Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 22-8 đến ngày 28-8-2016)

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN)
23:24, ngày 29-08-2016
TCCSĐT - Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, xây dựng, thẳng thắn và tâm huyết, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đã thành công tốt đẹp. Hội nghị lần này được tổ chức với nhiều đổi mới về hình thức tổ chức theo phương châm dân chủ, đề cao tư duy đổi mới và sáng tạo, coi trọng tính tương tác và tư duy phản biện khoa học. Chính điều này tạo ra không khí trao đổi rất thẳng thắn, thực chất, tiếp cận toàn diện, nhiều chiều và thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, đặc biệt nhận được sự quan tâm cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29

Từ ngày 22 đến ngày 26-8-2016, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII", đã bế mạc sau 5 ngày làm việc chính thức, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Hội nghị đã vinh dự được đón các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo cũng như nhận được quan tâm rất lớn của 700 đại biểu là các đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện, đại diện các bộ, ngành , địa phương và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao. Hội nghị cũng vinh dự được nghe 09 đồng chí ủy viên Bộ chính trị tham dự, trao đổi và đối thoại với các đại biểu và gần 20 tham luận của các Bộ trưởng, Trưởng ban và lãnh đạo các ban, bộ, ngành tại các phiên họp khác nhau và khoảng 200 lượt ý kiến phát biểu, đóng góp của các đại biểu dự Hội nghị

Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị đã tập trung thảo luận và quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã phân tích và thống nhất cao về đánh giá tình hình thế giới và khu vực hiện nay cũng như dự báo trong những năm tới, những cơ hội và thách thức đối với môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam. Hội nghị đã kiểm điểm việc triển khai công tác đối ngoại trong thời gian qua, phân tích những kết quả đạt được cũng như các tồn tại, qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm về thành công và hạn chế. Hội nghị đánh giá, trong bối cảnh môi trường đối ngoại phức tạp, công tác đối ngoại đã triển khai có hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, tranh thủ được thời cơ và hóa giải các thách thức đối với đất nước, tạo cho Việt Nam thế đối ngoại thuận lợi như hiện nay.

Hội nghị nhất trí rằng, kết quả đối ngoại trong những năm qua tạo cho Việt Nam một cục diện quan hệ rộng lớn, vị thế đối ngoại chưa từng có (quan hệ ngoại giao với 187 nước, 15 đối tác chiến lược, Hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ). Từ vị thế đối ngoại này, chúng ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển; góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, bảo vệ an ninh và chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động tham gia công việc chung, góp phần nâng cao vị thế của đất nước. Đồng thời, Hội nghị đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức tổ chức, nhờ đó đã phát huy được tinh thần đổi mới, sáng tạo, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của đông đảo đại biểu trong và ngoài ngành về các nội dung quan trọng của công tác đối ngoại, nâng cao chất lượng và hiệu quả của Hội nghị. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động, thể hiện sự nhất trí cao về triển khai kết quả Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 và cụ thể hóa quyết tâm của ngành ngoại giao trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Liên đoàn các Tổ chức kinh tế Nhật Bản


Chiều 23-8-2016, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu Liên đoàn các Tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) nhân dịp Đoàn sang Việt Nam dự Cuộc họp Cấp cao khởi động Giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Đánh giá cao sự đóng góp của Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt trong việc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, cũng như vai trò của ông K.Ta-ca-ha-si và ông K.Na-ca-mư-ra, hai đồng Chủ tịch trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, nhất là việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn thân thiết nhất, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, làm ăn thành công tại Việt Nam. Các dự án của Nhật Bản cơ bản triển khai hiệu quả và nghiêm túc. Kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của KEIDANREN trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Về phần mình, ông K.Ta-ca-ha-si khẳng định, chuyến thăm làm việc tại Việt Nam lần này của đoàn KEIDANREN thể hiện mối quan hệ hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp. Nhật Bản luôn đặc biệt coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Trong vòng ba năm qua, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam tăng nhiều nhất trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang ASEAN-một khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Ông K.Na-ca-mư-ra đánh giá, điểm hấp dẫn của Việt Nam là lao động dồi dào, người dân Việt Nam cần cù, thông minh. Việt Nam có lợi thế là cửa ngõ của ASEAN, đã tham gia Hiệp định TPP. Hiện Việt Nam đang phát huy lợi thế của mình trong việc tham gia TPP nhất là lĩnh vực dệt may. Bên cạnh TPP, Nhật Bản cho rằng, các hiệp định thương mại ở khu vực cũng có vai trò hết sức quan trọng. KEIDANREN kỳ vọng điều này sẽ tạo ra tiến triển mới trong quan hệ hợp tác với Nhật Bản.

Cuộc họp nhóm công tác chung Việt Nam - Thái Lan về chính trị, an ninh lần thứ 8


Ngày 24-8-2016, tại Thanh Hóa, Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan tổ chức Cuộc họp nhóm công tác chung Việt Nam - Thái Lan về chính trị, an ninh lần thứ 8 (JWG8). Đồng chí Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an và Đại tướng Tha-víp Nét-ni-dôm, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan đồng chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, hai bên tập trung đánh giá việc triển khai kết quả cuộc Họp nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 3 (tháng 8-2015); Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014-2018; rà soát kết quả triển khai thực hiện thảo thuận cuộc Họp lần thứ 7 Nhóm công tác chung Việt Nam - Thái Lan về hợp tác chính trị, an ninh (JWG7). Cuộc họp cũng đánh giá chương trình công tác triển khai Tầm nhìn an ninh Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014-2016; kết quả thực hiện Tầm nhìn an ninh Việt Nam - Thái Lan (TVSO) giai đoạn 2012- 2016; thảo luận về các nội dung hợp tác cần thúc đẩy trong thời gian tới. Trong đó có Cơ chế đối thoại an ninh cấp cao giữa Bộ Công an Việt Nam và cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; Cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng; tăng cường sử dụng đường dây nóng giữa Hải quân hai nước để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên biển, trong đó có vấn đề ngư dân, tàu thuyền.

Hội nghị cũng thảo luận các giải pháp triển khai hiệu quả cơ chế Nhóm công tác chung và đường dây nóng về hạn chế, chống đánh bắt cá trái phép giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và đối tác Thái Lan; thỏa thuận sớm triển khai về hợp tác lao động giữa hai nước; sớm ký Hiệp định tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự; xúc tiến đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong ASEAN để đảm bảo duy trì lập trường chung về vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Qua đó đóng góp tích cực vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông; phối hợp phát triển, quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Mê Công theo đúng thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích các nước hạ nguồn sông Mê Công .

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội tiếp các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2016-2019


Chiều 27-8-2016, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp 27 đồng chí Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2016-2019. Cùng dự tiếp có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư.

Các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm to lớn, được nhận nhiệm vụ ngay trong năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; khẳng định luôn quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thấm nhuần và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam. Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xin hứa sẽ hết sức nỗ lực cố gắng, phát huy vai trò, trách nhiệm của người cán bộ đảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, không ngừng vun đắp, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Nói chuyện thân mật với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Tổng Bí thư căn dặn, gửi gắm 10 chữ: “Đúng vai, thuộc bài, bản lĩnh, trí tuệ, khôn khéo”. Tổng Bí thư chỉ rõ, trên cương vị “Đại sứ đặc mệnh toàn quyền”, hơn ai hết mỗi vị Đại sứ phải thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, làm đúng chức năng, quyền hạn, phận sự, không bỏ sót việc nào, cũng không lấn sân, chồng chéo. Mỗi Đại sứ cần xác định rõ những công việc phải làm, cả đối nội và đối ngoại, xây dựng nội bộ cơ quan, làm tốt công tác cộng đồng, xử lý thật tốt công việc tại chỗ, đồng thời tham mưu, kiến nghị đề xuất với Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, mỗi Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần xây dựng kế hoạch công tác trong cả nhiệm kỳ và cụ thể từng năm, mỗi năm làm những nhiệm vụ gì, việc gì là trọng tâm… Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng, với trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm tích lũy trong thực tiễn công tác, các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần triển khai thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

Trước đó, chiều 24-8-2016, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp tham dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29.

Nhấn mạnh trách nhiệm hàng đầu, quan trọng nhất của cả hệ thống chính trị và toàn dân là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện chú trọng và làm tốt hơn nữa việc tìm hiểu, bám sát tình hình, nghiên cứu và cung cấp thông tin, phân tích đầy đủ, kịp thời và có chất lượng phục vụ cho công tác hoạch định chính sách đối ngoại cũng như triển khai chính sách trong nước; chủ động và đẩy mạnh vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nước và cộng đồng quốc tế, làm cho thế giới hiểu rõ chính nghĩa và ủng hộ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp, quá trình hội nhập của nước ta ngày càng sâu rộng, đòi hỏi công tác bảo hộ công dân phải ngày càng được quan tâm và tăng cường. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tại nước ngoài cần chủ động và đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ công dân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, cả về tinh thần, thông tin và pháp lý. Trong công tác bảo hộ công dân cần phát huy vai trò của các hội, đoàn của người Việt để làm cầu nối với cơ quan đại diện của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam, công dân Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, tiếp tục tích cực vận động chính quyền sở tại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kiều bào hội nhập vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam

Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam từ ngày 26 đến ngày 28-8-2016. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ ba tới Brunei Darussalam của người đứng đầu Nhà nước nước Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm trong bầu không khí hữu nghị và thân tình. Hai bên bày tỏ hài lòng về những tiến triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác hai nước kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 29-02-1992; thừa nhận tầm quan trọng của chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam trong việc duy trì quan hệ hữu nghị gần gũi giữa hai đất nước và nhân dân; và tái khẳng định tinh thần của Tuyên bố chung năm 2012 vẫn còn nguyên giá trị và nhất trí tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2017 với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và giao lưu nhân dân.

Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo hai nước vui mừng trước sự tăng cường giao lưu ở tất cả các cấp và nhất trí đẩy mạnh các cơ chế tham vấn song phương hiện có. Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm tổ chức Cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp (JCM) nhằm làm sâu sắc hơn nữa và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hai bên khẳng định mong muốn chung nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và với vai trò của khu vực tư nhân trong việc nâng cao tính cạnh tranh và khuyến khích hai bên tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất để tìm ra những lĩnh vực hợp tác tiềm năng; và nhấn mạnh tầm quan trọng việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đặc biệt là về năng lượng, nông nghiệp và ngư nghiệp, giáo dục, lao động, dịch vụ hàng không, giao lưu nhân dân và quốc phòng. Hai bên khẳng định cam kết tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Brunei Darussalam với mục tiêu đạt được kim ngạch thương mại song phương là 500 triệu USD vào năm 2025 và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội đầu tư và kinh doanh giữa hai nước.

Lãnh đạo hai nước khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, trong đó bao gồm thúc đẩy những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua việc triển khai hiệu quả và đầy đủ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Để đạt được những mục tiêu này, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực; nhất trí thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và hợp tác chặt chẽ hướng tới sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực; cam kết tiếp tục thúc đẩy tham vấn về những lĩnh vực có lợi ích chung tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thành công của chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Brunei đã đưa mối quan hệ hai nước phát triển chiều sâu, củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII./.