loạt hoạt động với mục đích công bố công khai là: tiến hành cuộc cách mạng Bô-li-va, xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Vậy thực chất của "cuộc cách mạng" này là gì, nó đang phải đối mặt với những vấn đề gì và tương lai của nó như thế nào, đó là những câu hỏi mà không ít người đang đặt ra. Tuy nhiên, việc trả lời những câu hỏi đó không đơn giản, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng, sâu sắc từ nhiều phương diện khác nhau. Những gì mà chúng tôi thu nhận được từ chuyến đi làm việc ngắn ngày ở Vê-nê-xu-ê-la chắc cũng chỉ mới là những suy nghĩ sơ giản từ kết quả của sự quan sát trực tiếp và từ những ý kiến của những người trong cuộc hay những người đang hằng ngày tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở đất nước này. Song cũng hy vọng rằng, từ đó sẽ gợi mở ra một vài điều để chúng ta tiếp tục suy nghĩ khi theo dõi cuộc cách mạng đang diễn ra ở Vê-nê-xu-ê-la.
Đất nước và con người Vê-nê-xu-ê-la
Vê-nê-xu-ê-la nằm ở đông - bắc của phần lục địa Nam Mỹ, được bao bọc bởi biển Ca-ri-bê ở phía bắc và Đại Tây Dương ở phía đông. Trên đất liền, Vê-nê-xu-ê-la có chung biên giới với Guy-an-na ở phía đông, với Bra-xin ở phía nam và với Cô-lôm-bi-a ở phía tây. Diện tích của Vê-nê-xu-ê-la trên 916.000 km2 tức là lớn hơn diện tích nước ta gần ba lần, trong khi đó dân số chỉ có gần 28 triệu người, chưa bằng 1/3 dân số của ta. Thu nhập bình quân theo đầu người khoảng 10.000 USD/năm.
Về vị trí địa lý, Vê-nê-xu-ê-la cách xa Việt Nam hơn một nửa vòng trái đất. Khi ở Ca-ra-cát - Thủ đô Vê-nê-xu-ê-la là 6 giờ 30 phút tối thì ở Hà Nội đã là 6 giờ sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, Vê-nê-xu-ê-la cùng nằm trên một vĩ tuyến với nước ta, vì thế giữa 2 nước có nhiều sự giống nhau về khí hậu, cây cối. Tùy theo khu vực từ phía nam lên phía bắc và độ cao mà khí hậu của Vê-nê-xu-ê-la chuyển từ nhiệt đới nóng ẩm tới ôn hòa. Thủ đô Ca-ra-cát nằm ở phía đông - bắc, cách bờ biển vài chục km và ở trong một thung lũng núi rộng lớn với độ cao trên 800 m, khí hậu quanh năm mát mẻ, cây cối xanh tươi. Đi trên đường phố Ca-ra-cát có thể thấy rất nhiều những loại cây có ở nước ta như: chuối, đa, xoài, tre, lát, cọ, cau, gạo gai, si xanh...
Phía bắc Vê-nê-xu-ê-la chính là điểm khởi đầu của dãy núi An-đét lớn nhất lục địa Nam Mỹ. Ở đây có đỉnh núi cao nhất cả nước - đỉnh Bô-li-va cao 4.979 m. Vùng trung tâm Vê-nê-xu-ê-la là những đồng bằng rộng lớn, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, trải dài từ biên giới với nước Cô-lôm-bi-a ở phía tây đến đồng bằng châu thổ sông Ô-ri-nô-cô ở bờ biển phía đông. Phía nam của đất nước chính là một phần của cao nguyên Guy-an-na rộng lớn, nơi có thác nước An-ghen hùng vĩ cao nhất thế giới.
Vê-nê-xu-ê-la nổi tiếng thế giới là đất nước có thiên nhiên tươi đẹp, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, nhất là dầu mỏ. Dầu mỏ chiếm tới 1/3 GDP, 80% giá trị xuất khẩu và đóng góp quá nửa ngân sách nhà nước. Những khoản thu khổng lồ từ dầu mỏ đã cho phép Vê-nê-xu-ê-la phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại vào bậc nhất khu vực Nam Mỹ.
Những kết quả nghiên cứu khảo cổ cho thấy, từ 15.000 năm trước đây đã có con người sinh sống tại vùng đất Vê-nê-xu-ê-la. Tuy nhiên, hầu như lịch sử đất nước này chỉ được biết đến vào đầu thế kỷ XVI, sau khi Crít-xtốp Cô-lôm-bô phát hiện ra châu Mỹ và những đoàn quân thực dân người Tây Ban Nha bắt đầu quá trình xâm lược để thiết lập các thuộc địa. Ngày 5-7-1811, sau cuộc nổi dậy dưới sự lãnh đạo của tướng Phrăng-xít-xcô Đơ Mi-ran-đa, Vê-nê-xu-ê-la đã tuyên bố độc lập. Nhưng chỉ một năm sau, quân đội Tây Ban Nha đã quay trở lại đàn áp. Tướng Mi-ran-đa bị bắt và chết trong ngục tối ở Tây Ban Nha. Đến năm 1830, nước Vê-nê-xu-ê-la mới chính thức được ra đời nhờ thắng lợi của cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Si-môn Bô-li-va. Từ khi ông U. Cha-vét làm Tổng thống, họ của Si-môn Bô-li-va được đưa vào quốc hiệu - Nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la.
Suốt trong thời gian từ 1830 đến 1958, các chế độ độc tài quân sự thay nhau cầm quyền ở Vê-nê-xu-ê-la. Đến năm 1958, các phong trào dân chủ đã loại bỏ vai trò thống trị xã hội của quân đội và thực hiện bầu cử tự do. Sau khi trúng cử và trở thành Tổng thống từ tháng 2-1998, ông U. Cha-vét bắt đầu tiến hành một loạt chính sách tiến bộ nhằm cải cách kinh tế - xã hội và tuyên bố bắt tay vào "cuộc cách mạng Bô-li-va", xây dựng "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI".
Tổng thống U. Cha-vét và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI
U. Cha-vét sinh trưởng trong một gia đình trí thức ở bang Ba-ri-nát thuộc vùng An-đét. Cả cha và mẹ ông đều là giáo viên. Năm 1975, ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Vê-nê-xu-ê-la và được phong quân hàm thiếu úy pháo binh. Cuộc đời binh nghiệp của ông đã kết thúc vào ngày 13-2-1992, khi ông đang là trung tá, lữ đoàn trưởng lữ đoàn dù mang tên Ni-cô-lát Bri-se-nô và đã chỉ huy 300 quân dưới quyền mình tiến hành đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính quyền đương thời. Chiến dịch đảo chính thất bại, U. Cha-vét bị bắt và bị cầm tù, nhưng tên tuổi ông trở thành nổi tiếng trong nhân dân. Sau hai năm tù, ông được ân xá với điều kiện không được trở lại quân ngũ.
Sau khi ra tù, U. Cha-vét bắt đầu các hoạt động chính trị. Ông vận động các bạn chiến đấu và một số đảng viên các đảng cánh tả để lập ra Phong trào nền Cộng hòa Thứ năm (MVR) nhằm thông qua đấu tranh nghị trường để nắm chính quyền, thực hiện mục tiêu cách mạng theo tinh thần Bô-li-va. Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11-1998, MVR giành được 21,3% số phiếu bầu, trở thành đảng lớn thứ hai của đất nước, đứng sau Đảng Hành động dân chủ chiếm được 21,7% phiếu bầu. Để bảo đảm cho thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6-12-1998, MVR do ông U. Cha-vét đứng đầu đã vận động các đảng cánh tả như: Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la (PCV), Phong trào Tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS), Đảng Tổ quốc cho tất cả (PPT), cùng một số đảng cánh tả nhỏ khác lập ra khối Liên minh Yêu nước (PP). Cùng với sự cảm tình, ủng hộ của nhân dân lao động, PP là cơ sở chính trị quan trọng giúp cho ông U. Cha-vét thắng cử với 56,5% số phiếu bầu, trở thành tổng thống cánh tả đầu tiên không chỉ ở Vê-nê-xu-ê-la mà còn của cả khu vực Nam Mỹ vào thời điểm đó.
Ngay sau khi nắm được chính quyền, Tổng thống U. Cha-vét đã tiến hành một loạt cải cách có tính cách mạng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI mà biểu hiện thực tế là hướng tới công bằng xã hội, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, chống chủ nghĩa đế quốc và sự bóc lột tư bản chủ nghĩa.
Có thể nói, những vấn đề xã hội là nóng bỏng, bức xúc nhất vào thời điểm khi Tổng thống U. Cha-vét bắt đầu thực thi quyền lực. Mặc dù là một đất nước giàu có nhất nhì khu vực Nam Mỹ nhưng sự phân hóa giàu nghèo cũng rất khốc liệt. Hơn 43% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Đó cũng là bộ phận dân cư không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế. Tỷ lệ thất nghiệp cao (năm 1999 là 15%), tỷ lệ lạm phát luôn ở mức 40% đến 60%/năm. Những điều kiện xã hội tồi tệ đã đẩy gần một nửa dân cư của cả nước vào hoàn cảnh nghèo khổ.
Từ tháng 6-2002, Chính phủ của Tổng thống U. Cha-vét đã bắt tay vào thực hiện Kế hoạch chiến lược xã hội 7 năm với mục tiêu xóa nạn mù chữ, chăm sóc y tế cho người nghèo, đào tạo nghề, tạo công ăn, việc làm cho những người thất nghiệp. Tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch này đều có sự trợ cấp bằng tiền của Chính phủ.
Chương trình chăm sóc y tế được thực hiện từ năm 2003 với sự trợ giúp của các bác sĩ đến từ Cu-ba. Hơn 5.000 trung tâm chăm sóc sức khỏe được xây dựng chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng kinh tế khó khăn. Chương trình nhà ở cho người nghèo được khởi động từ năm 2004. Chính phủ bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho những khu dân cư mới và mỗi năm xây dựng hàng chục ngàn căn hộ giá rẻ cho người nghèo. Chính phủ chủ động điều chỉnh giá lương thực nhằm chống nạn đầu cơ, nhập khẩu thực phẩm bán rẻ cho dân. Nói chung, các chương trình xã hội đã góp phần cải thiện đáng kể cho nhân dân, nhất là bộ phận người nghèo khổ ở nông thôn, miền núi và những người nhập cư.
Về kinh tế, chính sách chung của chính quyền của Tổng thống U. Cha-vét là quốc hữu hóa và giành quyền kiểm soát những ngành kinh tế quan trọng then chốt của đất nước. Đối tượng được quan tâm đầu tiên chính là ngành công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí - bộ phận sống còn của nền kinh tế Vê-nê-xu-ê-la.
Việc phát hiện dầu mỏ vào năm 1913 đã nhanh chóng biến Vê-nê-xu-ê-la thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư - các chủ tư bản nước ngoài. Hầu hết các công ty dầu mỏ "có máu mặt" của các nước phương Tây đều nhảy vào làm ăn ở Vê-nê-xu-ê-la. Vào lúc cao điểm nhất, Vê-nê-xu-ê-la khai thác 3,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, đứng hàng thứ tư trong số các cường quốc xuất khẩu dầu mỏ. Hầu như toàn bộ hoạt động khai thác ở 32 khu mỏ chính và các cơ sở chế biến dầu quan trọng nhất đều nằm trong tay các công ty đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Na Uy như: Chevron, Exxon Mobil, ConocoPhillips, BP, Total, Statoil, v.v.. Tháng 4-2006, Quốc hội quyết định nâng mức thuế của các công ty dầu mỏ nước ngoài lên 33,3% thay vì 16,6% trước đó. Hai năm sau, tháng 4-2008, mức thuế thu nhập đối với các dự án khai thác dầu tại lưu vực sông Ô-ri-nô-cô được nâng từ 34% lên 50%. Đặc biệt, nếu giá dầu Brent trên thị trường thế giới lên trên 100 USD/thùng thì mức thuế sẽ tăng lên 60%. Đồng thời, Chính phủ cũng đã quốc hữu hóa 4 nhà máy lọc dầu ở khu vực Ô-ri-nô-cô với giá trị lên đến 30 tỉ USD và công suất chế biến 60 vạn thùng dầu/ngày.
Cùng với ngành dầu khí, chỉ trong năm 2008 với các hình thức khác nhau, Chính phủ của Tổng thống U. Cha-vét đã tiến hành quốc hữu hóa một loạt cơ sở trụ cột của các ngành công nghiệp điện, gang thép, xi-măng, viễn thông như: Công ty Điện lực tư nhân EDC (của Mỹ), Công ty Viễn thông CANTV, Tập đoàn Gang thép Sidor (60% vốn của ác-hen-ti-na), 3 công ty sản xuất xi-măng của các chủ tư bản nước ngoài - Cemex (Mê-hi-cô), Lafarge SA (Pháp) và Holcim (Thụy Sĩ). Cuối năm 2009 vừa qua, đến lượt một số ngân hàng tư nhân được quốc hữu hóa.
Trong nông nghiệp, Chính phủ tiến hành cải cách ruộng đất nhằm thu hồi 1 triệu héc-ta đất bỏ hoang để giao lại cho nông dân sản xuất. Nhà nước xây dựng mới một số nhà máy sản xuất phân bón và bán với giá rẻ cho nông dân, hợp tác với các chuyên gia nông nghiệp nước ngoài nhằm hỗ trợ cho nông dân, kích thích phát triển sản xuất để tự túc lương thực, thực phẩm.
Về chính trị, thời gian cầm quyền của Tổng thống U. Cha-vét cũng là thời kỳ diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt để giữ chính quyền, bảo vệ những thành quả đã có và tiếp tục thực hiện những mục tiêu to lớn của cuộc cách mạng. Trong 10 năm qua đã diễn ra 14 lần thử thách cam go với các cuộc trưng cầu dân ý, bầu cử quốc hội, bầu cử tổng thống. Phe đối lập chống đối một cách quyết liệt bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau, không chỉ qua lá phiếu mà còn sử dụng cả hành động khủng bố, bạo loạn. Phải đến lần trưng cầu dân ý thứ hai, nội dung thay đổi Hiến pháp với việc cho phép tổng thống có thể tái cử nhiều lần mới được thông qua (Hiến pháp cũ của Vê-nê-xu-ê-la quy định nhiệm kỳ tổng thống chỉ có 5 năm và một người chỉ được làm tổng thống một nhiệm kỳ duy nhất). Trong các năm 2001, 2002, Hiệp hội doanh nghiệp mà thực chất là tổ chức tập hợp giới chủ tư bản đã phát động nhiều cuộc đình công, bãi công, gây nên tình trạng trì trệ về kinh tế, bất ổn định về xã hội. Sự phá hoại của giới chủ là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tăng trưởng âm trong năm 2002 (-8,8%) và năm 2003 (-7,7%). Thậm chí vào tháng 4-2002, lực lượng đối lập đã làm đảo chính, bắt giam Tổng thống U. Cha-vét và lập ra Chính phủ lâm thời tồn tại 48 tiếng. Những cuộc biểu tình rầm rộ của nhân dân lao động và hành động kiên quyết của lực lượng quân sự tiến bộ trung thành đã đưa ông trở lại cầm quyền chỉ sau 2 ngày.
Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất, ngày 4-12-2005, phe đối lập tẩy chay không tham gia, vì thế, Liên minh cầm quyền của Tổng thống U. Cha-vét đã giành được toàn bộ 167 ghế. Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 12-2006, ông U. Cha-vét lại giành được đa số phiếu bầu, tái đắc cử nhiệm kỳ 2007 - 2013.
Để tạo cơ sở chính trị cho cách mạng, cuối năm 2007, Tổng thống U. Cha-vét tuyên bố xúc tiến thành lập Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV). Đại hội thành lập PSUV diễn ra từ ngày 12-1 đến ngày 9-3-2008 (chỉ họp vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật) đã ra Tuyên bố về nguyên tắc của Đảng, bầu ra ban lãnh đạo gồm 15 ủy viên chính thức, 15 ủy viên dự khuyết và Tổng thống U. Cha-vét làm Chủ tịch. Hiện nay, PSUV đang tiến hành Đại hội lần thứ hai, họp vào thứ Bảy và Chủ nhật mỗi tuần từ tháng 10-2009 đến tháng 4-2010. Nhiệm vụ chủ yếu của Đại hội lần thứ hai của PSUV là xây dựng Chính cương, Điều lệ của Đảng và hoạch định những chủ trương, chính sách của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Chính quyền của Tổng thống U. Cha-vét thực thi chính sách đối ngoại thiên tả, ủng hộ và hướng đến việc xây dựng quan hệ chặt chẽ với Cu-ba, Việt Nam, Trung Quốc, các nước có chính phủ cánh tả ở Mỹ La-tinh và với các nước có xu hướng chống Mỹ trên thế giới. Đặc biệt, cách mạng Cu-ba có ảnh hưởng rất to lớn đối với cuộc cách mạng ở Vê-nê-xu-ê-la. Mô hình xã hội Cu-ba được coi như một hình mẫu để cách mạng Vê-nê-xu-ê-la học tập. Cá nhân Tổng thống U. Cha-vét rất tôn sùng Phi-đen Ca-xtrô, coi ông như người cha và hơn thế, như một thần tượng cách mạng. Trong thời điểm Cu-ba rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất, Vê-nê-xu-ê-la đã cung cấp dầu mỏ cho Cu-ba với giá rẻ để vực nền kinh tế. Phía Cu-ba đã gửi tới Vê-nê-xu-ê-la hàng nghìn bác sĩ, giáo viên để khám chữa bệnh, phát triển giáo dục cho những khu vực khó khăn. Nhiều sinh viên từ Vê-nê-xu-ê-la được chính phủ Cu-ba cấp học bổng để đến học tại các trường đại học ở Cu-ba... Có thể nói trong những năm vừa qua, quan hệ giữa Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba đã trở nên đặc biệt gần gũi, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.
Đối với khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, Vê-nê-xu-ê-la đề cao tinh thần đoàn kết, hợp tác để tạo thành mặt trận chung chống cường quyền, chống sự áp đặt của Mỹ. Vê-nê-xu-ê-la đã cùng Cu-ba đứng ra thành lập khối liên minh "Giải pháp Bô-li-va cho châu Mỹ" (ALBA) với mục đích bảo vệ chủ quyền, độc lập, chống lại những ảnh hưởng bất lợi của Khu vực tự do thương mại toàn châu Mỹ (FTAA) do Mỹ khởi xướng và chi phối. Hiện nay, đã có 9 nước ở khu vực tham gia ALBA là: Vê-nê-xu-ê-la, Cu-ba, Bô-li-vi-a, Ni-ca-ra-goa, Ê-cu-a-đo, Đô-mi-ni-ca, Hôn-đu-rát, Xanh Vi-xen và Grê-na-đa, An-ti-goa và Bác-bu-đa.
Những thách thức của cách mạng
Mười năm cầm quyền của Tổng thống U. Cha-vét đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống xã hội, mang lại những thay đổi tích cực cho đất nước Vê-nê-du-ê-la. Những thành tựu cách mạng ấy có ý nghĩa rất to lớn đối với không chỉ riêng Vê-nê-xu-ê-la mà còn là nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ đối với cả khu vực Mỹ La-tinh. Nói như ông Gác-xi-a Pôn-sơ, Tổng Biên tập báo Vea: "Đó là những thành tựu cách mạng không ai có thể phủ nhận được và từ bao đời nay, những người dân Vê-nê-xu-ê-la hằng mơ ước. Đó cũng chính là những cơ sở cụ thể, sinh động để nhân dân Vê-nê-xu-ê-la tin tuởng và ủng hộ Tổng thống U. Cha-vét". Tuy nhiên, cùng với những kết quả to lớn có được sau 10 năm thực hiện cuộc cách mạng theo tinh thần Bô-li-va và xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, Vê-nê-xu-ê-la cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, thậm chí có những vấn đề đe dọa cả sự tồn vong của chế độ.
Trước hết, đó là vấn đề đường lối cách mạng và mô hình xã hội mà Vê-nê-xu-ê-la hướng tới xây dựng chưa được xác định rõ ràng. Ông U. Cha-vét cùng Phong trào Nền cộng hòa thứ năm giành thắng lợi và nắm chính quyền thông qua con đường đấu tranh nghị viện. Sự đoàn kết của mặt trận các lực lượng cánh tả trong Phong trào nền Cộng hòa thứ năm và uy tín cá nhân của ông U. Cha-vét đã thuyết phục các tầng lớp dân nghèo đang chiếm đa số trong xã hội dành lá phiếu ủng hộ cho cách mạng. Nhưng sau khi đã cầm quyền, bất cứ một lực lượng chính trị nào cũng không thể mang lại những thành tựu phát triển, sự ổn định bền vững của xã hội và qua đó khẳng định được quyền lực của mình nếu không có một chủ thuyết phát triển đúng đắn và một mô hình xã hội đủ độ rõ ràng cần thiết. Đối với cách mạng Vê-nê-xu-ê-la, hầu như chỉ mới có những đường nét phác thảo chung nhất cho học thuyết phát triển ấy. Cả nội dung cuộc cách mạng Bô-li-va và mô hình của "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI" mới chỉ được biết tới qua những tuyên bố của Tổng thống, qua những chương trình kinh tế - xã hội cụ thể được Tổng thống đưa ra thực hiện.
Những người cách mạng Vê-nê-xu-ê-la rất quan tâm nghiên cứu, học tập mô hình xã hội cùng những kinh nghiệm ở các nước xã hội chủ nghĩa như Cu-ba, Việt Nam, Trung Quốc. Nhưng mô hình nào, kinh nghiệm nào sẽ phù hợp với điều kiện của Vê-nê-xu-ê-la? Đó là một câu hỏi không dễ và có thể là chưa có được câu trả lời cụ thể, có hệ thống. Trên thực tế, một số chương trình xã hội như chương trình xây dựng các công xã, tạo việc làm cho người dân hay việc quốc hữu hóa một số ngân hàng tư nhân vào thời điểm cuối năm 2009, ngay trước thềm lễ Nô-en chưa phải đã mang lại hiệu quả như trông đợi. Một số cán bộ trong bộ máy chính quyền của Tổng thống U. Cha-vét giải thích rằng, cách mạng Vê-nê-xu-ê-la như một "đứa trẻ", đang cần học tập, trải nghiệm mới trưởng thành. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, để chiến thắng được các thế lực đối lập và quản lý, phát triển đất nước thì "đứa trẻ" ấy phải trưởng thành nhanh chóng và một dấu hiệu đầu tiên của sự trưởng thành ấy chính là một đường lối cách mạng đúng đắn, một mô hình xã hội hợp lý.
Thứ hai, cơ sở chính trị - xã hội của cách mạng Vê-nê-xu-ê-la chưa được củng cố để bảo đảm độ tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho việc giữ chính quyền và thực hiện công cuộc cải tạo xã hội, xây dựng đất nước. Cơ sở ấy trước hết và quan trọng nhất là một chính đảng cách mạng lớn mạnh. Nhận thức được điều ấy, tháng 12-2006, Tổng thống U. Cha-vét tuyên bố xúc tiến thành lập PSUV nhằm thay thế cho Phong trào Nền cộng hòa thứ năm, lãnh đạo công cuộc cách mạng hiện nay. Ông tuyên bố nguyên tắc, PSUV sẽ là đảng cách mạng cầm quyền. Mọi công dân Vê-nê-xu-ê-la ủng hộ cách mạng đều có thể gia nhập PSUV. Các đảng thành viên của liên minh cầm quyền muốn tham gia PSUV phải tự giải tán, nếu không giải tán vẫn có thể hoạt động độc lập nhưng sẽ không tiếp tục tham gia chính phủ.
Đến tháng 6-2007, chỉ sau không đầy một tháng tiếp nhận đã có 5,6 triệu người đăng ký tham gia PSUV. Chỉ sau hơn một năm thành lập, đến nay PSUV đã có 6,5 triệu đảng viên, chiếm xấp xỉ 1/4 dân số. Những người muốn gia nhập PSUV chỉ cần nhấn ngón tay vào máy đăng ký, máy tính sẽ tự động nhận diện qua vân tay lưu trữ trong hệ thống quản lý chứng minh nhân dân và ghi tên vào danh sách. Không có bất cứ yêu cầu gì khác về lý lịch chính trị, trình độ học vấn, thành phần xã hội... Với cách thu nhận đảng viên như thế, ai có thể biết được quan điểm chính trị, mục đích vào đảng của mỗi người là gì, có những kẻ cơ hội, thậm chí những phần tử khiêu khích, phá hoại chui vào đảng hay không?
Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la và một vài đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền đã không giải tán để gia nhập PSUV. Các đảng này, một mặt, không chấp nhận việc phải tự giải tán; mặt khác, cũng chưa thể tin cậy vì chưa biết rõ nền tảng tư tưởng và đường lối cách mạng của PSUV. Mặc dù các đảng này vẫn ủng hộ Tổng thống U. Cha-vét, nhưng ở một mức độ nhất định, có thể thấy đã có sự chia rẽ một bộ phận lực lượng cách mạng, một vấn đề không nên để xảy ra khi cách mạng còn không ít khó khăn, phức tạp.
Hiện nay, PSUV đang tiến hành Đại hội để thảo luận và thông qua đường lối của Đảng (Đại hội họp vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật từ tháng 11-2009 đến tháng 3-2010). Về nguyên tắc, PSUV hướng tới xây dựng một đảng chính trị lãnh đạo toàn xã hội về tất cả các lĩnh vực theo hướng kết hợp tư tưởng giải phóng của Bô-li-va và chủ nghĩa xã hội. Một số vấn đề quan trọng được đưa vào nội dung thảo luận tại Đại hội như: chủ trương trao quyền cho nhân dân lao động, tạo cơ chế dân chủ rộng rãi cho nhân dân tham gia quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh, bầu trực tiếp và phế truất các quan chức chính quyền; xây dựng mô hình kinh tế kế hoạch hóa dân chủ, ngày càng thỏa mãn nhu cầu của người dân, lấy học thuyết chiến tranh nhân dân làm cơ sở để xây dựng nền quốc phòng, an ninh; chính sách đối ngoại chú trọng hàng đầu đến khối liên kết khu vực và sự đoàn kết với lực lượng xã hội chủ nghĩa quốc tế, v.v.. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cốt tử của PSUV là nền tảng tư tưởng và đường lối cách mạng vẫn còn chưa rõ ràng. Trong khi chưa xác định rõ đường lối, chủ trương của cách mạng, việc điều hành của PSUV và chính phủ hầu như phụ thuộc tuyệt đối vào quan điểm, ý tưởng của cá nhân Tổng thống U. Cha-vét.
Thứ ba, đó là vấn đề cán bộ, nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng phát triển và quản lý đất nước. Đội ngũ cán bộ của PSUV cũng như của Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la hiện nay chủ yếu là những người hoạt động chính trị trong Phong trào Nền cộng hòa thứ năm và một bộ phận cán bộ trẻ trưởng thành trong thời gian Tổng thống U. Cha-vét cầm quyền. Đội ngũ cán bộ ấy không chỉ thiếu về số lượng mà còn hạn chế nhiều mặt, nhất là kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, quản lý điều hành kinh tế, xã hội. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ những người có kiến thức, kinh nghiệm quản lý kinh tế, điều hành sản xuất đã rời khỏi đất nước. Họ là những người thuộc về giới chủ, một số chuyên gia đã gắn bó lợi ích với giới chủ hoặc bất mãn với các chính sách của chính phủ đương thời. Những khoảng trống do bộ phận ngườì này để lại không dễ có thể lấp kín trong thời gian ngắn. Tình trạng này gây ra những khó khăn, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất dầu mỏ, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở dịch vụ mà nhà nước mới quốc hữu hóa. Những người công nhân lao động thay thế những người quản lý, các chuyên gia kỹ thuật khó có thể đáp ứng tốt đòi hỏi của công việc trong một sớm một chiều.
Công việc đào tạo cán bộ của PSUV và Chính phủ của Tổng thống U. Cha-vét hầu như mới chỉ bắt đầu. Trường Đại học Bô-li-va - cơ sở đào tạo cán bộ của Chính phủ mới chỉ khai giảng những khóa học đầu tiên. Nhiệm vụ đặt ra cho nhà trường này là đào tạo những công nhân, thanh niên con em người lao động thành những cán bộ chuyên môn nòng cốt của PSUV và Chính phủ. Đó là một nhiệm vụ quá lớn so với những điều kiện thực tế của nhà trường về người dạy, về cơ sở vật chất, về nội dung giáo trình, tài liệu v.v..
Thứ tư, an ninh, trật tự xã hội đang là vấn đề nóng bỏng ở Vê-nê-xu-ê-la. Nạn trộm cướp hoành hành, phủ bóng nặng nề lên đời sống của người dân, nhất là đối với khách du lịch và người nước ngoài đến làm việc. ở thủ đô Ca-ra-cát, những vụ tội phạm sử dụng súng cướp xe ô-tô, trấn lột người đi đường, bắt cóc con tin tống tiền xảy ra như cơm bữa. Đầu tháng 11-2009, đến cả một viên đại tá cảnh sát cũng bị bắt cóc để đòi tiền chuộc và đã bị sát hại. Bọn tội phạm có thể cướp ngay những chiếc xe đang dừng chờ đèn đỏ ở những ngã tư phố đông đúc. Vì thế, sau 8 giờ tối, người dân được phép lái xe vượt đèn đỏ. Mặc dù chính phủ quản lý súng đạn nhưng bọn tội phạm vẫn tìm ra vũ khí nóng từ nhiều nguồn khác nhau.
Sự phân hóa giàu nghèo quá nặng nề do xã hội cũ để lại cũng tạo nên những bất ổn trong xã hội Vê-nê-xu-ê-la. Một bộ phận người nghèo sống trông chờ, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ. Người ta xếp hàng dài dằng dặc trước các cửa hàng nhà nước để mua thực phẩm giá rẻ do Chính phủ cung cấp. Một bộ phận người nghèo khổ hầu như bị gạt ra ngoài rìa xã hội, bị lưu manh hóa. Ngay cửa ngõ Ca-ra-cát, trên đường từ thành phố ra sân bay, có những khu nhà ổ chuột trên lưng chừng núi, nơi mà ngay cả cảnh sát cũng không dám bước chân tới, nhất là vào ban đêm.
Việc thiết lập lại an ninh, trật tự xã hội ở Vê-nê-xu-ê-la càng khó khăn do tình trạng phân tán cát cứ của cảnh sát. ở đây, cảnh sát được tổ chức theo từng quận một cách riêng rẽ, không có mối quan hệ với nhau. Cảnh sát truy bắt cướp đến ranh giới quận buộc phải dừng lại, không có quyền xâm nhập vào quận khác. Việc cảnh sát quận này xâm nhập quận khác cũng nguy hiểm như đối mặt với bọn cướp có vũ trang bằng súng. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đang xúc tiến kế hoạch thành lập lực lượng cảnh sát quốc gia thống nhất duy nhất. Song việc này cũng không dễ do việc xử lý các tổ chức cảnh sát ở các quận sẽ đụng chạm đến quyền tự trị của các quận.
Thứ năm, vai trò quá to lớn, quá quyết định của cá nhân Tổng thống U. Cha-vét. Đây cũng là một đặc điểm chung, dễ thấy của hầu hết các cuộc cách mạng ở khu vực Mỹ La-tinh. Có thể nói, ở Vê-nê-xu-ê-la, việc đoàn kết các lực lượng cách mạng, giành thắng lợi trong bầu cử hay công cuộc cách mạng có phát triển tiếp tục không đều phụ thuộc vào vai trò của Tổng thống U. Cha-vét. Nếu ông U. Cha-vét không còn nắm quyền tổng thống thì khó ai có thể thay thế và những thành tựu cách mạng sẽ khó tránh khỏi đổ vỡ.
Ngay hoạt động của PSUV và sự điều hành của Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la hiện nay cũng phụ thuộc quá nhiều vào cá nhân tổng thống. Tổng thống có thể nhanh chóng quyết định điều một vị phó tổng thống đi làm quận trưởng, một nữ bộ trưởng đi làm giám đốc một công ty dầu mỏ. Tổng thống cũng trực tiếp đưa ra và quyết định thực hiện các chính sách, chương trình hành động. Đây là điểm thuận lợi, tạo điều kiện cho Tổng thống quyết đoán, chủ động trong lãnh đạo đảng, điều hành chính phủ. Nhưng đây cũng là gót chân a-sin của cách mạng Vê-nê-xu-ê-la mà phe đối lập có thể khai thác để chống phá.
Trong quá khứ, nhân dân Vê-nê-xu-ê-la có cảm tình đặc biệt với cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của ta, điển hình là vụ các du kích đã bắt sống tên trung tá, phó tùy viên quân sự Mỹ tại Ca-ra-cát để đòi đổi lấy tự do cho anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Ngày nay, Tổng thống U. Cha-vét, Chính phủ và nhân dân Vê-nê-xu-ê-la vẫn dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ tích cực. Những người cộng sản và nhân dân Việt Nam rất quan tâm theo dõi với tinh thần ủng hộ, mong muốn cuộc cách mạng của nhân dân Vê-nê-xu-ê-la dưới sự lãnh đạo của Tổng thống U. Cha-vét sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc những thành tựu đã có, thực hiện thành công những mục tiêu cao cả, mang lại hạnh phúc cho nhân dân Vê-nê-xu-ê-la và đóng góp tích cực cho phong trào hòa bình, xã hội chủ nghĩa trên thế giới./.
Xuân về vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc  (16/02/2010)
Đảng ta - Đảng của trí tuệ, bản lĩnh và khoa học  (15/02/2010)
Một nghìn năm vàng  (15/02/2010)
Phát huy truyền thống, kiên định con đường đã chọn, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới  (12/02/2010)
Giới thiệu chính sách mới số 195  (12/02/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên