Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 25-02 đến ngày 03-3-2019)

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn)
00:15, ngày 07-03-2019
TCCSĐT - Chuyến thăm hai nước Lào và Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuần qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chuyến thăm đã khẳng định sự coi trọng cao độ và quyết tâm của lãnh đạo ba nước trong việc không ngừng củng cố tin cậy chính trị đặc biệt, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia ngày càng khăng khít và sâu sắc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, từ ngày 24 đến ngày 25-02-2019. Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Lào; thăm, kiểm tra tiến độ xây dựng Công trình Nhà Quốc hội Lào; thăm một số cơ sở văn hóa tại Thủ đô Viêng Chăn… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith đã chứng kiến Lễ ký kết 9 văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Tại các cuộc hội đàm, tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, đồng thời dành ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau, phù hợp với tính chất của quan hệ đặc biệt và tình hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào. Nhiều biện pháp, định hướng lớn đã được đưa ra trên từng lĩnh vực hợp tác, trong đó nhấn mạnh phát huy hiệu quả hợp tác về chính trị, nâng cao hiệu quả tiếp xúc cấp cao, mở rộng hợp tác giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương, nhất là các địa phương giáp biên. Đặc biệt, lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh cần đi sâu trao đổi thông tin, lý luận - thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, nhất là việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc của mỗi Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Hai bên đặc biệt coi trọng hợp tác về quốc phòng, an ninh; coi đó là nhân tố đặc biệt quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; xây dựng tuyến biên giới hai nước ổn định, bền vững; quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - kỹ thuật; tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như việc kết nối và bổ trợ hai nền kinh tế được lãnh đạo cấp cao hai nước rất quan tâm, nhất là kết nối về giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch. Lãnh đạo hai bên thống nhất tăng cường các biện pháp chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước nhằm đưa hợp tác kinh tế giữa hai nước tương xứng với quan hệ đặc biệt Việt-Lào. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký các hiệp định hỗ trợ, hợp tác và kinh tế. Lãnh đạo Lào nhấn mạnh Lào khuyến khích và sẵn sàng tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sang đầu tư tại Lào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các lãnh đạo cấp cao của Lào đã thảo luận thực chất, thúc đẩy nhận thức chung quan trọng về sự cần thiết trao đổi thông tin kịp thời, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề quốc tế, khu vực và tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong; phối hợp quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông; ủng hộ vai trò và các nguyên tắc của ASEAN; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất. Bạn tích cực ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia

Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia từ ngày 25 đến ngày 26-02-2019.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, thăm Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk; hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum, Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm Đại Tăng thống Tep Vong và Đại tăng thống Bour Kry; dâng hoa tại Tượng đài tưởng niệm Thái Thượng Hoàng Norodom Sihanouk tại Cung Kantha Bopha, Đài Độc lập và Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Tại các cuộc hội đàm và tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tiếp tục củng cố và tăng cường sự gắn bó, tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên dưới nhiều hình thức; phối hợp duy trì và nâng cao hiệu quả, tính thiết thực và hiệu lực của các cơ chế hợp tác giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo rất coi trọng đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế phát triển bền vững, lâu dài trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi; nhất trí nỗ lực thúc đẩy để tạo chuyển biến nhanh và hiệu quả hợp tác kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 5 tỷ USD sau khi đã đạt mức 4,7 tỷ USD vào năm 2018; chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư vào khu vực biên giới; nhất trí thúc đẩy để sớm ký kết Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước. Trong chuyến thăm, hai bên cũng đã ký Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2019-2020 giữa Bộ Công Thương của Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia.

Hai bên khẳng định tiếp tục coi trọng và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, coi đây là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương. Nhấn mạnh tình hình quốc tế, khu vực hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, hai bên cần phối hợp chặt chẽ để ứng phó với các diễn biến, không để bị động trong mọi tình huống, ngăn chặn và vô hiệu hóa các hoạt động của các lực lượng chống phá quan hệ giữa hai đảng, hai nước; kiên quyết không để nước thứ ba và lực lượng chính trị, quân sự nào sử dụng lãnh thổ của nước mình đe dọa an ninh của nước kia; tiếp tục phối hợp trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia; sớm hoàn thành toàn bộ công việc tôn tạo, trùng tu các Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các nhà lãnh đạo Campuchia đã trao đổi thẳng thắn về nhiều vấn đề, bao gồm cả những vấn đề tồn tại lâu năm như vấn đề biên giới, vấn đề người gốc Việt tại Campuchia. Hai bên nhất trí tích cực phối hợp trao đổi, sớm hoàn thiện để ký kết các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền đã hoàn thành; đồng thời, tiếp tục trao đổi tìm giải pháp phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế để sớm giải quyết dứt điểm đối với các đoạn biên giới tồn đọng chưa phân giới cắm mốc; phối hợp chặt chẽ đấu tranh với những luận điệu và hành động lợi dụng vấn đề biên giới để phá hoại quan hệ hai nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảm ơn và đề nghị các nhà lãnh đạo Campuchia tiếp tục quan tâm, có các biện pháp phù hợp để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và lợi ích chính đáng của người gốc Việt tại Campuchia. Thủ tướng Hun Sen (Hun Xen) khẳng định cá nhân Thủ tướng và Chính phủ Campuchia sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt kiều.

Ý nghĩa chuyến thăm Lào và Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Chuyến thăm Lào và Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là hoạt động đối ngoại rất quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ giữa ta với Lào và Campuchia. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của đồng chí Nguyễn Phú Trọng và việc chọn Lào, Campuchia là những nước đến thăm đầu tiên chính là khẳng định chính sách nhất quán và sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong quan hệ với Lào và Campuchia, hai nước láng giềng cận kề, có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời và có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với Việt Nam.

Chuyến thăm diễn ra vào năm bản lề Việt Nam và Lào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng và hai Đảng đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc của mỗi Đảng; Campuchia bước sang một giai đoạn phát triển mới với việc Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ mới vừa được thành lập, đồng thời cũng đúng vào dịp hai nước vừa tổ chức trọng thể các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot Ieng Sary. Do vậy, chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực trong việc thắt chặt quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào và quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia; tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực hợp tác với hai nước anh em.

Tình hình thế giới, khu vực đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường đoán. Với bối cảnh đó, sự ổn định và phát triển của mỗi nước đặt ra những yêu cầu mới, vì vậy việc củng cố, tăng cường và mở rộng hợp tác, phát triển bền vững với Lào và Campuchia lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần hai tại Hà Nội

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến ngày 28-02-2019. Nhiều tuyến đường của Hà Nội rực rỡ cờ hoa, đón chào sự kiện này. Gần 3.000 phóng viên của hơn 200 hãng thông tấn, báo chí quốc tế của gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia đưa tin về Hội nghị và các hoạt động liên quan.

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội. Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định cuộc gặp gỡ tại Hà Nội là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đối thoại giữa hai bên. Qua đối thoại tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, lãnh đạo cấp cao nhất của hai bên đã có nhiều nỗ lực tích cực, xây dựng trao đổi nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Qua lần tổ chức này, vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị, tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chúng ta cũng chia sẻ mong muốn của cộng đồng quốc tế là các bên tiếp tục kiên trì đối thoại giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên; sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng, kiến tạo hòa bình, phối hợp thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai

Từ ngày 27 đến ngày 28-02-2019, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có chuyến thăm tới Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Trong thời gian ở Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên nhất trí về việc hai nước cần duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn ở cấp cao và củng cố các cơ chế đối thoại hiện có; ủng hộ việc hai nước tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc tẩy độc tại sân bay Biên Hòa; nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực cùng quan tâm, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC).

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donald Trump đã chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng, tổng trị giá hơn 21 tỷ USD.

Đồng chí Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 02-3-2019. Đây là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên vị trí Lãnh đạo tối cao tại Triều Tiên vào năm 2011. Chuyến thăm cũng ghi dấu mốc quan trọng khi ông là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên thăm chính thức Việt Nam trong 61 năm qua, kể từ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1958.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Kim Jong-un đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Nhân dịp này, Chủ tịch Kim Jong-un và Đoàn Đại biểu cấp cao Triều Tiên đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên nhất trí duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; mở rộng giao lưu, trao đổi đoàn các cấp theo kênh Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu; duy trì thường xuyên và hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác, trong đó có cơ chế Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Hai bên nghiên cứu khả năng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi bên, trên cơ sở các quy định quốc tế; mở rộng giao lưu và hợp tác văn hóa, nghệ thuật, thể thao và giao lưu nhân dân; tổ chức các hoạt động phù hợp, có ý nghĩa nhằm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên (1950-2020).

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp giữa hai nước tại Liên hợp quốc, Hội nghị Phong trào không liên kết, Diễn đàn khu vực ARF...; tăng cường trao đổi về vấn đề duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Nhân dịp này, Đoàn đại biểu lãnh đạo cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên đã tham quan một số mô hình kinh tế của Việt Nam và Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai đã ghi dầu ấn Hà Nội - Việt Nam

Tuần qua, người dân ở khắp các vùng miền trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới đều biết đến "Hà Nội - Việt Nam" với những nỗ lực góp phần vì hòa bình. Là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, Hà Nội - Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về niềm tin, sự thân thiện, hiếu khách, trong lòng bạn bè quốc tế.

Sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, nhiều hãng thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế đăng tin "không có thỏa thuận chung nào" đạt được giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có thông điệp về hòa bình được đưa ra tại Hội nghị trên. Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, ông Donald J.Trump, Tổng thống Hoa Kỳ cho biết, mối quan hệ cá nhân của ông với Chủ tịch Kim Jong-un rất ấm áp. Cùng với đó, đại diện nhà trắng cũng đưa ra thông tin, "Tổng thống Donald J. Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cuộc họp mang tính xây dựng và tốt đẹp tại Hà Nội, Việt Nam, trong hai ngày 27 và 28-02. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều phương án để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và các mô hình phát triển kinh tế...".

Ai cũng hiểu, để đi đến một sự thống nhất về việc gỡ "nút thắt" trong quan điểm của lãnh đạo hai quốc gia là không thể đơn giản, cần phải có thêm thời gian. Song với Hà Nội - Việt Nam, hội nghị này đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ về niềm tin vào sự ổn định chính trị trong lòng bạn bè quốc tế. Qua hội nghị này, dư luận trong nước càng tăng thêm niềm tin sâu sắc vào đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lên cao. Thực tế cho thấy, việc chuẩn bị mọi điều kiện, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, một sự kiện được cả thế giới trông đợi, là lời khẳng định mạnh mẽ về một Việt Nam đang trên đà phát triển, một Việt Nam năng động, đổi mới, kiên trì và nhất quán trong đường lối ngoại giao, ổn định về an ninh, chính trị, người dân thân thiện hiếu khách và yêu chuộng hòa bình.

Việc Việt Nam được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai là minh chứng cho thế giới thấy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Triều Tiên; mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đang trên đà phát triển tốt đẹp. Việc Việt Nam được chọn làm địa điểm diễn ra Hội nghị và đã làm tốt vai trò chủ nhà của Hội nghị, cho thấy Việt Nam có đủ tiềm lực, điều kiện về cơ sở hạ tầng như: Khách sạn, phương tiện vận chuyển... và quan trọng nhất, đó chính là niềm tin về việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc đăng cai một sự kiện mang tầm quốc tế. Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội - Việt Nam đăng cai sự kiện quốc tế, trước đó Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Hội nghị cấp cao APEC…

Gần 3.000 nhà báo quốc tế có mặt tại Hà Nội - Việt Nam và liên tục cập nhật thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo quốc tế đã đưa ra những nhận xét khá tích cực về Hà Nội - Việt Nam; tỏ ra bất ngờ trước những thay đổi ngoạn mục của Việt Nam về kinh tế, hạ tầng... và tin tưởng Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa về mọi mặt trong thời gian không xa. Mặc dù chỉ có 10 ngày để chuẩn bị, với khối lượng công việc khổng lồ, nhưng sự chuẩn bị của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Mọi việc đều được tổ chức chu đáo, đường phố vẫn thông thoáng, giao thông không bị đình trệ, mọi người tuân thủ luật lệ. Hình ảnh Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng được đông đảo bạn bè năm châu biết tới như một biểu tượng của hòa bình, đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, luôn nỗ lực góp phần vun đắp cho một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển./.