TCCSĐT - Từ ngày 06-5 đến 08-5-2016, tại cố đô Luang Prabang của Lào đã diễn ra các hội nghị SOM ASEAN nhằm triển khai các quyết định được thông qua tại các Hội nghị cấp cao tháng 11-2015, kiểm điểm kế hoạch hành động và chuẩn bị cho các Hội nghị cấp Bộ trưởng, cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra vào cuối năm.

G7 cam kết thúc đẩy đầu tư và bảo đảm an ninh năng lượng


 
 Ảnh minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 02-5-2016, kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thành phố Kitakyushu, Tây Nam Nhật Bản, các bộ trưởng năng lượng của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã ra tuyên bố chung nêu rõ năng lượng đóng một vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong các phiên thảo luận, các bộ trưởng đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Italy và Nhật Bản đã nhất trí rằng cần đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy sản xuất năng lượng đáp ứng nhu cầu lâu dài tại các thị trường mới nổi. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư toàn cầu vào sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đã giảm 20% trong năm 2015 do giá dầu giảm mạnh. Do đó, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào các dự án phát triển dầu mỏ và khí đốt, cả trong khu vực công và khu vực tư nhân, nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định lâu dài để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu tại châu Á đang ngày càng tăng. Các bộ trưởng G7 khẳng định cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các nhà máy năng lượng sử dụng nhiên liệu hiệu quả và giảm thiểu tác động đến môi trường, phát triển các công nghệ năng lượng sạch nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng kêu gọi lập kế hoạch nhằm bảo đảm nguồn cung khí đốt tự nhiên trong các trường hợp khẩn cấp. Tuyên bố chung nhất trí nghiên cứu thiết lập một hệ thống thông qua IEA để chia sẻ thông tin về tình hình cung - cầu và các tuyến đường vận chuyển nhằm tránh sự thiết hụt nguồn cung khí đốt. Các bộ trưởng cũng chia sẻ quan điểm về việc phát triển thị trường khí hóa lỏng nhằm hoàn thiện hệ thống định giá theo thị trường, đồng thời cải thiện tình trạng thanh khoản và sự linh hoạt trong giao dịch. Kết quả của hội nghị trên sẽ được xem xét trong phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 tại Ise-Shima, thuộc tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản.

Châu Phi: Hơn 5 triệu bệnh nhân HIV/AIDS chưa được điều trị


 
Hiện có tới 5 triệu bệnh nhân HIV/AIDS ở các quốc gia khu vực Trung và Tây Phi chưa được điều trị. Ảnh minh họa: irishaid.ie

Theo báo cáo vừa công bố của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch bệnh HIV/AIDS đang có nguy cơ chững lại khi hiện có tới 5 triệu bệnh nhân HIV/AIDS ở các quốc gia khu vực Trung và Tây Phi chưa được tiếp cận và điều trị bằng các loại thuốc đặc trị Retroviral. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của MSF, hiện có 1/4 bệnh nhân tử vong toàn cầu có liên quan đến HIV/AIDS tập trung ở hai khu vực nhảy cảm này. Hiện nhu cầu chữa trị ở Trung và Tây Phi còn rất lớn bởi mới chỉ có 24% số bệnh nhân được tiếp cận việc phòng chống và điều trị.

Ông Eric Goemaere, Điều phối viên y tế của MSF, cho biết các trở ngại lớn nhất trong việc điều trị căn bệnh thế kỷ là thiếu các cơ sở y tế, trang thiết bị y tế xét nghiệm và thuốc chữa bệnh điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, đặc biệt là sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với các người nhiễm bệnh. Ngoài ra, MSF cũng cảnh báo các bệnh nhân HIV/AIDS là những đối tượng dễ nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm khác như Ebola. Trong tổng số 11.300 trường hợp tử vong do virus Ebola đã hoành hành tại khu vực Tây Phi từ cuối năm 2013 có rất nhiều bệnh nhân HIV/AIDS. Báo cáo nhấn mạnh mục tiêu toàn cầu đối phó với HIV/AIDS đến năm 2020 sẽ không đạt, trừ khi cộng đồng quốc tế ưu tiên hơn nữa cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này ở các nước Trung và Tây Phi.

ECB quyết định ngừng phát hành tiền giấy mệnh giá 500 euro


 
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo quyết định
ngừng in và phát hành tiền giấy mệnh giá 500 euro.
Ảnh: Reuters

Ngày 04-5-2016, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo quyết định ngừng in và phát hành tiền giấy mệnh giá 500 euro, theo lộ trình đến cuối năm 2018 ngừng lưu thông đồng tiền này. Các ngân hàng có thể thu hồi và đổi đồng tiền này sang các mệnh giá nhỏ hơn vào bất kể thời gian nào. Với lộ trình này, từ nay tới cuối năm 2018, khoảng 600 triệu euro tiền giấy mệnh giá 500 euro sẽ được các ngân hàng thay thế bằng các đồng tiền mệnh giá nhỏ hơn, gồm 200, 100, 50, 20, 10 và 5 euro. Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, việc từng bước loại bỏ tiền 500 euro nhằm hạn chế nguy cơ đồng tiền mệnh giá cao này bị sử dụng vào mục đích tài trợ khủng bố, rửa tiền và các vụ việc vi phạm pháp luật.

Theo tính toán, một khoản tiền 10 triệu euro, nếu với tiền giấy mệnh giá 50 euro, sẽ gồm 200.000 tờ với tổng trọng lượng lên tới 184kg; trong khi nếu mệnh giá 500 euro thì chỉ cần 20.000 tờ và trọng lượng chỉ khoảng 22kg. Quyết định trên của ECB gây ra những dư luận trái chiều. Đức là một trong số ít quốc gia ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ủng hộ lưu hành đồng tiền này. Các chính trị gia cánh tả, giới bảo vệ người tiêu dùng cho tới những người đứng đầu các ngân hàng liên bang và quỹ tiết kiệm ở Đức đều phản đối quyết định trên của ECB. Cũng có ý kiến cho rằng việc loại bỏ đồng 500 euro không phải là biện pháp nhằm hạn chế hoạt động tội phạm có tổ chức hay rửa tiền mà đây là một trong những thử nghiệm đầu tiên nhằm “loại bỏ” tiền mặt trong đời sống kinh tế. Một số chuyên gia dự đoán, khoảng 10 năm nữa tiền mặt sẽ không còn được sử dụng phổ biến trong giao dịch như hiện nay.

Các hội nghị SOM ASEAN: Quan ngại trước các thách thức an ninh trong khu vực



 
Các đại biểu dự Hội nghị SOM ASEAN+3. Ảnh: Vietnam+

Từ ngày 06-5 và 08-5-2016, tại cố đô Luang Prabang của Lào đã diễn ra các Cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN+3 (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và cuộc họp SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Tại cuộc họp SOM ASEAN, các nước cam kết triển khai hiệu quả, thực chất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN liên kết sâu rộng, toàn diện và hướng tới người dân; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Tại cuộc họp SOM ASEAN+3 (ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), các nước nhất trí nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tiến độ triển khai Kế hoạch Công tác ASEAN+3 giai đoạn 2013 - 2017; đồng thời xem xét xây dựng Kế hoạch Công tác ASEAN+3 giai đoạn mới; tiếp tục triển khai các khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn Đông Á. Tại cuộc họp SOM EAS (ASEAN và 8 nước đối tác Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ), các nước nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của EAS, như năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường, tài chính; tăng cường phối hợp và bổ trợ giữa EAS với các diễn đàn khác do ASEAN đóng vai trò chủ đạo như ASEAN+1, ASEAN+3, ADMM+, ARF. Tại cuộc họp SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các đại biểu tập trung đánh giá các hoạt động hợp tác trong năm giữa kỳ 2015 - 2016, chuẩn bị các hoạt động hợp tác cho năm giữa kỳ tiếp theo và bàn cách thức tăng cường và định hướng tương lai ARF.

Tại các cuộc họp, các nước dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về các nguy cơ đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không quân sự hóa, không đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cũng như các tiến trình pháp lý, ngoại giao; thực hiện hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Cuộc biểu tình lớn nhất ở Ba Lan kể từ năm 1989

 
 Dòng người biểu tình tại Vacsava. Ảnh: TTXVN

Ngày 07-5-2016, khoảng 240.000 người ủng hộ các đảng đối lập ở Ba Lan đã tập trung tại Thủ đô Vacsava để biểu tình ủng hộ sự đoàn kết với Liên minh châu Âu (EU) và phản đối chính sách đối ngoại, đối nội của Đảng Luật pháp và Công lý (PiS). Số người tham gia ở mức kỷ lục, biến sự kiện này trở thành cuộc biểu tình lớn nhất ở Ba Lan kể từ năm 1989 đến nay.

Đoàn người kéo dài hơn 3km và số lượng người tham gia đông đảo vượt dự đoán của cảnh sát và chính quyền thành phố. Đáng chú ý, dẫn đầu cuộc biểu tình lần này có cựu Tổng thống Ba Lan Bronislav Komorovski, cựu Ngoại trưởng Grzegorz Shetyna - hiện là Chủ tịch đảng Diễn đàn Nhân dân (PO), và một số lãnh tụ các đảng cánh tả và bảo thủ đối lập khác. Tuy nhiên, chủ tịch PiS Jaroslav Kaczynski cho rằng số người biểu tình kỷ lục “không phải vấn đề lớn” và “không phải mối đe doạ”. Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Vacsava và Brussels bắt đầu căng thẳng từ nhiều tháng qua mà nguyên nhân chính là do những cải cách luật pháp mà PiS tiến hành như muốn tăng quyền tuyệt đối cho lực lượng cảnh sát và giới hạn quyền lực của toà án hiến pháp, cũng như việc chỉ định người đứng đầu các vị trí lãnh đạo các cơ quan truyền thông công cộng ở nước này. Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành các thủ tục nhằm đánh giá xem liệu Ba Lan có tuân thủ các tiêu chuẩn của EU hay không, trong khi các chuyên gia luật của Hội đồng châu Âu cũng đang nghiên cứu đánh giá các cải cách của Ba Lan./.