Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Nỗ lực khẳng định vai trò của mình trong cơ chế thị trường
Động lực của các doanh nghiệp xã hội
Thuật ngữ “Doanh nghiệp xã hội” xuất hiện chính thức từ những năm cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chung thống nhất toàn cầu về doanh nghiệp xã hội. Một số định nghĩa phổ biến là:
Theo Mạng lưới nghiên cứu châu Âu về các vấn đề của khu vực thứ ba (EMES) định nghĩa, các doanh nghiệp xã hội là “các tổ chức với mục tiêu rõ ràng là mang lại ích lợi cho cộng đồng, được sáng lập bởi một nhóm các công dân và mức độ quan tâm đến lợi nhuận vật chất của các nhà đầu tư là không nhiều. Các tổ chức này đề cao sự độc lập và mức độ rủi ro về kinh tế với các hoạt động kinh tế xã hội đang diễn ra”.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phát triển định nghĩa riêng của mình về doanh nghiệp xã hội, dựa trên sự đa dạng của các doanh nghiệp xã hội tại các nước thành viên của mình: doanh nghiệp xã hội là các tổ chức theo những hình thức pháp lý khác nhau trong các quốc gia thuộc OECD để theo đuổi các mục tiêu kinh tế và xã hội với một tinh thần kinh doanh cùng 9 tiêu chuẩn xã hội và kinh tế (4 tiêu chuẩn kinh tế: trực tiếp liên quan đến việc sản xuất hoặc bán các sản phẩm dịch vụ, đạt được một cấp độ tự chủ cao trong việc ra quyết định, thuê mướn một số lượng người làm thuê nhất định, chấp nhận rủi ro kinh tế; 5 tiêu chuẩn xã hội: liên quan đến một cộng đồng hay một nhóm người đang cần giúp, việc ra quyết định không dựa trên sở hữu về vốn, phân chia lợi nhuận có giới hạn, quản lý theo mô hình có sự tham dự của các thành viên, quảng bá trách nhiệm xã hội trong cộng đồng).
Xét một cách chung nhất, mục đích chính của các doanh nghiệp xã hội là ích lợi xã hội dựa trên mối quan hệ kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội; doanh nghiệp xã hội tồn tại vì mục đích giải quyết các vấn đề xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và bị thiệt thòi trong cơ chế thị trường.
Ở Việt Nam, khái niệm doanh nghiệp xã hội xuất hiện lần đầu tiên vào cuối những năm 2000 nhưng hoạt động mang tinh thần của doanh nghiệp xã hội từ lâu đã được ghi nhận: Mô hình doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam là hình thức hợp tác xã. Cho đến gần đây, có một làn sóng phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp xã hội khi xuất hiện nhiều động lực phát triển hơn.
Trước hết, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình nhưng vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội, như tình trạng nông dân thất nghiệp, tội phạm thanh, thiếu niên, bất bình đẳng giới, HIV/AIDS, người cao tuổi, trẻ em đường phố, người khuyết tật và nạn buôn người. Người nghèo vẫn khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội vì các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa đủ để đáp ứng, mang lại ích lợi cho tất cả những người khó khăn và thiệt thòi trong xã hội. Thêm vào đó, mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần ba thập kỷ, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, như việc làm cho các cựu chiến binh hay tìm kiếm những người mất tích. Chính phủ không thể tự giải quyết tất cả những vấn đề này và các doanh nghiệp xã hội xuất hiện như một giải pháp bổ sung.
Động lực thứ hai là cải cách kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã thừa nhận vai trò và địa vị pháp lý của khu vực tư nhân trong xã hội. Các sáng kiến cá nhân được khuyến khích vì ích lợi của chính họ và của toàn xã hội. Kết quả là các sáng kiến nhằm giúp tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Động lực thứ ba là việc rất nhiều tổ chức phi chính phủ đang rút dần khỏi Việt Nam. Các tổ chức phi chính phủ như Oxfam, Care đã đóng một vai trò nhất định trong việc giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực của phụ nữ trong lực lượng lao động và giảm thiểu bạo lực gia đình. Tuy nhiên, khi Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình, những tổ chức này đã lên kế hoạch giảm bớt vai trò của mình. Nguồn viện trợ từ nước ngoài cũng giảm dần. Điều này đặt ra thách thức cho các tổ chức phi chính phủ trong nước và đòi hỏi chuyển đổi dần sang mô hình doanh nghiệp xã hội.
Cuối cùng, cộng đồng doanh nghiệp hiện nay đã quan tâm hơn đến trách nhiệm xã hội. Điều này đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội. Một số công ty lớn đã tham gia hoặc tổ chức các chương trình xã hội để tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho vùng sâu vùng xa, tài trợ cho trẻ em nghèo trở lại trường học. Có thể nêu ví dụ về FrieslandCampina Việt Nam với Đèn đom đóm, Uniliver với Áo trắng ngời sáng tương lai, Ocean Bank với Nguồn Sáng, Vinamilk với Vươn cao Việt Nam và rất nhiều ví dụ khác. Một số công ty thậm chí còn lập cả một ngân quỹ riêng cho các hoạt động từ thiện.
Doanh nghiệp xã hội Việt Nam
Nỗ lực khẳng định tính ưu việt
Mô hình doanh nghiệp xã hội đầu tiên hoạt động tại Việt Nam là hợp tác xã. Tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam phát triển mạnh chủ yếu từ sự chuyển đổi của các tổ chức phi chính phủ hơn là sự phát triển của các hợp tác xã như mô hình ở các nước châu Âu.
Hiện tại, các doanh nghiệp xã hội đang hoạt động dưới bốn loại hình pháp lý: doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm, câu lạc bộ - hiệp hội. Trong số đó, trung tâm là hình thức được ưa chuộng hơn cả với 33%, loại hình doanh nghiệp đứng thứ hai với gần 30%, câu lạc bộ và hiệp hội chiếm khoảng 15% và hợp tác xã khoảng 10%(1). Hình thức trung tâm phổ biến vì dễ thành lập và có tính linh hoạt trong hoạt động. Các doanh nghiệp xã hội Việt Nam hoạt động tương đối rộng trên khắp các lĩnh vực, giải quyết rất nhiều vấn đề từ việc làm, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo cho tới các cộng đồng người bị thiệt thòi và bị cách ly. Ba lĩnh vực phổ biến nhất là: đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Điều khiến cho các doanh nghiệp xã hội Việt Nam khác biệt so với các doanh nghiệp xã hội ở phương Tây là sự tham gia của người nước ngoài. Trong đó có một số người là Việt kiều, một số khác hoàn toàn là người nước ngoài. Các doanh nghiệp xã hội do người nước ngoài lập ra đang phát triển rất nhanh. 20% các doanh nghiệp xã hội nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) là thuộc sở hữu nước ngoài(2).
Về mục tiêu hoạt động, các doanh nghiệp xã hội chú trọng vào việc gia tăng và cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội việc làm cho những cộng đồng bị cách ly. Các doanh nghiệp xã hội đã tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 người, trong số đó 3.000 người nhiễm HIV/AIDS, người tàn tật, và người nghiện ma túy. Gần 300.000 người được giảm nghèo(3). Báo cáo công bố đầu năm 2013 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ đói nghèo giảm từ 60% xuống còn 20,7% trong vòng 20 năm qua(4). Những thành tựu đó là kết quả của nỗ lực không ngừng của mọi thành phần trong nền kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp xã hội.
Về hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp xã hội hoạt động như các doanh nghiệp khác. Xét về góc độ tài chính, các doanh nghiệp đã tạo ra tổng thu nhập là 255 tỷ đồng, với lợi nhuận là 64,5 tỷ đồng; tổng vốn lưu động là 816 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với vốn điều lệ là 204 tỷ đồng. Về cơ cấu vốn, nguồn vốn sở hữu chiếm 20%, nguồn vốn từ tài trợ khoảng 5% và lợi nhuận sau thuế chiếm gần 45%(5).
Các doanh nghiệp xã hội đang góp phần vào sự thay đổi nhận thức về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội trong cộng đồng. Sự tồn tại của các doanh nghiệp xã hội là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho cộng đồng doanh nghiệp rằng mục tiêu cuối cùng của kinh doanh không phải lúc nào cũng là lợi nhuận. Lợi ích cộng đồng đôi khi còn quan trọng hơn việc tối đa hóa lợi nhuận. Nếu tinh thần kinh doanh với sứ mệnh phục vụ xã hội có thể lan rộng và thấm vào từng doanh nhân thì đất nước sẽ có nhiều tiềm năng phát triển.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xã hội cũng góp phần nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường. Số lượng các doanh nghiệp xã hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thay thế và giải pháp cho hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gia tăng. Trong số gần 200 doanh nghiệp xã hội đăng ký hoạt động, 48% trong số đó có liên quan đến các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường(6).
Thách thức và khó khăn
Ở giai đoạn đầu phát triển, các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức như thiếu khung pháp lý, khả năng lãnh đạo hạn chế của doanh nhân xã hội và nguồn lực tài chính hạn hẹp.
Hoạt động của các doanh nghiệp xã hội đang được điều chỉnh bởi các luật khác nhau tùy thuộc vào hình thức pháp lý của họ. Nếu đăng ký dưới hình thức công ty, doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp. Các hợp tác xã được điều chỉnh theo Luật Hợp tác xã. Các quỹ Từ thiện và Xã hội hoạt động theo Nghị định 148/2007/NĐ-CP. Các hiệp hội ngành nghề được điều chỉnh bởi Luật Khoa học và Công nghệ. Do chưa có được khung pháp lý toàn diện nên rất nhiều vấn đề nảy sinh đối với hoạt động của các doanh nghiệp xã hội. Thậm chí, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, một số nhà nghiên cứu còn tranh luận rằng không nên có bất cứ đặc quyền nào cho các doanh nghiệp xã hội với lập luận rằng: nếu các doanh nghiệp xã hội được ưu đãi hơn, sẽ nảy sinh chuyện các doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận sẽ chuyển sang đăng ký theo hình thức doanh nghiệp xã hội để được hưởng ưu đãi mà không thực sự theo đuổi sứ mệnh xã hội.
Hầu hết các doanh nghiệp xã hội được lập ra từ ý nguyện của những người sáng lập nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Một số các doanh nhân xã hội còn yếu về khả năng quản lý, điều hành, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế hoạt động.
Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nhà tài trợ để có kinh phí thành lập và vận hành. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, việc vay tiền từ các ngân hàng ngày càng trở nên khó khăn. Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước được lập ra vì mục đích phát triển xã hội như ARDB (Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn) và VBSP (Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam) có thể cấp vốn cho các doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, số lượng các dự án được duyệt cấp vốn là quá nhỏ so với số lượng các dự án xã hội cần cấp vốn.
Một vài kiến nghị
Để khuyến khích và duy trì sự hoạt động của các doanh nghiệp xã hội, đòi hỏi phải có những biện pháp toàn diện với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, trong đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng.
Chính phủ cần đưa ra một khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động cũng như quy định địa vị pháp lý của các doanh nghiệp xã hội. Kinh nghiệm từ các nước khác chỉ ra rằng doanh nghiệp xã hội chỉ phát triển mạnh khi địa vị pháp lý của họ được thừa nhận và ghi rõ trong luật. Năm 2005, ở Italia, doanh nghiệp xã hội phát triển nhanh chưa từng có sau khi Chính phủ thông qua Luật doanh nghiệp xã hội(7). Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp xã hội nhận được sự quan tâm đáng kể khi trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 17, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đề cập sự cần thiết phải tạo ra chính sách cho các tổ chức xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội(8). Hiện tại, bước đầu tiên là chúng ta cần đưa ra một định nghĩa chính thức về doanh nghiệp xã hội và tiêu chí để phân biệt doanh nghiệp xã hội.
Với thực tế là hầu hết các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đều ở quy mô vừa và nhỏ, sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp xã hội. Sự hỗ trợ tài chính trực tiếp có thể giúp cải thiện tình trạng tài chính của các tổ chức này. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên sử dụng tạm thời trong một thời gian ngắn, nếu không, các doanh nghiệp xã hội có thể phụ thuộc vào trợ cấp mà mất dần tính cạnh tranh. Về lâu dài, sự hỗ trợ gián tiếp như giúp các doanh nghiệp xã hội trở thành đối tác của tổ chức cung cấp dịch vụ công sẽ hiệu quả hơn.
Cần nâng cao nhận thức xã hội về loại hình doanh nghiệp xã hội qua các chiến dịch truyền thông, hội thảo và hội nghị về doanh nghiệp xã hội. Sự tham gia tích cực của cộng đồng có thể giúp các doanh nghiệp xã hội phát triển mạnh hơn.
Giải pháp cuối cùng liên quan đến việc nâng cao chất lượng của lực lượng lao động cho các doanh nghiệp xã hội. Nhiệm vụ đầu tiên là phát triển chương trình chi tiết về doanh nghiệp xã hội. Về lâu dài, có thể xây dựng một chuyên ngành riêng dành cho doanh nghiệp xã hội nhằm cung cấp cho các sinh viên những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt cần thiết. Đây là điều kiện tiên quyết để tạo nên những thế hệ doanh nhân xã hội tài năng trong tương lai. Ngoài ra, cần có các khóa đào tạo ngắn hạn nhằn bổ sung kiến thức và kỹ năng quản lý điều hành cho đội ngũ những người lãnh đạo các doanh nghiệp xã hội./.
------------------------------------------
1. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Báo cáo nghiên cứu Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam khái niệm bối cảnh và chính sách, Hà Nội, 2012, tr. 24
2. Khoa Lê: Doanh nghiệp xã hội nước ngoài tại Việt Nam, đăng tại http://english.vov.vn/Home/Foreign-Social-Enterprises-in Vietnam/201112/133688.vov
3. Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng, bài thuyết trình tại Hội thảo khoa học Phát triển doanh nghiệp xã hội qua các trường đại học Việt Nam - Thách thức và cơ hội, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, 2012
4. Ngân hàng Thế giới: Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam 2012 - Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành: thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong giảm nghèo và những thách thức mới, 2012, tr. 7
5, 6. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Báo cáo nghiên cứu Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam khái niệm bối cảnh và chính sách, Hà Nội, 2012, tr. 53, tr. 25
7. Tổ chức nghiên cứu châu Âu EMES, Borzaga C., Galera G. và Zandona, F., Doanh nghiệp xã hội ở châu Âu: Xu hướng và phát triển - Từ mô hình hợp tác xã xã hội đến một khái niệm pháp lý rộng hơn cho doanh nghiệp xã hội, 2008, tr. 26
8. Yong Jun Ryou, Dong Eun Lee và Jeong Wook Choi: Nghiên cứu so sánh về doanh nghiệp xã hội Trung Quốc, bài đăng tại Hội nghị khoa học hàng năm về kinh doanh và doanh nghiệp ASBES, 2011, tr. 11
Hội nghị tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (15/03/2013)
Hội nghị tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (15/03/2013)
Thay đổi nhân sự Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương  (15/03/2013)
Phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến 2020  (15/03/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm, làm việc tại tỉnh Xiêng Khoảng, Lào  (14/03/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên