Tham gia tích cực và hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đóng góp vào sứ mệnh chung kiến tạo hòa bình
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là về quốc phòng. Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định, việc cử các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc không chỉ là nhiệm vụ của quân đội mà là đại diện cho Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đây là nhiệm vụ đặc biệt, một trọng trách vinh dự nhưng cũng rất nặng nề, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực rất lớn.
Việc Việt Nam tham gia ngày càng
tích cực và hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp
phần khẳng định những nỗ lực thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam ở
một lĩnh vực hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc, qua đó khẳng định
Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của tổ chức đa
phương quốc tế lớn nhất thế giới cũng như cộng đồng quốc tế.
Triển khai thành công Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 có ý nghĩa quan trọng đối với quân đội và đất nước Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của lực lượng “chiến sĩ mũ nồi xanh” của Quân đội ta, nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Tham gia ngày càng tích cực và hiệu quả
Việt Nam đã chuẩn bị cho việc tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2005, đã hợp tác với nước ngoài đào tạo tiếng Anh và kiến thức chuyên môn cho gần 200 cán bộ công binh và quân y.
Để chuẩn bị cho sự tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ngay từ năm 2014, Việt Nam đã thành lập Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Trung tâm ra đời có nhiệm vụ "nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam."
Trong 4 năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan đơn vị, đặc biệt là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện và hiện đã đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 05-01-2018, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ ra mắt Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Theo đó, Bộ Ngoại giao chuyển giao Tổ công tác liên ngành về Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng tiếp nhận Tổ công tác liên ngành từ Bộ Ngoại giao sang quản lý và tổ chức lại Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Việt Nam cùng với ba nước là Campuchia, Indonesia và Thái Lan đã được chọn làm địa điểm huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế luân phiên. Sự lựa chọn này được đưa ra sau nhiều cuộc khảo sát của Liên hợp quốc tại các nước thành viên ASEAN với những đòi hỏi về tiêu chuẩn rất cao. Việc Việt Nam được lựa chọn trở thành địa điểm huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Đông Nam Á chính là sự ghi nhận và đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những cam kết và kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong suốt thời gian qua; đồng thời cũng là một thành công của Việt Nam trong hiện thực hóa đường lối chủ trương của Đảng về không ngừng hội nhập quốc tế và phấn đấu cho một thế giới an ninh và hòa bình.
Từ tháng 5-2014 đến tháng 9-2018, Việt Nam đã cử 27 lượt sĩ quan sang Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, thể hiện sự chủ động tham gia và đóng góp hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được cử tới các phái bộ đảm nhận những vị trí thiết yếu như: Quan sát viên quân sự, sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Các sĩ quan Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được Liên hợp quốc trao tặng Huân chương gìn giữ hòa bình, được lãnh đạo phái bộ cũng như sĩ quan chỉ huy các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc độc lập và phối hợp nhóm, ý thức kỷ luật tốt và quan hệ tốt với nhân dân bản địa. Năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định: “Đối với kết quả mà sĩ quan Việt Nam đã làm trong lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tôi chỉ có một từ để nói, đó là “Tuyệt vời!”.
Không chỉ tham gia ở hình thức cá nhân, Việt Nam còn tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở hình thức đơn vị thông qua việc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 sẽ sang phái bộ ở Nam Sudan. Năm 2019 và các năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục chuẩn bị để đưa phân đội công binh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và một số phân đội khác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1: Hoàn tất mọi công tác chuẩn bị
Ngày 25-11-2014, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 với biên chế là 70 người nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong lĩnh vực nhân đạo. Từ đó đến nay là gần 4 năm với hơn một nghìn ngày vất vả học tập, rèn luyện.
Theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, năng lực một Bệnh viện dã chiến cấp 2 phải đảm bảo hiệu quả khả năng khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày; khả năng hồi sức cấp cứu và vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; thực hiện 3-4 ca phẫu thuật 1 ngày có gây mê. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng phải đạt chuẩn về khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; thực hiện 10 ca chụp X quang, 10 ca điều trị răng miệng và xét nghiệm chuẩn đoán cơ bản 20 ca trong 1 ngày; có 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện; tự bảo đảm đủ vật tư y tế tiêu hao - thuốc chữa bệnh trong bất kỳ tình huống nào…
Trước những yêu cầu cao của Liên hợp quốc, ngay từ khi thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch và tổ chức huấn luyện chương trình “Tiền triển khai bắt buộc của Liên hợp quốc”. Nội dung huấn luyện bao gồm: Kiến thức nền tảng về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; kiến thức về tình hình phái bộ nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai; các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi, sử dụng bộ đàm và hệ thống thông tin liên lạc của Phái bộ, nhận diện bom-mìn-vật liệu nổ, luật nhân đạo theo Công ước quốc tế, chống lạm dụng tình dục… Thêm vào đó, các thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 phải trải qua các chương trình bổ sung như về võ thuật, ca múa dân tộc, bảo vệ bí mật quân sự, vận hành và bảo dưỡng các loại máy phát điện, xe moóc, lọc nước…
Các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 trước lúc lên đường đều phải trải qua các đợt diễn tập thực tế như: diễn tập trên bộ trang thiết bị, diễn tập thực địa phù hợp với đặc điểm môi trường Phái bộ, diễn tập cấp cứu đường không, cấp cứu chấn thương hàng loạt, xử lý bệnh dịch truyền nhiễm lan rộng… theo quy trình chuẩn của Liên hợp quốc.
Bệnh viện đã tập trung 4 năm huấn luyện từ tiếng Anh, đến chuyên môn, kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, các quy định của Liên hợp quốc đối với nhân viên Phái bộ. Cùng với đó là huấn luyện thể lực, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, quân sự…, đảm bảo công tác chuẩn bị theo đúng tiêu chuẩn đặt ra.
Đến nay, tất cả cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 đều đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn theo tiêu chí rất cao của Liên hợp quốc. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã hoàn tất quá trình chuẩn bị và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Theo Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), 63 cán bộ, y sĩ, bác sĩ lên đường lần này đều đã nắm vững, thuần thục các kỹ năng xử lý chuyên môn, khả năng giao tiếp ngoại ngữ, kỹ năng đối ngoại, quản lý, vận hành phương tiện và trang thiết bị…
Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức thông qua các kế hoạch của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 ở những nội dung: Kế hoạch nhiệm kỳ, công tác Đảng, công tác chính trị; an ninh an toàn, phòng cháy, chữa cháy, huấn luyện tại phái bộ, bảo vệ doanh trại, bảo đảm hậu cần-kỹ thuật…
Ngày 26-9 vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đại sứ Đặng Đình Quý và Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Atul Khare đã ký Bản ghi nhớ về việc Việt Nam cử bệnh viện dã chiến tới Nam Sudan. Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Khare hoan nghênh và bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đưa đến một bệnh viện đạt chất lượng cao, đóng góp hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ông Khare cũng hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp sâu hơn nữa cho nhiệm vụ quan trọng này của Liên hợp quốc.
Lễ xuất quân được tổ chức vào ngày 01-10, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Làm rạng danh hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”
Thiếu úy Huỳnh Cẩm Thơ, một trong 10 thành viên nữ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 sẽ tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.
Báo cáo kết quả quá trình chuẩn bị của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tin tưởng, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sẽ nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Quân đội giao, thực hiện lời dạy của Bác “lương y phải như từ mẫu”; nhanh chóng triển khai lắp đặt trang thiết bị, lều bạt đưa Bệnh viện vào hoạt động trong thời gian sớm nhất; tổ chức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, phục vụ đời sống cho cán bộ nhân viên trong Bệnh viện dã chiến, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng, Hội Phụ nữ và Hội đồng quân nhân; làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, phẩm chất người lính "Bộ đội Cụ Hồ" với bạn bè quốc tế.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu, trong thời gian công tác tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, tập thể Bệnh viện cần tập trung vào việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta; quán triệt và thực hiên nghiêm các quy định của Liên hợp quốc, Phái bộ, luật pháp quốc gia sở tại, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam...
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là bước đột phá nhằm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng; đồng thời đánh dấu sự thay đổi cả về chất và lượng trong hoạt động hợp tác đa phương nói chung, về quốc phòng, an ninh nói riêng, cụ thể là các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, thể hiện rõ vai trò của Quân đội nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc  (01/10/2018)
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh dại  (01/10/2018)
Lãnh đạo Cuba tin tưởng tiềm năng phát triển hợp tác với Việt Nam  (30/09/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay