Huyền thoại một con đường
TCCSĐT - Ngã ba Đồng Lộc trên bản đồ chỉ là một chấm nhỏ, trên thực địa chỉ vẻn vẹn vài cây số vuông, nhưng đối với vận mệnh của dân tộc, thì sự nhỏ bé ấy mang tầm vóc của nơi quyết định lịch sử, một vị trí tất yếu trong cuộc trường chinh cứu nước.
Nơi đó có một con đường với chỉ một hướng đi duy nhất, nơi đó là sự khốc liệt của cuộc chiến tranh nhưng không có một đoàn xe nào không phải đi qua, nơi mà có những con người với nhiệm vụ làm đường, rà phá bom, san lấp hố bom, bảo vệ mặt đường, bắn trả máy bay địch. Qua Ngã ba Đồng Lộc đâu cần một giây suy nghĩ là chọn lối nào, bởi không còn lối khác, chỉ có một lối đi mà thôi, đó là đội bom tiến thẳng vào Nam.
Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao đã ghi dấu ấn khốc liệt về sự hủy diệt của quân xâm lược đối với một con đường chiến lược mang tên Trường Sơn, một trong những yết hầu quan trọng của con đường ấy. Con đường 50 năm về trước, hằng ngày có biết bao cán bộ, chiến sỹ vào Nam chiến đấu cùng với lực lượng hậu cần chi viện cho tiền tuyến. Cũng chính trên con đường này đã có biết bao người đã ngã xuống, hiến trọn tuổi thanh xuân, để giữ vững mạch máu giao thông được thông suốt.
Bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, ca khúc còn mãi giữa dòng thời gian ấy đã khắc họa một cách hoàn mỹ về khuôn mặt của quê hương đất nước, con người Hà Tĩnh trên bản đồ đất nước, một khuôn mặt trẻ trung tràn đầy nhựa sống, đáng yêu và đặc biệt là đáng nể phục. Trong bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý có đoạn “đường Đồng Lộc, đường Khe Giao, đường Hồng Lam, Đèo Ngang, Linh Cảm, cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận, giặc điên cuồng trút hàng loạt bom rơi”. Chúng ta có thể hình dung ra được con đường đó như thế nào mà “giặc điên cuồng trút hàng loạt bom rơi”, con đường đã phải oằn mình lên để hứng chịu những cơn mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Giá trị, nỗi đau của con đường cũng là trách nhiệm thiêng liêng mà chúng ta phải bảo vệ bằng được, bởi giá trị lịch sử và “vận mệnh” của cả một dân tộc.
Đồng Lộc là tên gọi của xã Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, còn Khe Giao là tên gọi riêng của một địa giới hành chính thuộc xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tên gọi Khe Giao có từ lâu đời, một bên là đồi núi, một bên là khe suối, giữa là con đường, từ thành phố Hà Tĩnh đi lên cùng với con đường Đồng Lộc giao nhau tại đây nên gọi là Khe Giao. Đồng Lộc - Khe Giao lúc này thành một con đường độc đạo đi lên phía Tây huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh vào Quảng Bình, vào miền Nam hoặc đi ra Bắc trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao trở thành mục tiêu, tầm ngắm của Mỹ trong những năm tháng chiến tranh, bởi trong giai đoạn đó khi cuộc chiến của Mỹ ngày càng thất bại lớn ở chiến trường miền Nam, lúc này, Mỹ tìm cách leo thang đánh phá miền Bắc, mục tiêu và chiến lược là nhằm vào các mặt trận giao thông vận tải hòng ngăn chặn, cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, từ năm 1968 đến năm 1972, quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh hầu như bị địch phá hỏng và khống chế hoàn toàn, lúc bấy giờ, mọi thông thương trên tuyến đường giao thông vận tải chúng ta phải chuyển hướng sang con đường 15A, đường 15A đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Vì vậy, đoạn đường Đồng Lộc - Khe Giao trở thành “yết hầu, độc đạo” nối liền hai miền Nam - Bắc.
Nhận rõ tầm quan trọng của Ngã ba Đồng Lộc và con đường huyết mạch, đế quốc Mỹ đã thả xuống nơi đây hàng ngàn quả bom các loại, ngày cao điểm 103 lần máy bay với gần 1.000 quả bom trút xuống, bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây phải hứng chịu đến hơn 3 quả bom tấn, bom chồng lên bom, hố bom cứ chồng lên hố bom, cả Ngã ba Đồng Lộc và con đường 15A bị biến dạng, không có một bóng cây, một ngọn cỏ nào có thể mọc nổi. Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, “tất cả cho tiền tuyến”, quyết không để con đường bị tắc nghẽn, bằng bất cứ giá nào, con đường vẫn là “mạch máu sống” để những đoàn xe nối đuôi nhau ra tiền tuyến.
Để bảo đảm mạch máu giao thông được thông suốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ Hà Tĩnh, các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, công an, dân quân, cán bộ ngành giao thông vận tải đã sát cánh bên nhau hiệp đồng quyết tâm chiến đấu để bảo đảm mạch máu giao thông Đồng Lộc. Với quyết tâm “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, quân và dân Hà Tĩnh đã huy động hết sức mình cùng cả nước góp phần vào cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Tiêu biểu cho tập thể, đơn vị, cá nhân anh hùng là anh hùng La Thị Tám, người đếm từng loạt bom rơi, cắm tiêu vào hàng ngàn quả bom chưa nổ để công binh rà phá. Anh hùng Vương Đình Nhỏ dùng bộc phá đánh tách đầu nổ ra khỏi quả bom, làm vô hiệu hóa tác dụng của nó hay dùng bộc phá đánh bom bay xa mặt đường và cho bom nổ trên không. Anh hùng Uông Xuân Lý, người lái máy ủy trên trận địa Ngã ba Đồng Lộc đã vượt lên bao thử thách của cuộc chiến, không quản ngại hy sinh, lái máy ủi san lấp hố bom thông đường cho xe qua. Anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn liên tục bám sát trận địa, tổ chức cứu xe bị đổ, phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng để bảo đảm giao thông cho các chuyến xe vào Nam. Anh hùng Nguyễn Tri Ân là người có nhiều sáng tạo dũng cảm, xung kích trong việc rà phá bom từ trường để đồng đội san lấp hố bom, bảo đảm cho xe ra tiền tuyến. Anh hùng Võ Triều Chung, trong quá trình chiến đấu được suy tôn danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” và chiến sỹ thi đua quyết thắng trên mặt trận giao thông vận tải, vững vàng, gan dạ, sáng tạo trong việc tháo gỡ bom, bảo đảm xe qua an toàn. Trung đoàn pháo cao xạ 210, thuộc F367 bộ đội chủ lực Bộ Quốc phòng đã đánh trả quyết liệt máy bay địch, bảo vệ an toàn cho những chuyến xe, chuyến hàng vượt qua trọng điểm một cách an toàn, lập nên nhiều chiến công xuất sắc tại Ngã ba Đồng Lộc, 122 liệt sỹ của trung đoàn đã ngã xuống tại Ngã ba Đồng Lộc. Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh phối hợp với Trung đoàn 210 dũng cảm bắn rơi 14 máy bay địch; Đại đội 551 thuộc tổng đội 55 Ty Giao thông Hà Tĩnh là đơn vị chủ công bám giữ làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông tại Ngã ba Đồng Lộc, đơn vị đã có nhiều cống hiến về trí tuệ, mồ hôi, xương máu cho mặt trận giao thông vận tải, được mệnh danh là đại đội thép, đi đến đâu là đường thông đến đó. Trong những tập thể và cá nhân điển hình, tiểu đội nêu tấm gương chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thanh niên xung phong Việt Nam, tâm điểm về sự “huyền thoại” Ngã ba Đồng Lộc là tập thể 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55 thanh niên xung phong Hà Tĩnh.
Trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, các lực lượng cùng với người dân Hà Tĩnh đã dốc hết nhiệt tình, sức lực, trí tuệ để bắn máy bay Mỹ, đào đất, bê đá, mở đường tránh để thông đường cho xe qua. Dù Mỹ có sử dụng vũ khí tối tân hiện đại đến bao nhiêu cũng không thể ngăn nổi sức mạnh tổng hợp và sự đoàn kết một lòng của quân và dân ta, sẵn sàng hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân để bảo vệ bằng được con đường, đó là sứ mệnh của cả một dân tộc.
Thời gian cứ thế trôi đi, con đường chứng kiến biết bao đổi thay thăng trầm của tự nhiên, của cuộc sống con người, nhưng huyền thoại về một con đường mãi mãi là cuốn “nhật ký sống” trong trái tim của hàng triệu người con đất Việt. Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao trong những năm tháng chiến tranh là bụi đỏ, sình lầy, tọa độ chết, nhưng con đường ấy là con đường của niềm tin chiến thắng, của cuộc chiến đấu chính nghĩa, là con đường ghi dấu ấn với biết bao kỷ niệm đẹp, những ký ức khó quên về một thời hoa lửa, con đường với lứa tuổi 20 góp phần vào giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, trước sự đổi thay của xã hội, con đường hôm nay đang khoác trên mình một diện mạo mới, là con đường cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, con đường mà thế hệ hôm nay tìm về để cảm nhận được sức mạnh, chân lý của cha ông đi trước. Cũng từ con đường này, mọi phương tiện có thể tỏa đi các hướng vào Nam hay ra Bắc.
Xã hội ngày càng phát triển, trong xu thế hội nhập và tiến trình phát triển của đất nước, đường Đồng Lộc, đường Khe Giao cùng với Ngã ba Đồng Lộc góp phần vào công tác giáo dục truyền thống đạo đức, cách mạng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, là đòn bẩy để du lịch Hà Tĩnh nói riêng và du lịch cả nước nói chung ngày càng phát triển mạnh. Để huyền thoại về một con đường và địa chỉ đỏ Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi là niềm tự hào trong tâm khảm của mọi người dân Việt Nam./.
Diện mạo mới trên quê hương Đồng Lộc anh hùng  (17/07/2018)
Ngã ba Đồng Lộc: Địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho đồng bào, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau  (17/07/2018)
Diễn biến cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki, Phần Lan.  (16/07/2018)
Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở  (16/07/2018)
Thông tin sai sự thật, Báo Tuổi trẻ Online bị đình bản 3 tháng  (16/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay