Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng và an ninh trong tình hình mới

Võ Trọng Việt Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
21:30, ngày 18-04-2018

TCCS - Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và các nhiệm kỳ tiếp theo, công tác lập pháp cần tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng để bảo đảm hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống pháp luật về quốc phòng và an ninh nói riêng, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thứ bậc và đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.



Hệ thống pháp luật về quốc phòng và an ninh nói chung, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng ở nước ta hiện nay cơ bản đã được hoàn thiện(1) theo định hướng của Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005, của Bộ Chính trị, về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên, diễn biến của tình hình thế giới, khu vực, nhất là những vấn đề về an ninh phi truyền thống, đã và đang đặt ra yêu cầu hợp tác quốc tế sâu rộng để giải quyết. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đây là những vấn đề mới, cần được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để đất nước phát triển. Điều này đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”(2). Với tư cách là cơ quan thẩm tra, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục bám sát quan điểm của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó sẽ thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang, tập trung xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc trong mọi tình huống; tiếp tục quan tâm đến cơ chế, chính sách để tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan. Từ đó, có những biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Với tinh thần đó, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục phối hợp với các ủy ban, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, căn cứ vào Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh, về xây dựng lực lượng vũ trang và bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là xây dựng Luật Quốc phòng (sửa đổi). Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức thẩm tra và phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, với những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung, như phát triển nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với quốc phòng, an ninh; yêu cầu quản lý nhà nước tập trung, thống nhất đối với quốc phòng, an ninh; quy định về Hội đồng Quốc phòng, an ninh; bổ sung yếu tố văn hóa, đối ngoại trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiềm lực khu vực phòng thủ; kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng; thể chế hóa quan điểm của Đảng về hội nhập quốc tế... Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục xây dựng, sửa đổi các luật chuyên ngành, như Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Cảnh sát biển... nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng.

Đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt... Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”(3). Trước hết, một số dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018 của Quốc hội cần sớm được hoàn thiện, thông qua và ban hành, như Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật Công an xã.

Luật An ninh mạng góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, nhất là nguy cơ các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự của lực lượng công an được thuận lợi, đồng thời bảo đảm tốt các quyền tự do, dân chủ của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Luật Công an xã là sự cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công an xã, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, sự thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Đó là những dự án luật quan trọng, góp phần tiếp tục triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và quy định mới của Hiến pháp năm 2013, do vậy, Quốc hội khóa XIV đã đưa những dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, cần sửa đổi Luật An ninh quốc gia hiện hành để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ an ninh quốc gia, quyền con người, quyền công dân. Trong đó, sửa đổi các quy định về nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia có liên quan đến quy định của Luật Công an nhân dân (sửa đổi); thể chế hóa đầy đủ, cụ thể cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. Đồng thời, thể chế hóa đầy đủ hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành một số luật quan trọng khác, như:

Luật về tình trạng khẩn cấp: Tình trạng khẩn cấp đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 (trong các chương, điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ), là nội dung quan trọng có liên quan trực tiếp đến sự tồn tại, vững mạnh của Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa, đến việc thực hiện hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Việc ban hành luật này sẽ điều chỉnh việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình huống đặc biệt, bởi vậy, nó cần được tiến hành xây dựng khẩn trương, để sớm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tình huống này, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà các quyền tự do, dân chủ của công dân ngày càng được mở rộng, các thế lực thù địch lại đang ráo riết lợi dụng vấn đề này để chống phá ta.

Luật Công nghiệp quốc phòng - an ninh: Việc ban hành luật này là nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng công nghiệp quốc phòng - an ninh đã được hiến định tại Điều 68 Hiến pháp năm 2013, cũng là quan điểm của Đảng được nêu trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16-7-2011, của Bộ Chính trị, về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Vì vậy, cần luật hóa một cách đầy đủ, cụ thể và toàn diện về lĩnh vực này để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh.

Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng - an ninh cần kế thừa, phát triển các quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng, đồng thời bổ sung những quy định về công nghiệp an ninh và mở rộng phạm vi điều chỉnh vấn đề động viên công nghiệp để xây dựng đồng bộ, toàn diện công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Luật về Kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế: Xây dựng luật này là nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, nguyên tắc hiến định về kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế. Luật quy định nguyên tắc, nội dung cơ bản của việc kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế; nhiệm vụ, biện pháp kết hợp; quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; hậu quả, trách nhiệm pháp lý trong trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung xây dựng các điều khoản điều chỉnh các vấn đề cốt lõi về nội dung, phương thức kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng - an ninh.

Luật về Phòng, chống tội phạm có tổ chức: Luật này có tác dụng điều chỉnh về tổ chức, hoạt động, biện pháp phòng, chống tội phạm có tổ chức và quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, bảo đảm giá trị và hiệu lực pháp lý cao, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật (hiện nay đã có Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống buôn bán người, Luật Phòng, chống rửa tiền).

Luật về Phòng thủ dân sự: Việc ban hành luật này là rất cần thiết, vì phòng thủ dân sự là nội dung chủ yếu, quan trọng của xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Mặc dù vấn đề này đã được quy định mang tính nguyên tắc trong Luật Quốc phòng năm 2005 (hiện đang được sửa đổi, bổ sung) và được hướng dẫn thi hành tại Nghị định số 117/2008/NĐ-CP, ngày 14-11-2008, của Chính phủ, “Về phòng thủ dân sự”, nhưng chưa có văn bản luật chuyên ngành để điều chỉnh. Việc ban hành luật này là thể hiện sự quán triệt tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định rõ mục tiêu: “Sau năm 2010, xây dựng mới các đạo luật về phòng thủ dân sự, giáo dục quốc phòng, bảo vệ các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia, chống khủng bố”.

Luật hoặc nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới: Việc ban hành luật hoặc nghị quyết về vấn đề này là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, đồng thời cụ thể hóa các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013, đó là Nhà nước ta, nhân dân ta “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Điều 12); Nhà nước ta “phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” (Điều 64); lực lượng vũ trang nhân dân “cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” (Điều 65).

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng và an ninh là nguyện vọng, đòi hỏi, mong muốn của nhân dân. Việc Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và an ninh là nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quốc phòng và an ninh mà từ trước đến nay chưa được điều chỉnh hoặc mới phát sinh, đáp ứng ý chí, nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân. Để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, ngoài những vấn đề như đã nêu trên, còn có một số yêu cầu lập pháp cơ bản về: xác định phạm vi quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi xâm phạm; xây dựng các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới; sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế - xã hội; xây dựng các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; trang bị các phương tiện cho lực lượng vũ trang để bảo vệ đất nước./.

-------------------------------------------------------

(1) Các luật, pháp lệnh về quốc phòng và an ninh đã ban hành: Luật Quốc phòng; Luật An ninh quốc gia; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật Công an nhân dân (sửa đổi năm 2014); Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 (sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1994, 2005), Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Luật Dân quân tự vệ; Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự; Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam...

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 312

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 148