Sớm thống nhất các nội dung về quy hoạch xây dựng trong Dự thảo Luật Quy hoạch
TCCSĐT - Quy hoạch xây dựng là một loại quy hoạch vật thể, trực tiếp tạo lập, tổ chức không gian vật thể bao gồm các công trình bất động sản, nhà ở, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì vậy, quy hoạch xây dựng có tầm quan trọng đặc biệt, luôn hiện hữu, tác động lớn, trực tiếp, thường xuyên, liên tục tới không gian sống của từng người dân và toàn xã hội, tạo lập bộ mặt đô thị, nông thôn hiện đại và có bản sắc.
Vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch xây dựng
Quy hoạch xây dựng có tính liên thông, thống nhất giữa các cấp độ khác nhau (quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù). Quy hoạch xây dựng có tính đặc thù cao; đồ án quy hoạch xây dựng gồm các báo cáo thuyết minh, hệ thống bản đồ, bản vẽ với các tỷ lệ khác nhau phù hợp với cấp độ và trình tự lập quy hoạch (quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết), có yêu cầu riêng biệt, được quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nhưng có mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời, là điều kiện và sự tiếp tục của nhau. Quy hoạch xây dựng là công cụ pháp lý, công cụ quản lý nhà nước cơ bản để kiểm soát quá trình phát triển, quá trình xây dựng đô thị và nông thôn theo quy hoạch và có kế hoạch.
Với tầm quan trọng đặc biệt và tính đặc thù của công tác quy hoạch xây dựng nêu trên, hệ thống pháp luật về quy hoạch xây dựng ngày càng được hoàn thiện. Hiện nay, quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng được thể hiện khá đồng bộ, thống nhất trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị với các nội dung cụ thể, như: khái niệm về quy hoạch xây dựng; hệ thống quy hoạch xây dựng; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng; công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng.
Luật Xây dựng năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01-01-2015) thời gian thực hiện mới được hơn 2 năm, tuy nhiên, đã đưa công tác quy hoạch xây dựng đi vào nề nếp, bài bản và điều chỉnh tốt các vấn đề thực tiễn, đóng góp quan trọng vào công tác quản lý nhà nước, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng lãnh thổ và cả nước.
Về quy hoạch vùng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 15 quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh (vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù); 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Ngoài ra, còn rất nhiều đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được phê duyệt, như: quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, quy hoạch quản lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng lưu vực sông lớn.
Về quy hoạch đô thị, có 802/802 thành phố, thị xã, thị trấn và 6 đô thị mới có quy hoạch chung được phê duyệt, trong đó 23 quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (quy hoạch chung đô thị từ loại I trở lên và đô thị mới). Tỷ lệ quy hoạch phân khu đạt trung bình khoảng 75% và quy hoạch chi tiết đạt trung bình khoảng 35% so với diện tích đất xây dựng đô thị.
Về quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng 16/16 khu kinh tế ven biển, 16/29 khu kinh tế cửa khẩu; quy hoạch chung xây dựng 03 khu công nghệ cao. Đồng thời có trên 300 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng.
Quy hoạch xây dựng xã nông thôn đạt trên 99%. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng ngày càng đi vào nề nếp, trở thành công cụ quan trọng và không thể thiếu để quản lý đầu tư xây dựng.
Trong quá trình thực hiện quy định tại Luật Xây dựng về công tác quy hoạch xây dựng đã phát sinh một số bất cập cần chấn chỉnh, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do quy định pháp luật.
Tại bản gần nhất của Dự thảo Luật Quy hoạch, các quy định về lĩnh vực quy hoạch xây dựng chưa được quy định rõ và còn thiếu. Chưa có quy định về quy hoạch xây dựng trong hệ thống quy hoạch tại Việt Nam. Quy hoạch xây dựng chỉ được nêu, xác định bằng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là chưa đầy đủ. Các nội dung về quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù được tích hợp trong nội dung của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh (quy hoạch tổng thể). Việc tổ chức lập, hình thành một bản quy hoạch tổng thể trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi vì không dễ dàng thực hiện đồng loạt, tất cả các nội dung lĩnh vực trong cùng một thời gian. Do đó, dẫn đến thời gian để hoàn thành việc lập một bản quy hoạch sẽ kéo dài hoặc chất lượng nội dung của quy hoạch không bảo đảm các yêu cầu về mặt kỹ thuật đặc thù của từng ngành, đặc biệt là đối với quy hoạch xây dựng.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ngay trong việc tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chỉ khi nào các nội dung nghiên cứu, đề xuất về không gian, kiến trúc cảnh quan cơ bản ổn định thì việc nghiên cứu, đề xuất về các nội dung hạ tầng kỹ thuật và môi trường mới đủ điều kiện để tiến hành.
Sớm thống nhất các nội dung liên quan đến lĩnh vực quy hoạch xây dựng
Ngày 13-01-2017, tại Văn bản 382/VPCP-PL về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quy hoạch, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quy hoạch, trong đó chỉ đạo: “Về quy hoạch xây dựng: bảo đảm có quy định trong dự thảo Luật theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ và điều chỉnh quy hoạch xây dựng bao gồm: quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù theo quy định hiện hành”.
Ngày 27-02-2017, Bộ Xây dựng có Công văn số 350/BXD-QHKT, về việc xây dựng Dự thảo Luật Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, góp ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Luật Quy hoạch. Sau khi nghiên cứu nội dung quy định về lĩnh vực quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ Xây dựng cho rằng, dự thảo Luật chưa tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng, chưa bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng (hiện nay được quy định tương đối đầy đủ, đồng bộ trong các luật hiện hành, nhất là Luật Xây dựng 2014), khi thực hiện có thể dẫn tới sự xáo trộn, không bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt trong hệ thống pháp luật hiện hành. Nếu thực hiện như quy định tại Dự thảo Luật Quy hoạch, trên thực tế sẽ bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các quy hoạch xây dựng đã và đang được thực hiện, có thể dẫn đến sự lúng túng, mất rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực và có nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án chỉnh sửa cụ thể trong Dự thảo Luật Quy hoạch. Đó là: chỉnh sửa Khoản 4 Điều 12 (về hệ thống quy hoạch): “4. Quy hoạch xây dựng gồm quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù”. Chỉnh sửa Khoản 6 Điều 13 (về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch): “6. Quy hoạch xây dựng phải phù hợp với quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch vùng. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng và quy hoạch đô thị”./.
3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội  (22/05/2017)
Chính thức khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV  (22/05/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV  (22/05/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên