Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào: Mối quan hệ đặc biệt xuyên thế kỷ
TCCS - Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, đã đưa tới thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bước đầu thành công trong sự nghiệp đổi mới, đưa hai nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Chủ trương xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào
Quan hệ Việt Nam - Lào được xây dựng từ lâu đời, phát triển mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh. Phát biểu trong buổi lễ tiễn vua Lào thăm Việt Nam tháng 3-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc đi thăm nước Việt Nam của Nhà vua và các vị làm cho hai nước chúng ta đã gần nhau về địa dư lại càng gần nhau về tình nghĩa. Sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc anh em đã tiến lên một giai đoạn mới mẻ và tốt đẹp... những hình ảnh đẹp đẽ của cuộc đi thăm vẫn lưu lại lâu dài trong lòng chúng tôi”(1).
Tình cảm của nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng các thế hệ lãnh đạo kế tiếp dày công vun đắp. Các cuộc đấu tranh chung giải phóng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ càng làm cho tình cảm hai nước thêm bền chặt. Sau năm 1975, Việt Nam và Lào đã giành được độc lập, sự hợp tác giữa hai nước ngày càng chặt chẽ. Năm 1977, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước hữu nghị nâng tầm quan hệ ngoại giao của hai quốc gia lên giai đoạn mới.
Năm 1982, một sự kiện quan trọng diễn ra trong đời sống chính trị hai nước là: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 3-1982) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tháng 4-1982). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương hai Đảng đều khẳng định sự tất yếu khách quan phải tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn cách mạng mới. Văn kiện Đại hội V của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “... Đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô, quan hệ đặc biệt với Lào...”(2). Tuyên bố chung Việt Nam - Lào năm 1985 một lần nữa khẳng định quyết tâm của hai bên củng cố hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết chiến đấu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng hai nước đã dày công vun đắp; tăng cường sự hợp tác toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học... Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) xác định chủ trương quan hệ với Lào: “Chúng ta đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa giữa nước ta và hai nước láng giềng anh em Lào, Cam-pu-chia, nhằm khai thác khả năng của mỗi nước bổ sung cho nhau, làm cho mỗi nước và ba nước ngày càng phát triển và vững mạnh”(3).
Báo cáo chính trị tại Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6-1991) xác định: “Tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt giữa Đảng và nhân dân Việt Nam với Đảng và nhân dân Lào, Đảng và nhân dân Cam-pu-chia không ngừng phát triển; hiệu quả hợp tác đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau được nâng cao”(4).Tham dự Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản nhấn mạnh: “Cả hai đảng có khả năng ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau... hai đảng mới phát triển vững mạnh”(5).
Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 18-6-1992, xác định bốn phương châm trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, nổi bật là phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại(6); tích cực tham gia hợp tác khu vực, nhất là sự kiện cả Việt Nam và Lào tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)(7), thể hiện thiện chí: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(7).
Báo cáo chính trị tại Đại hội VIII của Đảng (từ ngày 28-6 đến 1-7-1996) khẳng định: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới... Ra sức tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN, không ngừng củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống”(8).
Quá trình phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào
Mốc sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan hệ ngoại giao của hai nước Việt - Lào là từ ngày 5-2 đến ngày 11-2-1976, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ Cay-xỏn Phôm-vi-hản dẫn đầu đoàn sang thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần đầu tiên đoàn đại biểu cấp cao nhất của Lào đi thăm nước ngoài sau thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Trong bài diễn văn chào mừng sự đón tiếp của nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản nói, tháng 4 năm 1975, thắng lợi của nhân dân Việt Nam... đã tạo thời cơ lịch sử hiếm có cho cách mạng Lào... tháng 5 năm 1975, Đảng chúng tôi đã lãnh đạo nhân dân Lào trong cả nước nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân... thắng lợi nói trên là thắng lợi của tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa nhân dân ba nước Lào, Việt Nam và Cam-pu-chia anh em, là thắng lợi của tình đoàn kết đặc biệt vĩ đại giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam. Hai quốc gia đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Lào (11-2-1976), phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện “giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới” (Nghị quyết số 251-NQ/TW của Bộ Chính trị). Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV do đồng chí Lê Duẩn trình bày (14-12-1976) khẳng định: “Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào”(9).
Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai nước là từ ngày 15-7 đến 18-7-1977, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế quan trọng cùng quan tâm, cũng như các vấn đề nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của hai dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định, mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào đời đời là niềm tự hào của hai dân tộc chúng ta. Đó là mối quan hệ mẫu mực hiếm có.
Ngày 18-7-1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.
Hiệp ước hữu nghị và hợp tác nêu rõ: “Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”(10). Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước. Việc ký kết hiệp ước đó còn có ý nghĩa quốc tế quan trọng, nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng giữa hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội và phát huy ảnh hưởng tích cực trong khu vực.
Tháng 8-1992, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, hai bên đã ra Tuyên bố chung cấp cao Việt Nam - Lào khẳng định quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Đó là tình cảm đặc biệt của hai nước trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan vỡ.
Kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào và 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (tháng 6-1997), phía Lào có đồng chí Nu-hắc Phum-xa-vẳn - Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thăm Việt Nam và tháng 8-1997, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào... Tháng 1-1999, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đã thống nhất, trong bối cảnh mới... quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển trên cơ sở nêu cao tinh thần độc lập, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, kết hợp thỏa đáng tính chất quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào với thông lệ quốc tế, ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau....
Hai nước duy trì đều đặn các cuộc gặp cấp cao thường niên giữa hai Bộ Chính trị, lấy đó là phương châm chỉ đạo chung cho quan hệ hợp tác mọi mặt ở các cấp, coi việc thực hiện những thỏa thuận cấp cao là khâu quyết định. Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 7-2001), hai bên ra Tuyên bố chung khẳng định quan hệ chính trị vững chắc, tiếp tục vun đắp tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Tuyên bố chung trên trở thành một văn kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Lào khi bước vào thế kỷ XXI.
Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Chủ tịch nước Khăm- tày Xi-phăn-đon (tháng 5-2002), hai bên nhấn mạnh quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam - Lào trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, luật pháp của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, nâng cao hiệu quả hợp tác, củng cố hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Từ năm 2002 đến năm 2005, những cuộc gặp cấp cao giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên vào đầu năm, tiếp sau đó là cuộc gặp của các đoàn Nhà nước và các bộ, ban, ngành và các địa phương hai bên Việt Nam - Lào. Trung bình mỗi năm có khoảng 200 đoàn ở tất cả các cấp của hai bên, qua lại trao đổi, thăm viếng lẫn nhau, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, góp phần củng cố khối đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Trong chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từ ngày 24 đến ngày 26-3-2005, hai bên đã khẳng định truyền thống đoàn kết đặc biệt và mối quan hệ thủy chung giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Hai bên khẳng định quyết tâm giữ gìn và phát huy truyền thống đó như một tài sản vô giá của cả hai dân tộc... đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên một tầm cao mới.
Thông qua các chuyến thăm của các đoàn lãnh đạo cấp cao hai nước, nhiều vấn đề hợp tác chiến lược 2001 - 2010 và kế hoạch 2006 - 2010 đã được thống nhất, như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn (tháng 6-2006), chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10-2006), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 12-2006), các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 2-2007) và của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 4-2007). Phía Lào có các chuyến thăm của Thủ tướng Bua-xỏn Búp-phả-văn (tháng 8-2006), Chủ tịch Quốc hội Thoong-xỉnh Tham-ma-vông (tháng 11-2006) đã tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác hữu nghị không ngừng phát triển giữa Việt Nam và Lào. Đồng thời, năm 2007, hai bên đã nhất trí phối hợp nghiên cứu biên soạn công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007” (theo quyết định của Ban Bí thư ngày 16-3-2006 và Quyết định số 24-QĐ/TW, ngày 16-11-2006).
Nhiều hoạt động diễn ra nhân dịp hai bên hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (1962 - 2007), 30 năm ngày hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (1977 - 2007). Trong Diễn văn kỷ niệm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có đoạn: “Ba mươi năm qua, Hiệp ước đó đã phát huy tác dụng to lớn... mối quan hệ đoàn kết keo sơn và hữu nghị Việt - Lào, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi chúng ta”(11). Diễn văn kỷ niệm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào diễn ra tại Viêng Chăn nhấn mạnh: “Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt... là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Lào và Việt Nam, là cơ sở pháp lý và chính trị cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước trong giai đoạn mới”(12).
Từ năm 2008 đến năm 2017, quan hệ của hai nước được nâng lên tầm cao mới, được thể hiện bằng những nỗ lực của cả hai bên. Quan hệ giữa hai Đảng được chú trọng và thắt chặt. Năm 2009, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 23-4 đến ngày 25-4-2009. Trong Tuyên bố chung, hai bên đã nhất trí đưa “mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đang không ngừng được củng cố và phát triển;... kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào đạt mức cao nhất từ trước tới nay; hai bên một lần nữa khẳng định quyết tâm mãi mãi giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, coi đây là tài sản vô giá của hai dân tộc truyền tiếp cho các thế hệ mai sau”.
Năm 2011, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, từ ngày 20 đến ngày 22-6-2011. Hai Đảng, hai Nhà nước đã ra Tuyên bố chung về quan hệ giữa hai quốc gia. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, kết hợp thỏa đáng tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào với thông lệ quốc tế, vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc hội đàm ngày 4-11-2012 khẳng định,quan hệ hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước không ngừng được củng cố, phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả... Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD trong năm nay và 2 tỷ USD vào năm 2015.
Trong chuyến thăm và dự tết cổ truyền của Lào từ ngày 12 đến ngày 13-4-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam cũng sẽ làm hết sức mình cùng với Lào giữ gìn, vun đắp... mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, tài sản vô giá của hai Đảng, hai dân tộc”(13).
Cuối năm 2016, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Bun-nhăng Vô-la-chit, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, từ ngày 24 đến ngày 26-11-2016. Hai bên ra Tuyên bố chung nêu rõ: “Hai bên khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông kính yêu cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc...”(14).
Thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Lào và 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Pa-ny Ya-tho-tu đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5 đến ngày 6-3-2017. Trong buổi tiếp Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Ya-tho-tu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ toàn diện đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào... chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, kể cả các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các tuyên bố chung Việt Nam - Lào và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các chương trình, kế hoạch hợp tác giữa hai bên; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào”(15).
Kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào diễn ra ngày 6-1-2019 đã đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận và kế hoạch hợp tác Lào - Việt Nam năm 2018; trao đổi về phương hướng, nhiệm vụ hợp tác năm 2019. Đồng thời ký kết 6 văn kiện thỏa thuận hợp tác giữa hai nước năm 2019, gồm: Thỏa thuận và kế hoạch hợp tác: Việt Nam - Lào 2019 và Biên bản Kỳ họp 41; Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; Biên bản bàn giao tiếp nhận Đài phát thanh, phát hình khu vực tỉnh Xa-van-na-khet, Dự án tiếp nhận khoa tiếng Việt tại Đại học Xu-pha-nu-vông, Đại học Cham-pa-sắc; Thỏa thuận tài trợ 300 tấn giống lúa của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào; Bộ Công Thương Việt Nam trao văn bản chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện tại cụm Nhà máy thủy điện Nậm - Sum (Lào) cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào.
Những hợp tác về các mặt giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào ngày càng tăng cường, sâu rộng. Cả hai bên có chế độ chính trị tương đồng, có chung đường biên giới, láng giềng tình nghĩa “vững bền hơn núi, hơn sông”. Đó là những nhân tố quan trọng, cốt lõi cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Việt - Lào, hai nước chúng ta, Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
------------------------------
(1) Báo Nhân dân, số 3274, ngày 14-3-1963
(2) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.583 - 584
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.181
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.248
(5) Lê Đình Chỉnh: Quan hệ đặc biệt hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, trong giai đoạn 1954 - 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.278
(6) Vũ Dương Huân (chủ biên): Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập tự do, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2002, t. 2, tr.89-91
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, 1991, tr.147
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, t. 55, tr.400
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2004, T.37, tr.618
(10) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007: Biên niên sự kiện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, T. II, tr.45
(11) Báo Nhân dân ngày 18-7-2007
(12) Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007, Sđd, tr.736
(13) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và chúc tết Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Báo Quân đội Nhân dân, số 19043 (thứ hai, ngày 14-4-2014), tr.7
(14) Tuyên bố chung Việt Nam - Lào, Báo Quân đội Nhân dân, số 19990, ngày 26-11-2016, tr.4
(15) Báo Quân đội Nhân dân, số 20087, ngày 7-3-2017, tr.7
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Lào  (03/10/2019)
Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả  (02/10/2019)
Tiếp tục vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào  (30/09/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên