Nâng cao đạo đức công vụ cho công chức thành phố Hà Nội trong giai đoạn hội nhập quốc tế
TCCS - Hiện nay, đạo đức công vụ đang trở thành vấn đề được xã hội rất quan tâm. Nâng cao đạo đức công vụ cho công chức là vấn đề vô cùng cấp thiết trong điều kiện Hà Nội đang đẩy mạnh mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Tầm quan trọng của công tác nâng cao đạo đức công vụ của công chức, viên chức
Năm 2022, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Hà Nội gồm 7.286 công chức, trong đó có 84 tiến sĩ; 121.291 viên chức, trong đó có 317 tiến sĩ. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng cao tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, là nơi tập trung đội ngũ trí thức lớn nhất cả nước với hàng nghìn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ.
Hà Nội đã xây dựng được đội ngũ trí thức từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Qua đánh giá hằng năm, đa phần cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân và đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Vấn đề đạo đức công vụ của cán bộ, công chức có tầm quan trọng đối với sự phát triển của nền hành chính nhà nước. Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho mọi hoạt động của Nhà nước có hiệu quả. Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức được hiểu là đạo đức thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Đó là những giá trị, những chuẩn mực đạo đức được áp dụng cho một nhóm người nhất định trong xã hội - cán bộ, công chức - trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể - hoạt động công vụ. Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là hệ thống các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc, hành vi trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi, cách ứng xử, của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ nhằm hướng tới xây dựng một nền công vụ trách nhiệm, công tâm, trong sạch, tận tụy và chuyên nghiệp. Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức gắn liền với những chuẩn mực đạo đức được xã hội coi là giá trị; đồng thời, là đạo đức nghề nghiệp đặc biệt - thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức luôn gắn chặt với quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, những điều cán bộ công chức được làm và không được làm; cách ứng xử của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ do pháp luật quy định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, những người làm việc trong các cơ quan công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức không tự nhiên mà có, mà phải trải qua quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện của các chủ thể quản lý cán bộ, công chức, viên chức và quá trình tự giáo dục, tự bồi dưỡng và tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công, viên chức trong quá trình thực thi công vụ. Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công việc thường xuyên nhằm làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được trau dồi, bồi dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng trong quá trình thực thi công vụ. Đó là công việc không chỉ của bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn là trách nhiệm của các chủ thể quản lý cán bộ, công chức.
Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là quá trình tác động tích cực, thông qua những hình thức và phương pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng, nội dung đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng, làm thay đổi đời sống đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung theo hướng ngày càng hoàn thiện, tích cực hơn. Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bao gồm nhiều nội dung, trong đó cần quan tâm nâng cao lòng yêu nghề, tinh thần tận tụy với công việc được giao; tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân; với thái độ tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân; chịu sự giám sát của nhân dân; là thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong hoạt động công vụ; là luôn nâng cao tinh thần tôn trọng pháp luật, tinh thần hợp tác, tôn trọng đồng nghiệp trong quá trình thực thi công vụ.
Giải pháp nâng cao đạo đức công vụ cho công chức, viên chức thành phố Hà Nội
Bước vào thời kỳ mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, những tác động tích cực và tiêu cực, thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức,... đan xen hết sức phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng, ngang tầm, toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng, đào tạo lực lượng lao động có chất lượng cao. Để góp phần nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức của thành phố Hà Nội, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với hành vi vi phạm đạo đức công vụ, có cơ chế xử lý nghiêm khắc vi phạm đạo đức công vụ. Đối với công chức, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh là cơ sở để hoàn thiện hệ thống thể chế về đánh giá, giám sát hoạt động của công chức, đặc biệt là cơ chế giám sát trực tiếp từ phía nhân dân. Kết quả đánh giá công chức khách quan, trung thực vừa là cơ sở để tiến hành đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng hay kỷ luật, vừa thúc đẩy vai trò tích cực của công chức trong hoạt động quản lý.
Mặc dù pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ ở Việt Nam đã được quy định trong một số luật liên quan đến công chức, viên chức, như: Luật Cán bộ công chức; Luật viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Tuy nhiên, chưa xây dựng luật riêng quy định cụ thể về đạo đức công vụ. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về tăng cường xây dựng đạo đức công vụ trong bối cảnh mới hiện nay, cần nghiên cứu để xây dựng và ban hành Luật Đạo đức công vụ hay Luật Đạo đức của công chức. Việc ban hành luật này không những có tác dụng nêu lên các nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức công vụ, mà còn đưa ra những quy định cụ thể về mục đích đạo đức, hành vi đạo đức và công cụ đạo đức trong quá trình cán bộ, công chức tiếp xúc, làm việc với cơ quan, xã hội, doanh nghiệp và người dân. Việc ban hành luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát việc thực thi đạo đức công vụ.
Có chế tài cụ thể hơn về khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức. Kiên quyết xử lý ngay vi phạm chuẩn mực pháp lý về thực thi công vụ; thi hành pháp luật. Đồng thời có cơ chế khen thưởng xứng đáng cho những ai “chấp hành nghiêm chỉnh chuẩn mực pháp lý”, bằng cả vật chất lẫn tinh thần.
Thứ hai, phát huy tính tích cực, chủ động, gương mẫu của công chức trong thực thi công vụ. Nâng cao đạo đức công vụ cho công chức là công việc thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực không chỉ của đội ngũ công chức, mà còn của toàn thể nhân dân. Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền cũng như toàn xã hội, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức thành phố Hà Nội sẽ ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới mà bối cảnh mới đặt ra.
Thứ ba, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ và đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức công vụ. Giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức giúp công chức hiểu được giá trị của đạo đức công vụ và tiêu chuẩn hành vi trong thực thi công vụ, qua đó khơi dậy động cơ đạo đức và thúc đẩy hành vi đạo đức của cán bộ, công chức. Cốt lõi của giáo dục đạo đức công vụ là làm cho cán bộ, công chức hiểu được vai trò và nghĩa vụ của mình, hiểu được giá trị và ý nghĩa của công việc mà bản thân mình đang thực hiện; nắm được các tiêu chuẩn hành vi trong thực thi công vụ.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ công chức. Hoạt động kiểm tra, giám sát về việc thực hiện đạo đức công vụ cần được tiến hành thường xuyên dưới các hình thức báo cáo, kiểm tra đột xuất, lấy ý kiến của người dân… Thông qua kiểm tra, giám sát, lãnh đạo hiểu đạo đức công vụ được thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao, còn hạn chế những gì nhằm bổ sung, sửa đổi, ngăn chặn các nội dung sai lệch với việc thực hiện đạo đức công vụ. Xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện đạo đức công vụ nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ năm, đổi mới công tác tuyển chọn đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ. Để xây dựng đạo đức công vụ không chỉ dựa vào sự nỗ lực tự giác của mỗi cán bộ, công chức trong phấn đấu, rèn luyện về đức và tài, không chỉ đòi hỏi cần phải đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, mà còn phải chấn chỉnh tổ chức, gắn chặt với công tác tổ chức, khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là khâu tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ (cách dùng người). Dùng người không đúng, không công tâm khách quan, không vì sự nghiệp chung sẽ có hại cho dân, cho nước, sẽ suy yếu văn hóa đạo đức. Vì thế, phải cải cách thể chế, đổi mới công tác cán bộ theo hướng đánh giá đúng cán bộ và sử dụng đúng cán bộ, thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ, khắc phục hiện tượng bổ nhiệm và sử dụng cán bộ không theo năng lực, yếu kém về phẩm chất. Đây là giải pháp then chốt góp phần xây dựng, nâng cao đạo đức công vụ cho công chức, viên chức của thành phố Hà Nội trong giai đoạn hội nhập.
Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ công chức, viên chức là một đòi hỏi tất yếu và cần được thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp mang lại giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, tạo điều kiện cho các giá trị đạo đức phát triển và ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức. Bồi dưỡng và nâng cao đạo đức công vụ trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, công chức; đồng thời là sự nỗ lực chung của các tổ chức đoàn thể, của toàn xã hội. Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và xã hội, đạo đức công vụ của công chức, viên chức thành phố Hà Nội sẽ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới hiện nay./.
Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa - một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng của Thủ đô Hà Nội  (22/07/2023)
Chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội  (21/07/2023)
Đảng bộ quận Thanh Xuân: Học tập, noi gương Bác để xây dựng Đảng bộ quận trong sạch, vững mạnh toàn diện  (20/07/2023)
Nâng cao giáo dục toàn diện ở Thủ đô Hà Nội  (20/07/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên