Phát triển văn hóa - nghệ thuật nhìn từ phương diện phúc lợi xã hội và dịch vụ xã hội
TCCS - Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, việc tăng cường phúc lợi xã hội ngày càng trở nên cần thiết, góp phần đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân, trong đó có nhu cầu văn hóa. Do đó, việc nghiên cứu các vấn đề về phát triển văn hóa - nghệ thuật nhìn từ phương diện phúc lợi xã hội và dịch vụ xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Văn hóa - nghệ thuật nhìn từ phương diện phúc lợi xã hội và dịch vụ xã hội
Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Ðồng từng khẳng định, cốt lõi của sức sống dân tộc là văn hóa với ý nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả một hệ thống giá trị tư tưởng và tình cảm, đạo đức và phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sức nhạy cảm tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ bản lĩnh và bản sắc của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để tự bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh. Ngày 12-10-2019, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, bao gồm các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược cần tập trung ưu tiên triển khai thực hiện, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam. Ngày 8-11-2019, trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì chưa thành công"(1). Như vậy, những vấn đề về văn hóa nói chung, văn hóa - nghệ thuật nói riêng rất quan trọng và ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm trong quá trình phát triển bền vững đất nước.
Từ nhận thức sâu sắc về những tác động tích cực cũng như mặt trái của kinh tế thị trường, trong quá trình chỉ đạo thực tiễn, Ðảng ta đã xác định phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Ðây chính là quá trình phát triển văn hóa để tạo “sức mạnh nội sinh” và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời, kinh tế phát triển lại là điều kiện cho sự phát triển của văn hóa.
Văn hóa - nghệ thuật là một lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần của xã hội. Ở góc độ tiếp cận phúc lợi xã hội, văn hóa - nghệ thuật nên được nhìn nhận từ vấn đề quyền văn hóa của người dân và cộng đồng. Quyền văn hóa ở đây được hiểu ở ba khía cạnh: quyền được hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật, quyền được sáng tạo văn hóa - nghệ thuật và quyền được tôn trọng biểu đạt đa dạng văn hóa. Tiếp cận từ góc độ này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về hình thức phúc lợi văn hóa (cultural welfare) trong phúc lợi xã hội (social welfare), theo đó, người dân (hay ở một mức độ lớn hơn là cộng đồng) cần phải được thỏa mãn những vấn đề về quyền văn hóa. Những chính sách văn hóa của Nhà nước cần hướng đến việc bảo đảm cho những đối tượng người nghèo, phụ nữ, khuyết tật, dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... được tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, để họ không tụt hậu, không có khoảng cách quá xa với những vùng, cộng đồng có lợi thế hơn, bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận, hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật.
Ở góc độ tiếp cận dịch vụ xã hội, văn hóa - nghệ thuật nên được xem xét từ vấn đề phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa được hiểu là các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Phát triển thị trường văn hóa nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa vận hành theo nguyên tắc thị trường, quy luật thị trường, như cung - cầu, giá cả hay cạnh tranh, từ đó, định hướng cho người sản xuất văn hóa đáp ứng những nhu cầu đa dạng, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cần chú ý đến tính đặc thù, tính độc lập tương đối của văn hóa với kinh tế. Vì thế, phát triển văn hóa - nghệ thuật từ phương diện dịch vụ xã hội chính là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo... văn hóa của nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước.
Vai trò của văn hóa - nghệ thuật đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
Dù được hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, văn hóa - nghệ thuật luôn là một lĩnh vực mang tính bao trùm, có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, văn hóa - nghệ thuật góp phần thực hiện những mục tiêu chính trị, tạo đường hướng phát triển cho đất nước.
Ngay từ năm 1943, trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã đề ra 3 nguyên tắc phát triển văn hóa để giành độc lập cho dân tộc đó là dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Văn hóa - nghệ thuật ở nước ta từ trước tới nay đã được phát triển trên 3 nguyên tắc này. Bác Hồ đã từng nói, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa - nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó. Đây là sự khẳng định vai trò của văn hóa - nghệ thuật trong định hướng phát triển đất nước, khơi dậy sức mạnh tinh thần cho nhân dân để làm nên nhiều thắng lợi vĩ đại. Trong những năm trường kỳ kháng chiến, các bài hát, vở kịch, bài thơ, câu chuyện... đã truyền cảm hứng cho các thế hệ con người Việt Nam để đoàn kết, chiến đấu và chiến thắng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, những nỗ lực sáng tạo của các văn nghệ sĩ tiếp tục đóng góp to lớn vào thành công chung của toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước.
Thứ hai, văn hóa - nghệ thuật góp phần xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Một trong những chức năng quan trọng của văn hóa - nghệ thuật là hướng con người đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Văn học - nghệ thuật truyền thống của cha ông ta đã giúp dân tộc hình thành nền văn hóa tốt đẹp thông qua các thông điệp giáo dục đạo đức của nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, rối nước, ca dao, hò vè... Những giá trị chân chính của con người được điển hình hóa qua các tác phẩm văn hóa - nghệ thuật đã trở thành những giá trị, tấm gương để phát triển nhân cách cho mỗi con người Việt Nam. Trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6- 2014, của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đều nhấn mạnh vai trò đặc biệt này của văn hóa - nghệ thuật, đồng thời đề ra chủ trương phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người.
Thứ ba, văn hóa - nghệ thuật góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Văn hóa - nghệ thuật không đơn thuần là một lĩnh vực giải trí. Những lợi ích kinh tế mà văn hóa - nghệ thuật đem lại cho mỗi quốc gia ngày càng lớn. Theo thống kê, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật đem lại nguồn thu cho nước Mỹ nhiều hơn xuất khẩu vũ khí (vốn là thế mạnh của quốc gia này). “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Theo đó, các ngành công nghiệp văn hóa (gồm các sản phẩm, dịch vụ văn hóa - nghệ thuật) là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Một ví dụ tiêu biểu là: Tổng doanh thu màn ảnh Việt năm 2019 là trên 4.100 tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2018), các phim điện ảnh Việt Nam chiếm 29% doanh thu, với khoảng 1.150 tỷ đồng (gần 500 triệu USD, tăng hơn 40% so với 800 tỷ đồng của năm 2018). Điều này cho thấy tiềm năng kinh tế của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Thứ tư, văn hóa - nghệ thuật giúp hình thành một xã hội giải trí lành mạnh, mang bản sắc dân tộc, tạo dựng “sức mạnh mềm” cho dân tộc.
Một chức năng quan trọng của văn hóa - nghệ thuật là giải trí. Hiện nay, các hoạt động giải trí được đề cao và có những bước phát triển mới. Phát triển văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam giúp định hình được một nền giải trí mang đậm bản sắc dân tộc. Những bộ phim truyện, truyền hình gần đây được quan tâm, như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Về nhà đi con... đã giúp hình thành nên một nền giải trí của người Việt, cho người Việt và vì người Việt. Đây chính là những nền tảng quan trọng giúp chúng ta ngày càng phát triển trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, hình thành nên “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam. Văn hóa - nghệ thuật đã góp phần xây dựng “sức mạnh mềm” của dân tộc cũng từ việc truyền bá những giá trị mới qua chính các hoạt động giải trí, sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật. Trong bối cảnh mới hiện nay, những hiểu biết sâu sắc về sự hình thành và việc gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa có vai trò then chốt đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức của tương lai và giúp định vị quốc gia tốt nhất để đạt được thành công và sự ổn định. Chính vì thế, phát triển văn hóa - nghệ thuật phải gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Một số giải pháp phát triển văn hóa - nghệ thuật thời gian tới
Một là, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa - nghệ thuật trong xây dựng đất nước, con người, trên cơ sở phát triển sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Hai là, tăng cường giáo dục nghệ thuật, góp phần xây dựng con người mới với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Giáo dục nghệ thuật cần phải được xem là một trong những mục tiêu chính của giáo dục ở mọi cấp học. Giáo dục nghệ thuật giúp hình thành nên những con người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, từ đó có sức đề kháng với cái xấu, việc làm xấu, đồng thời hình thành nên công chúng cho thị trường nghệ thuật trong tương lai.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với những người hoạt động văn hóa - nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu đối với văn nghệ sĩ. Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật song song với đề cao ý thức về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn hóa - nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, coi trọng đề tài truyền thống, đồng thời bám sát thực tiễn cuộc sống của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt đề tài về chống tham nhũng, chống xuống cấp đạo đức. Thực hiện chính sách đặt hàng các tác phẩm văn hóa - nghệ thuật.
Bốn là, tiếp thu tinh hoa của các thế hệ tiền nhân và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại. Tiếp tục đổi mới, phát triển lý luận văn nghệ và mỹ học mác - xít; đề cao đạo đức văn hóa tranh luận và ý thức trách nhiệm của người phê bình văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò của công tác phê bình văn học, nghệ thuật, kiến trúc trong đánh giá, định hướng sáng tác, hướng dẫn dư luận và thị hiếu văn hóa - nghệ thuật cho công chúng. Chọn lọc và công bố những tác phẩm văn nghệ trong và ngoài nước có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Ưu tiên tác phẩm lý luận, chính trị, tác phẩm phục vụ thiếu nhi, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Chọn lọc, đầu tư dàn dựng tác phẩm kinh điển thế giới. Ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá tác phẩm văn học, nghệ thuật có ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Năm là, thực hiện dân chủ, tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật đi đôi với thực hiện trách nhiệm công dân của trí thức, văn nghệ sĩ. Trọng dụng trí thức, văn nghệ sĩ với những chính sách đặc biệt, tạo điều kiện cho các trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn văn hóa - nghệ thuật Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Sáu là, đổi mới hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương; phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, có tài năng, ưu tiên người dân tộc thiểu số.
Bảy là, phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, Nhà nước kiến tạo hành lang pháp lý để quản lý tốt thị trường văn hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng.
Tám là, phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật của người dân. Khuyến khích phát triển thị trường văn hóa số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số. Nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông. Phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đầu tư hạ tầng công nghệ số cho các vùng chậm phát triển; tăng cường sử dụng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số trên các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông mới. Xây dựng hệ thống giải pháp ngăn chặn các ảnh hưởng, tác động tiêu cực của văn hóa số đến người dân.
Tóm lại, văn hóa - nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước nói chung, bảo đảm phúc lợi xã hội và dịch vụ xã hội nói riêng. Phát triển sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật giúp thực hiện ngày càng đầy đủ, bình đẳng và chất lượng quyền văn hóa của người dân và cộng đồng, giúp người dân thêm tin yêu vào Đảng và Nhà nước, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển đất nước, giúp đất nước đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” từ chính sức mạnh của văn hóa - nghệ thuật./.
________
(1)Xem:http://baovanhoa.vn/chinh-tri/thoi-su/artmid/564/articleid/23733/thu-tuong-neu-chung-ta-khong-tro-thanh-mot-cuong-quoc-van-hoa-thi-chua-thanh-cong
Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch Thủ đô  (27/11/2020)
Hà Nội nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân  (18/10/2020)
Văn học Việt Nam đương đại: Thành tựu và những vấn đề đặt ra (Kỳ 1)  (07/08/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển