Nét Việt trên xứ hoa Chăm Pa

Trần Quang Quý Hội Nhà văn Việt nam
17:23, ngày 11-10-2017

TCCSĐT - Trước khi xuống thủ đô Vientiane gặp doanh nhân Việt kiều Khăm Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội người Việt ở Lào theo giới thiệu của nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào, chúng tôi đến Luang Prabang. Người ta bảo: “Chưa đến cố đô Luang Prabang là chưa đến Lào”.

Đó là thành phố nhỏ, đẹp, còn nhiều nét hoang sơ trong thung lũng 25 héc-ta với những dãy phố cổ ở trung tâm, nằm giữa hợp lưu sông Mekong và Namkhan. Những ngôi nhà cao không quá hai tầng, kiến trúc gần giống phố cổ Hội An của Việt Nam. Trung tâm phố cổ cũng là nơi tập trung các nhà hàng ẩm thực, khách sạn, nhà vườn, cửa hàng vàng bạc, đồ gỗ mỹ nghệ, thời trang, hàng thổ cẩm, đồ lưu niệm, đặc biệt là vẻ đẹp của các đền chùa cổ kính, hoàng cung lộng lẫy… của xứ hoa Chăm Pa và một chợ đêm sầm uất, bắt đầu họp từ 5 giờ chiều tới 10 giờ đêm trên phố đi bộ Sisavangvong. Tuy nhiên giá cả nói chung đắt đỏ hơn Việt Nam.

Luang Prabang cũng là cố đô được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Lào vào năm 1995. Hơn 30 công trình kiến trúc hoàng gia tráng lệ, trong đó nổi bật nhất là Hoàng cung; gần 40 đền, chùa của các thế kỷ khác nhau, các dãy phố cổ đan xen giữa nhà gỗ truyền thống Lào với các kiến trúc châu Âu đã bầu nên di sản thế giới này.

Có số liệu nói có khoảng 600 người Lào gốc Việt, qua 4 thế hệ con, cháu định cư ở Luang Prabang, không tính người Việt chỉ sang làm ăn những năm gần đây. Và, giữa lối “sống chậm” mà nhiều người ví cuộc sống người bản địa cứ thong thả, không vội vã, đúng như bản sắc đủng đỉnh của nước “Triệu voi”; người ta sống không nhòm ngó, soi mói nhau, đi đường không chen lấn, còi xe inh ỏi thì những bà con gốc Việt, với bản tính căn cơ tính toán, chịu khó làm ăn nên nhiều người trở nên khá giả, giàu có; có cửa hiệu vàng, bạc lớn ở phố cổ.

Những người Lào gốc Việt ở Luang Prabang thế hệ đầu tiên định cư từ đầu thập niên 40 thế kỷ trước. Họ đi bộ hàng tháng trời mới đến được Luang Prabang, khởi nghiệp gánh cát sỏi thuê cho chủ xây dựng, làm thợ may, thợ mộc… giờ vẫn định cư ở đây và gia đình con cháu đều khá giả, dù sau năm 1954 và 1975 khá nhiều người Việt khác cũng lại chuyển cư sang các nước Âu - Mỹ. Báo chí Việt những năm qua cũng thường nhắc đến những thế hệ gia đình người Việt tha hương những năm 40 thế kỷ trước mà giờ con cháu họ làm ăn, buôn bán có cửa hiệu lớn ở trung tâm phố cổ, phố lớn như gia đình cụ Nguyễn Văn Vi (quê gốc ở Hoa Lư, Ninh Bình), bố mẹ sang Lào năm 1940 và sinh cụ tại Xiêng-khoảng, ông Chu Văn Phúc (Phúc Vilaysac - quê ở Ninh Bình), bố mẹ sang Lào trước năm 1930; ông Phạm Văn Tỵ, chủ một trong hai tiệm vàng lớn của người gốc Việt ở đường Sisouphanh… Nhiều con cháu họ ngày nay cũng đi du học ở Pháp, Mỹ, Úc và cả Việt Nam. Tuy nhiên, thế hệ người Việt thứ tư, cũng khá giống như ở nhiều quốc gia khác, đã vơi tiếng Việt lắm hoặc nói tiếng Việt “ngọng”. Ban Chấp hành Hội đồng hương người Việt của thành phố này trong những năm qua cũng nỗ lực liên kết cộng đồng, chia sẻ trong đời sống, dạy tiếng Việt và có nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm giữ gìn bản sắc Việt.

Có nhiều người Việt mới sang kinh doanh nhà hàng, khách sạn, làm đường, khai mỏ, cả bán hàng rong ở chợ đêm Luang Prabang. Một thiếu phụ tên Hường, quê Hải Dương đã sống bằng nghề bán kem, bánh mì, bánh ngọt dạo ở cổng chợ đêm như thế. Chị không những kiếm sống được mà còn “gồng” cho vài người nhà sang làm các nghề tương tự để có tiền gửi về cho gia đình. Những người Việt mới cũng chính là sợi dây đồng cảm, khơi gợi cố hương, tiếp nối văn hóa, ngôn ngữ Việt đương đại với những thế hệ người Việt, đã như là dân cố đô Lào từ đầu thế kỷ trước.

Từ Luang Prabang (Bắc Lào) về Vientiane khoảng 425km nhưng đường đồi dốc quanh co, một vài điểm đường đá sạt lở nên cũng phải chạy mất 10 giờ. Lào đất rộng, rừng nhiều, dân thưa. Đã từng nổi tiếng với bạt ngàn rừng nguyên sinh, gỗ quý, muông thú... Có lẽ cũng vì đất rộng, rừng nhiều, tài nguyên giàu có, dân ít nên người ta không phải cạnh tranh, cứ thế mà “săn bắn, hái lượm”…, là một phần làm nên lối sống thong dong, hiền hòa của con người nơi đây. Tất nhiên, văn hóa mang tính Phật và những chùa chiền tôn nghiêm dày đặc có lẽ là nhân tố chính làm nên tính cách Lào. Một nhà văn ở Hà Nội, từng là cựu binh chiến trường Lào nhận xét dí dỏm: “Lào có thể tiến lên như Mỹ nhưng Mỹ khó có thể tiến được như Lào”. Muốn “sống chậm”, yên bình như Lào ở Mỹ thì quả là khó rồi. Tuy nhiên, dọc hai bên quốc lộ dài hơn bốn trăm cây số giờ chủ yếu là núi, đồi trọc, cây thưa thớt.

Khăm Hùng đón chúng tôi ở Vientiane. Anh còn có biệt danh “Hùng thép”, vì anh là doanh nghiệp kinh doanh thép lớn nhất và thành đạt vào loại nhất ở Lào. Chỉ cách đây vài ngày, anh cùng đoàn bà con Việt kiều đồng hương tỉnh Xiêng Khoảng (người Việt ở Xiêng Khoảng) đi du lịch Campuchia, đến thăm và tài trợ cho bà con người Việt làm nghề đánh cá ở Biển Hồ; nơi cuộc sống bấp bênh, phiêu dạt, con cái không có chỗ học hành, chết không có đất chôn, mưu sinh vô cùng cực nhọc ở xứ người. Đi thăm, chia sẻ với những người đồng hương xa cố quốc khó khăn, kể cả tận Campuchia cũng là nét đẹp văn hóa của những người Việt ở Xiêng Khoảng và Vientiane những năm qua. Vì vậy, năm 2015, Khăm Hùng là đại biểu người Việt duy nhất ở Lào về quê hương dự Đại hội thi đua yêu nước.

Theo Khăm Hùng, người Việt ở Lào ước có 50.000 người, riêng Vientiane có 8.000 người, trong đó có 500 người Việt đồng hương Xiêng Khoảng ở Thủ đô. Vientiane có Câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng, tức là tỉnh đầu tiên Hùng sang Lào định cư và làm ăn ở đó. Người Việt Xiêng Khoảng gắn bó với nhau trong Câu lạc bộ đồng hương. Họ sinh hoạt, giao lưu văn nghệ định kỳ vào thứ 6 hằng tuần. Khi nhà thơ Tạ Minh Châu đương nhiệm Đại sứ ở Lào, phong trào thơ ca, văn nghệ ở đây khá phát triển, đặc biệt là ở Thủ đô Vientiene. Khăm Hùng còn có vài bài thơ được đăng báo hồi đó. Nhưng do gặp nhau cũng khá bất ngờ nên anh không có dịp “khoe” những bài thơ in báo và cũng không biết lưu giữ ở đâu. Bởi anh đang lúc vừa quản lý công ty thép mà bình quân mỗi ngày bán ra 3.000 tấn, thu về 300.000 USD (gần 7 tỷ VND), vừa phải để mắt đến công trình xây “lâu đài” (dự kiến trong 3 năm) 750m2 trên diện tích 8.000m2, với 1.500m2 sử dụng, ốp toàn gỗ hương. Người ta bật mí, anh có những 28 miếng đất lớn nhỏ làm “của để dành” hoặc cho thuê, có miếng 4ha.

Hùng bảo, sinh hoạt trong các câu lạc bộ đồng hương là cách gặp nhau, chia sẻ tình cảm, động viên nhau làm ăn, sống lành mạnh, hòa nhập với cộng đồng… một cách thường xuyên và gắn bó. Các sinh hoạt văn nghệ, cũng chính là cách giữ gìn bản sắc văn hóa, trau dồi tiếng Việt một cách sinh động nhất. Nếu kết nối, tăng cường giao lưu với các tổ chức, các cơ quan văn hóa, nghệ thuật… trong nước thì đó chính là nhịp cầu hữu hiệu, là ngọn lửa nuôi dưỡng hồn Việt ở nước ngoài, trong cộng đồng thế giới. Anh đang có kế hoạch in những tập văn, thơ, sách văn hóa của cộng đồng người Việt, nhằm phổ biến văn hóa Việt đến đồng bào toàn quốc ở đây.

Thực sự thì người Việt ở Lào đã có những bản sắc của mình trong định cư, trong làm ăn, tập tục văn hóa. Ở Vientiane có những phố chủ yếu người Việt sinh sống như phố Dongpalan. Ước đến 50% người Việt buôn bán ở các chợ Trung tâm Vientiane, đặc biệt là ở chợ Sáng (một trong những công trình Khăm Hùng tham gia xây dựng khi còn là doanh nghiệp xây dựng). Bà Đào Hương là người Việt giàu có nhất ở Lào, được coi là 1 trong 10 doanh nhân giàu nhất khối các nước ASEAN, theo lời Hùng. Hãng cà phê của bà xuất sang nhiều nước trên thế giới. Tôi đã đi trên đại lộ do bà Hương bỏ tiền đầu tư, đó là con đường chạy ra khu công nghiệp mới ở Vientiane, nơi có nhà máy thép của Hùng với 400 công nhân đang lao động.

Hiện Khăm Hùng hỗ trợ nuôi 18 người Việt cô đơn, quả phụ, hoàn cảnh cực khó khăn, mỗi người được cấp 3 triệu đồng/tháng. Nhưng quan trọng là anh giúp được nhiều người Việt có công ăn, việc làm, gây dựng cơ đồ trên đất Lào. Anh được nhiều người Việt lẫn người Lào quý trọng, kể cả các quan chức lớn của Chính phủ bởi những đóng góp của mình. Nhiều lãnh đạo cao cấp Lào có mối quan hệ tình thân với anh.

Câu chuyện về những người Việt, về Khăm Hùng mà chúng tôi gặp cứ làm ngỡ ngàng, bâng khuâng mãi trên chuyến bay về Hà Nội. Họ không chỉ là cầu nối hữu nghị Lào - Việt, đóng góp vào đời sống cộng đồng nơi họ là công dân, mà còn là tấm lòng sâu nặng với cố hương, với những nét văn hóa Việt. Khăm Hùng bảo, mỗi năm anh về cố hương đến 15 lần là minh chứng cho điều ấy. Hùng là một người Việt thành đạt ở Lào mà dung dị chất quê Thái Bình./.