Nghề đan ngư cụ truyền thống ở huyện Quảng Yên

Bài, ảnh: PN
22:28, ngày 29-11-2017

Quảng Yên là vùng đất thuần nông với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mang đậm nét văn hóa truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ. Người dân nơi đây vẫn lưu giữ và phát triển nhiều nghề truyền thống của dân tộc, trong đó có nghề đan ngư cụ ở phường Nam Hòa.

Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học tại phường Nam Hòa có từ lâu đời với những sản phẩm là các loại ngư cụ như lờ, đó, dậm và nhất là thuyền nan. Vào những năm cuối thế kỷ XVII, những sản phẩm do người dân Nam Hòa làm ra không chỉ để dùng trong sinh hoạt gia đình, mà còn phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân vùng ven biển cửa sông Bạch Đằng. Lâu dần, đan ngư cụ và thuyền nan đã trở thành nghề thủ công truyền thống và được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Giót, 70 tuổi, cho biết: trước kia, người dân địa phương chủ yếu đan các thuyền nhỏ để làm phương tiện đi lại trên sông, chở thóc, lúa phục vụ cho nông nghiệp. Ngày nay xã hội phát triển hơn thì đan loại thuyền to phục vụ đưa đón chở khách, chở hàng hóa. Là người lâu năm trong nghề, cụ Giót cho rằng, nghề đan thuyền khó nhất là ở khâu chọn được nguyên liệu, còn thuyền đẹp lại phụ thuộc kỹ thuật của con người. Anh Nguyễn Văn Võ - một người dân có nhiều kinh nghiệm trong nghề cho biết, để làm được chiếc thuyền nan đạt chất lượng có nhiều tiêu chí, như: chọn lựa được cây tre già, óng; khi đan tre phải đều khít; phơi nan khô; cạp chuẩn, tròn trĩnh; sơn và phơi đủ nắng… Mỗi sản phẩm sau khi hoàn thiện bình quân bán được hơn 4 triệu đồng. Khách hàng đến từ các nơi như Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An,… hoặc những địa phương ngoại thành Hà Nội. Thường họ đặt những thuyền nhỏ để đánh bắt cá nhỏ, hoặc làm du lịch. Hằng tháng gia đình anh Võ bán được từ 5 đến 7 chiếc, tùy theo thời vụ và theo nhu cầu của khách hàng.

Theo anh Võ, gia đình anh cơ bản vẫn làm nghề nông nghiệp là chính, còn việc đan thuyền làm theo thời vụ. Mua bán sản phẩm vẫn chỉ là truyền miệng, biết tiếng đến mua chứ chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào đứng lên thu mua, bao tiêu sản phẩm. Làng nghề Hưng Học là một trong những địa điểm tham quan của du khách khi đến Quảng Ninh, song du khách mới chỉ dừng chân để tham quan, tìm hiểu về nghề, chứ chưa có những sản phẩm bày bán, hoặc chuỗi dịch vụ đi kèm./.

Một số hình ảnh về làng nghề đan ngư cụ: