Điều đáng lo nhất

Thiện Văn
20:38, ngày 15-03-2013

TCCS - Thời còn đương chức, ông là một cán bộ cương trực, liêm chính. Về hưu, ông sống cuộc đời thanh bạch, giản dị. Cùng tổ dân phố, thỉnh thoảng rỗi rãi, tôi vẫn sang nhà ông trò chuyện. Hôm rồi, trong lúc chuyện trò thân tình, vui vẻ, tôi hỏi ông: 

- Lúc đang giữ cương vị đứng đầu của một ngành quan trọng ở địa phương, điều ông lo nhất là gì ạ?

- Lo nhất là bị người ta nịnh mà mình không biết!

- Nhưng nhiều người lại cho rằng, làm lãnh đạo, lo nhất là bị người ta ghét, người ta thù, người ta chống đối, người ta không ủng hộ mình chứ?

- Điều đó cũng đáng lo, nhưng không đáng lo bằng những lời ca tụng, tán dương, vuốt ve mình bằng đủ thứ ngôn từ mỹ miều, bóng bẩy và được thể hiện dưới nhiều hình thức tinh vi.

- Ông có thể lý giải rõ hơn điều này không ạ?

Ông không trả lời tôi ngay, mà cầm chiếc chén uống trà, vân vê trong lòng bàn tay, ví von: 

- Đây nhé, một cái chén làm bằng sứ bình thường thôi. Nếu tôi là người nghiện trà, tôi phải “phụ thuộc” vào nó, nên tôi có thể gọi nó là “chén bạc, chén vàng, chén ngọc”. Giả sử, cái chén biết suy nghĩ và thích ưa nịnh, nó sẽ đắc chí lắm với những lời “tô hồng ngon ngọt” của tôi. Và, khi tôi đề cao, “lăng-xê” nó thường xuyên, dần dần, nó cứ tưởng mình được làm từ chất quý hiếm thật, chứ không phải có nguồn gốc từ đất sét, quên đi “bản chất đích thực” của mình. 

Ngừng giây lát, ông nói tiếp: 

- Làm người lãnh đạo, ít thì có dăm bảy hay vài ba chục nhân viên dưới quyền. Nhiều thì có hàng trăm, thậm chí cả ngàn người dưới quyền của họ. Thế nên, đã là lãnh đạo thì ít nhiều có quyền lực nhất định. Thông thường cấp dưới, ai cũng muốn làm hài lòng lãnh đạo. Nhưng, bên cạnh phần đông nhân viên làm hài lòng cấp trên bằng sự tận tâm, tận lực với công việc, hết lòng vì nhiệm vụ chung, vì lợi ích của tập thể, thì cũng không ít kẻ “lấy lòng” cấp trên bằng cách nịnh nọt, vuốt ve, tâng bốc bằng những từ “có cánh”, những câu “ngọt như mía lùi”. Những người như thế, tất nhiên, phong cách đâu được gọi là chững chạc, đứng đắn!

Điều đáng nói ở đây là những người ưa nịnh mang tên “thủ trưởng”. Được phỉnh nịnh nhiều, không ít vị rất dễ tự coi mình là “đệ nhất thiên hạ”, nên thường suy nghĩ và hành xử theo lối độc đoán, chuyên quyền, thậm chí lạm quyền, lộng quyền. Thực tế cho thấy, không hiếm người lúc làm nhân viên hay chưa có chức quyền, thì sống rất tư cách, làm việc đàng hoàng, được bạn bè, đồng nghiệp quý mến. Nhưng, khi có chức quyền thì dễ bị “chìm đắm” giữa đám người chỉ thích xum xoe, bợ đỡ, “gọi dạ, bảo vâng”… mà không thích, không muốn, không cần nghe những lời nói phải, những ý kiến đóng góp trung thực, thẳng thắn. Những thủ trưởng như vậy, nhẹ thì không phân biệt đâu là đúng - sai, phải - trái, tốt - xấu, hay - dở, còn nặng hơn thì có thể đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, thậm chí sai lầm. Điều nguy hại nhất là, khi người lãnh đạo được “vuốt ve, cưng nựng” quá nhiều, sẽ sinh ra bệnh chủ quan, tự đại, tự mãn, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, không nghiêm túc tự giác rèn luyện, tu dưỡng bản thân.

Nghe ông giải thích thấu đáo, tôi mới vỡ lẽ: Hóa ra, cái sự ưa nịnh của một số người có chức quyền cũng đáng lo thật. Tôi hỏi ông: 

- Vậy, để không còn “điều đáng lo nhất” như ông nói, cần phải làm gì ạ?

- Thật ra trong cuộc đời này, dù là ai đi chăng nữa, đều có chung tâm lý là thích được người khác khen. Nhưng giữa từ “khen” và “nịnh” có một khoảng cách nhất định. Khen đúng, khen thật là động lực để người ta không ngừng phấn đấu. Còn khen quá, khen giả, khen dối, khen không đúng lúc, đúng chỗ lại trở thành nịnh đầm. Đối với người lãnh đạo, để tránh “điều đáng lo nhất” cần phải có lòng tự trọng, biết giữ danh dự, liêm sỉ đối với bản thân; đồng thời, phải luôn giữ cho mắt tinh, tâm sáng, lòng thẳng, dạ ngay để không bao giờ bị những kẻ bợ đỡ, nịnh nọt có thể huyễn hoặc, “mua chuộc” được mình. Có như vậy, mới có thể tạo điều kiện cho các mối quan hệ lành mạnh, chuẩn mực được nảy nở, phát huy trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương,...