Kim Bôi là một huyện miền núi thuộc diện khó khăn của tỉnh Hòa Bình có diện tích tự nhiên là 68.075,83 ha, dân số trên 14 vạn người, là huyện rộng và đông dân nhất tỉnh Hòa Bình. Toàn huyện có 37 đơn vị hành chính gồm 35 xã và 2 thị trấn, với 4 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm đa số: 82,4%, dân tộc Kinh: 14%, dân tộc Dao: gần 3%, dân tộc Tày: 0,6%. Huyện có 72 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc, trong đó Đảng bộ xã, thị trấn là 37, khối cơ quan có 35 chi, Đảng bộ. Có 9 xã đặc biệt khó khăn, 18 xã thuộc diện ATK, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các xã này còn rất nhiều khó khăn.

Những việc đã làm

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền của Kim Bôi đã mở các lớp từ trung học, đến đại học chuyên ngành kinh tế chủ yếu cho các đối tượng là lãnh đạo xã để nâng cao trình độ của cán bộ cơ sở, đồng thời, nghiên cứu, tìm hướng đi đúng cho phát triển kinh tế của huyện. Trong điều kiện trình độ dân trí của dân ở nhiều xã trong huyện, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa còn rất thấp, chính quyền huyện đã xác định, để dân tin tưởng và làm theo các chủ trương đề ra thì rất cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi làm bất cứ việc gì, và phải luôn hợp lòng dân, ý dân. Mỗi mô hình kinh tế phải được làm thử nghiệm trước khi nhân rộng, nếu mô hình càng sát thực với lợi ích, khả năng của dân, càng được hướng dẫn cụ thể thì hiệu quả sẽ càng cao.

Các cấp lãnh đạo cũng đặc biệt quan tâm đến xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của huyện, nhất là hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Để làm được việc này ngoài nguồn vốn do Nhà nước cấp, huyện rất chú ý thu hút các nguồn vốn đầu tư. Do vậy, đến nay, 75% trường lớp học trong huyện được xây dựng kiên cố, 100% số xã, thị trấn có đường ô tô với tới tận trung tâm xã, cứng hóa 44 km đường, chống được sạt lở dọc hai bờ sông Bôi cho khu vực trung tâm huyện và 2 xã, thị trấn (điều mà trước kia không bao giờ dám nghĩ đến). Hầu hết các công trình thủy lợi đều được tu bổ, nâng cấp, xây mới. 100% số xã và thị trấn được dùng điện và đã phủ sóng di động cho 70% địa bàn huyện.

Sản xuất nông nghiệp là một ngành rất dễ gặp nhiều rủi ro vì thiên tai, bão, lũ... giá vật tư đầu vào của sản xuất tăng cao, chính quyền xã đã kịp thời có biện pháp hỗ trợ cho dân để sản xuất nông nghiệp tiếp tục được phát triển. Chẳng hạn, khi giá lúa lai giống cao trên 30.000 đồng/kg; dân đã được tỉnh hỗ trợ cho thêm 10.000đồng/kg, huyện hỗ trợ thêm 5.000đồng/kg để mua giống. Những hộ gia đình làm trang trại cần nhiều vốn khi bắt đầu khởi nghiệp thì chính quyền có chính sách hỗ trợ vay vốn, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho chủ trại, nhất là đối với những người làm theo các chương trình dự án cây ăn quả.

Kết quả đạt được

Bằng sự lãnh đạo sát sao thường là thông qua các mô hình, đề án phát triển kinh tế cụ thể như đề án trồng cỏ, chăn nuôi trâu bò tại chuồng; xây dựng cánh đồng thu nhập cao; dồn điền đổi thửa; trồng rừng và cây ăn quả, đồng thời luôn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho dân phát triển kinh tế, kinh tế của huyện những năm phát triển mạnh và hiện nay, Kim Bôi đã trở thành một trong những vùng phát triển kinh tế tốt của tỉnh Hòa Bình. Trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập huyện, Kim Bôi đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng 3.

Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Trong nông nghiệp, huyện chú trọng trồng giống lúa có năng suất cao, hướng tới quy hoạch các vùng trồng lúa đặc sản, nếp cẩm. Ngô được trồng nhiều mỗi năm khoảng 5.000 ha (3 vụ/năm), năng suất từ 35 - 40 tạ/ha có thị trường tiêu thụ thuận lợi. Huyện còn hướng bà con trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt làm giống vì có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đậu tương cũng khá phát triển. Với giá thấp nhất trên thị trường hiện nay là 10.000đồng/kg, năng suất 3 tấn/ha người nông dân trồng đậu tương có khả năng đạt được thu nhập cao để cải thiện đời sống. Đặc biệt Kim Bôi đã thực hiện tốt đề án “dồn điền đổi thửa” (lúc đầu làm điểm ở xã Vĩnh Đồng), nhờ đó có điều kiện để phát triển sản xuất hàng hóa hơn. Đến nay, Kim Bôi đã tạo được các vùng sản xuất tập trung để có khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao tạo thành sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, như: vùng mía nguyên liệu ở xã Tú Sơn; vùng trồng dưa ở các xã Hợp Kim, Sào Báy, Nam Thượng, Kim Truy; vùng trồng ngô ở các xã Tú Sơn, Mị Hòa, thị trấn Thanh Hà; vùng trồng đậu tương ở những xã vùng đường 21, vùng lúa ở xã trung tâm huyện. Bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của huyện về lao động, đất đai, tài nguyên và thị trường nên mặc dù đất nông nghiệp của huyện chỉ có trên 10 ha, nhưng năm 2007, bình quân lương thực đầu người của Kim Bôi đạt 488 kg/người, đảm bảo ổn định an ninh lương thực, trong khi kinh tế hàng hóa vẫn phát triển. Nhiều hộ gia đình thực hiện các mô hình VAC trồng nhãn, nuôi gà, lợn, dưới ao thả cá; nuôi nhím (1 năm 4 lứa); trồng trọt theo công thức luân canh như bí xanh thương phẩm vụ xuân - cây ngô hè - bí xanh thương phẩm vụ đông hoặc mướp đắng vụ xuân - mướp đắng (bí đỏ) vụ hè thu - cây rau vụ đông hoặc dưa bầu vụ xuân - lúa mùa sớm - đậu tương đông... đạt hiệu quả cao, trở thành những điển hình làm ăn giỏi được các địa phương khác học tập. Toàn huyện hiện đã xây dựng được 56 cánh đồng cho thu nhập cao, 2/3 số đó đạt thu nhập từ 50- 70 triệu đồng/ha,còn lại có mức thu nhập từ 35 - dưới 50 triệu đồng/ha. Cá biệt có những cánh đồng ở xã Bắc Sơn đạt 100 triệu đồng/ha và hộ gia đình ở xã Xuân Thủy thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.

Ngoài trồng trọt, lãnh đạo huyện cũng hướng dẫn bà con chuyển dịch tốt cơ cấu trong chăn nuôi. Hiện bên cạnh đàn bò gồm 8.500 con, đàn trâu 23.000-25.000 con, đàn lợn 84.000 - 90.000 con, bà con trong huyện còn nuôi nhiều lợn mán, lợn lòi, gà ri, nhím có giá trị kinh tế cao và nuôi trồng thủy sản trên diện tích 120 ha.

Trong lâm nghiệp, hằng năm huyện trồng rừng mới từ 1.000 -1.200 ha. Cây keo được bà con rất chú ý trồng vì có hiệu quả. Trong công nghiệp, toàn huyện đã quy hoạch và được tỉnh phê duyệt 2 cụm công nghiệp ở xã Cao Thắng, Thanh Nông, thu hút được 14 dự án đầu tư, trong đó 3 dự án đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 2 dự án đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch, 9 dự án kinh doanh tổng hợp. Các làng nghề truyền thống của huyện được phục hồi, phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, nghề phụ cho dân, từ đó tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân như: nghề mây tre đan ở xã Thanh Nông, Bắc Sơn; nghề chổi chít ở xã Đông Bắc, Bắc Sơn; nghề thêu ren ở xã Đông Bắc, Thanh Nông; nghề dệt thổ cẩm ở xã Vĩnh Tiến; nghề làm rượu cần ở xã Hạ Bì...
 
Hoạt động dịch vụ du lịch được huyện rất khuyến khích phát triển. Kim Bôi có rất nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực này, Huyện có nhiều bản, xã còn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và có nhiều điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn (thác Bạc Long Cung ở xã Tú Sơn, khu ngôi mộ cổ ở xã Mỹ Đồng, khu nước suối khoáng Kim Bôi nổi tiếng, điểm du lịch sinh thái hồ Quèn Thị ở xã Cao Dương...). Trong 3 năm từ 2005-2007, tổng doanh thu du lịch của huyện đạt trên 16 tỉ đồng với 66.100 lượt khách đến thăm quan, điều dưỡng, du lịch. Trong những năm tới, huyện sẽ thực hiện tốt đề án phát triển du lịch, triển khai quy hoạch phát triển các điểm du lịch, tạo môi trường để các nhà đầu tư yên tâm thực hiện kế hoạch kinh doanh.

Bài học kinh nghiệm

Có thể khẳng định, chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của lãnh đạo Đảng, chính quyền ở Kim Bôi là hoàn toàn đúng đắn. Từ những kết quả đạt được ở Kim Bôi có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Trước hết lãnh đạo phải luôn đề ra được các nghị quyết phát triển kinh tế đúng, đúc kết trong nhiều năm, hợp với lòng dân.

- Khi đã có nghị quyết phải có sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của các cấp chính quyền hay nói cách khác, chính quyền phải thực sự vào cuộc.

- Phải khơi dậy được tính tự giác của nhân dân, đồng thời luôn theo sát hướng dẫn và giúp dân.

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia giúp bà con phát triển kinh tế.

- Đội ngũ cán bộ quản lý phải được giao công việc cụ thể trên tinh thần cá nhân chịu trách nhiệm trước tập thể, chứ không bao biện, làm thay, lấy kết quả thực hiện làm thước đo phẩm chất và năng lực của cán bộ.

- Cuối cùng, cần cố gắng thu hút đầu tư nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế.