Kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng về tư tưởng - nhìn từ các cuộc vận động chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc Việt Nam (1954 - 1975)
TCCS - Trong thực tiễn lãnh đạo từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng và xác định, đây là lĩnh vực trọng yếu nhằm xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng với tinh thần sáng tạo và đạt kết quả cao nhất. Những cuộc vận động chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc thời kỳ 1954 - 1975 - giai đoạn có ý nghĩa lịch sử quan trọng - để lại những bài học kinh nghiệm quý về công tác xây dựng Đảng trong lĩnh vực tư tưởng giai đoạn hiện nay.
Các cuộc vận động chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc Việt Nam (1954 - 1975) - một số kinh nghiệm rút ra
Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam bước vào thời kỳ lịch sử đặc biệt. Theo nội dung Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 dọc sông Bến Hải, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là giới tuyến quân sự tạm thời. Ngay sau khi Hiệp định vừa ký kết, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp, chiếm đóng miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam. Thực tiễn lịch sử khắc nghiệt đó đặt ra cho Đảng và nhân dân ta phải đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với mục tiêu hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Hai chiến lược đó có quan hệ mật thiết, quyết định lẫn nhau dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng.
Để thực hiện đồng thời hai chiến lược này, yêu cầu nâng cao vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng được đặc biệt coi trọng. Trong nhiều giải pháp, Đảng nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với 5 cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng lớn được thực hiện ở miền Bắc trong thời kỳ 1954 - 1975:
1- Cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức gắn liền cải cách ruộng đất (tháng 12-1954 đến tháng 7-1956). Ngày 7-12-1954, Đảng ban hành Chỉ thị “Về việc chỉnh đốn chi bộ nông thôn trong cải cách ruộng đất”, nhằm mục tiêu xây dựng các chi bộ trở thành hạt nhân lãnh đạo chính trị ở nông thôn, bảo đảm đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh ở nông thôn.
2- Cuộc chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961. Ngày 25-2-1961, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Về cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân 1961”, là cuộc chỉnh huấn lớn nhất về tư tưởng từ khi hoà bình lập lại ở miền Bắc. Mục đích nhằm tích cực bồi dưỡng và xây dựng tư tưởng mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động, để trên cơ sở đó khắc phục những tư tưởng sai lầm đang cản trở sự nghiệp cách mạng.
3- Cuộc chỉnh huấn mùa Xuân năm 1965. Ngày 2-1-1965, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 88-CT/TW tiến hành cuộc vận động, chỉnh huấn mùa Xuân năm 1965. Cuộc vận động, chỉnh huấn được tiến hành trong toàn Đảng nhằm nâng cao ý chí phấn đấu, ý thức tổ chức và kỷ luật, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân, khắc phục những tư tưởng lệch lạc, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
4- Cuộc vận động xây dựng chi bộ bốn tốt (1962 - 1968). Đầu tháng 6-1962, Ban Bí thư Trung ương Đảng mở cuộc vận động “Xây dựng chi bộ, đảng bộ bốn tốt”. Tiếp đó, ngày 6-7-1965, Ban Bí thư ra Nghị quyết số 122-NQ/TW “Về tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở bốn tốt” trong ba năm (1965 - 1968). Mục tiêu của hai cuộc vận động này nhằm làm cho chi bộ và tổ chức cơ sở đảng trở thành hạt nhân lãnh đạo vững chắc, đủ sức tổ chức và lãnh đạo quần chúng hoàn thành tốt những nhiệm vụ cơ bản đề ra cho từng loại cơ sở, thiết thực đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của miền Bắc.
5- Cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh (1970 - 1972). Ngày 6-3-1970, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 195-NQ/TW quyết định mở cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh. Mục đích chính của cuộc vận động là giáo dục, bồi dưỡng đảng viên, kết nạp đảng viên bảo đảm chất lượng, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng nhằm tăng cường sức chiến đấu, củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng, làm cho Đảng luôn trong sạch và vững mạnh.
Từ việc Đảng lãnh đạo tiến hành các cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho công tác xây dựng Đảng về tư tưởng:
Một là, xây dựng Đảng về tư tưởng phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ chính trị.
Thời kỳ 1954 - 1975 là giai đoạn đầy khó khăn, thử thách trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, ở miền Bắc, các cuộc vận động chỉnh đốn Đảng đều chú trọng đến việc xây dựng một hệ thống tố chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, vững mạnh, có tính kỷ luật cao; xây dựng các cấp ủy đảng đặc biệt chi bộ, đảng bộ cơ sở; tăng cường số lượng, chất lượng, tính chiến đấu cho đội ngũ đảng viên trở thành nòng cốt cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam… Cuộc chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961 diễn ra khi miền Bắc thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Lúc này, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhiều diễn biến phức tạp, sự giác ngộ về chủ nghĩa xã hội còn yếu, tư tưởng tiểu tư sản còn nặng, còn có những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tinh thần phấn đấu cách mạng bị giảm sút, ý thức tổ chức và quan điểm lao động chưa được đề cao tương xứng với tinh thần triệt để của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, Đảng xác định cần phải tiến hành cuộc chỉnh huấn lớn về công tác tư tưởng với mục đích làm cho tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của cách mạng và trở thành một lực lượng vật chất mạnh mẽ bảo đảm thi hành Nghị quyết Đại hội III của Đảng, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước và thúc đẩy cách mạng phát triển lên những bước mới. Do đó, nội dung của cuộc chỉnh huấn tập trung vào xây dựng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động tinh thần làm chủ Nhà nước, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa; quan điểm phục vụ sản xuất; quan điểm cần, kiệm xây dựng Tổ quốc; quan điểm tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1965, tình hình ở Việt Nam có những thay đổi quan trọng, từ bối cảnh chiến tranh ở phạm vi một nửa quốc gia, đã lan rộng trên phạm vi cả nước. Nhiệm vụ chính trị của miền Bắc lúc này là tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại, tiếp tục thực hiện cao hơn nhiệm vụ là hậu phương lớn cho miền Nam. Nhưng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã xuất hiện tư tưởng ngại gian khổ, sợ hy sinh, thiếu cảnh giác cách mạng, tinh thần trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo trong công tác còn thấp. Trước tình hình đó, Đảng thực hiện cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân năm 1965 gắn với “chuyển hướng tư tưởng” theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Trung ương Đảng. Sau chỉnh huấn, đại đa số các tổ chức của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của miền Bắc vững vàng, kiên định về lập trường tư tưởng trong khói lửa của chiến tranh.
Như vậy, các cuộc vận động chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc thời kỳ 1954 - 1975 được thực hiện trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ chính trị. Gắn với điều kiện thực tiễn và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mà nội dung các cuộc chỉnh huấn luôn có sự linh hoạt, điều chỉnh. Điều này đã góp phần đưa miền Bắc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ miền Bắc và là hậu phương vững chắc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hai là, xây dựng Đảng về tư tưởng phải gắn chặt với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tổ chức.
Xác định đúng mối quan hệ giữa xây dựng Đảng về tư tưởng với xây dựng Đảng về chính trị và tổ chức, trong quá trình xây dựng Đảng về tư tưởng ở miền Bắc giai đoạn 1954 - 1975, Đảng luôn chú trọng sự gắn kết với xây dựng Đảng về tổ chức. Cuộc chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961 và mùa Xuân năm 1965 được triển khai sâu rộng với nội dung đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng lý luận Mác - Lê-nin và tư tưởng vô sản cho cán bộ, đảng viên. Quá trình này tác động tới công tác tổ chức, mà cụ thể là chất lượng các tổ chức đảng. Đơn cử, tại tỉnh Bắc Giang, sau cuộc chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961, chất lượng các chi bộ đều có sự chuyển biến, sau xếp loại, đã có có 26 chi bộ kém trở thành chi bộ trung bình, 4 chi bộ từ kém lên khá, 37 chi bộ từ trung bình lên khá (1). Tại Tổng cục Đường sắt, trong cuộc chỉnh huấn, đã tiến hành phân loại được 229 chi bộ, đạt tỷ lệ 60%; mặc dù tiêu chuẩn phân loại chi bộ quy định cao hơn trước nhưng số chi bộ khá và trung bình đều được tăng lên, số chi bộ kém qua mỗi kỳ phân loại thấp dần. Sau cuộc chỉnh huấn, số chi bộ khá chiếm 20%, chi bộ kém chỉ còn 4,3% (2). Sự vững mạnh của chi bộ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở trong những năm sau này.
Thực tiễn của cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở “bốn tốt” đã cho thấy sức gắn kết tự nhiên và cần thiết giữa nội dung, kết quả xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và xây dựng Đảng về tổ chức. Cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở “bốn tốt” đều nhằm vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và lấy đó là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả cuộc vận động. Quá trình chuyển biến của số đông chi bộ, đảng bộ cơ sở từ trung bình hoặc từ kém trở thành “bốn tốt” chính là quá trình tăng cường, chú trọng công tác tư tưởng, chính trị và kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, chính trị với công tác tổ chức. Năm 1965, kết quả xếp loại chi bộ ở khu vực nông thôn: Số chi bộ trung bình giảm từ 38,6% xuống còn 33,2%, số chi bộ kém giảm từ 9,8% xuống còn 8,5%; ở khu vực xí nghiệp, số chi bộ trung bình giảm từ 44,5% xuống còn 36,7%, số chi bộ kém giảm từ 3,1% xuống còn 2,2,%(3). Điều này cho thấy, việc làm tốt công tác tư tưởng, chính trị gắn với công tác tổ chức đã tạo nên nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở “bốn tốt”, nâng cao hơn tinh thần phấn đấu cách mạng, ý thức trách nhiệm, sự gương mẫu của người đảng viên, đồng thời góp phần củng cố, kiện toàn các chi bộ đảng.
Ba là, xây dựng Đảng về tư tưởng cần chú trọng đến nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Luôn coi trọng công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần “thật thà, tự nguyện, chân tình, xây dựng”, các cuộc vận động chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc Việt Nam (1954 - 1975) đã tạo ra không khí cởi mở, dân chủ, khách quan, phê bình đúng người, đúng việc để nhận xét, đánh giá, phân tích, đưa ra ưu điểm và khuyết điểm có lý, có tình. Mỗi cán bộ, đảng viên tiến hành kiểm thảo trên bốn mặt: Nhận thức nhiệm vụ cách mạng; quan điểm lập trường giai cấp; ý thức tư tưởng; tác phong công tác. Trong khi kiểm thảo, các cá nhân thực hiện tự phê bình và phê bình trên tinh thần khách quan, giúp đỡ, không có những hiện tượng phê phán sai trọng tâm hoặc phê phán chụp mũ. Tiến hành phê bình trên cơ sở công việc cụ thể của mỗi người, xác định ưu điểm, khuyết điểm chính và nguyên nhân, tránh lối nêu sự việc chung chung. Thái độ của người được phê bình khiêm tốn, dũng cảm nhận sai lầm và khuyết điểm để sửa chữa. Các cơ quan, đơn vị tiến hành tự phê bình và phê bình với tinh thần tự nguyện, tự giác, qua đó, những tư tưởng sai trái, tự mãn công thần, địa phương, cục bộ, tự do vô kỷ luật, quan liêu mệnh lệnh, ỷ lại, bảo thủ, thiếu trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và quần chúng đã được phê phán sâu sắc. Trong cuộc chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961, các cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình, xem xét lại bản thân một cách nghiêm túc, thấy rõ những sai lầm để sửa chữa và ưu điểm để phát huy. Đơn cử, với tinh thần đó, các cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm thảo đối với 114 đồng chí của Ban Dân tộc Trung ương. Kết quả: có 80 người tư tưởng suy bì đãi ngộ hưởng thụ, 66 người không yên tâm công tác, 68 người kém đấu tranh nội bộ, 54 người kém tinh thần trách nhiệm, 52 người hoài nghi thiếu tin tưởng ở cán bộ lãnh đạo, 47 người cầu an, ngại khó ngại khổ, 47 người tư tưởng rụt rè, 51 người quan liêu đại khái, 68 người phô trương hình thức, 32 người tư tưởng bảo thủ, 16 người tư tưởng dân tộc lớn, tư tưởng dân tộc địa phương (4)…
Trong cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh (1970 - 1972), tại Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, với tinh thần tự phê bình và phê bình cao, chỉ ra những khuyết điểm và đưa ra cách thức sửa chữa cho mỗi đảng viên, nên sau một thời gian đã đưa tỷ lệ đảng viên tốt tăng từ 51% năm 1969 lên 68,6% năm 1972 (5). Với việc thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình trong chỉnh huấn, tư tưởng của mọi người có nhiều biến chuyển, nhiệt tình cách mạng và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân được nâng lên, đoàn kết nội bộ được củng cố, sức chiến đấu của tổ chức đảng được tăng cường. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên càng nhận rõ trách nhiệm của mình trước tình hình, nhiệm vụ mới, thấy rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất, trước hết là sản xuất nông nghiệp, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng tinh thần tập thể, quyết tâm phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực công tác để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp có những chuyển biến tốt, nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững được vai trò, vị trí tiền phong gương mẫu, ngày càng nâng cao được năng lực, trình độ tổ chức lãnh đạo quần chúng thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Vận dụng vào công tác xây dựng Đảng về tư tưởng trong giai đoạn hiện nay
Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định sức mạnh, uy tín của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng Đảng đã đạt được những chuyển biến tích cực. Bản chất, lập trường giai cấp công nhân của Đảng được giữ vững, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên. Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có tiến bộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và trong nước đang có những diễn biến phức tạp, nổi bật là những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực diễn biến phức tạp… Do đó, nhìn từ những kinh nghiệm cuộc vận động chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc thời kỳ 1954 - 1975, để góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về tư tưởng trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục chú trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng. Trong mọi thời kỳ, công tác tư tưởng của Đảng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị. Với giai đoạn hiện nay, điều này lại càng cần thiết. Toàn Đảng, toàn quân và nhân dân đang thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó, công tác tư tưởng phải gắn bó mật thiết và phục vụ hiệu quả mục tiêu trên. Xây dựng Đảng về tư tưởng cần được triển khai đồng bộ, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn có tư tưởng cách mạng triệt để, tư tưởng cách mạng tiến công. Đó là kiên định vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới. Xây dựng Đảng về tư tưởng còn là sự chủ động trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Để làm được điều đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặt ra yêu cầu với mỗi cán bộ, đảng viên ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, luôn có tinh thần trau dồi, nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ hai, xây dựng Đảng về tư tưởng luôn gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng với xây dựng Đảng về chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, gắn bó mật thiết. Bởi vậy, Đảng luôn chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện trên tất cả các mặt. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” (6). Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng về tư tưởng sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Quá trình này cũng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng, bảo đảm cho Đảng vững mạnh về mọi mặt trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Thứ ba, tiếp tục chú trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Để làm tốt công tác tư tưởng, đẩy lùi những suy thoái về tư tưởng, tránh tình trạng mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, cần chú trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Bởi lẽ, thông qua công tác tự phê bình và phê bình là để “thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động” trong Đảng. Tự phê bình và phê bình chính là một cuộc “đấu tranh” trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Việc tự phê bình và phê bình phải được tiến hành kiên quyết, triệt để, thường xuyên trên cơ sở của tình yêu thương đồng chí, để cho đồng chí mình tiến bộ hơn, tốt hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Trong giai đoạn hiện nay, cần đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình gắn với nhận diện sớm những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Từ đó, khắc phục những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ của một đảng duy nhất cầm quyền./.
--------------------------
(1) Tỉnh ủy Bắc Giang: Hồ sơ Báo cáo về tình hình công tác trong 2 năm 1959-1960 và kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ trong đợt chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961, Lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông số 11, Mục lục số 03, ĐVBQ: 2225, t tr. 34 - 35
(2) Đảng bộ Tổng cục Đường sắt: Báo cáo về tình hình cuộc chỉnh huấn mùa Xuân và tình hình công tác năm 1961, Lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, Phông số 11, Mục lục số 03, ĐVBQ: 2018, tr. 28
(3) Ban Tổ chức Trung ương: Báo cáo về tình hình công tác tổ chức năm 1965 và đề nghị về nhiệm vụ và phương hướng công tác tổ chức hai năm 1966 - 1967, Lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, ĐV: 22, STT: 7, tr. 4
(4) Ban Dân tộc Trung ương: Báo cáo của Ban Dân tộc Trung ương về tổng kết đợt chỉnh huấn mùa Xuân 1961 về kiện toàn bộ phận công tác dân tộc và tình hình năm 1962, Lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông số 11, Mục lục số 03, ĐVBQ: 1948, tr. 4
(5) Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa: Báo cáo của Tỉnh ủy Thanh Hóa về tổng kết công tác kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh, tình hình nông thôn trong 2 năm 1971, 1972 và tổng kết 10 năm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông số 11, Mục lục số 03, ĐVBQ: 2346, tr. 18
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 180
Hà Nội: Đột phá vào những khâu mới, việc khó trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh  (03/11/2022)
Đảng bộ thành phố Hà Nội nỗ lực thực hiện các mục tiêu năm 2022  (28/10/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay