Những con thò lò... sáu mặt

Nhị Lê
23:06, ngày 20-06-2017

Ai cũng biết, thò lò là con quay hình lăng trụ có sáu mặt, xoay quanh một trục đứng, xuyên qua tâm nó. Ở mỗi mặt, người ta ghi chấm tròn từ 1 tới 6, thành sáu mặt số. Nó là vật dụng để người ta chơi trò đánh bạc, có từ thời xa xưa. Người thạo nghề cờ bạc tới mức thành tinh, thì họ như làm xiếc... với con thò lò và trở thành kẻ cờ gian bạc bịp, cự phách giang hồ. Họ làm cho những người trong cuộc cờ bạc lắm kẻ khuynh gia bại sản, thậm chí là thân bại danh liệt... Đến lượt họ, vào một ngày vận xúi, ắt rũ tù mọt gông.

Vật nào do người làm ra chả mang dấu người. Con thò lò dù là gỗ, đá vô tri, nhưng lâu mãi cũng... ám thị cả tính người. Vì thế, khi xem chuyện thế sự ở đời, nhắc tới nó, người ta nghĩ ngay tới những loại người hoạt đầu, gian giảo, điêu ngoa, quay quắt, tráo trở, lật lường... vậy! Mãi rồi cũng dần thành chuyện nhân gian, rằng những người mang bản tính con thò lò, đến mức chính nó cũng... chẳng thể sánh tày.

Một giọt máu đào và ao nước lã

Trọng huyết thống là việc thiêng liêng, là đáng quý lắm thay: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”! Ông cha ta xưa nay vẫn bảo thế kia mà!

Đằng này, theo đó, người ta hô hào ai ai cũng phải có bổn phận dốc lòng vì việc chung! Đúng quá. Song việc chung là để cho “ao nước lã”, cho mọi người làm? Còn khi hưởng thụ, thì lại là việc riêng của họ, của phe nhóm họ, nhăm nhe riêng dành cho những “giọt máu đào”. Lúc chia bổng lộc, địa vị, lợi quyền... tịnh chả thấy tăm hơi những “ao nước lã”!

Đằng kia, cũng theo thế, tự cho mình “vì sự cao quý” của “giọt máu đào”(!), họ luồn lựa “đúng quy trình”, ủ mưu kéo bè kéo mảng, tâng cả họ cả hàng rồng rắn... làm quan! Anh em chú bác làm quan thì... con cháu chút chít họ... cũng phải làm quan! Y kiểu “gia đình trị”. Y tuồng xứ quân. Giỏi giang, đức độ thì một chuyện, đằng này bất kể tài hèn đức mọn, bất kể ngô ngọng dở hơi! Quan kiểu đi tắt, quan kiểu nhảy cóc, quan đi rút ngắn, quan đi đường vòng... Như là hôi của trên... muôn nẻo đường quan như một đặc quyền(!?).

Những sứ quân “giọt máu đào” nảy nòi tứ tán.

Lợi ích nhóm và nhóm lợi ích, phường hội, sứ quân của những “giọt máu đào” mọc ra như nấm sau mưa.

Còn “ao nước lã”, dù giỏi mấy mươi, dù đức cao vọng trọng tới mấy mươi... chả nói, ai ai cũng biết, rằng “giọt máu đào” coi họ ở hàng “bét trí tuệ(!).

Đạo lý cho người và đạo lý cho ta(!)

Đó là cái mặt thứ hai của con thò lò.

Đã gọi là đạo lý, thì xưa nay, chỉ có một trên đời! Ai ai cũng nghĩ và có bổn phận hành xử theo đó, mới thành xã hội. Một con người tốt là sống theo đạo lý xã hội, muôn người như thế ắt làm nên một xã hội tốt.

Nhưng, họ thì phân chia đạo lý xã hội ấy thành hai thứ: “đạo lý cho ta” và “đạo lý cho người”(!). Rằng, người này thì: “Của mình thì giữ bo bo. Của người thì thả cho bò nó ăn”. Rằng, kẻ kia thì: “Của riêng phải giữ đến cùng. Của chung quyết khéo vẫy vùng thành... riêng”(!)...

Thế là sinh ra xiết bao thói tệ: “Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”, “Của anh anh mang, của nàng nàng xách”, “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”... Nhưng, nguy hiểm nhất là nạn đạo chích làm nhiễu loạn kỷ cương xã hội, khiến lòng người xao xuyến, phẫn nộ, phỉ nhổ: ăn cắp của công, ăn trộm chức vụ. Loại sau cùng này, Bác Hồ gọi đích danh chúng là “giặc nội xâm”, là “đạo vị”, ta gọi là tham nhũng chính trị, tham nhũng quyền lực.

Trên diễn đàn và dưới diễn đàn

Đó là kiểu sống phân thân, hành xử đa nhân tính.

Trên diễn đàn thì họ chém gió rao giảng đạo đức, ra khỏi diễn đàn thì tráo trở làm càn làm bậy, thậm chí vô đạo đức.

Trên diễn đàn thì họ huênh hoang “lá mặt”, bước khỏi diễn đàn thì làm những việc “lá trái”, đổi trắng thay đen. Họ nói tốt làm xấu, nói xuôi làm ngược. Họ dối trá người nghe, dối trá cả chính họ. Và khi có họa, “đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”, họ “tranh công đổ lỗi”, “tẩu vi thượng sách”(!).

Chỉ bấy nhiêu thôi, thừa đủ nói rằng, hạng này là những kẻ đạo tâm (ăn cắp lòng tin). Ai bị đánh cắp? Người nghe họ rao giảng. Mà một khi đã mất lòng tin, với họ, hẳn là mất hết!?

Trong cuộc họp và ngoài hành lang

Đây là hạng người “tiền hậu bất nhất”, lật lường, tráo trở.

Họ hành xử như hai chiếc giày, một chiếc trong cuộc họp và một chiếc ngoài hành lang, của một đôi giày dối trá. Họ nói hai nửa sự thật ở hai nơi và như thế, cả hai đều là giả dối.

Bác Hồ nói: Trước mặt thì nói tốt, ra ngoài thì thấm thúi, thậm thụt sau lưng.

Trong cuộc họp, họ khen anh ríu rít, y như con oanh học nói, con vẹt học thưa. Nhưng, bước ra hành lang, họ “khỏi vòng cong đuôi”, “qua cầu rút ván”, coi chị như rác, nói anh chỉ như bùn, thậm chí như đồ bỏ đi(!).

Trong cuộc bầu cử, trước mặt anh, họ nói ủng hộ như “dao chém đá”. Nhưng, họ lén lút “đâm bị thóc, chọc bị gạo” và thẳng thừng gạch phắt tên anh. Và, lại là người chen bật mọi người, vồ lấy tay anh, chúc mừng như đòi “tâng công” sớm nhất, khi anh đắc cử.

Thật là thừa, khi nói gì thêm, dù chỉ nửa câu, về mặt này của một số người như kiểu con thò lò vậy!

Trước cấp trên và trước cấp dưới

Họ tuyệt chiêu giỏi ngón nghề này. Với bề trên thì nó giót mật ong vào lỗ nhĩ, với cấp dưới thì “ngậm máu phun người”(!). Tới mức, nếu sự xấu hổ có thể làm chết con người, thì họ đáng phải chết cả... nghìn, triệu lần.

Thượng đội trên, hạ đạp dưới... là họ.

Nịnh nọt bề trên, nạt nộ cấp dưới... cũng là họ.

Lạy lục, hầu hạ bề trên, bòn rút, đe nẹt cấp dưới... càng là họ.

Có người bảo: Nếu con thò lò như người, chắc nó phải xấu hổ trước sự vô sỉ, ô nhục của một số trong cái giống người quay quắt hơn cả chính nó!

Miệng nam mô và bụng một bồ dao găm

Cả gan một tay vuốt ve nhân nghĩa nhưng tay kia họ rắp mưu “gươm giấu tay áo”(!).

Táo tợn hơn, họ “mài dao đợi hội” nhưng miệng kia rổn rảng ca: phúc dài đức rộng.

“Bề ngoài thơn thớt nói cười. Bên trong nham hiểm giết người không dao” là họ. Các cụ nói: “Xảo ngôn lệnh sắc, tiên hĩ nhân” cũng là loại người ấy vậy. Cũng là loại người “Khẩu Phật tâm xà”, “Nói đông chết tây”, “Nói dây chết củ”... Miệng nói lời nhân nghĩa nhưng bụng chứa toàn... rắn rết. Họ xảo trá, giảo hoạt, lật lường, thậm chí cả vu oan giá họa, “gắp lửa bỏ tay người”, hãm hại lẫn nhau...

Sự làm xiếc với nhân thế, thậm chí ma mãnh, biến ảo, gian giảo, thâm độc, họ đạt tới mức thượng thừa.

Thôi rồi nhân thế!

Ấy chỉ là sáu mặt con thò lò ứng với sáu hạng người trong canh bạc nhân gian, khi nó nằm im trong chiếu bạc. Đã thật là đáng sợ!

Nhưng, người mang tính nó, còn giảo hoạt không nhời nào tả xiết. Hậu họa cho nhân thế, theo đó, cũng khôn lường muôn dạng, khôn đo muôn mức.

Người dùng con thò lò đánh bạc, lắm kẻ đã rũ tù mọt gông!

Còn trong nhân thế, những người mang bản tính thò lò,họ chơi canh bạc cuộc đời, thì ai mà định tính, định lượng, định hình, định danh và định hậu họa sao cho xiết?

Những chuyện thế này, người kể ít nhiều tận thấy, từng tận nếm trải, dù rất lâu rồi... Giờ, còn sót trong sự nhớ, xin lược biên lại, ngõ hầu để cùng ngẫm nghĩ và đồng lòng xác quyết: Phải tẩy chúng đi ./.