Ba mươi lăm năm quan hệ Việt Nam - Pháp
Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp chính thức được thiết lập ngày 12-4-1973. Ba mươi lăm năm trôi qua, quan hệ hai nước ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, an ninh... Có thể nói quan hệ Việt Nam - Pháp là mối quan hệ “đối tác lịch sử và điển hình”.
Những bước tiến về hợp tác chính trị
Việt Nam và Pháp tuy có sự cách biệt về địa lý, chịu tác động không nhỏ từ thăng trầm lịch sử, song hai nước đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ mật thiết, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt, từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ hai nước ngày càng phát triển thông qua việc trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao của chính phủ hai nước. Tháng 2-1993, Tổng thống Pháp P. Mít-tơ-răng là vị nguyên thủ Tây Âu đầu tiên sang thăm Việt Nam. Nhân dịp này, ông đã đưa ra tuyên bố yêu cầu Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Tiếp đó, tháng 11-1997, Việt Nam tiếp đón Tổng thống Pháp G.Si-rắc nhân Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ VII các nước sử dụng tiếng Pháp được tổ chức tại Hà Nội. Tháng 10-2004, Tổng thống G.Si-rắc thực hiện chuyến công du lần thứ hai sang Việt Nam với thông điệp Pháp khẳng định ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ứng cử vào ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Chủ tịch Thượng viện Pháp C. Pông-xơ-lê cũng đã hai lần sang thăm Việt Nam vào tháng 5-2003 và tháng 6-2005.
Về phía Việt Nam, nhiều đoàn cấp cao của nước ta đã sang thăm chính thức Cộng hòa Pháp: chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (6-1993), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9-1993), Thủ tướng Phan Văn Khải (4-1998), Chủ tịch nước Lê Đức Anh (5-1995). Năm 2000, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu sang thăm Pháp, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang Tây Âu. Trong chuyến thăm này, hai nước đã nhất trí tổ chức Diễn đàn kinh tế - tài chính Pháp - Việt nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cải cách kinh tế ở Việt Nam. Tháng 11-2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm Pháp. Đây cũng là chuyến thăm cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên kể từ khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 6-2005, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang Pháp, một số dự án kinh tế đã được hai bên ký kết như dự án trùng tu cầu Long Biên, dự án xây dựng tuyến xe điện tại Hà Nội..., đặc biệt là việc ký kết thành công hợp đồng về nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng số vốn lên đến 1,5 tỉ USD, hợp đồng về cung cấp trang thiết bị, chuyển giao công nghệ dự án hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường với sự tài trợ ưu đãi của Bộ Kinh tế tài chính và Công nghiệp Pháp.
Việt Nam - Pháp đã ký kết một số hiệp định quan trọng như: - Hiệp định khung về hợp tác kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật (năm 1989);
- Hiệp định khuyến khích và bảo vệ môi trường đầu tư (năm 1992);
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (năm 1993);
- Hiệp định hợp tác y tế (năm 1994);
- Hiệp định hợp tác về du lịch (1996);
- Hiệp định về nhận con nuôi (năm 2000). |
Gần đây, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị giữa hai nước, theo lời mời của Thủ tướng P. Phi-ông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến công du sang Pháp (10-2007). Chuyến thăm là dịp lãnh đạo Nhà nước Việt Nam khẳng định chính sách coi trọng vị trí của Pháp trong các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam, đồng thời bày tỏ quan điểm ủng hộ ban lãnh đạo mới của Pháp, đứng đầu là Tổng thống Pháp N. Sác-cô-di.
Chính phủ Pháp đánh giá cao thành tựu hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Việt Nam, ghi nhận vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực cũng như trên thế giới, bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng phát triển của Việt Nam; tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Pháp đối với chiến lược phát triển, xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam thông qua các khoản viện trợ ưu đãi... Việt Nam hiện là một đối tác quan trọng, là một trong những ưu tiên lớn trong chính sách châu Á của Pháp, nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO (năm 2006) và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Trong quan hệ đa phương, Pháp đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế (năm 1993), ký kết Hiệp định khung hợp tác với Liên minh châu Âu (năm 1995). Ngoài ra, hai nước còn là thành viên tích cực của Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và nhiều diễn đàn quốc tế khác.
Quan hệ kinh tế ngày càng phát triển
Về kinh tế - thương mại. Trao đổi thương mại hai chiều có sự phát triển đáng kể, đặc biệt từ sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa kinh tế. Đây là một trong những quan hệ phát triển và ổn định nhất trong hợp tác song phương.
Nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10-2007), hai nước đã ký kết một số thỏa thuận và hợp đồng trị giá nhiều tỉ USD như: Nghị định thư tài trợ hiện đại hóa Trường đại học Y Hà Nội và Bệnh viện thực hành tại Hà Nội, Nghị định thư tài trợ khôi phục cầu Long Biên, hai thỏa thuận với Cơ quan phát triển Pháp về viện trợ tuyến đường sắt nội đô Hà Nội - Nhổn và Chương trình tín dụng nhà nước. |
Những năm gần đây, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước liên tục tăng khoảng 10%/năm. Pháp trở thành bạn hàng quan trọng thứ hai của Việt Nam trong khối thị trường chung châu Âu. Năm 2005, kim ngạch hai chiều đạt 1,25 tỉ ơ-rô; năm 2006 là 1,5 tỉ ơ-rô. Năm 2007, tổng kim ngạch hai chiều tăng 17,68% so với năm 2006 (hơn 1,7 tỉ ơ-rô), trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp tăng 14,4% với các mặt hàng xuất khẩu chính là: giày dép, dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thủy sản, nông sản. Việt Nam nhập khẩu chính từ Pháp các mặt hàng như: máy móc thiết bị, máy bay dân dụng, tân dược, hóa chất và sản phẩm sữa.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương, Chính phủ hai nước đã nhất trí thành lập Hội đồng cao cấp vì sự phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Pháp (2005) với chức năng nghiên cứu phương hướng phát triển hợp tác đối với các ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành như hàng không, giao thông - vận tải và năng lượng. Tham gia hội đồng có Cơ quan phát triển Pháp và các đối tác trong lĩnh vực công cộng và tư nhân mà hai nước quan tâm.
Ngoài ra, hai nước còn xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực tài chính thông qua Chiến lược tài chính giai đoạn 2008 - 2010, tập trung chính vào ba lĩnh vực: kho bạc, thuế và hải quan. Nội dung hoạt động nhằm tăng cường tính minh bạch đối với các cơ quan nhà nước và tư nhân thông qua việc tăng cường quản lý kinh tế và tài chính. Đối với lĩnh vực kho bạc, hai nước hướng tới các hoạt động hỗ trợ nhằm củng cố khuôn khổ thể chế, xây dựng năng lực, phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách nhà nước và kho bạc phù hợp với thông lệ quốc tế. Về thuế, tập trung củng cố hệ thống quản lý cải cách thuế của Việt Nam, tăng cường quản lý nợ đọng thuế. Về lĩnh vực hải quan, hai nước chú trọng tới việc hiện đại hóa ngành.
Về đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan trong nhiều năm, cùng sự bình ổn về chính trị, Việt Nam được các nhà đầu tư Pháp đánh giá cao về tiềm năng, triển vọng phát triển kinh tế và là môi trường đầu tư an toàn, ổn định. Hiện nay, Pháp đứng đầu các quốc gia châu Âu và đứng thứ 9 trong tổng số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 179 dự án trị giá gần 2,25 tỉ USD. Các nhà đầu tư Pháp có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành của Việt Nam, tập trung chủ yếu ở một số vùng trọng điểm kinh tế, đặc biệt là ở phía Nam, như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh. Pháp đầu tư chính vào các lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp nhẹ và gia công chế biến. Hà Nội cũng là nơi tiếp nhận vốn đầu tư của Pháp lớn thứ hai, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khách sạn, thầu xây dựng và sản xuất công nghiệp nhẹ.
Về lĩnh vực công nghiệp, từ năm 1993 đến nay, hai nước đặc biệt chú trọng hợp tác trong lĩnh vực điện năng, năng lượng nguyên tử, nhất là khi Pháp là quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển hạt nhân với 58 nhà máy, cung cấp 78% lượng điện quốc gia. Nhiều tập đoàn lớn của Pháp như An-xtom, Ca-li-ông, Pa-xi-phích Phra-ma-ton... hiện muốn đầu tư vào Việt Nam, trong các lĩnh vực: điện, xi-măng, dầu khí...
Năm 2007, doanh nghiệp hai nước đã ký kết hơn 10 thỏa thuận hợp tác và hợp đồng kinh tế trị giá gần 6 tỉ USD. Trong số đó có hợp đồng ký kết giữa Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Tín Nghĩa và Ngân hàng BNP Paribas về thỏa thuận phát hành hơn 500 triệu USD trái phiếu cho Vinatex; hợp đồng hỗ trợ nông dân Việt Nam xuất khẩu cà-phê trị giá hơn 500 triệu USD giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số công ty Pháp. |
Về viện trợ. Pháp là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai (sau Nhật Bản) với cam kết viện trợ ODA cho Việt Nam 1,4 tỉ ơ-rô giai đoạn 2006 - 2010. Việt Nam là một trong số ít các nước được hưởng viện trợ chính thức của Pháp thông qua ba kênh: Viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Chính phủ Pháp đã liên tục cam kết tăng ODA cho Việt Nam, năm sau cao hơn năm trước; đưa ra kế hoạch hợp tác trung hạn với Việt Nam, tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên: hỗ trợ Việt Nam cải cách pháp luật và chính trị; hỗ trợ chương trình hiện đại hóa hệ thống giáo dục và nghiên cứu; hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế; góp phần giảm nghèo, cải thiện phúc lợi xã hội qua việc tham gia vào các hoạt động y tế cộng đồng.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng. Việt Nam là đất nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa, ngôn ngữ, văn minh Pháp rõ nét nhất trong khu vực châu Á. Chính những nét tương đồng về văn hóa do lịch sử để lại là nền tảng thúc đẩy quan hệ văn hóa Việt Nam - Pháp phát triển. Nhiều hoạt động văn hóa thường xuyên được tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước như triển lãm, hội thảo, liên hoan phim, chương trình du lịch... Trong số đó, phải kể đến một hoạt động văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân và Chính phủ Việt Nam đó là “Chương trình hợp tác Mông-tơ-rơi - Việt Nam”. Đây là chương trình hợp tác xây dựng Bảo tàng Lịch sử sống, Không gian Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ giữa thành phố Mông-tơ-rơi (Pháp) và Bảo tàng Hồ Chí Minh (Việt Nam). Pháp được coi là đối tác tích cực trong hoạt động tổ chức các Phét-ti-van Huế (2000, 2002, 2004) - một hoạt động trao đổi văn hóa tiêu biểu được tổ chức 2 năm một lần ở Việt Nam với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước.
Tháng 3-2007, hai bên đã ký kết Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ, tạo tiền đề quan trọng cho những hoạt động của hai nước trong lĩnh vực này. Hằng năm, Pháp dành một khoản ngân sách 10 triệu ơ-rô cho hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật với Việt Nam. Ngân sách này được sử dụng chủ yếu trong các lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, cải cách hành chính, sửa đổi luật pháp, tài chính, ngân hàng, đào tạo cao học quản lý kinh tế, luật, hàng không. Ngoài ra, mỗi năm, Pháp dành cho Việt Nam khoảng 100 suất học bổng cao học.
Hợp tác trong lĩnh vực y tế cũng được hai nước rất coi trọng. Để giúp ngành y học Việt Nam phát triển, Pháp đã tạo điều kiện đón nhận nhiều thực tập sinh Việt Nam đến công tác tại các bệnh viện của Pháp. Pháp là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo y tế, bởi trong số cán bộ y tế Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài thì có đến 60% được đào tạo tại Pháp. Về phía mình, Việt Nam đã mời các sinh viên y khoa, dược khoa và nha khoa của Pháp vào thực tập tại Bệnh viện nhiệt đới của Việt Nam. Pháp tham gia xây dựng những cơ sở khám chữa bệnh và hỗ trợ nâng cấp Viện nghiên cứu Pát-xtơ của Việt Nam.
Hợp tác đối thoại về an ninh và quân sự giữa hai nước đang trong quá trình đa dạng hóa. Hiện nay, hai nước ưu tiên các lĩnh vực như an ninh hàng không, các kỹ thuật can thiệp chuyên ngành, chống khủng bố và tài trợ khủng bố, rửa tiền. Hợp tác tác chiến cũng được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực chống buôn người, di cư bất hợp pháp và giả mạo giấy tờ.
Triển vọng hợp tác Việt Nam - Pháp
Với quyết tâm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy trong thế kỷ XXI, hai nước tiếp tục duy trì các cuộc trao đổi lãnh đạo cấp cao cũng như ở các cấp; nhất trí xúc tiến thực hiện và hoàn tất các dự án hợp tác đã được chính phủ hai bên ký kết.
Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, Pháp và Việt Nam khẳng định mong muốn xây dựng hệ thống thương mại đa phương, cởi mở thông qua tăng cường trao đổi thương mại, đa dạng hóa các sản phẩm... Giới doanh nghiệp Pháp đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn của Việt Nam, coi đây là thị trường đầy tiềm năng và triển vọng cho sự thành công. Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư Pháp tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, ngân hàng, tài chính và chế biến nông sản. Trong thời gian tới, Chính phủ Pháp chủ trương khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp làm ăn tại Việt Nam, đồng thời khẳng định sẵn sàng tham gia nhiều dự án, đặc biệt là các dự án lớn có ý nghĩa quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta giai đoạn 2006 - 2010.
Đối với vấn đề xã hội, Pháp bày tỏ quyết tâm tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong công tác đấu tranh chống tệ nạn, bệnh dịch xã hội như bệnh dịch HIV-AIDS... Hai bên mong muốn tăng cường hợp tác văn hóa Việt - Pháp qua những hoạt động văn hóa được duy trì hằng năm như: “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Pháp”, “Những ngày văn hóa Pháp tại Việt Nam”... cùng những đóng góp của hai nước vì sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và phát triển môi trường Pháp ngữ ở Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa và giảng dạy tiếng Pháp. Về giáo dục - đào tạo, Pháp hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch đào tạo tiến sĩ từ nay đến năm 2010; tăng suất học bổng, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao số lượng học viên Việt Nam sang du học tại Pháp ở trình độ đại học và sau đại học; xúc tiến ký kết thỏa thuận về việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp.
Về hợp tác đa phương, Pháp và Việt Nam nhất trí tăng cường tham khảo ý kiến thường xuyên về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm; phối hợp với nhau trên các diễn đàn đa phương. Trước mắt, hai bên nỗ lực đưa ra các sáng kiến chung nhằm tăng cường quan hệ đối thoại Á - Âu, tiếp tục đưa châu Âu và châu Á xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt, với vai trò điều phối viên của ASEAN, Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ của Pháp với các nước ASEAN cũng như châu Á. Pháp sẽ là cầu nối của Việt Nam trong quan hệ với EU và châu Âu, thúc đẩy quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định hợp tác mới thay thế Hiệp định đã ký năm 1995 cũng như vận động EU công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Cùng với bề dày lịch sử, những thành quả đã đạt được trong những năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp sẽ ngày càng phát triển bền chặt vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Diễn đàn đầu tư Việt Nam tại Niu Yoóc  (11/04/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên