Chính sách thu hút nhân tài trong lực lượng công an nhân dân

ThS. Phạm Thị Thu Bộ Công an
20:23, ngày 27-06-2018

TCCSĐT - Phát triển nguồn nhân lực an ninh nhân dân về mọi mặt được xác định là một nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình, tốc độ và kết quả của sự nghiệp xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Những kết quả đạt được

Trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng an ninh, công an nhân dân càng trở nên hết sức to lớn, nặng nề, khó khăn và phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh, trật tự và các vi phạm pháp luật khác của đất nước phụ thuộc vào nguồn nhân lực lực lượng an ninh, công an nhân dân, vào phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn và hiệu quả công tác của lực lượng này.

Những năm qua, trong quá trình hội nhập quốc tế, việc phát triển nguồn nhân lực công an nhân dân Việt Nam nói chung, trong lực lượng an ninh nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm cho công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Số lượng nguồn nhân lực trong ngành được tăng cường đáng kể; cơ cấu đội ngũ cán bộ, chiến sỹ ngày càng hợp lý; chất lượng về mọi mặt: bản lĩnh chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sức khỏe cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ lực lượng an ninh được nâng cao rõ rệt, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.

Nhờ bám sát thực tiễn, thường xuyên bổ sung và điều chỉnh, những năm qua công tác chính sách trong lực lượng công an nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể:

Một là, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy quản lý nhà nước về công tác chính sách trong lực lượng công an nhân dân có những bổ sung và đổi mới quan trọng. Bộ Công an đã tham mưu đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành một hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác chính sách trong công an nhân dân, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và tổ chức thực hiện trong toàn lực lượng, như: Luật Công an nhân dân; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14-12-2004, của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Quyết định số 91/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân; Thông tư số 22/2012/TT-BCA, ngày 17-4-2012, của Bộ Công an quy định chế độ nghỉ dưỡng trong công an nhân dân; Chỉ thị số 01/CT-BCA, ngày 31-01-2012, của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn, đáp nghĩa trong công an nhân dân... Cho đến thời điểm hiện nay, toàn bộ các văn bản pháp quy được ban hành đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng công an nói chung và lực lượng an ninh nói riêng.

Hai là, hoàn thiện chính sách tiền lương, cấp bậc hàm và chế độ phụ cấp đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân. Bộ Công an đã bổ sung, hoàn thiện chính sách tiền lương cơ bản chung cho toàn lực lượng trên cơ sở các quy định về chế độ lương của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang và tính đến tính chất, đặc điểm nhiệm vụ của các lực lượng trong công an nhân dân. Đã giải quyết căn bản những bất hợp lý về chế độ thăng cấp, nâng lương đối với cán bộ, chiến sỹ đang công tác và chế độ nghỉ hưu trên cơ sở xây dựng chức danh lãnh đạo, chỉ huy và cấp hàm tương đương; quy định cấp bậc hàm cao nhất của các chức danh, thực hiện nghiêm chế độ thăng cấp, nâng lương theo luật; rút ngắn niên hạn nâng bậc lương ở một số bậc lương chuyên môn kỹ thuật trung cấp, sơ cấp... Cùng với chính sách tiền lương, một số chế độ phụ cấp đặc thù theo nhóm, ngành, lĩnh vực như: phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp quản lý trại giam, nhà tạm giữ, phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật, mật mã, phụ cấp đối với cán bộ, giáo viên ở các trường giáo dưỡng,... đã được áp dụng. Đến nay, đã có 80% cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng được hưởng phụ cấp đặc thù và phụ cấp nghề. Đây là sự quan tâm, ưu đãi lớn của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân, góp phần cải thiện đời sống vật chất, động viên cán bộ, chiến sỹ hăng hái công tác, chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, ban hành chính sách thu hút, sử dụng nhân tài. Để thu hút nguồn lực và người tài tham gia xây dựng lực lượng, Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng, thực hiện các chế độ đãi ngộ và thu hút nhân tài, như rút ngắn thời gian thăng cấp bậc hàm đối với cán bộ được tuyển dụng có trình độ thạc sĩ, bác sĩ hệ chính quy tập trung; cán bộ, giáo viên các trường thuộc công an nhân dân, cán bộ thỉnh giảng được hưởng chế độ dạy thêm giờ; thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang trực tiếp giảng dạy hoặc thỉnh giảng trong các trường thuộc công an nhân dân; kéo dài thời gian công tác, giữ nguyên chức vụ đến 60 tuổi đối với lãnh đạo (là nam giới) các khoa, phòng và tương đương có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa cấp 2 tại các trường, các bệnh viện thuộc ngành công an nhân dân.

Bốn là, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân từ chỗ thực hiện như cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đến nay đã được điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu và công tác. Chế độ bảo hiểm y tế được mở rộng đến thân nhân cán bộ, chiến sỹ, giúp cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, gắn bó, tâm huyết với nghề, tận tụy với công việc. Bên cạnh việc thực hiện các chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ, chiến sỹ đang công tác, các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và hậu phương công an nhân dân cũng được quan tâm. Cùng với việc trích một phần ngân sách từ Bộ Công an, chính sách hậu phương công an nhân dân và chính sách người có công được bổ sung bằng nguồn đóng góp hằng năm từ cán bộ, chiến sỹ, mỗi năm dành 1 ngày lương để ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Bên cạnh đó, bằng nguồn quỹ tự huy động, các đơn vị thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình chính sách, cán bộ, chiến sỹ công an có hoàn cảnh khó khăn, bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Chính sách hậu phương công an nhân dân là một nguồn động viên to lớn đối với các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công, thể hiện đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” và truyền thống công an nhân dân cách mạng.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực an ninh còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, cả về phương diện số lượng, cơ cấu và chất lượng của nguồn nhân lực. Đó là số lượng biên chế của nguồn nhân lực chưa đủ so với đòi hỏi thực tế của tình hình hiện nay; cơ cấu đội ngũ cán bộ, chiến sỹ chưa thật sự hợp lý. Về mặt chất lượng, đó là tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân có biểu hiện thiếu bản lĩnh chính trị, suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Trình độ và năng lực công tác của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới. Còn thiếu hụt cán bộ, chiến sĩ lãnh đạo chỉ huy giỏi, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phức tạp về an ninh - trật tự, thiếu chuyên gia đầu ngành về lý luận nghiệp vụ công an, về khoa học kỹ thuật, về trình độ ngoại ngữ, tin học giỏi.

Một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân vẫn chưa phản ánh hết đặc thù của nhiệm vụ, chưa thực sự là đòn bẩy về tinh thần và nâng cao chất lượng công tác. Chế độ phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ, chiến sỹ lực lượng an ninh; cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm công tác phục vụ chiến đấu còn thấp. Ở một số đơn vị và địa phương còn có hiện tượng chậm giải quyết phụ cấp ưu đãi cho cán bộ, chiến sỹ; có sự không thống nhất trong thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi giữa các địa phương, đơn vị, tạo nên sự thắc mắc, so bì trong cán bộ, chiến sỹ. Việc nâng lương theo trần quân hàm chỉ quy định nâng lương tối đa 2 lần là chưa phù hợp với trần cấp bậc hàm cao nhất cho một vị trí. Bảng lương áp dụng với sĩ quan, hạ sĩ quan, chuyên môn kỹ thuật còn phức tạp; chế độ phụ cấp trong công an nhân dân thấp hơn so với quân đội có cùng điều kiện công tác. Quy định về tiêu chuẩn xét thăng cấp, nâng bậc lương trong công an nhân dân còn mang nặng tính cào bằng, chưa triển khai đồng bộ việc bổ nhiệm, thực hiện trần cấp bậc hàm theo chức danh, chủ yếu vẫn căn cứ vào trình độ đào tạo, niên hạn xét thăng cấp, nâng bậc lương nên chế độ được hưởng chưa tương xứng với năng lực, trình độ, yêu cầu nhiệm vụ được giao, chưa khuyến khích động viên được người làm tốt, nhân tài. Do vậy, việc nghiên cứu về công tác chính sách phát triển nguồn nhân lực công an nhân dân trong quá trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân là rất quan trọng và rất cần thiết, có ý nghĩa vừa cơ bản, vừa cấp bách cả về lý luận và thực tiễn.

Một số giải pháp nhằm thu hút nhân tài

Thứ nhất, cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị thuộc công an nhân dân cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của công tác chính sách cán bộ đối với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và mục tiêu xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách cán bộ nói chung và chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về “Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012, của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giai đoạn 2012 - 2020” và Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15-5-2013, của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Luật Công an nhân dân, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, cải cách chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân theo hướng đồng bộ, phù hợp với đặc điểm, tính chất công tác của lực lượng công an nhân dân và bảo đảm tính công bằng, thực sự là động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sỹ hăng hái thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xác định khối lượng công việc ở từng chức danh để xác định biên chế, bố trí sắp xếp cán bộ tương ứng với khối lượng, yêu cầu công việc. Thực hiện thăng cấp bậc hàm, nâng lương theo quy định đối với từng chức danh. Nghiên cứu, sửa đổi theo hướng giảm bớt tính phức tạp trong thực hiện chế độ lương đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chuyên môn kỹ thuật. Về chế độ phụ cấp đặc thù, nên chỉ áp dụng với đối tượng cụ thể.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ việc thực hiện chế độ, chính sách sử dụng, thu hút nhân tài vào làm việc trong lực lượng công an nhân dân, nhất là cán bộ có trình độ cao về khoa học - kỹ thuật, bác sĩ...; có chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia giỏi; tăng cường đầu tư trang bị phương tiện, kinh phí cho hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học trong ngành nói chung và lực lượng an ninh nói riêng. Quan tâm đào tạo nguồn cán bộ khoa học - kỹ thuật cho ngành. Thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch. Tăng chỉ tiêu đào tạo bậc cao đẳng, đại học, nghiên cứu chương trình đào tạo riêng cho cán bộ, học viên là người dân tộc thiểu số.

Thứ tư, quan tâm xây dựng và thực hiện chính sách hậu phương công an nhân dân. Thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong công an nhân dân. Phát triển và quản lý tốt Quỹ Phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo trong lực lượng công an nhân dân, sử dụng quỹ hiệu quả và đúng mục đích. Thực hiện tốt các chế độ về y tế, giáo dục đối với thân nhân cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng công an nhân dân.

Thứ năm, củng cố, tăng cường cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác chính sách cán bộ trong lực lượng công an nhân dân, bảo đảm tính chuyên nghiệp, chuyên sâu và hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống giáo trình, bài giảng bậc đại học về công tác chính sách. Nghiên cứu, ban hành các quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chức danh cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ, chính sách nhằm chuẩn hóa đội ngũ, làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển trong đội ngũ làm công tác tổ chức - cán bộ nhằm nâng cao kiến thức thực tiễn. Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn về công tác chính sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách…/.