Hội nghị thường niên IMF - WB: Tập trung bàn về các vấn đề kinh tế toàn cầu
TCCSĐT - Từ ngày 11 đến ngày 13-10-2018 tại Trung tâm Hội nghị Bali Nusa Dua (Indonesia), đã diễn raphiên họp toàn thể Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018. Hội nghị tập trung bàn về một loại các biến động của thị trường tài chính toàn cầu, cảnh báo về nhữngnguy cơ xuất phát từ những căng thẳng thương mại toàn cầu đang diễn biến hết sức phức tạp, từ đó kêu gọi các nước cần nhanh chóng hành động để vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay.
Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro
Hội nghị thường niên của IMF và WB diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng cao hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Những biến động mạnh về tiền tệ ở các thị trường mới nổi trong thời gian gần đây và sự leo thang các mâu thuẫn/tranh chấp thương mại, nhất là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, có thể làm giảm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu… Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi mặt, đặt ra nhiều vấn đề đối với các quốc gia, dân tộc. Việc triển khai các thỏa thuận toàn cầu về các vấn đề phát triển như các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu… cũng đòi hỏi cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thông qua các thể chế đa phương một cách hiệu quả, thực chất. Bên cạnh đó, các mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu, sự gia tăng cường độ của các cơn bão, chất thải nhựa trên biển, sự nhiễm độc của thực phẩm ở nhiều nơi trên thế giới... đang tăng lên nhanh chóng, cũng đe dọa tới sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Với chủ đề “Tranh thủ sự đột phá của công nghệ để định hình các nền kinh tế bao trùm trong tương lai”, Hội nghị thường niên IMF- thảo luận nhiều vấn đề như mất cân bằng thương mại, biến động trên thị trường tài chính, bất bình đẳng, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế và hiệu quả viện trợ, trao quyền cho phụ nữ, cũng như các sáng kiến nâng cao niềm tin vào hệ thống đa phương... Hội nghị cho rằng, căng thẳng thương mại leo thang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới khi “những tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đang dần biến thành hành động”. Tình trạng bất ổn do tranh chấp thương mại gây ra có thể khiến các doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt rót vốn, khiến hoạt động đầu tư sụt giảm. Nếu điều này vẫn tiếp diễn, căng thẳng thương mại sẽ leo thang, kéo theo những rủi ro mang tính hệ thống đối với kinh tế toàn cầu.
Nhân dịp Hội nghị, IMF công bố Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới năm 2018, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018-2019. Theo đó, kinh tế toàn cầu năm 2018 - 2019 sẽ tăng trưởng khoảng 3,7% do một số nền kinh tế chủ chốt tăng trưởng chậm lại dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang, giá dầu tăng… Cụ thể, đối với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Mỹ xuống 2,5% so với mức 2,7% trước đó, trong khi dự báo tăng trưởng năm 2018 của Mỹ là không thay đổi, vẫn ở mức 2,9%. Riêng về Trung Quốc, theo dự báo của IMF, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2019 sẽ sụt giảm xuống còn 6,2% do hậu quả của chiến tranh thương mại. Tỷ lệ tăng trưởng giảm xuống còn 6,2% là mức thấp nhất của nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1990. Xáo trộn tại các thị trường mới nổi có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn, nếu FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự đoán.
IMF cho rằng, tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn vượt ra ngoài phạm vi hai cường quốc kinh tế. Tăng trưởng năm 2018 của khu vực đồng euro dự kiến giảm xuống còn 2% so với mức 2,2% trước đó. Nước Đức đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm số lượng các đơn đặt hàng sản xuất và khối lượng thương mại xuất khẩu. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN có thể bị ảnh hưởng bởi rủi ro suy giảm do bất ổn trong hệ thống tài chính và những hạn chế mang tính cơ cấu. Những bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đáng kể đối với 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. IMF duy trì dự báo tăng trưởng ở mức 5,3% đối với các nước ASEAN trong năm 2018, và giảm nhẹ xuống 5,2% trong năm 2019. IMF cũng hạ mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản xuống còn 1,1% trong năm 2018, giảm 0,1% so với dự báo vào tháng 4 - 2018, song vẫn duy trì mức dự báo 0,9% trong năm 2019. Còn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ lần lượt đạt 7,3% và 7,4% trong năm 2018 và năm 2019. Tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latinh giảm xuống còn 1,2% năm 2018 và 2,2% năm 2019, giảm 0,4 điểm phần trăm so với các số liệu mà IMF trong tháng 7-2018.
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên IMF - WB năm 2018, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cũng công bố “Báo cáo phát triển thế giới 2019”. Trong đó, các chuyên gia kinh tế WB cho rằng, các nước Đông Nam Á sẽ chịu tác động bất lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Xuất khẩu của các nước trong khu vực bị ảnh hưởng do mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khá cao, trong khi cầu tại nền kinh tế số 2 thế giới này lại suy giảm do tác động bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng tham gia nhiều vào chuỗi giá trị của các mặt hàng xuất khẩu của cả Mỹ lẫn Trung Quốc nên các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tác động tiêu cực tới doanh số xuất nhập khẩu của khu vực. WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế các quốc gia thuộc khu vực châu Phi hạ Sahara từ 3,1% xuống 2,7% do sự trì trệ của các nền kinh tế đầu tàu trong khu vực và những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. WB cũng nhận định, khu vực Mỹ Latinh sẽ không thể đáp ứng được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2018 do phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại, chủ yếu là do sự suy thoái của hai nền kinh tế lớn trong khu vực là Brazil và Argentina, cũng như khủng hoảng tại Venezuela.
Báo cáo phát triển thế giới 2019 của WB còn đưa ra những cảnh báo về việc robot sẽ thay thế nhiều hoạt động của con người trong tương lai. Bởi vậy, đầu tư lớn hơn vào sức khỏe và giáo dục của con người là cấp bách trong một thị trường lao động phát triển nhanh chóng ngày càng định hình theo công nghệ. Công nghệ cũng đang mở ra hướng đi mới trong việc tạo việc làm, tăng năng suất và cung cấp các dịch vụ công hiệu quả. Các thị trường và công việc mới đang thúc đẩy nhu cầu cho nhân viên có kỹ năng làm việc theo nhóm, có kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề. Thay đổi công nghệ là loại bỏ các công việc “có thể mã hóa” lặp đi, lặp lại để thay thế chúng bằng các loại việc làm mới.
Tuy nhiên, sự đổi mới công nghệ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng việc làm. Công nghệ đang thay đổi không chỉ ở cách con người làm việc mà còn cả những điều khoản họ làm việc, tạo ra nhiều việc làm phi truyền thống và “hợp đồng” ngắn hạn. Điều này làm cho một số công việc dễ tiếp cận và linh hoạt hơn, nhưng lại làm tăng lo ngại về sự bất ổn trong thu nhập và thiếu sự bảo trợ xã hội. Báo cáo cũng đã khuyến cáo các chính phủ cần chăm sóc tốt hơn cho công dân của mình. Đối với các công ty đa quốc gia, việc chuyển lợi nhuận sang các khu vực pháp lý với mức thuế thấp dễ dàng hơn, điều đó có nghĩa là hàng tỷ USD sẽ không được tính thuế. Vì vậy, hệ thống thuế quốc tế nên được cập nhật, có tính đến nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu hóa.
Chủ động vượt qua thách thức
Tại Hội nghị, Chủ tịch WB Jim Yong Kim bày tỏ quan ngại về cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời khẳng định WB cần phải có sự chuẩn bị cho các nước thành viên trong bối cảnh tình hình có thể xấu đi. Chủ tịch WB Jim Yong Kim kêu gọi các quốc gia hãy đẩy nhanh nỗ lực của mình để đạt được các mục tiêu: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm bằng cách đầu tư vào khu vực tư nhân; giúp các nước quản lý các mức nợ và khai thác sức mạnh của công nghệ trong lĩnh vực tài chính như FinTech. Bên cạnh đó, đầu tư lớn hơn vào sức khỏe và giáo dục con người được coi là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh thị trường lao động phát triển nhanh chóng và ngày càng định hình theo công nghệ.
IMF cảnh báo cơ hội để thế giới tiếp tục duy trì tăng trưởng đang “ít dần” trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét. Bên cạnh đó là những bất đồng thương mại và khủng hoảng tại các thị trường mới nổi. IMF kêu gọi các nước quan tâm đến các vấn đề dài hạn quan trọng như vấn đề biến đổi khí hậu và nguồn nhân lực - kiến thức, kỹ năng và sức khỏe người dân. Những rủi ro đang ngày càng gia tăng giữa lúc căng thẳng thương mại dâng cao và những lo ngại về địa chính trị đang diễn ra với những điều kiện tài chính bị thắt chặt đang tác động tới nhiều thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Nợ công của các nước đang ở mức cao kỷ lục, tiềm ẩn nguy cơ gây mất lòng tin, tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng kinh tế. Các nước sẽ hứng chịu tổn thất do xung đột thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - gây ra.
Trước thực tế trên, IMF kêu gọi các nước cần chuẩn bị đương đầu với những rủi ro tiềm tàng, theo đó, WTO cần nỗ lực cải cách, củng cố lòng tin trong hệ thống thương mại toàn cầu. Các nước cần hành động nhanh chóng, thúc đẩy các chính sách và cải cách nhằm bảo đảm duy trì tăng trưởng, giảm thiểu rủi ro, tăng cường sức bật và nâng triển vọng tăng trưởng về trung hạn vì lợi ích của tất cả các bên. IMF khuyến nghị, các nước nên kiềm chế phá giá (tiền tệ) để cạnh tranh, không lấy tỷ giá hối đoái làm mục tiêu để phục vụ cho mục tiêu cạnh tranh này, kêu gọi Trung Quốc thúc đẩy một hệ thống cho phép đồng NDT dao động linh hoạt hơn. Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế (IMFC) hối thúc các quốc gia kiểm soát nợ, thiết kế các chính sách nhằm bảo đảm luôn sẵn sàng nguồn tín dụng để đối phó với lạm phát. Các nước nên coi đầu tư, giao dịch hàng hóa và dịch vụ tự do, công bằng là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Các nhà hoạch định chính sách cần củng cố vùng đệm vĩ mô và nâng cao tiềm năng tăng trưởng, nâng cao sức chống đỡ của hệ thống tài chính, củng cố và tăng cường vai trò của các thể chế, hệ thống đa phương.
Bản thân IMF cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước giải quyết những thiệt hại về xã hội và kinh tế do dịch bệnh, đe dọa an ninh mạng, tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, thiếu năng lượng, xung đột, di cư và người tị nạn, các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác... gây ra. Lãnh đạo tài chính thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng đã bàn nhiều cách thức để bảo vệ kinh tế toàn cầu trước căng thẳng thương mại không ngừng leo thang, song chưa đưa ra được bất kỳ một tuyên bố chung nào về những giải pháp cụ thể. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào tháng 11 tới sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này./.
----------------------
Tài liệu tham khảo
Số liệu trong bài được trích dẫn từ 02 báo cáo:
(1) IMF World Economic Outlook October 2018, https://www.imf.org/~/media/Files/Publications/WEO/2018/October/.../Text.ashx
(2) World Development Report 2019, pubdocs.worldbank.org/en/.../2019-WDR-PPT.pdf
Chủ tịch Quốc hội: Phiên chất vấn là cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ  (02/11/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 9,89%.  (02/11/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 9,89%.  (02/11/2018)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn  (01/11/2018)
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Ban Tổ chức Trung ương  (01/11/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên