Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 12-8-2018)
TCCSĐT - Trong báo cáo công bố ngày 08-8 về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, IMF khẳng định Ấn Độ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Khẳng định này của IMF cho thấy, bức tranh kinh tế Ấn Độ ngày càng khởi sắc và đây cũng sẽ là tín hiệu tích cực đối với Thủ tướng N. Modi trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2019.
Bức tranh kinh tế Ấn Độ ngày càng khởi sắc
Ấn Độ được dự báo là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2018. Ảnh: Livemint.com
Theo đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong tài khóa 2018 - 2019 sẽ ở mức 7,3% và tăng lên thành 7,5% trong tài khóa sau đó. IMF cũng đánh giá triển vọng kinh tế của Ấn Độ khá tích cực do đầu tư và chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Bên cạnh đó, IMF đề cao việc chính quyền của Thủ tướng N. Modi công bố thuế hàng hóa và dịch vụ trong năm 2017 nhằm thiết lập một thị trường đơn nhất ở Ấn Độ cho dù thuế này làm nảy sinh một số vấn đề. Thể chế tài chính đa phương này đánh giá tích cực việc New Delhi nới lỏng một số nguyên tắc về đầu tư nước ngoài, song cho rằng quốc gia Nam Á này cần thúc đẩy hơn nữa chính sách nói trên. Giới chức IMF nhấn mạnh, Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ việc tự do hóa đầu tư nước ngoài và thương mại, đồng thời hoan nghênh việc chính phủ nước này cam kết theo đuổi hệ thống thương mại dựa trên nguyên tắc đa phương.
Những thành quả trên cho thấy chính sách Modinomics tỏ ra hiệu quả. Trong cuộc bầu cử năm 2014, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do Đảng Nhân dân Ấn Độ của ông N. Modi làm nòng cốt đã giành chiến thắng tuyệt đối, thành lập chính phủ mà không cần liên minh với các đảng khác. Điều này là nhờ “mô hình Gujarat” - những chính sách mà ông đã áp dụng thành công ở bang Gujarat - đã khơi dậy niềm tin của người Ấn Độ về việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn sẽ triển khai trên toàn đất nước. Các quyết sách đem lại sự thịnh vượng và phồn vinh cho người dân bang Gujarat trở thành nền tảng cho chính sách kinh tế mới, được gọi là Modinomics. Trên vai trò lãnh đạo, Thủ tướng N. Modi đặc biệt coi trọng phát triển những lĩnh vực chủ chốt của Ấn Độ như xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp mạng lưới thông tin, phát triển ngư nghiệp, đẩy mạnh ngành công nghiệp chế tạo trong nước…
Do hệ thống kết cấu hạ tầng tại Ấn Độ còn yếu kém, Thủ tướng N. Modi cũng đã chú trọng việc thiết kế, xây dựng các đường cao tốc, sân bay, hệ thống kho vận, bến bãi. Ông đã công bố kế hoạch gồm: nhân tài, thương mại, công nghệ, du lịch, truyền thông là những vấn đề quan trọng nhằm thực hiện cải cách sâu rộng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Ấn Độ.
Những sáng kiến của Thủ tướng N. Modi đưa ra như “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Thương hiệu Ấn Độ”, “Ấn Độ kỹ thuật số”… đã giúp đẩy mạnh thực hiện các dự án quan trọng, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đầu tư, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đối mặt nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế suy giảm, ông N. Modi đặt ưu tiên hàng đầu là phục hồi nền kinh tế, cải cách về thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chỉ sau hơn 2 năm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng N. Modi, những thành quả của chính sách Modinomics đã phát huy hiệu quả, tạo sự phát triển bứt phá cho nền kinh tế Ấn Độ.
Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ được ghi nhận ở mức cao trong khi thâm hụt ngân sách giảm, tỷ lệ lạm phát được khống chế, đời sống người dân được cải thiện. Nhờ chính sách cải cách, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ ngày càng tăng. Năm 2015, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc thành quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới với 63 tỷ USD và năm 2016 tiếp tục tăng lên 75 tỷ USD. Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), trong tài khóa 2015 - 2016, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ở mức 7,1%. Năm 2017, Ấn Độ đã vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, với tổng GDP khoảng 2.597 tỷ USD và đẩy Pháp xuống vị trí thứ bảy với GDP 2.582 tỷ USD. IMF dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,4% trong năm 2018 và 7,8% trong năm 2019.
Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Từ căng thẳng ngoại giao đến “cuộc chiến” thương mại
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại Washington giữa phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước đang rơi vào bế tắc, Mỹ đã tiếp tục có thêm động thái trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kinh tế khi quyết định tăng gấp đôi mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào tình trạng căng thẳng liên quan đến vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ linh mục người Mỹ A. Brunson. Nhằm gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 01-8, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách trừng phạt với lý do hai quan chức này có vai trò quan trọng trong quyết định bắt và giam giữ vị linh mục trên. Phản ứng lại quyết định trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Ankara “sẽ không nhượng bộ trước các đe dọa của Mỹ”.
Việc trả đũa qua lại lẫn nhau khiến cả hai nước chịu những tác động không nhỏ. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tác động thấy rõ là đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, với tỷ giá 6,30 lira/USD vào ngày 10-8. Không chỉ có vậy, Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến là nước sản xuất thép lớn thứ 8 trên thế giới và là nước xuất khẩu thép sang Mỹ lớn thứ 6. Chính vì vậy, việc Tổng thống Mỹ D. Trump nâng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến hàng tỷ USD hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng mỗi năm.
Ngoài ra, Mỹ còn đang cân nhắc xem xét lại việc miễn thuế cho Thổ Nhĩ Kỳ theo chương trình Cơ chế Ưu đãi chung (GSP) mà Mỹ đã dành cho nước này lâu nay. Nếu điều này xảy ra thì các loại phương tiện giao thông gắn động cơ và phụ tùng, đồ trang sức, kim loại quý và các sản phẩm đá quý, là những mặt hàng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, đối với Mỹ, theo nhận định của nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), M. Obstfeld, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như với các đối tác khác không phải là cách làm hiệu quả để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, ngược lại tình hình thâm hụt còn có thể tăng hơn nữa do chính sách kích thích tài khóa theo kế hoạch của nước này. Theo ông M. Obstfeld, đồng USD, thường được xem là một đồng tiền trú ẩn an toàn, có thể sẽ tăng hơn nữa khi Mỹ mở rộng việc đánh thuế hàng nhập khẩu, khiến các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn so với phần còn lại của thế giới. Hệ quả là khi xuất khẩu của Mỹ giảm và nhập khẩu tăng, thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng hơn nữa.
Do vậy, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có ý nghĩa về mặt chiến lược mà còn gắn bó về kinh tế, thương mại, việc hai nước cần nỗ lực hóa giải bất đồng để đạt được lợi ích chung là cần thiết.
Nguy cơ xung đột leo thang tại Yemen
Ảnh minh họa. Ảnh: sggp.org.vn
Trong những ngày qua, quân đội Yemen và lực lượng phiến quân Houthi tại nước này đã tấn công các căn cứ quân sự của Saudi Arabia trong khi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành vụ tấn công đáp trả vào Yemen.
Ngày 08-8, quân đội Yemen, được sự hỗ trợ của các binh sĩ thuộc Hội đồng Nhân dân (PC), đã dùng tên lửa và pháo binh tấn công vào các điểm đóng quân tại khu vực biên giới, thuộc các tỉnh Jizan và Najran, miền Nam Saudi Arabia. Trong một động thái khác, quân đội Yemen và đồng minh đã phóng một tên lửa tầm ngắn được sản xuất trong nước nhằm vào vị trí của quân đội trung thành với cựu Tổng thống Rabbuh Mansur Hadi, được Saudi Arabia hậu thuẫn tại tỉnh al-Jawf ở miền Bắc Yemen. Cùng ngày, phiến quân Houthi tại Yemen đã tấn công bằng tên lửa vào thành phố Jizan của Saudi Arabia.
Ngay sau đó, liên minh chống phiến quân Houthi tại Yemen cho biết, Saudi Arabia đã bắn hạ một tên lửa của nhóm phiến quân này. Ngày 09-8, một vụ tấn công nhằm vào một xe buýt xảy ra tại khu vực chợ Dahyan, phía Bắc tỉnh Saada ở Yemen. Khi xảy ra vụ việc, trên xe có nhiều trẻ em đang trên đường đến trường học. Giới chức y tế địa phương cho biết ít nhất 50 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 10 tuổi, và 77 người khác trong đó có 30 trẻ em bị thương. Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống phiến quân tại Yemen đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công, song khẳng định vụ tấn công là một “hành động quân sự hợp pháp”, nhằm đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa trước đó một ngày của phiến quân Houthi ở thành phố Jizan của Saudi Arabia.
Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra “nhanh chóng và độc lập” về vụ việc này. Tổng Thư ký A. Guterres yêu cầu các bên “thường xuyên chú ý tránh tấn công dân thường và mục tiêu dân sự trong các chiến dịch quân sự”. Tổng Thư ký A. Guterres cũng nhắc lại lời kêu gọi tiến hành một cuộc đàm phán giữa các phe phái Yemen để đưa ra một thỏa thuận chính trị mà theo ông là cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia vùng Vịnh này.
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về thông tin thương vong dân thường tại Yemen, đồng thời kêu gọi thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo vệ dân thường phù hợp với luật pháp quốc tế. Các đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đã lên án vụ tấn công khiến hàng chục trẻ em thiệt mạng nói trên. Trong một tuyên bố lên án vụ tấn công, Bộ Ngoại giao Iran hối thúc cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với Riyadh và các đồng minh nhằm ngừng các chiến dịch quân sự tại Yemen.
Những diễn biến căng thẳng và phức tạp trên khiến giới phân tích nhận định Yemen đang là một trong những mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran do hai nước ủng hộ các bên đối địch tại quốc gia Arab này. Chính vì vậy, vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Saudi Arabia do phiến quân Houthi thực hiện lần này có thể làm leo thang hơn nữa chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn dắt tại Yemen, đồng thời là một bước đi nguy hiểm khi châm ngòi cho các cuộc xung đột trong khu vực.
Tân Tổng thống Colombia và những trọng trách
Tân Tổng thống Colombia Ivan Duque. Ảnh: kcur.org
Ngày 07-8, Tổng thống đắc cử Colombia Ivan Duque thuộc đảng Trung tâm Dân chủ (CD) đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2018 - 2022. Trở thành nhà lãnh đạo mới của Colombia, ông I. Duque sẽ đảm nhận trọng trách nặng nề, tiếp tục đưa quốc gia Nam Mỹ này hoàn tất tiến trình hòa bình và hòa hợp mà người dân mong mỏi trong suốt nửa thế kỷ qua.
Trên thực tế, trong suốt quá trình tranh cử, ông I. Duque luôn giữ quan điểm cứng rắn trong cách đánh giá về thỏa thuận hòa bình, cho rằng chính phủ tiền nhiệm đã quá nhượng bộ trong đàm phán với FARC, đồng thời cam kết ngay sau khi lên nắm quyền sẽ tiến hành điều chỉnh một số điều khoản trong thỏa thuận này để đem lại công lý cho người dân Colombia. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những thành quả của thỏa thuận với FARC. Trong vòng 18 tháng đầu tiên kể từ văn kiện trên được triển khai, tình trạng bạo lực tại Colombia đã giảm đáng kể. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 (thời điểm Chính phủ Colombia và FARC bắt đầu đàm phán) đến năm 2017, tỷ lệ các vụ án mạng tính trên mỗi 100.000 người dân đã giảm từ 34 xuống còn 24 vụ, trong khi số người phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực cũng giảm từ 270.000 người xuống 75.000 người. Có thể thấy rõ hòa bình đang được lập lại tại quốc gia 45 triệu dân, vì vậy việc sửa đổi thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ của cựu Tổng thống Santos với FARC vốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là điều không dễ dàng.
Có thể thấy, nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc xung đột vũ trang kéo dài hàng thập niên qua tại Colombia đó là sự thiếu gắn kết, khoảng cách giàu nghèo, phân biệt thành thị với nông thôn. Do vậy, thách thức đối với Tổng thống I. Duque chính là “chữa lành những vết thương” và đặt dấu chấm hết cho sự phân cực tại quốc gia Nam Mỹ này.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Colombia với nhóm vũ trang ELN nhằm chấm dứt các hành động bạo lực để từ đó tạo được sự ổn định về chính trị cũng là một thách thức cần giải quyết đối với chính phủ của Tổng thống I. Duque.
Bên cạnh đó, quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với việc đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào dầu mỏ và khoáng sản. Hoạt động xuất khẩu dầu khí hiện chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là than và hóa chất. Chính phủ mới của Colombia sẽ phải nỗ lực thúc đẩy chính sách thương mại mở cửa, cắt giảm chi tiêu công, kiến tạo một hệ thống ngân sách chi tiêu mới nhằm cải thiện năng suất, sự cạnh tranh và đầu tư, đề ra các chính sách giữ chân các nhà đầu tư như cắt giảm thuế doanh nghiệp, sản phẩm than đá cũng như ngành lắp ráp, cải tiến ngành nông nghiệp với những sáng kiến mới như bảo đảm pháp lý trong đầu tư sản xuất, bảo đảm sự minh bạch đối với tài sản và cách tiếp cận đất đai.
Một thách thức không nhỏ nữa đối với tân Tổng thống I. Duque là nạn ma túy. Diện tích trồng cây coca làm nguyên liệu cho ma túy ở Colombia vẫn gia tăng, luôn là một vấn đề nhức nhối đối với nhiều đời tổng thống Colombia. Trong khi đó, vấn đề bảo đảm an ninh, giảm tỷ lệ đói nghèo, bất bình đẳng, giáo dục, y tế và chống tham nhũng cũng là những thách thức mà chính phủ mới của Colombia phải đối mặt.
Những hệ lụy khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran
Lo ngại các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran, giá dầu thế giới tăng trở lại. Ảnh: Reuters
Quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng khi Tổng thống D. Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong khi Tổng thống H. Rouhani tuyên bố, Iran sẽ khiến cho Mỹ phải “hối tiếc” vì đã tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Thực tế cho thấy, trong ba năm qua, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân đã tạo điều kiện để nước Cộng hòa Hồi giáo Iran giành được lợi thế không chỉ về chính trị, được cộng đồng quốc tế thừa nhận vị thế, mà cả những lợi ích to lớn về kinh tế. Sau khi JCPOA có hiệu lực và Washington dỡ bỏ cấm vận, các công ty của châu Âu, Trung Quốc và Nga đã đổ nhiều tỷ USD vào thị trường chưa được khai phá này. Riêng năm 2016, đầu tư nước ngoài vào Iran lên tới 3,4 tỷ USD, đưa nền kinh tế nước này tăng trưởng nhảy vọt tới 12,5%. Tuy nhiên, từ khi Tổng thống D. Trump tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đồng rial của Iran đã mất giá mạnh do đầu tư nước ngoài giảm tới 50% kể từ cuối năm 2017. Luồng tài chính chảy ra nước ngoài ồ ạt, ước tính có thể lên đến 10 - 30 tỷ USD.
Việc Tổng thống D. Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ gây ra những hậu quả lớn từ địa chính trị cho tới kinh tế đối với Tehran và cả các nước EU, vốn là khu vực đi đầu trong hoạt động giao thương với Iran kể từ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Đối với Iran, các chuyên gia nhận định, việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ vắt kiệt nền kinh tế của Iran, quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ này trong thời gian tới. Còn đối với EU, các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran của Mỹ không chỉ làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí ở khu vực ngay sát châu Âu, mà còn phá vỡ uy tín của EU, khiến dư luận liên tưởng tới một EU có ảnh hưởng mờ nhạt. Đó là chưa kể tới những thiệt hại to lớn về lợi ích thương mại và kinh tế mà các công ty châu Âu đang đầu tư ở Iran phải hứng chịu. Theo thống kê, năm 2017, giá trị hàng hóa xuất khẩu của EU vào Iran đạt gần 11 tỷ euro (khoảng 13 tỷ USD).
Tuy nhiên, không chỉ Iran và EU chịu tác động do Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, hãng máy bay Boeing của Mỹ cũng sẽ chịu nhiều thiệt hại khi thỏa thuận cung cấp máy bay dân dụng cho Iran trị giá hàng chục tỷ USD phải tạm ngừng do lệnh trừng phạt của Mỹ. Đồng thời, việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sẽ tác động lớn tới thị trường dầu mỏ bởi Iran là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần 30  (13/08/2018)
Ấn định thời gian, địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tiếp theo  (13/08/2018)
Chủ động, sáng tạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XII  (13/08/2018)
"Chốt" phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức 5,3%  (13/08/2018)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm