Trang mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ai Cập
TCCSĐT - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa A-rập Ai Cập Áp-đen Pha-ta En-Xi-xi (Abdel Fatah El-Sisi) đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 06-9 đến 07-9-2017. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Ai Cập sau 54 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1963) và được đánh giá sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi tới Việt Nam có ý nghĩa lịch sử, là một dấu ấn quan trọng trong 54 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1963-2017)
Vài nét về Cộng hòa A-rập Ai Cập
Cộng hòa A-rập Ai Cập có diện tích 1,010 triệu km2, dân số trên 92 triệu người. Ai Cập là quốc gia đứng thứ 30 trên thế giới về diện tích, là nước đông dân nhất tại Trung Đông và Bắc Phi, đông dân thứ 3 tại châu Phi và thứ 15 trên thế giới. Ai Cập hiện được coi là cường quốc khu vực và cường quốc bậc trung trên thế giới, có ảnh hưởng lớn về văn hoá, chính trị và quân sự tại Bắc Phi, Trung Đông và thế giới Hồi giáo nói chung.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên không nhiều, nhưng Ai Cập đã xây dựng và phát triển được một nền kinh tế vào hàng lớn nhất và đa dạng nhất tại khu vực Trung Đông với tổng GDP khoảng 340 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.800 USD/năm. Hiện nay, chính quyền Ai Cập tập trung đầu tư vào các dự án kinh tế có tầm cỡ lớn, qua đó nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế. Theo hướng này, Ai Cập đang đề ra kế hoạch đưa đất nước trở thành một trong những nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, một trung tâm phát triển công nghệ thông tin hàng đầu khu vực, cũng như đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề nguồn nước ở lưu vực sông Nin. Các nhà quan sát chính trị cho rằng, tương lai của đất nước Kim tự tháp là hết sức sáng sủa, Ai Cập có thể trở thành “con hổ” của Trung Đông. Theo dự báo, Ai Cập sẽ trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỷ XXI.
Là nước vừa nằm ở châu Phi vừa ở châu Á, với kênh đào Xu-ê nối liền giữa Đông và Tây, Ai Cập có vị trí hết sức đặc biệt: là cửa ngõ bước vào Trung Đông, là ngã ba đường nối liền châu Á, châu Phi và châu Âu. Ai Cập không chỉ là một bộ phận quan trọng của Trung Đông mà còn của cả khu vực Á - Phi và thế giới Hồi giáo. Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy, Ai Cập vừa là một nước A-rập, vừa là một nước châu Phi, đồng thời vừa là một nước khu vực Địa Trung Hải. Tuy nhiên, trước tiên Ai Cập là một quốc gia A-rập. Không thể nói đến thế giới A-rập nếu không nói đến Ai Cập.
Có thể nói, Ai Cập là trung tâm của nền văn hóa A-rập và Hồi giáo. Về nguồn nhân lực chất lượng, Ai Cập đứng đầu các nước A-rập. Ai Cập là nước cung cấp các giáo viên, bác sĩ, kỹ sư và chuyên gia có trình độ cao trong hầu hết các lĩnh vực cho các nước A-rập khác. Các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các chương trình phát thanh và truyền hình của Ai Cập, phim ảnh (ngành công nghiệp điện ảnh A-rập lớn nhất) đã vượt ra ngoài biên giới và đang được tất cả các nước A-rập sử dụng.
Vai trò chính trị của Ai Cập trong thế giới A-rập cũng hết sức quan trọng, được nhiều chính trị gia đánh giá cao. Thủ đô Cai-rô được chọn làm trụ sở của Liên đoàn A-rập (AL) từ 1945 - 1979 và từ 1990 đến nay và một loạt tổ chức liên khu vực khác. Cuộc cách mạng của nhân dân Ai Cập dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Ga-man Áp-đen Nát-xe (Gamal Abdel Nasser) lật đổ chế độ quân chủ của Vua Pha-rúc (Farouq) năm 1952, đánh đuổi thực dân Anh, lập nên nước Cộng hòa A-rập Ai Cập, được coi là chế độ tiến bộ nhất tại khu vực lúc đó. Ngay sau khi cách mạng thắng lợi, ông G.A. Nát-xe đã thi hành một chính sách đối nội và đối ngoại tích cực. Về đối nội, Chính phủ Ai Cập đã tiến hành cải cách ruộng đất, chia đất cho nông dân, chống đói nghèo, quốc hữu hóa kênh đào Xu-ê và các xí nghiệp của thực dân nước ngoài. Hàng loạt công trình kết cấu hạ tầng lớn được xây dựng, trong đó có nhà máy thủy điện A-xoan (Aswan) khổng lồ với sự giúp đỡ của Liên Xô. Về đối ngoại, G. A. Nát-xe là một trong những người sáng lập ra Phong trào Không liên kết (NAM), ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc, mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong quan hệ quốc tế, Ai Cập tham gia nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Liên hợp quốc, NAM, AL, Liên minh châu Phi (AU) và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (ICO). Ai Cập còn là một nước có vai trò và vị trí to lớn trong thế giới A-rập. Kể từ khi thành lập nước cộng hòa đến nay, ban lãnh đạo Ai Cập qua nhiều thời kỳ đều nỗ lực củng cố vai trò và vị trí của Ai Cập ở khu vực Trung Đông, châu Phi và trên thế giới. Trong chính sách đối ngoại của mình, Ai Cập mong muốn trở thành một trong những người đồng bảo trợ cho các cuộc thương lượng nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin - vấn đề cốt lõi của hòa bình và an ninh ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas) mới đây cho rằng, những ý tưởng của Ai Cập đã được phía Pa-le-xtin xem xét và trở thành cơ sở cho Hiệp định hòa bình Ô-xlô ký kết giữa Tổ chức giải phóng Pa-le-xtin (PLO) và I-xra-en năm 1993 và Thỏa thuận Cai-rô năm 1994 về quyền tự trị của người Pa-le-xtin. Khi ký Hiệp định hoà bình này, cố Tổng thống Pa-le-xtin Y. A-ra-phát đã phát biểu: “Hiệp định này không thể đạt được nếu không có cố gắng trung gian hoà giải của Ai Cập”.
Ai Cập đang có những đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tham gia cùng với các bên liên quan thúc đẩy việc tìm ra một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng tại Xy-ri kéo dài từ năm 2011 đến nay. Hiện nay, Ai Cập vẫn đang nỗ lực tìm kiếm, khẳng định chỗ đứng của mình trong thế giới đầy biến động, đặc biệt ở khu vực Trung Đông. Nhân dân Ai Cập với ban lãnh đạo mới dưới sự cầm lái của Tổng thống A. Ph. En-Xi-xi đang đi theo con đường mà nhân dân Ai Cập đã lựa chọn trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ năm 1952.
Quan hệ truyền thống Việt Nam - Ai Cập
Quan hệ Việt Nam - Ai Cập được hình thành từ lâu và có lịch sử rất đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Ai Cập 3 lần. Tháng 6-1911, Bác Hồ đã dừng chân tại thành phố cảng Pot Sết (Port Said) của Ai Cập trên đường sang Pháp trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville khởi hành từ bến Nhà Rồng ngày 05-6. Ngày 07-6-1946, trên đường sang thăm Pháp, Người đã ghé thăm Thủ đô Cai-rô và được viên quan nội vụ đại thần thay mặt nhà Vua Pha-rúc tiếp (thời gian đó Nhà Vua không có mặt trong nước). Trong những ngày lưu lại tại Cai-rô, Bác Hồ đã tới thăm viện Khảo cổ Ai Cập, nay là Bảo tàng quốc gia nổi tiếng thế giới và thăm kỳ quan Kim tự tháp. Ngày 22-9-1946 trên đường từ Pháp trở về nước trên chiến hạm Dumont d’ Urville, Bác lại ghé thăm thành phố cảng Pot Sết.
Để góp phần tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Ai Cập, ngôn ngữ A-rập đóng vai trò hết sức quan trọng. Năm 2006, với sự giúp đỡ của Chính phủ Ai Cập, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập bộ môn đào tạo ngôn ngữ và văn hoá A-rập đặt trong Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông. Hằng năm, khoa này tiếp nhận 20-30 sinh viên mới vào học. Chính phủ Ai Cập cử một giáo sư sang dạy. Trong thời gian tới, Ai Cập cũng sẽ cử sinh viên sang Việt Nam học tiếng Việt.
Trong suốt 54 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ai Cập, hai nước có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Năm 1963, ngay sau khi cách mạng Ai Cập thắng lợi, Ai Cập là nước A-rập thứ hai sau An-giê-ri (năm 1962) thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và đến năm 1964 đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Sau cuộc cách mạng năm 1952, Chính phủ và nhân dân Ai Cập đã ủng hộ mạnh mẽ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Ai Cập là một trong những nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Việt Nam đánh giá cao vai trò và vị trí của Ai Cập tại khu vực Trung Đông, châu Phi và trên thế giới. Ngay từ đầu, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc cách mạng tháng 7-1952 do nhà lãnh đạo nổi tiếng G.A. Nát-xe lãnh đạo. Việt Nam cũng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước A-rập, đặc biệt là cuộc đấu tranh của nhân dân Pa-le-xtin vì các quyền dân tộc cơ bản của mình. Hai nước Việt Nam và Ai Cập đã hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là trong NAM, Liên hợp quốc, nhóm G-77...
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống A. Ph. En-Xi-xi, trong khi thi hành chính sách đa dạng, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Ai Cập rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Tổng thống A. Ph. En-Xi-xi đã chọn Việt Nam là nước châu Á đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài của mình.
Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa
Phát biểu tại cuộc chiêu đãi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống A.Ph. En-Xi-xi đã nói lên những tình cảm hết sức đặc biệt của ông về quan hệ với Việt Nam. Ông nói: “Ai Cập và Việt Nam là hai nước được gắn kết bởi các mối quan hệ lịch sử đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Ai Cập 3 lần trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1963. Tình hữu nghị lịch sử đã được hình thành giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống G. A. Nát-xe, giữa hai nước và hai dân tộc từ đó. Tình hữu nghị này đã trở thành nguồn cảm hứng của các nhà thơ Ai Cập để viết lên những tác phẩm thơ ca của mình. Hôm nay tôi xin bày tỏ sự khâm phục về những thành tựu kinh tế và sự phát triển công nghiệp của Việt Nam mà tôi được tận mắt trông thấy. Kinh nghiệm phát triển và hiện đại hóa của Việt Nam đã phản ánh ý chí mạnh mẽ và lao động cần cù của nhân dân Việt Nam để đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa”.
Phát biểu trên Đài truyền hình Ai Cập trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống A. Ph. En-Xi-xi, nguyên Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Rê-đa En-tai-phi (Reda El-Taifi), nói: “Việt Nam với hơn 90 triệu dân có vị trí hết sức quan trọng tại Đông Nam Á. Từ một nước vào loại nghèo nhất thế giới, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển kinh tế, triển vọng sẽ trở thành một trong những con hổ của châu Á. Chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống A. Ph. En-Xi-xi sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước”.
Các phương tiện thông tin đại chúng của Ai Cập liên tiếp đưa nhiều tin, bài về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập. Báo Al-Ahram lớn nhất Ai Cập và các tờ báo khác, như Al-Goumhuria, El-Mesa, Akhbar Al-Yom, Daily News... đều đưa tin trên trang nhất với các dòng tít lớn: “Tổng thống Áp-đen Pha-ta En-Xi-xi thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam”, “Chính sách hướng Đông của Ai Cập ưu tiên quan hệ với Việt Nam”, “Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước”, “Việt Nam - con hổ của châu Á”, “Quan hệ chính trị mạnh mẽ, hợp tác chung giữa Ai Cập và Việt Nam”, “Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống En-Xi-xi - một bước đi đúng đắn trong chính sách đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Ai Cập”... Đài truyền hình Ai Cập dành một chương trình đặc biệt về lịch sử quan hệ và triển vọng hợp tác giữa hai nước. Tất cả các bài đều ca ngợi kết quả chuyến thăm, mối quan hệ tốt đẹp Ai Cập - Việt Nam, ca ngợi cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu đối nội và đối ngoại của Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập đã đạt được kết quả tích cực. Hai bên đã trao đổi về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, hòa bình và ổn định ở khu vực Ðông - Nam Á và khu vực Trung Ðông - châu Phi cần được duy trì vì lợi ích của nhân dân các nước; khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố, mối đe dọa chung của các dân tộc yêu chuộng hòa bình; ủng hộ tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc khủng hoảng tại một số nước khu vực Trung Ðông, bảo đảm sự thống nhất của các quốc gia.
Hai bên đã ký kết 9 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh, như viễn thông, công nghệ thông tin, cảng biển, đóng tàu, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông sản… Về thương mại, đầu tư, hai bên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp cận thị trường của nhau nhằm sớm đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD trong thời gian tới. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn và chất lượng, đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong việc trao đổi các đoàn nghệ thuật tham gia các liên hoan văn hóa, nghệ thuật và nhất trí cần tăng cường các hoạt động trao đổi văn hóa, trong đó có việc tổ chức các ngày/tuần văn hóa tại mỗi nước và chuẩn bị kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2018.
Chín văn kiện gồm: Biên bản kỳ họp lần thứ năm Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về thành lập Tiểu ban hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công thương Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất đai Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về vận tải đường biển giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ðài Tiếng nói Việt Nam và Ðài Phát thanh quốc gia Ai Cập; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Việt Nam và Bộ Ðầu tư và Hợp tác quốc tế Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Việt Nam và Cơ quan Quản lý kênh đào Xu-ê của Ai Cập; Chương trình hợp tác du lịch giai đoạn 2017 - 2019 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch Ai Cập; Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2017 - 2021 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Ai Cập.
Các thỏa thuận cụ thể đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập là hết sức quan trọng, nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, đó là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Ai Cập đã cùng nhau cam kết thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương cùng có lợi trên cơ sở phát huy tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ hợp tác kinh tế lên ngang tầm với các mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước./.
Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên họp Ban chấp hành AIPA-38  (15/09/2017)
Thể chế pháp quyền của công dân và của Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (15/09/2017)
Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  (15/09/2017)
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn cấp ứng phó bão số 10  (15/09/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên