Mốc son sâu đậm của tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia
TCCSĐT - Cách đây tròn 40 năm (07-01-1979 - 07-01-2019), quân và dân Campuchia với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đã đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary, giải phóng đất nước thoát khỏi thảm họa diệt chủng, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia và Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia (08-01-1979). Thắng lợi đó đã đi vào lịch sử như mốc son của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, đồng thời mở ra một trang mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.
Trở lại tình hình, kết thúc những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn, gian khổ, những tưởng nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia được sống trong hòa bình, có điều kiện tái thiết đất nước sau chiến tranh, thế nhưng khi Campuchian giành thắng lợi cũng là lúc sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia bị chế độ Pol Pot - Ieng Sary phản bội. Lợi dụng thành quả cách mạng, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã thiết lập “nhà nước Campuchia dân chủ”, dựng lên mô hình “chủ nghĩa cộng sản độc đáo kiểu Campuchia”, xóa bỏ thành thị, chợ, tiền tệ, tôn giáo, trường học, văn hóa dân tộc; dồn dân thành thị về nông thôn, cưỡng bức lao động khổ sai trong các “công xã”; dùng nhiều thủ đoạn man rợ thủ tiêu tất cả những người chống đối. Chỉ trong vòng 03 năm 08 tháng 20 ngày, chúng đã sát hại hơn 03 triệu người dân vô tội Campuchia; thanh trừng, sát hại nhiều đảng viên, cán bộ quân đội… Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, như Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh: “Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết” (1).
Về đối ngoại, được các thế lực phản động quốc tế khuyến khích, cổ vũ, tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary ráo riết xây dựng lực lượng quân sự, chuẩn bị chiến tranh, đưa một lực lượng lớn áp sát biên giới Tây Nam Việt Nam, gây ra các vụ xung đột, lấn chiếm, làm cho tình hình biên giới Việt Nam - Campuchia ngày càng căng thẳng. Chỉ vài ngày sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc (ngày 03-5-1975), tấn công đảo Thổ Chu (ngày 10-5-1975), xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, kiên trì con đường thương lượng, hòa bình, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn Việt Nam và Campuchia đàm phán ký kết về biên giới giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng nền độc lập, chủ quyền của nhau, tiếp tục thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Thế nhưng, “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, ngày 30-4-1977, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary huy động hai sư đoàn tiến công vào sâu địa bàn tỉnh An Giang, chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong vòng 10 tháng đầu năm 1978, chúng xâm phạm biên giới Việt Nam 4.820 lần, khiến hàng nghìn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá; hàng vạn héc-ta ruộng đất, đồn điền cao su ở vùng biên giới bị bỏ hoang; khoảng nửa triệu dân sát biên giới Campuchia phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng vườn chạy sâu vào nội địa. Đặc biệt, vào những ngày cuối năm 1978, tập đoàn phản động Pon Pot - Ieng Sary cầm đầu đã huy động một lực lượng lớn kéo đến biên giới phía Đông và tiến vào khu vực Bến Sỏi (tỉnh Tây Ninh), mở đường tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, nhằm thực hiện ý đồ đánh chiếm thị xã Tây Ninh, Hồng Ngự (Đồng Tháp), Bảy Núi (An Giang), Tà Phò, Tà Teng (Kiên Giang). Đi đến đâu, quân Khmer Đỏ cũng điên cuồng cướp bóc tài sản, bắn, giết nhân dân Việt Nam hết sức tàn bạo và dã man. Có thể khẳng định, những hành động diệt chủng đối với đồng bào Campuchia và xâm lược Việt Nam của tập đoàn Pon Pot - Ieng Sary đã đẩy mối quan hệ Việt Nam - Campuchia vào một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử quan hệ hai nước.
Trước hành động phiêu lưu quân sự ngày một tăng của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary, ngày 15-6-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam họp và thống nhất nhận định: tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary với sự ủng hộ của thế lực bên ngoài không những đã phản bội sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, phản bội Việt Nam, gây nên thảm họa diệt chủng tàn bạo ở trong nước và cuộc chiến tranh chống Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2). Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định mục tiêu của lực lượng vũ trang trong nước lúc này là “tiêu diệt và làm tan rã cho được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh gãy xương sống của tập đoàn phản động Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng chân chính của Campuchia phát triển về mọi mặt, tiến lên đánh đổ tập đoàn phản động cầm quyền, bảo vệ độc lập, chủ quyền và chủ nghĩa xã hội ở Campuchia”(3).
Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ tư (Khóa IV), ngày 27-7-1978, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết về vấn đề Việt Nam - Campuchia, chỉ rõ: “Phải tiếp tục quán triệt và thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng kinh tế, nhiệm vụ hàng đầu là sẵn sàng chiến đấu, trước mắt là phải cùng nhân dân chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, sẵn sàng đánh thắng quân Khmer Đỏ…; phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia xóa bỏ nguồn gốc trực tiếp của chiến tranh, đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, giúp nhân dân Campuchia làm lại cuộc cách mạng”(4).
Để đẩy mạnh giúp đỡ cách mạng Campuchia, ngày 05-12-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam họp Hội nghị thông qua “Kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu” nhằm giúp lực lượng chân chính Campuchia giải phóng đất nước, trong đó xác định rõ yêu cầu: Kiên quyết đánh bại âm mưu xâm lược, chia rẽ, làm suy yếu Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary, thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia làm lại cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân… Hội nghị nhấn mạnh, theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ở Campuchia, ngày 02-12-1978, Đại hội đại biểu thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia khai mạc tại vùng giải phóng Snun, tỉnh Krachie. Trước nạn diệt chủng mà tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary gây ra, Đại hội nhất trí thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia do ông Heng Samrin làm Chủ tịch. Ngay sau khi ra đời, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia khẩn thiết đề nghị Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia: “không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tỵ nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc”(5). Bản Tuyên bố của Mặt trận còn “kêu gọi nhân dân và chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức dân chủ thế giới đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội hãy tích cực ủng hộ và giúp đỡ về mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân chúng tôi”(6).
Trong bối cảnh đất nước ta vừa ra khỏi chiến tranh, kinh tế còn nghèo nàn, bị cô lập, cấm vận về mọi bề, nhưng trước yêu cầu của lịch sử và nguyện vọng thiết tha của nhân dân Campuchia, Việt Nam một lần nữa nêu cao tinh thần quốc tế vô sản cao cả: giúp nhân dân nước Bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.
Từ ngày 23-12-1978, các binh đoàn chủ lực Việt Nam đã tiến hành chiến dịch tổng phản công trên toàn tuyến biên giới, đánh bại nhiều sư đoàn chủ lực của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary, đặc biệt là tiêu diệt hoàn toàn ba trung đoàn chủ lực xâm lấn vào địa bàn Tây Ninh, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng và tan rã từng mảng lớn. Đòn phản công của Việt Nam đã góp phần tạo thế và lực cho lực lượng cách mạng Campuchia nổi dậy và phối hợp với bộ đội Việt Nam mở chiến dịch tổng tiến công giải phóng Campuchia.
Ngay sau khi quân và dân Việt Nam mở cuộc phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, ngày 23-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, xác định: Do sinh lực địch nhất định sẽ bị quân và dân Việt Nam tiêu diệt hoặc kìm chân tại chỗ. Vì vậy, đây là thời cơ tốt nhất để các lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia cùng với nhân dân và binh sĩ khởi nghĩa trên toàn quốc đánh vào đầu não của bè lũ Pol Pot - Ieng Sary, đập tan chế độ độc tài phát-xít khát máu. Theo đó, ngày 26-12-1978, Bộ Chỉ huy Quân đội cách mạng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia quyết định phát động phong trào nổi dậy của quần chúng, đồng thời kêu gọi quân đội Việt Nam giúp đỡ Campuchia tiêu diệt bè lũ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, giành chính quyền về tay nhân dân.
Về phía Việt Nam, quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về giải phóng Thủ đô Phnom Penh trước ngày 08-01-1979 (trước khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp bàn về vấn đề Campuchia); đồng thời, căn cứ vào tình hình trên chiến trường, hướng Quân đoàn 4 đang gặp khó khăn, tiền phương Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định bổ sung nhiệm vụ và chuyển hướng tiến công của Quân khu 9 đang phát triển thuận lợi thành hướng tiến công chủ yếu.
Ngày 06-01-1979, tiền phương Bộ Quốc phòng ra lệnh cho các đơn vị mở cuộc tổng công kích vào Thủ đô Phnom Penh. Đến 17 giờ ngày 07-01-1979, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng; tiếp đó, các tỉnh còn lại trên hướng Bắc, Tây Bắc Campuchia, như Kampong Thom, Preah Vihear, Siem Riep, Battambang, Kampong Speu cũng lần lượt được giải phóng; phần lớn lực lượng địch bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây Campuchia.
Ngày 08-01-1979, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tuyên bố thành lập Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia - đại diện chân chính và hợp pháp duy nhất của nhân dân Campuchia do ông Heng Samrin làm Chủ tịch. Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ra tuyên bố, khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại này mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Campuchia - kỷ nguyên thật sự độc lập, thật sự tự do... Chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa do bọn Pon Pot - Ieng Sary gây ra, một cuộc chiến tranh đi ngược lại lợi ích dân tộc, phá hoại tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam” (7).
Có thể nói, chiến thắng chế độ diệt chủng Pon Pot đã khép lại một trang sử đen tối, đau thương của dân tộc Campuchia, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do, phát triển cho “đất nước chùa Tháp”. Đồng thời, ngày 07-01-1979 đã trở thành mốc son lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Ca ngợi tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, Báo Nhân dân Campuchia đã viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi” (8). Còn Quốc vương Campuchia Nodorom Sihanouk khẳng định: “Nếu họ (Việt Nam) không đánh đuổi bọn Pol Pot thì tất cả mọi người (Campuchia) có thể đã bị chết. Không chỉ riêng tôi mà là mọi người. Chúng (Khmer Đỏ) đã có thể giết chết tất cả chúng ta, ít nhất thì chúng ta cũng đã được sống sót và chính vì điều này mà chúng ta có thể nói rằng Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia đã không mắc sai lầm (khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khmer Đỏ), bởi vì nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pôn Pốt thì toàn dân tộc có thể đã bị tiêu diệt” (9). Trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 10-2005), Thủ tướng Hun Sen đã phát biểu: “Tôi xin phép được bày tỏ lòng kính trọng đến nhân dân Việt Nam, những gia đình có cha mẹ, vợ chồng, anh em đã hy sinh trong sự nghiệp giúp đỡ sự hồi sinh của nhân dân Campuchia và tôi xin phép được khẳng định nếu không có ngày 07-01-1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay... Chúng ta có thể hỏi rằng, trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay trở lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam (10). Mới đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Thủ tướng Campuchia Hun Sen và đồng đội bắt đầu con đường cách mạng, cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot (tháng 6-2017), Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiếp tục nhấn mạnh: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”.
Thực tiễn quá trình Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng đã để lại một số bài học kinh nghiệm quý báu.
Một là, Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng và phương châm chiến lược “giúp bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Hai là, trên cơ sở yêu cầu giúp đỡ của Campuchia, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam luôn biết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Ba là, trong quá trình giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, Việt Nam tuyệt đối tôn trọng độc lập, chủ quyền, phong tục, tập quán và văn hóa… của nhân dân nước bạn, qua đó để lại tấm gương sáng ngời về tình đoàn kết quốc tế vô sản cao cả trong lòng nhân dân Campuchia.
Có thể thấy, lịch sử quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia sẽ được viết tiếp trên hành trình dài vô tận, nhưng tầm vóc, ý nghĩa về quá trình nhân dân Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng vẫn mãi đọng lại trong tâm trí người dân hai nước cũng như nhân loại tiến bộ. Với ý nghĩa đó, những bài học kinh nghiệm được đúc kết là những vấn đề lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của hai nước Việt Nam - Campuchia trong thời kỳ mới./.
-----------------------------------------------
(1) Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm “40 năm con đường cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen”, ngày 21-6-2017
(2) Ban Tuyên giáo Trung ương: Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia (1930 - 2017), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 81
(3) Báo cáo chuyên đề về chiến tranh biên giới Tây Nam, Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng
(4) Hồ sơ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư về tình hình nhiệm vụ mới (từ ngày 14 đến 22-7-1978), Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
(5) Ban Liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia: Kỷ yếu 8 năm hoạt động của Ban Liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia (1998 - 2006), Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 2007, tr. 397
(6) Tuyên bố của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
(7) Tuyên ngôn của Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
(8) Báo Nhân dân Campuchia, số ra ngày 29-6-1989
(9) Báo Campuchia, ngày 08-9-1995
(10) Đỗ Văn Ngoan: Không thể phủ nhận nghĩa vụ quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 4-2013
Năm 2018, PVN đóng góp ngân sách nhà nước hơn 120 nghìn tỷ đồng  (17/01/2019)
Việt Nam mong muốn Hungary ủng hộ, thúc đẩy việc phê chuẩn EVFTA  (17/01/2019)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhiều doanh nghiệp dầu khí được vinh danh Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018  (17/01/2019)
Tổng Bí thư: Đại biểu Quốc hội cần xử lý tốt quan hệ 3 chân kiềng  (16/01/2019)
Tổng Bí thư: Đại biểu Quốc hội cần xử lý tốt quan hệ 3 chân kiềng  (16/01/2019)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay