TCCS - Hơn 2 năm qua, kinh tế - xã hội cả nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng có nhiều biến động do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển thị trường, đưa các sản phẩm có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ gắn với các hoạt động du lịch mua sắm, giải trí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) đã phát triển thành một điểm đến du lịch thu hút khách thăm quan trong và ngoài nước_Ảnh: vietnammoi.vn

Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển. Đây là ngành được kỳ vọng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là vấn đề hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các sản phẩm của ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam luôn có nhu cầu cao ở thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, ngành thủ công mỹ nghệ có mức độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao, bình quân khoảng 10%/năm, đóng góp không nhỏ vào tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, trong đó, có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, như: các sản phẩm gốm sứ đạt 539 triệu USD; sản phẩm mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 139 triệu USD.

Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề (số làng nghề được công nhận là 292 làng nghề); có 47/52 ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống trên toàn quốc, gồm sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan... Tại các làng nghề hiện có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty trách nhiệm hữu hạn, 1.466 doanh nhân, 164 hợp tác xã, có trên 175.000 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút trên 739.000 người lao động, chiếm 1/3 làng nghề trên cả nước. Mạng lưới làng nghề trải rộng từ thành thị đến nông thôn cùng hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi, cộng đồng sáng tạo mới mẻ đã đưa thành phố Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong đời sống xã hội; là nơi tôn vinh, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thành phố Hà Nội là nơi các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử. Không chỉ làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, độc đáo, để nâng cao chuỗi giá trị, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ làng nghề còn đầu tư cải tiến mẫu mã để đáp thị hiếu của người tiêu dùng, tìm đầu ra cho sản phẩm qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Việc đưa hàng thủ công mỹ nghệ lên nền tảng thương mại điện tử đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, như tăng doanh thu, giảm chi phí, quảng bá thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn.

Tuy nhiên, hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống của thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn, như làng sản xuất mỹ nghệ Sơn Đồng (Hà Tây), Sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (huyện Thường Tín), làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)… Ở một số nơi, nhiều đối tác nước ngoài của làng nghề ngừng giao dịch, sản phẩm lưu kho nhiều, vốn bị ứ đọng, thợ bị mất việc, hoặc giảm giờ làm…

Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch thành phố Hà Nội đang nỗ lực đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa. Trong 9 tháng đầu của năm, thành phố Hà Nội ước đón 13,1 triệu lượt khách nội địa và hơn 766.000 lượt khách quốc tế, tổng lượng khách tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 9-2022, thành phố Hà Nội ước đón 1,48 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đón 184.400 lượt và khách nội địa là 1,3 triệu lượt. Thị trường du lịch phục hồi chính là cơ hội để các làng nghề khôi phục hoạt động và đẩy mạnh sản xuất.

Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Khối làng nghề tạo công ăn, việc làm cho khoảng 740 nghìn lao động. Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố Hà Nội, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ngành du lịch tăng trưởng bình quân đạt 15% - 17%. Năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 29 triệu lượt khách. Tuy nhiên, hơn hai năm qua là giai đoạn đặc biệt khó khăn, thách thức đối với kinh tế - xã hội nói chung, ngành du lịch nói riêng. Để vượt qua những thách thức này, ngành du lịch đã thay đổi phương thức kinh doanh và hoạt động, trước hết là đổi mới về sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Phát huy tiềm năng vốn có của các làng nghề, phố nghề, nhiều cuộc thi thiết kế sản phẩm nhằm lựa chọn sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đáp ứng nhu cầu của du khách, khơi dậy sức sáng tạo của nghệ nhân, thợ giỏi, của các nhà thiết kế đã được tổ chức. Các sở, ban, ngành xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho cơ sở sản xuất nông thôn, làng nghề khắc phục các khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thiết kế...; quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề nhằm thúc đẩy các hộ sản xuất và doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng mặt bằng và đầu tư thiết bị hiện đại cho sản xuất.

Ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang góp phần hình thành hàng ngàn nhà sản xuất, thương gia, nhà xuất khẩu và những công ty dịch vụ trên khắp cả nước. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang dần “lột xác” để trở thành những sản phẩm sáng tạo có giá trị cao, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, để củng cố và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ, cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Đối với thành phố Hà Nội, để phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống, hướng tới sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển thị trường xuất khẩu,… trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ; phát huy hiệu quả của các hội chợ tại Việt Nam, như Hội chợ quốc tế Hanoi Gift Show, Hanoi Great Souvernirs, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, kết nối kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu. Để ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống của thành phố Hà Nội phát triển thành một ngành “mũi nhọn” trong công nghiệp văn hóa, cần tăng cường vai trò của liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành với các nghệ nhân, hộ kinh doanh để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn khách.

Hai là, trang bị kiến thức kinh doanh, phát triển sản xuất, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế…; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cho các nghệ nhân. Để nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cần tổ chức tập huấn, tư vấn cho các nghệ nhân cũng như các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ. Qua đó, nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân cũng như đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người dân, góp phần cải tiến sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Có chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Để thực hiện tốt công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, rất cần sự hỗ trợ, quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất, sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan chức năng.

Ba là, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; có chính sách điều phối tạo các vùng nguyên liệu, vùng khai thác nguyên liệu, vùng chế biến nguyên liệu; tăng cường xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống; gắn sản xuất với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động.

Bốn là, tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…; đồng thời, sẵn sàng các phương án thay đổi trong quá trình làm du lịch hậu COVID-19 về cả sản phẩm, công tác tiếp thị, quy trình quản lý... Chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc.

Năm là, thay đổi tư duy trong việc phát triển du lịch kết hợp bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Xây dựng trang thương mại điện tử về hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề với mục đích quảng bá tiếp thị sản phẩm; xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối các chuỗi bán hàng, tìm nhà cung cấp, phân phối. Có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các làng nghề thủ công phát triển, đặc biệt là thời kỳ “hậu COVID-19”, như vốn vay ưu đãi, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất của làng nghề, hỗ trợ đầu ra, liên kết với các đơn vị du lịch…

Sáu là, dư địa xuất khẩu cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ còn rất lớn. Do đó, để nắm bắt cơ hội thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, trong đó có truy xuất nguồn gốc. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là vấn đề mới đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nói riêng. Trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp phải xác định cần đi trên cả “hai chân”, kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử để phát triển vững chắc./.