TCCSĐT - Việc Mỹ tuyên bố thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria đã khiến Liên hợp quốc cũng như một loạt các nước như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran kịch liệt phản đối. Những phản ứng mạnh mẽ được đưa ra giữa lúc xuất hiện những lo ngại rằng, Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này, kéo theo đó là những hệ lụy do căng thẳng leo thang và bùng phát xung đột.

Trắc trở tiến trình hòa bình tại Syria

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Liên quân do Mỹ đứng đầu chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 14-01 cho biết đang phối hợp với các nhóm vũ trang Syria thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại miền Bắc Syria. Người phát ngôn của liên minh R. Dillon cho biết, trong bối cảnh cuộc chiến chống IS đang dần đi đến hồi kết, liên quân và các đồng minh trong Lực lượng Bảo vệ Syria (SDF) gồm các nhóm vũ trang đối lập bắt đầu chuyển sang tập trung vào an ninh biên giới. Mục tiêu cuối cùng là thành lập một lực lượng gồm 30.000 thành viên, với một nửa trong số này là các tay súng trong SDF đã được huấn luyện. Người phát ngôn này nêu rõ hiện có 230 người đang được huấn luyện và đây là “lớp huấn luyện mở màn”.

Ngày 15-01, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã bày tỏ quan điểm phản đối kế hoạch của Mỹ thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria. Phát biểu với các phóng viên tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Thư ký A. Guterres nhấn mạnh: “Quá nhiều nước đã triển khai quân ở Syria. Tôi cho rằng nếu người dân Syria có thể tự giải quyết các vấn đề của đất nước thì sẽ tốt hơn nhiều”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Syria chỉ trích việc Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại miền Bắc Syria, coi đây là sự vi phạm chủ quyền của Syria. Trong khi đó, kênh truyền hình nhà nước Syria đưa tin quân đội Syria kiên quyết chấm dứt sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phản ứng trước thông báo trên của liên quân do Mỹ đứng đầu, cho rằng động thái của liên quân sẽ “hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố”. Về phần mình, Tổng thống Iran H. Rouhani cho rằng, kế hoạch này của Mỹ là vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran B. Qasemi cũng cảnh báo kế hoạch thành lập lực lượng an ninh biên giới mới được Mỹ hậu thuẫn bên trong lãnh thổ Syria sẽ “thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh” và làm gia tăng căng thẳng. Tiếp đó, ngày 17-01, đồng minh thân cận của Syria là Nga coi kế hoạch mới của liên minh do Mỹ đứng đầu là âm mưu chia cắt đất nước Syria.

Trong một diễn biến mới, phản ứng trước làn sóng chỉ trích về kế hoạch của Washington tại Syria, ngày 17-01, Mỹ khẳng định nước này đang huấn luyện một lực lượng mới ở Syria, chứ không có ý định thành lập “quân đội” hay lực lượng bảo vệ biên giới thông thường. Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc khẳng định, Mỹ sẽ “tiếp tục huấn luyện lực lượng an ninh địa phương ở Syria”. Trước sự việc này, nhiều nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria có thể châm ngòi cho một giai đoạn khủng hoảng mới ở khu vực, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với hòa bình, an ninh quốc tế, mà trước mắt là cản trở các giải pháp chấm dứt xung đột, tìm kiếm hòa bình cho Syria.

Anh và Pháp thúc đẩy hợp tác an ninh biên giới

 
 Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Anh T. May. Ảnh: Reuteurs

Ngày 18-01, Tổng thống Pháp E. Macron đã có chuyến công du tới Anh và hội đàm với Thủ tướng Anh T. May. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh London đang tìm cách củng cố các mối quan hệ song phương trước khi chính thức rời EU vào tháng 3-2019. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Pháp E. Macron tới Anh từ khi trở thành Tổng thống Pháp vào tháng 5-2017.

Chuyến thăm lần này của ông E. Macron nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Anh - Pháp lần thứ 35 nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh biên giới, đồng thời thúc đẩy thiện chí cho các cuộc đàm phán Brexit.

Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Anh T. May đã có cuộc hội đàm song phương tại Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst. Hai bên đã khẳng định duy trì cam kết đối với các nguyên tắc của Hiệp ước Le Touquet được ký vào năm 2003. Theo Hiệp ước Le Touquet, cảnh sát biên giới Pháp được phép tiến hành kiểm tra người nhập cư ở Dover (Anh) và cảnh sát Anh được hoạt động ở Calais (Pháp). Tại cuộc hội đàm, hai bên cũng đã ký kết một thỏa thuận mới trị giá 62 triệu USD về việc Anh cấp ngân sách cho các biện pháp an ninh mới, như lắp đặt thêm camera an ninh, rào chắn và máy quét nhiệt, tại cảng Calais và nhiều địa điểm khác ở Pháp dọc eo biển Manche (Channel), khi mà từ đây, những người di cư thường tìm cách đến bờ biển Anh bằng phà hoặc tàu. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí cải thiện cách thức xử lý đối với trẻ em di cư.

Anh và Pháp là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng và gắn kết, tầm ảnh hưởng với các vấn đề quốc tế của hai nước khá ngang nhau. Hiện hai nước đều là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cùng thuộc nhóm kinh tế G7. Dù kết quả Brexit đang đẩy hai quốc gia đi theo hai hướng nhưng các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với nhau trong nhiều vấn đề, đặc biệt trong vấn đề người nhập cư.

Việc thực thi Hiệp ước Le Touquet thể hiện quyết tâm của chính phủ Anh và Pháp nhằm duy trì đường huyết mạch kinh tế quan trọng giữa hai nước. Nhưng chính vì thỏa thuận này mà hàng chục nghìn người di cư muốn đến Anh đã bị chặn tại Calais và gây ra tình trạng mất ổn định tại đây. Trước khi đi đến thống nhất về hiệp ước mới, Pháp và Anh đã tái đàm phán về Hiệp ước Le Touquet. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không đạt được thỏa thuận, Pháp có thể xóa bỏ hiệp ước, hai quốc gia sẽ phục hồi đường biên giới trên eo biển Manche. Và nếu kịch bản này xảy ra thì sẽ không bên nào có lợi. Pháp đang phàn nàn về chi phí quá lớn đang phải chịu để giải quyết vấn đề người tị nạn nên muốn “san sẻ” bớt cho Anh trong hiệp ước nhập cư mới. Hiện cuộc khủng hoảng di cư và việc nước Anh quyết định rời khỏi mái nhà chung châu Âu (Brexit) đang làm gia tăng bất đồng về Hiệp ước Le Touquet 2003 giữa Anh và Pháp. Hiệp ước Le Touquet cho phép quan chức Anh tiến hành thủ tục nhập cảnh cho người dân vào Anh tại đầu đường hầm xuyên eo biển Manche ở thành phố Calais của Pháp.

Với việc nước Anh đang trên đường rời khỏi EU, chuyến thăm đến Anh của Tổng thống Pháp E. Macron sẽ góp phần giải quyết vấn đề người nhập cư tìm đường vào xứ sở sương mù, đồng thời củng cố mối quan hệ hợp tác song phương, cũng như chính sách đối ngoại và kinh tế của hai nước.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: sggp.org.vn

Bất chấp lo ngại của các bên liên quan về những nguy cơ mất ổn định bùng phát nếu thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc Nhóm P5+1 đổ vỡ, Tổng thống Mỹ D. Trump vẫn kiên quyết bảo vệ lập trường khi yêu cầu thay những điều khoản ông cho là sai lầm trong văn kiện này. Điều này được cho là sẽ tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến vấn đề trên.

Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 12-01 cho biết sẽ không tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran, đồng nghĩa với việc thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 hồi năm 2015 vẫn được duy trì ít nhất tại thời điểm này. Tuy nhiên, Tổng thống D. Trump vẫn khẳng định quan điểm phải thay thế thỏa thuận này bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn. Theo đó, thỏa thuận mới sẽ chỉ có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp và Đức và sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn đối với Iran nếu tiếp tục nới lỏng các lệnh trừng phạt. Cụ thể, thỏa thuận đó sẽ không bắt đầu hết hiệu lực sau 10 năm giống như thỏa thuận hiện nay mà sẽ áp đặt vĩnh viễn các hạn chế đối với không chỉ các nhà máy hạt nhân của Iran mà cả chương trình tên lửa của nước này.

Phản ứng ngay sau đó, ngày 13-01, Bộ Ngoại giao Iran ra tuyên bố bác bỏ mọi khả năng thay đổi thỏa thuận hạt nhân mang tên JCPOA mà Tehran cùng nhóm P5+1 đã ký năm 2015. Iran cũng khẳng định không khuất phục trước sức ép của Mỹ buộc Tehran phải đàm phán lại thỏa thuận này. Ngày 14-01, Tổng thống Iran H. Rouhani khẳng định, Mỹ đã thất bại trong việc làm suy yếu thỏa thuận JCPOA.

JCPOA được ký kết năm 2015 với nội dung chính yêu cầu Iran kiềm chế chương trình hạt nhân. Đổi lại, cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này. Đây được xem như một thắng lợi ngoại giao đa phương. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông D. Trump từng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran là “thỏa thuận tồi” mà ông muốn xem xét lại. Giới phân tích cho rằng, về thực chất, yêu cầu của Tổng thống D. Trump nhằm gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách tại Trung Đông. Điều này sẽ làm yên lòng hai đồng minh là Israel và Saudi Arabia, vốn quan ngại Iran mở rộng ảnh hưởng tại khu vực thông qua việc can thiệp vào Yemen, Syria và cung cấp vũ khí cho nhóm Hezbollah ở Lebanon... Mặt khác, đây cũng là thời điểm Tổng thống D. Trump muốn thực hiện tuyên bố xem xét lại JCPOA trong chiến dịch tranh cử.

Trước động thái này, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức đã phản ứng bằng các tuyên bố khẳng định thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được với Iran là cách tốt nhất để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của nước này, đồng thời kêu gọi Mỹ bảo vệ và duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong khi Liên minh châu Âu (EU) - vốn là tổ chức giám sát các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran - nhấn mạnh, JCPOA đóng một vai trò then chốt để hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của Iran và sự thống nhất của cộng đồng quốc tế là điều kiện cốt yếu để bảo toàn thỏa thuận hạt nhân với Iran, vì vậy không một nước nào được quyền chấm dứt văn bản lịch sử này. Việc Tổng thống Mỹ tiếp tục muốn sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran ngoài nguy cơ đẩy Mỹ về phía đối lập với nhiều nước trong đó có các đồng minh châu Âu cũng như tác động đến vấn đề CHDCND Triều Tiên còn có thể khiến Iran gia tăng phát triển vũ khí hạt nhân. Và nếu Iran phát triển hạt nhân, các cuộc chạy đua vũ trang sẽ ngay lập tức được châm ngòi, đẩy tình hình an ninh khu vực Trung Đông, vốn đã phức tạp, đứng trước những nguy cơ mới.

Thêm một bước tiến trong quan hệ liên Triều

 
 Thế vận hội mùa Đông PyeongChang diễn tại Hàn Quốc vào tháng 02-2018. Ảnh: quocte.vn

CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về việc Bình Nhưỡng cử đoàn biểu diễn nghệ thuật tham dự Thế Vận hội mùa Đông PyeongChang diễn tại Hàn Quốc vào tháng 02-2018. Đây là những dấu hiệu mới nhất cho thấy sự “tan băng” trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên kể từ sau khi nhà lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc trong Thông điệp Năm mới 2018.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 16-01 thông báo nước này đã thành lập một tổ công tác thuộc chính phủ để hỗ trợ các hoạt động của đoàn Triều Tiên tới tham dự Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018. Theo thông báo, nhóm này gồm khoảng 20 quan chức Bộ Thống nhất và Bộ Văn hóa, cũng như Ủy ban tổ chức Olympic PyeongChang, có nhiệm vụ hỗ trợ một cách có hệ thống các vận động viên Triều Tiên, đội cổ động và đoàn nghệ thuật đi cùng. Nhóm này sẽ có trách nhiệm phối hợp hợp tác giữa các cơ quan chính phủ nhằm tạo điều kiện cho việc tham dự của phía Triều Tiên diễn ra thuận lợi trong kỳ Olympic tới, trong khi cũng đáp ứng những nhu cầu thực tế của đoàn Triều Tiên.

Trước đó, tại cuộc đàm phán liên Triều diễn ra ở làng đình chiến Panmunjom ở biên giới hai miền ngày 15-01, Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc là Vụ trưởng Vụ Chính sách văn hóa và nghệ thuật của Bộ Văn hóa Lee Woo-sung và trưởng đoàn đàm phán phía CHDCND Triều Tiên là ông Kwon Hyok-bong - Vụ trưởng Vụ biểu diễn nghệ thuật của Bộ Văn hóa CHDCND Triều Tiên đã thảo luận chi tiết các vấn đề liên quan đến kế hoạch của đoàn biểu diễn nghệ thuật CHDCND Triều Tiên.

Trong một động thái khác, ngày 15-01, Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về việc Bình Nhưỡng tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 vào ngày 17-01 tới. Theo thông báo gồm 5 điểm công bố cuối buổi đàm phán cấp chuyên viên tại làng đình chiến Panmunjom diễn ra cùng ngày, hai bên đã thống nhất về việc Triều Tiên sẽ cử một đoàn nghệ thuật gồm 140 người đến tham gia trình diễn tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Triều Tiên cũng sẽ sớm cử đoàn khảo sát tới Hàn Quốc để kiểm tra công tác chuẩn bị cho buổi biểu diễn.

Hai bên cũng thống nhất tiếp tục cuộc đàm phán cấp thứ trưởng vào ngày 17-01 tại nhà Hòa Bình ở Panmunjom. Triều Tiên dự định cử đoàn gồm 3 người do Phó Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình Jon Jong Su dẫn đầu trong khi đoàn Hàn Quốc cũng bao gồm 3 thành viên do Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae Sung làm trưởng đoàn. Theo kế hoạch, tại cuộc đàm phán này, hai miền Triều Tiên sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề cụ thể liên quan việc đoàn đại biểu của Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội như thành lập chung đoàn trượt băng nghệ thuật nữ, chi phí lưu trú cho đoàn Triều Tiên, đường nhập cảnh Hàn Quốc... Hàn Quốc hy vọng tổng số người Triều Tiên cử tới tham dự Olympic PyeongChang 2018 sẽ từ khoảng 400 đến 500 người. Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ có cuộc họp với Ủy ban Olympics Quốc tế (OIC) tại Lausanne, Thụy Sỹ vào ngày 20-01 tới để thảo luận về việc tham dự Olympics Mùa Đông PyeongChang 2018.

Với nhiều nỗ lực, ngày 09-01 vừa qua, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp cao lần đầu tiên sau 2 năm tại làng đình chiến Panmunjom. Kết thúc đàm phán, phía CHDCND Triều Tiên nhất trí cử một đoàn thể thao tham gia Olympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc và tiến hành các cuộc đàm phán quân sự với Hàn Quốc nhằm giảm căng thẳng ở biên giới liên Triều. Do vậy, sự kiện Olympic Pyeongchang sắp tới có thể ghi một dấu mốc mới của sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên và hy vọng có thể sẽ trở thành “chất xúc tác” cho các cuộc đàm phán lâu dài hơn nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những căng thẳng hiện nay.

Tunisia trước nguy cơ bất ổn mới

 
 Biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ ở thủ đô Tunis, Tunisia. Ảnh: Reuters

Mặc dù chính phủ Tunisia đã công bố một loạt cải cách xã hội, song vẫn chưa thể chấm dứt các cuộc biểu tình rộng khắp đất nước này nhằm phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ. Thực trạng này khiến nội tình Tunisia vẫn chìm trong bất ổn.

Tunisia được xem là quốc gia có tiến trình dân chủ tương đối suôn sẻ kể từ sau cuộc chính biến ngày 14-01-2011 lật đổ Tổng thống Ben Ali sau 23 năm cầm quyền. Tuy nhiên, 7 năm trôi qua, sự bất mãn và giận dữ trong xã hội ở quốc gia Bắc Phi này đã lại gia tăng sau khi một loạt biện pháp khắc khổ mới của chính quyền có hiệu lực từ đầu năm 2018 trong bối cảnh giá cả ngày một leo thang.

Ngày 14-01, trong một diễn biến liên quan, hàng trăm người đã tụ tập tại thủ đô Tunis nhằm hưởng ứng lời kêu gọi xuống đường biểu tình từ Nghiệp đoàn lao động UGTT và một số đảng chính trị. Cuộc biểu tình do Nghiệp đoàn lao động UGTT và một số chính đảng đối lập phát động, trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát tại Tunisia trong tuần qua sau khi một số biện pháp kinh tế khắc khổ của chính phủ có hiệu lực từ đầu tháng 01-2018 khi thực thi ngân sách mới trong khi giá cả leo thang. Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Tunisia, ông Khalifa Chibani cho biết, các cuộc biểu tình bùng phát tại Tunisia từ đêm 08-01-2018.

Nhằm nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài trong thời gian qua, ngày 13-01-2018, Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi đã triệu tập cuộc họp các đại diện các chính đảng, nghiệp đoàn và giới chủ để bàn cách giải quyết các vấn đề hiện nay. Sau cuộc họp, Chính phủ Tunisia đã công bố một loạt cải cách xã hội, trong đó có kế hoạch tăng hỗ trợ cho các gia đình nghèo, cũng như cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế. Theo đó, khoản hỗ trợ hằng tháng cho các gia đình nghèo sẽ tăng từ 150 dinar (60 USD) lên khoảng 180 đến 210 dinar (70 đến 85 USD). Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ bảo đảm mọi người dân Tunisia có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, cũng như sẽ cung cấp nơi ở cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay là điều không đơn giản. Những người dân bất bình sẽ không dễ dàng chấp nhận những hứa hẹn đầy kỳ vọng như trước. Việc đình chỉ luật tài chính có thể giúp xoa dịu tạm thời các cuộc biểu tình trên đường phố, song sẽ càng khiến nền kinh tế trì trệ hơn.

Hiện nay, việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Tunisia là đòi hỏi cấp bách. Một trong số đó có thể là thành lập một chính phủ kỹ trị tương tự chính phủ từng dẫn dắt Tunisia trước thời điểm tiến hành cuộc bầu cử năm 2014, để tạo điều kiện bảo đảm cho các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5-2018 tới và xa hơn nữa là cuộc bầu cử hiến pháp và bầu cử tổng thống vào cuối năm 2019. Niềm hy vọng của Tunisia phụ thuộc vào các cuộc bầu cử này, với hy vọng về những gương mặt mới, những thay đổi mới, những người đủ sức đại diện cho người dân và có khả năng để chèo lái đất nước Tunisia đi theo đúng kỳ vọng của người dân./.