Ngày 13-3-2008, Chủ tịch nước ký Quyết định số 281/NĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới cho Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị nhận được tin vui này khi đang làm nhiệm vụ trong những cánh rừng tỉnh Sa-vẳn-na-khệt. 24 năm qua, 3.430 hài cốt liệt sĩ (trong đó, 111 hài cốt có tên, quê quán, đơn vị) đã được bàn tay các chiến sĩ 584 nâng niu, vượt suối, băng ngàn đưa về Tổ quốc yên lành. Nhưng, trong số họ có người đã nằm xuống trên đất nước Lạng Xang.

Kỳ III: Mảnh gương soi giữa rừng Lào

Người dẫn đường đã quá mệt mỏi. Tuổi già, sức yếu, đã mấy ngày dẫn “tà hán Việt Nam” đi tìm mộ liệt sĩ, đến trưa nay thì kiệt sức. Cái dốc thì lại quá cao… Trở lại cao điểm 500, anh em trong mũi tìm kiếm của trung tá Bình vẫn chưa quên chuyến đi lần trước với bao thất vọng. Người dẫn đường hơi thở khò khè, chợt lảo đảo, hai dòng máu cam chảy đầm đìa trên gương mặt khắc khổ. Anh em vây quanh người dẫn đường nằm thiêm thiếp, lo lắng. Sau khi quân y tiêm một mũi thuốc trợ sức, mọi người quyết định thay nhau cõng người dẫn đường lên điểm cao. Mãi đến gần tối, mọi người mới đến vị trí. Trí nhớ của người dẫn đường quả không tồi, anh em chỉ cần phát cây một lúc là nhìn thấy cửa căn hầm trú ẩn, nhưng không thấy ba ngôi mộ liệt sĩ mà người dẫn đường đã nhìn thấy. Trung úy Công đốt nhang, chia đều cho đồng đội cắm khắp khoảnh rừng.

Ngày hôm sau, anh em tiếp tục phát cây rộng ra mỗi chiều 30m trước cửa hầm, cũng không thấy dấu hiệu của bất cứ ngôi mộ nào…Theo kinh nghiệm có được, cả nhóm xác định vị trí đào tìm cách cửa hầm 3m, đào 3 đường hào dài cách nhau 1m, rộng 0,6m. Đến khi mặt trời đứng bóng, đào đến đường hầm thứ 3 thì gặp hài cốt liệt sĩ. Ba ngôi mộ nằm song song. Trung úy Nguyễn Thế Công lần tìm trong đất đá ngôi mộ ở giữa, chỉ có một ít xương. Chiếc thắt lưng nhỏ. Chiếc kẹp tóc xinh xắn. Và, chiếc gương soi đã vỡ… Đây chắc chắn là thi hài và di vật của một nữ chiến sĩ trẻ. Công cầm lên tay mảnh vỡ chiếc gương soi… Mảnh gương phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh, soi rõ khoảng trời xanh cao lồng lộng và cũng soi rõ khuôn mặt gầy sọm, đôi môi tím quầng của Công. Đã mấy chục năm chiếc gương vỡ nằm im trong bóng tối, đến hôm nay mới có ánh mặt trời rọi chiếu, bỗng chốc sáng chói giữa một trưa rừng Lào mùa khô… Mãi sau này, khi về nước rồi, Công mới biết cũng chính ngày hôm đó, vợ và con trai anh đang bị sốt xuất huyết, nằm ở phòng cấp cứu Viện điều dưỡng Cửa Tùng – Vĩnh Linh – Quảng Trị, đột nhiên dứt sốt, hôm sau thì khỏi hẳn! Chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng Công vẫn nhớ như in cảm giác thật kỳ lạ, không thể nào giải thích được trong anh, khi cầm trên tay mảnh gương nhỏ của người nữ liệt sĩ.

Ở khu tập kết huyện Sê-pôn
 của Đội 584
(Ảnh Xuân Trọng)
Thiếu tá Hồ Văn Thạo, lái xe, phụ trách mũi tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ hướng Sê-pôn, Vi-lả-bu-ly, Mường Nòn, mùa khô 2007-2008 kể chuyện: Chuyến đi vào bản La-o-nọi, huyện Mường Nòn đường dốc, trơn lầy, chiếc Zin ba cầu một ngày chỉ di chuyển được 6 km. Vượt qua được quãng đường khó khăn nhất thì xe bị “pan” vỡ cầu. Đêm, bộ đội chặt cây bẫy đá lên để chèn bánh xe đang nằm giữa dốc. Khát, đói và một thoáng cô độc giữa rừng già đêm khuya. Lạnh, anh em ngồi tựa lưng vào nhau, chờ trời sáng. Lại có chuyến cả mũi hành quân đến một bản sâu heo hút thì hết nước uống, khát cháy cổ, có người đã bị choáng, xây xẩm mặt mày, bước chân loạng choạng. Cả bản chỉ có một cái giếng nhỏ, nước rịn ra từng giọt, dân bản cũng khát đã mấy tuần nay. Tìm mãi đến chiều mới thấy vũng nước nhỏ trong khe núi đá vôi. Nước đục trắng như sữa. Không còn cách nào khác, đành phải đun sôi, lấy giẻ lọc hai, ba lần rồi dùng để uống, nấu cơm… Nhớ lần trèo lên đồi Pu-
Trèo lên đồi Pu-ca-tôn
(Ảnh Xuân Trọng)
ca-tôn cao trên ngàn mét, không ai dám dừng chân vì trời quá lạnh, chỉ cần đứng lại một tí để thở là chân tay lạnh buốt, đành giữ sức, cố bước đi liên tục, dưới chân là một biển sương mù dày đặc. Trong nhóm, thiếu úy Trần Trung Tá sức khỏe hơi yếu một chút nhưng bù lại, anh có khả năng linh cảm đặc biệt. Có lần, người dân chỉ địa điểm có mộ liệt sĩ ở trên cao hàng chục mét, mặc dù không hề có cơ sở nào, nhưng dường như có ai xui khiến, anh nhất nhất khẳng định chính ở chỗ đất thấp này. Y như rằng, đào lên là thấy hài cốt liệt sĩ, lại may mắn có đầy đủ họ tên, quê quán: Liệt sỹ Nguyễn An Tùng; TK Thắng Lợi, P Tô Hiệu, K Lê Chân, Hải Phòng.

Tìm, cất bốc được hài cốt mới chỉ là hai phần ba công việc, còn phải lo nhiều thứ nữa: lo thú rừng tha mất, lo lẫn lộn hài cốt này sang hài cốt khác, lo thất lạc di vật, lo nước lũ bất thần cuốn về đất rừng nhão nhoẹt cả đội phải nằm im một nơi.

Nhân dân Lào từ xa xưa cũng như bây giờ rất mực yêu thương bộ đội Việt Nam, nhưng không vì thế mà xem nhẹ phong tục kiêng khem của họ. Xe chở hài cốt về đến đầu bản, anh em lại tháo dỡ xuống, gùi, cõng vòng tránh không đi vào bản. Tuy có lâu và phiền toái một chút nhưng bà con nói “tà hán Việt Nam” biết tôn trọng phong tục người Lào”, chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận.

Nếu ai đó nghĩ rằng, công việc quy tập hài cốt liệt sĩ chỉ cần sức lực, mồ hôi và tinh thần chịu khó, chịu khổ là được thì không sai nhưng mới đúng một phần. Mùa khô năm 1985, đơn vị vừa thành lập được một năm, tiến hành chuyến công tác thứ hai tại một quả đồi lúp xúp cây sim và mua. Một tốp chiến sĩ hăm hở đào một ngôi mộ nằm lọt giữa một yên ngựa. Bỗng nhiên một tiếng nổ “đoàng” choáng tai từ trong lòng mộ hất tung đất, sỏi, khói phả vào mặt mũi, mọi người không kịp phản ứng tự vệ. Khi định thần mới hay một quả mìn hay lựu đạn gì đó không rõ vì lý do gì trong lúc mai táng lẫn vào nấm mộ, nay trong lúc đào bới, bị lưỡi cuốc bổ trúng gây nổ, làm 5 chiến sĩ bị thương: Tuấn, Phúc, Thu, Phong, Dũng. Tình huống này được kịp thời rút kinh nghiệm, đội được cấp một máy dò mìn. Nhưng ở nơi chiến trường đầy bom, đạn ngày nào, nay hễ cứ mở máy, cái vòng cảm ứng rà trên mặt đất là y như rằng tín hiệu có kim loại dưới đất phát ra liên tục. Loay hoay một lúc, lấy lên đủ loại sắt thép, mảnh bom, mẩu xích xe tăng, dao tông mẻ và tất nhiên có cả mìn, đầu đạn, vật liệu nổ v.v.. Mất thời gian vô cùng và quá ư phiền toái. Về sau, anh em bỏ máy lại, làm như cũ. Tuy có hơi mạo hiểm, nhưng anh em động viên nhau đào cuốc nhẹ nhàng, hết sức thận trọng, và, may nhờ rủi chịu. Thì ra cái chết của đạn bom, chiến trận ngỡ đã lùi vào dĩ vãng, nào ngờ vẫn còn rình rập trên đầu những người đã một lần chết và những người đi tìm đồng đội…

Ngày 8-3-1997, ở bản Văng Phà, bên bờ sông Sê-păng-hiêng, chiến sĩ Phạm Việt Hòa đang ốm nhưng nằng nặc xin Đội trưởng Trần Hữu Lưu cho tham gia chuyên chở hài cốt liệt sĩ về nơi tập kết. Chiếc thuyền độc mộc mượn của dân thật bé nhỏ giữa dòng sông chảy xiết. Hài cốt liệt sĩ số 8 được Hòa cẩn thận bọc lại chắc chắn, buộc chặt vào thuyền. Thuyền trôi nhanh, khuất tầm mắt. Bóng Hòa nhỏ dần với cây sào chống trên dòng Sê-păng-hiêng là hình ảnh cuối cùng, in đậm trong trí nhớ của thượng tá Trần Hữu Lưu. Sau này, anh nghe người dân bên bờ sông kể lại, chiếc thuyền chở Hòa rơi vào vòng xoáy của dòng sông hung dữ, thuyền đâm vào ghềnh đá, đập vào đầu, Hòa bị chấn thương, rơi, và chìm xuống dòng sông cuồn cuộn, nhưng hài cốt liệt sĩ và chiếc thuyền mượn của dân vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ có chiến sĩ Phạm Việt Hòa vĩnh viễn ra đi giữa tuổi hai mươi…

“Không, anh ạ - thượng tá Lưu nói - hình ảnh cuối cùng của Hòa in đậm trong tôi là đôi mắt cậu ấy. Chúng tôi tìm kiếm, đưa Hòa lên bờ khâm liệm. Đôi mắt cậu ấy cứ đăm đắm nhìn tôi. Anh ạ, đôi mắt cậu ấy như hai mảnh gương nhỏ soi rõ đồng đội và bà con dân bản vây quanh, trong cái buổi chiều buồn thảm ấy, tôi không thể nào quên được…”.

Kỳ IV: Mùa mưa đến, ba sẽ về con ạ!

*** Kỳ I