Việt Nam - In-đô-nê-xi-a: Quan hệ đối tác chiến lược hướng tới tương lai
TCCS - Mối quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a được lãnh tụ dân tộc hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Xu-các-nô đặt nền móng từ lâu đời. Trải qua hơn 60 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30-12-1955(1), quan hệ Việt Nam - In-đô-nê-xi-a không ngừng được vun đắp, củng cố và phát triển, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới In-đô-nê-xi-a của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây (tháng 8-2017) là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tạo lập bước phát triển mới và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Một số kết quả nổi bật của hơn 60 năm quan hệ hợp tác
Thứ nhất, quan hệ chính trị - đối ngoại giữa hai bên ngày càng có những bước phát triển nhanh và toàn diện, đặc biệt là trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Năm 2003, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Mê-ga-oát-ti Xu-các-nô-pu-tri, hai bên đã ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện hướng tới thế kỷ XXI, khẳng định mối quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai bên.
Tiếp đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức In-đô-nê-xi-a của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (năm 2011), hai nước ra Thông cáo chung, tuyên bố “thúc đẩy quan hệ hướng tới đối tác chiến lược”. Năm 2013 được coi là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước với việc hai bên chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới In-đô-nê-xi-a của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang.
Việc Việt Nam và In-đô-nê-xi-a nâng cấp quan hệ từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược” đã mở ra một trang mới cho quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc lãnh đạo cấp cao cũng như trao đổi đoàn ở các cấp khác nhau. Nhiều cơ chế hợp tác song phương được hình thành và hoạt động hiệu quả, nổi bật là hai cơ chế: Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật (JC-ESTS) - thiết lập vào năm 1990 do Bộ trưởng Bộ Công thương và Thương mại hai nước chủ trì, đã họp 6 phiên vào các năm 1990, 1995, 2001, 2007, 2009 và 2012; Ủy ban hợp tác song phương (JCBC) do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước chủ trì - thiết lập vào năm 2012, đã tổ chức họp luân phiên hai lần và lần họp thứ ba dự kiến sẽ họp vào quý III năm 2017 tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có cơ chế Tham khảo hoạch định chính sách cấp vụ giữa Vụ hoạch định chính sách đối ngoại của Bộ Ngoại giao hai nước, được thiết lập vào năm 2005, đã họp được bốn kỳ vào các năm 2005, 2008, 2009 và 2011. Cho đến nay, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đã ký kết hơn 30 hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực hợp tác quan trọng, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự hợp tác toàn diện và thực hiện đầy đủ “Chương trình hành động giai đoạn 2014 - 2018 triển khai quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước.
Mới đây nhất, quan hệ song phương tiếp tục được củng cố và làm sâu sắc thêm qua chuyến thăm cấp Nhà nước tới In-đô-nê-xi-a của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 8-2017). Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Đảng ta tới In-đô-nê-xi-a kể từ chuyến thăm năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch nước; cũng là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng ta đến In-đô-nê-xi-a kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013. Chuyến thăm có ý nghĩa sâu sắc, khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng các nước láng giềng khu vực, coi trọng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nay là Cộng đồng ASEAN (AC).
Không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a còn đẩy mạnh hợp tác trong các thể chế, diễn đàn khu vực và quốc tế. Trong “gia đình” ASEAN, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a là những thành viên tích cực, có trách nhiệm và đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN cũng như trong quá trình xây dựng ý tưởng và triển khai AC từ cuối năm 2015. Tại Liên hợp quốc, nhất là trong những năm 2008 - 2009, khi cả Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đều là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, hai nước thường xuyên phối hợp, tham khảo ý kiến lẫn nhau về những vấn đề quốc tế/khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Tinh thần hợp tác, đoàn kết ASEAN cũng được hai nước thể hiện rất rõ tại các diễn đàn khu vực khác, như Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Đông Á và Mỹ La-tinh (FEALAC)...
Thứ hai, hợp tác kinh tế ngày càng có những dấu hiệu khởi sắc. Hiện In-đô-nê-xi-a là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po). Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu song phương tăng từ 2,52 tỷ USD (năm 2008) lên 3,34 tỷ USD (năm 2010) và 4,6 tỷ USD (năm 2012)(2). Năm 2014, trao đổi thương mại hai chiều tiếp tục tăng ấn tượng lên 5,4 tỷ USD(3), vượt mục tiêu đề ra là 5 tỷ USD vào năm 2015. Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến không thuận lợi, song kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - In-đô-nê-xi-a vẫn đạt mức 5,6 tỷ USD vào năm 2016. In-đô-nê-xi-a có nhu cầu lớn về gạo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, da giày... mà Việt Nam có thể cung cấp; ngược lại, In-đô-nê-xi-a có thế mạnh để xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng, như giấy, linh kiện điện tử và điện thoại di động, hóa chất,...
In-đô-nê-xi-a cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 5 trong ASEAN đầu tư vào Việt Nam (sau Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Bru-nây). Tính đến tháng 5-2017, In-đô-nê-xi-a đứng thứ 30/119 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 60 dự án FDI còn hiệu lực, có tổng số vốn đăng ký gần 436 triệu USD. Hiện In-đô-nê-xi-a đầu tư vào 12/21 ngành của Việt Nam, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ lưu trú, ăn uống là hai lĩnh vực đứng đầu. Đầu tư của In-đô-nê-xi-a vào Việt Nam được triển khai ở 12/63 tỉnh thành của Việt Nam trên cả ba hình thức: 100% vốn nước ngoài (48 dự án), liên doanh (9 dự án) và hợp đồng hợp tác kinh doanh (3 dự án). Về phía Việt Nam, hiện Việt Nam có 13 dự án đầu tư tại In-đô-nê-xi-a, với tổng số vốn đăng ký đạt 54,7 triệu USD; các lĩnh vực đầu tư của Việt Nam vào In-đô-nê-xi-a cũng mở rộng sang chế biến chế tạo và kinh doanh thương mại.
Thứ ba, quốc phòng - an ninh là lĩnh vực hợp tác tiếp tục được duy trì, phát triển trên nền tảng cơ sở In-đô-nê-xi-a là một trong những nước khu vực có quan hệ sớm nhất về an ninh - quốc phòng với Việt Nam(4). Hai bên đã và đang xây dựng sự tin cậy lẫn nhau với hàng loạt chuyến thăm và trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng và tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng, Công an; mới đây nhất là chuyến thăm In-đô-nê-xi-a của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam vào tháng 6-2016 và chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng In-đô-nê-xi-a vào tháng 8-2016. Trong suốt quá trình hợp tác, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đã cùng ký nhiều văn bản hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, như Bản Ghi nhớ giữa hai chính phủ về hợp tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm (năm 2005); Thông báo chung về hợp tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia (năm 2009); Bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng (tháng 10-2010), Hiệp định Dẫn độ Tội phạm và Hiệp định Tương trợ Tư pháp về hình sự (năm 2013) và đang thúc đẩy ký Thỏa thuận về tuần tra phối hợp tại vùng biển tiếp giáp và thiết lập kênh thông tin hải quân.
Thời gian qua, hai nước tăng cường hợp tác hải quân, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, phối hợp chia sẻ thông tin về phòng chống tội phạm buôn bán ma túy, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, phòng, chống nguy cơ khủng bố... Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tích cực tham vấn, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác quốc phòng - quân sự khu vực, như: Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Việt Nam và In-đô-nê-xi-a nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên một số lĩnh vực khác. Về giáo dục, hằng năm, In-đô-nê-xi-a cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ... và đến nay có hơn 200 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của In-đô-nê-xi-a. Về văn hóa, hai nước tích cực tham gia các hoạt động, dự án do phía Việt Nam hoặc In-đô-nê-xi-a đề xuất trong khuôn khổ các dự án về hợp tác văn hóa của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (ASEAN-COCI). Ngoài ra, hai bên thường phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, như cử các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, sự hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực văn hóa. Về du lịch, hai nước đều có tiềm năng phát triển trong tương lai và đang từng bước tăng cường khai thác thế mạnh của nhau. Kể từ khi hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam mở đường bay trực tiếp từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Gia-các-ta vào cuối năm 2012, lượng khách du lịch từ In-đô-nê-xi-a đến Việt Nam đã tăng nhanh chóng, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân và cả quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Năm 2016, lượng khách du lịch In-đô-nê-xi-a đến Việt Nam đạt hơn 69 nghìn lượt khách. Trong khi đó, lượng khách du lịch Việt Nam tới In-đô-nê-xi-a trong 5 năm gần đây, trung bình đạt khoảng 50 nghìn lượt khách/năm.
Hướng tới tương lai
Là hai nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a không chỉ có nhiều giá trị tương đồng trong các lợi ích chiến lược, mà còn có vị trí và vai trò rất quan trọng trong khu vực, trong quan hệ quốc tế ở Đông Á cũng như trong chiến lược của các nước lớn. Trong bối cảnh Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đều là những nước thành viên quan trọng của AC, việc không ngừng tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không chỉ phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc của cả In-đô-nê-xi-a và Việt Nam, giúp tăng cường nội lực của mỗi nước, tạo dựng môi trường an ninh thuận lợi, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của hai nước ở Đông Nam Á và trên thế giới, mà còn là chất xúc tác cho sự phát triển các mối quan hệ song phương khác trong ASEAN được thắt chặt và tăng cường hơn, từ đó góp phần nâng cao uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Về chính trị đối ngoại, hai bên nhất trí tiếp tục có nhiều biện pháp góp phần thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, mang lại những lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước; phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên khác của ASEAN trong việc duy trì đoàn kết, thống nhất nội khối, phát huy vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực, hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng và góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và thường xuyên trao đổi đoàn các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội sẽ góp phần duy trì quan hệ chính trị tốt đẹp, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác. Thúc đẩy hoạt động tích cực hơn trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác của quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời thường xuyên trao đổi quan điểm về một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Về thương mại - đầu tư, cả Việt Nam và In-đô-nê-xi-a là những nền kinh tế đang trỗi dậy và phát triển nhanh chóng. In-đô-nê-xi-a là nước lớn có dân số trên 250 triệu người (đứng thứ tư trên thế giới) với tốc độ phát triển kinh tế cao. Việt Nam là nước có 90 triệu dân, duy trì tốc độ phát triển kinh tế khả quan, là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Do đó, các tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a hiện còn rất lớn. Hiện hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2018.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ hai nước nhất trí duy trì định kỳ các kênh phối hợp, thúc đẩy nhanh đàm phán cụ thể về dỡ bỏ những rào cản phi thương mại giữa hai quốc gia hiện còn tồn tại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong việc đầu tư, kinh doanh; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu cụ thể môi trường đầu tư kinh doanh ở mỗi nước, trong đó nêu rõ các chính sách, ưu đãi cụ thể của chính phủ đối với doanh nghiệp nước ngoài; hướng dẫn các thủ tục đầy đủ, chi tiết, giúp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hoạt động nhằm khuyến khích doanh nghiệp hai nước mở rộng đầu tư, sản xuất.
Về quốc phòng - an ninh, đây là một trụ cột, một phần không thể tách rời của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a. Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, việc tăng cường trao đổi hợp tác quốc phòng hai nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Việt Nam và In-đô-nê-xi-a nhất trí sẵn sàng và chủ động chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong vấn đề chống khủng bố nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố trong khu vực. Hai nước tích cực hợp tác và mong muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới sớm hoàn tất việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Về một số lĩnh vực khác, như du lịch, giáo dục,... hai nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác, qua đó làm đòn bẩy hỗ trợ cho sự phát triển quan hệ chính trị và thương mại, đầu tư. In-đô-nê-xi-a hiện hướng đến tiêu chuẩn giảng dạy quốc tế, theo đó hai nước đang tăng cường thúc đẩy hợp tác để In-đô-nê-xi-a có thể trở thành một trong những điểm đến du học quan trọng của sinh viên Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, với chi phí cạnh tranh và chất lượng giảng dạy tốt. Số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam quan tâm và học tiếng In-đô-nê-xi-a tăng lên sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tìm hiểu, giao lưu văn hóa giữa hai nước thành viên lớn của ASEAN. Du lịch là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng và là kênh quan trọng gắn bó quan hệ thường xuyên giữa nhân dân hai nước. Trong thời gian tới, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a tăng cường trao đổi đoàn công tác, tổ chức các chương trình nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến quảng bá du lịch để thúc đẩy hợp tác và phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ du lịch liên kết giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển thiết thực.
Có thể nói, quan hệ song phương tốt đẹp Việt Nam - In-đô-nê-xi-a trong suốt hơn 60 năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước và vì lợi ích chung của nhân dân hai nước. Việc tiếp tục đưa quan hệ đối tác chiến lược hai nước phát triển sâu rộng hơn nữa trên mỗi lĩnh vực sẽ góp phần tích cực đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới./.
------------------------------------------------------------------------------------
(1) In-đô-nê-xi-a là quốc gia thứ 4 trên thế giới và đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam
(2) Xem: http://vcci.com.vn/uploads/INDONESIA_6.2016.pdf
(3) Xem: http://www.thuongmai.vn/quan-he-thuong-mai-viet-nam-indonesia-ngay-cang-phat-trien.html
(4) Năm 1964, In-đô-nê-xi-a đặt phòng Tùy viên quân sự tại Hà Nội; năm 1985, Việt Nam đặt phòng Tùy viên quân sự tại Thủ đô Gia-các-ta
Ban Chỉ đạo 94 Quân ủy Trung ương triển khai nhiệm vụ năm 2018  (04/01/2018)
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ hai, khóa XI  (04/01/2018)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí  (04/01/2018)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2018  (04/01/2018)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2018  (04/01/2018)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên