TCCSĐT - Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, được tổ chức tại Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ trong hai ngày 15 và 16-02-2016. Đây là hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời và lần đầu được tổ chức tại Mỹ.
Trao bổ sung 62 suất học bổng cho con em Việt kiều Lào sang theo học tại Việt Nam

Sáng 15-02-2016, tại Thủ đô Viêng Chăn, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Tổng Hội người Việt Nam tại Lào đã tổ chức trao bổ sung 62 suất học bổng cho con em Việt kiều Lào sang theo học tại Việt Nam, nâng số lượng học bổng dành cho con em Việt kiều tại Lào trong năm học 2015 - 2016 lên 92 suất học bổng toàn phần, mức cao nhất từ trước tới nay dành cho con em Việt kiều tại Lào. Đây là món quà thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam, của cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với bà con Việt kiều tại Lào; bày tỏ mong muốn các cháu học sinh sẽ nỗ lực học tập thành tài để về phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước Lào ngày một phồn vinh và phát triển, đồng thời góp phần tích cực cho việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam; Việt Nam và Lào, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào nói chung, của cộng đồng Việt kiều tại Lào và cha mẹ nói riêng. Đại sứ hy vọng các cháu đi học trong đợt học này sẽ có nhiều cháu đạt thành tích cao, đạo đức tốt để tiếp tục được Chính phủ Việt Nam trao học bổng học thạc sĩ, tiến sĩ tại Việt Nam.

Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Lào Nguyễn Duy Trung đã cảm ơn Chính phủ Việt Nam và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như Chính phủ Lào đã dành sự quan tâm đặc biệt tới con em Việt kiều tại Lào, khẳng định đây là những học bổng rất quý giá, góp phần tạo nên nguồn nhân lực giúp phát triển đất nước Lào nói chung, phát triển cộng đồng Việt Nam tại lào nói riêng. Trong chuyến công tác tại Lào vào cuối tháng 9-2015 vừa qua, sau khi nghe báo cáo của Đại sứ quán về kết quả triển khai 30 học bổng nêu trên cũng như nhu cầu học tập rất lớn theo truyền thống ham học của người Việt Nam tại Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý dành tặng thêm 62 suất học bổng dành cho các ứng viên là con em Việt kiều đã đăng ký đi học Việt Nam lần này, gồm 1 suất học tiến sĩ, 2 suất học thạc sĩ, còn lại là đại học. Theo chỉ tiêu học bổng theo Hiệp định Hợp tác song phương về Giáo dục và Đào tạo giữa hai Chính phủ Lào và Việt Nam năm học 2015 - 2016, Chính phủ Việt Nam đã dành cho bạn Lào 1.000 suất học bổng, trong đó có 30 suất dành cho học sinh là con em Việt kiều tại Lào gồm đó 3 suất học thạc sỹ, 27 suất học đại học.

Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông


Ngày 15-02-2016, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề: “Tôn trọng các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc - yếu tố then chốt nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Trong bài phát biểu mở đầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu đạt được, thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức như nội chiến leo thang ở Syria và Yemen, chủ nghĩa bạo lực cực đoan lan rộng, các giá trị cơ bản của luật nhân đạo và luật nhân quyền quốc tế bị xem nhẹ. Tổng Thư ký nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong việc chỗ trợ xây dựng năng lực giúp các nước nhận biết và xử lý xung đột và khủng hoảng, thông qua các biện pháp ngăn ngừa như phát hiện, cảnh báo sớm, đồng thời khẳng định phương châm hoạt động của Liên hợp quốc dựa trên hợp tác, minh bạch và tôn trọng chủ quyền quốc gia theo đúng tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền con người; nhấn mạnh giá trị của các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay; kêu gọi Liên hợp quốc, đặc biệt là các cơ quan chính là Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), cần đi đầu thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương trên cơ sở tôn trọng giá trị, bản sắc riêng của mỗi nướcvề lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội. Đại sứ cho rằng Liên hợp quốc cần phát huy vai trò hỗ trợ giải quyết hòa bình tranh chấp và ngăn ngừa xung đột; Hội đồng Bảo an cần ưu tiên sử dụng các biện pháp hòa bình theo Điều 33 của Hiến chương, tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực, thực hiện tốt vai trò trung gian hòa giải, huy động nguồn lực và nâng cao năng lực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh vai trò đoàn kết của ASEAN trong việc bảo đảm cấu trúc an ninh và ổn định tại khu vực, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông với những hành động đơn phương xây dựng, mở rộng đảo, đá bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến môi trường và gây phương hại nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Đại sứ đề nghị các bên liên quan chấm dứt những hành động làm thay đổi hiện trạng, quân sự hóa hoặc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông; kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần này có ý nghĩa hết sức đặc biệt nhìn từ nhiều góc độ, không chỉ ở tên gọi của Hội nghị mà còn ở chính bối cảnh, đặc điểm cũng như các nội dung được thảo luận và kết quả của Hội nghị.

Thứ nhất, đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào ngày 31-12-2015. Qua Hội nghị, có thể thấy Hoa Kỳ rất coi trọng vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, mong muốn đưa quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia và khu vực. Việc các nhà Lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ cùng ngồi lại và trao đổi về các cơ hội, thách thức ở khu vực cũng như các vấn đề xuyên biên giới như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu… cũng đã thể hiện tầm vóc và vai trò không thể thiếu của ASEAN, với tư cách là một đối tác đáng tin cậy, một tổ chức có vai trò dẫn dắt ở khu vực, một cộng đồng kinh tế có tính cạnh tranh, hấp dẫn với tổng GDP trên 2.500 tỉ USD và một thị trường 625 triệu người tiêu dùng.

Thứ hai,
Hội nghị này là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ và cho thấy Hoa Kỳ ngày càng cam kết mạnh mẽ đối với khu vực và ASEAN. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2011, Hoa Kỳ đã chính thức hóa Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ năm 2013 và nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN tháng 11-2015. Hai bên cũng đã thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 để thúc đẩy các hoạt động hợp tác thời gian tới. Việc chủ động đề xuất họp cấp cao ngay sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành thể hiện Hoa Kỳ ngày càng coi trọng vai trò then chốt của ASEAN, mong muốn ASEAN tiếp tục gắn kết và hợp tác sâu rộng với Hoa Kỳ. Việc tổ chức Hội nghị tại Sunnylands, bang California, nơi có nhiều doanh nghiệp, trung tâm công nghệ cao của Hoa Kỳ và cộng đồng người dân gốc Đông Nam Á sinh sống cũng cho thấy Hoa Kỳ muốn gắn kết hơn với ASEAN thông qua hợp tác kinh tế, đầu tư, công nghệ cao, giáo dục và giao lưu nhân dân..

Thứ ba, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang có những bước tiến triển quan trọng sau khi hình thành khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào tháng 7-2015. Vào những ngày đầu tháng 02-2016 vừa qua, Việt Nam đã tham gia ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Hoa Kỳ và một số nước trong khu vực, qua đó cho thấy cam kết và mức độ hợp tác ngày càng sâu rộng, chặt chẽ giữa hai nước trên nhiều mặt, cả ở góc độ song phương và đa phương.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp cho thành công chung của Hội nghị, cả trong các phiên thảo luận cũng như quá trình xây dựng Tuyên bố chung Sunnylands. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có phát biểu tại cả 3 phiên thảo luận, chia sẻ những đánh giá quan trọng về tình hình chiến lược khu vực. Về tình hình khu vực, chúng ta nêu quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông và chia sẻ quan điểm của Hội nghị là cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển Liên hợp quốc năm 1982, kiềm chế, không quân sự hóa, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đi vào thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, chúng ta cũng chia sẻ quan ngại về sự gia tăng các thách thức phi truyền thống ở khu vực như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu…

Để giải quyết các thách thức trên, chúng ta nhấn mạnh nhu cầu xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại, hợp tác, giải quyết hòa bình các tranh chấp, phát huy vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là vai trò của ASEAN. Việt Nam ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ ASEAN và Hoa Kỳ đi vào thực chất, chú trọng các lĩnh vực cả hai bên cùng quan tâm và Hoa Kỳ có thế mạnh như thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân… Chúng ta đã đề xuất 2 sáng kiến của Việt Nam về việc lập các Trung tâm ASEAN-Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác hai bên trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ và một số lãnh đạo các nước ASEAN để thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi về những nội dung lớn của Hội nghị. Các hoạt động của đoàn Việt Nam tại Hội nghị được Hoa Kỳ và các nước thành viên đánh giá cao, qua đó góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII, đề cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sinh động hình ảnh một nước Việt Nam năng động, tích cực và có trách nhiệm.

Đặc phái viên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân hội kiến Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Bounnhang Volachith

Sáng 18-02-2016, tại thủ đô Viêng Chăn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đồng chí Bounnhang Volachith, đã tiếp thân mật đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Hoàng Bình Quân bày tỏ vinh dự được cử làm Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thông báo kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng ta với Tổng Bí thư Bounnhang Volachith và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Lào; chân thành cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã gửi Điện chúc mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Bounnhang Volachith đã gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cử Đặc phái viên của Tổng Bí thư sang chúc mừng thành công Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và thông báo kết quả Đại hội lần thứ X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngay sau khi Đại hội XII kết thúc, thể hiện tình đồng chí anh em thân thiết và tin cậy giữa hai Đảng, hai nước.

Đồng chí Hoàng Bình Quân khẳng định việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nguyện làm hết sức mình cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào mãi mãi giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Đồng chí Hoàng Bình Quân đã thông báo cụ thể về kết quả Đại hội lần thứ XII Đảng ta với Tổng Bí thư Bounnhang Volachith và trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc sức khỏe và lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tổng Bí thư Bounnhang Volachith và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Tổng Bí thư Bounnhang Volachith đánh giá cao và trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cử Đặc phái viên sang thông báo trực tiếp, kịp thời tới các đồng chí lãnh đạo của Lào về kết quả Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện sinh động mối quan hệ gắn bó, tin cậy và tình cảm đồng chí, anh em thân thiết Lào-Việt Nam. Đồng chí Bounnhang Volachith chúc mừng thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, coi đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào; nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đạt được qua 30 năm đổi mới và những thành quả quan trọng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; bày tỏ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tổng Bí thư Bounnhang Volachith bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước; bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc về sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, kịp thời và hiệu quả mà Việt Nam dành cho Lào trong suốt thời gian qua; khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam là quy luật tồn tại, phát triển của mỗi Đảng, mỗi nước; Lào sẽ làm hết sức mình cùng với Việt Nam giữ gìn và vun đắp tình cảm quý báu này mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Tổng Bí thư Bounnhang Volachith trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc sức khỏe đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhận lời mời sẽ thu xếp sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đồng chí Hoàng Bình Quân đã đến chào và thông báo kết quả Đại hội lần thứ XII của Đảng ta với đồng chí Phankham Viphavan, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào; với Lãnh đạo Văn phòng Trung ương, các Ban xây dựng Đảng, Hội đồng Khoa học Xã hội Quốc gia; Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia và Bộ Ngoại giao Lào; thăm, chúc Tết và thông báo kết quả Đại hội lần thứ XII với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Đoàn đại biểu tỉnh Gunma

Sáng 18-02-2016, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Đoàn đại biểu tỉnh Gunma, Nhật Bản do Thống đốc Osawa Masaki làm Trưởng đoàn. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm của Thống đốc Osawa Masaaki và Đoàn công tác tỉnh Gunma sang thăm làm việc tại Việt Nam đúng vào dịp đầu xuân năm mới Bính Thân 2016; thông qua Thống đốc, Chủ tịch nước gửi lời chào tới Nhà vua Akihito, Hoàng hậu và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Chủ tịch nước đánh giá cao việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Gunma và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam; cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam và tỉnh Gunma có thể nghiên cứu để đưa những doanh nghiệp quan tâm sang đầu tư kinh doanh. Chuyến thăm của Đoàn sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung; giữa Việt Nam và Gunma nói riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Chủ tịch nước hoan nghênh Gunma đã tạo điều kiện cho khoảng 3.000 người Việt Nam đang học tập, tu nghiệp tại tỉnh. Điều quan trọng nhất đối với những lao động này là sẽ tích lũy những kinh nghiệm làm việc cũng như nâng cao tay nghề. Chủ tịch nước mong muốn, sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số Hiệp định kinh tế thế hệ mới, tỉnh Gunma hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam phát triển trong những lĩnh vực thế mạnh của Gunma như phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ.

Trước đó, chiều 17-02, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đoàn đại biểu tỉnh Gunma, Nhật Bản do Thống đốc Osawa Masaaki làm Trưởng đoàn. Đánh giá cao chương trình làm việc tại Việt Nam của đoàn về việc tổ chức hội thảo giới thiệu tiềm năng của tỉnh, h ướng hợp tác với Việt Nam cũng như việc k ý Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư giữa tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng những hoạt động trên thể hiện sinh động việc đưa mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam hoan nghênh và mong muốn các địa phương của hai nước tăng cường xây dựng mối quan hệ thân thiết, mở rộng giao lưu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của tỉnh Gunma sang đầu tư kinh doanh lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ hi vọng chuyến thăm lần này sẽ là cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh Gunma với Việt Nam trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, đặc biệt là về hợp tác du lịch, tiếp nhận điều dưỡng viên, thực tập sinh Việt Nam và giao lưu nghị sĩ, giao lưu nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và nhân dân tỉnh Gunma đã dành cho gần 3.000 người Việt Nam đang học tập, tu nghiệp tại tỉnh . Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn thời gian tới, tỉnh Gunma tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam sang làm việc trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Thông báo kết quả việc ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác, trao đổi kinh tế với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Thống đốc Osawa Masaaki nhấn mạnh đây là cơ hội tăng cường, mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, giao lưu về công nghệ , nhân lực để phát triển mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Gunma và Việt Nam. Thống đốc Osawa Masaaki bày tỏ mong muốn Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Gunma và các doanh nghiệp của tỉnh trong các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam tham dự Phiên đối thoại cấp bộ trưởng tại Đối thoại Delhi lần thứ 8

Chiều 18-02-2016, phiên đối thoại cấp bộ trưởng tại cuộc Đối thoại Delhi lần thứ 8 đã diễn ra tại khách sạn Oberoi, trung tâm thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự phiên đối thoại và có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện này. Thứ trưởng Lê Hoài Trung nêu bật bốn điểm mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ có thể hợp tác để hòa nhập hơn nữa các chuỗi giá trị khu vực và các mạng lưới sản xuất. Thứ nhất, Ấn Độ và ASEAN nên nỗ lực hơn nữa để đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư và kinh doanh song phương. Thứ hai, Ấn Độ và ASEAN cần xác định những lĩnh vực cụ thể có lợi thế so sánh. Thứ ba, Ấn Độ và ASEAN cần tăng cường những liên kết kinh tế thông qua việc tập trung vào kết nối khu vực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và các biện pháp thúc đẩy thương mại cũng như trao đổi nhân dân. Thứ tư là tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ trong những năm tới. Ấn Độ và ASEAN cần phải tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị và an ninh để đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh nhằm đem lại sự thành công kinh tế bền vững.

Trước đó, phát biểu tại phiên đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh năm 2015 đã chứng kiến nhiều diễn tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ. Những thành tựu mà ASEAN đạt được trong 5 thập niên qua thật sự ấn tượng và trong thời gian gần đây, vai trò quan trọng của ASEAN trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng lên. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN hồi tháng 12 vừa qua cũng là một bước tiến. Ấn Độ và ASEAN là hai điểm sáng lạc quan trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn bấp bênh và Cộng đồng ASEAN đã mở ra nhiều cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế-xã hội chung trong bối cảnh Ấn Độ muốn là một phần của sự tăng trưởng ấy. Ngoại trưởng S.Swaraj nhận định hòa bình và ổn định là điều kiện tiên quyết quan trọng cho tiến bộ và phát triển, đồng thời tuyên bố các đại dương và biển, trong đó có Biển Đông là những con đường dẫn tới thịnh vượng và an ninh, cần phải giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Sau phiên đối thoại trên, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Swaraj; gặp Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách phương Đông của Ấn Độ Anil Wadhwa. Hai bên đã thảo luận về những vấn đề song phương và khu vực cùng quan tâm. Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã đến thăm, nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán.

Tổng kết 10 năm hợp tác phát triển khu vực biên giới Lào - Việt Nam


Ngày 19-02-2016, tại thủ đô Viêng Chăn, Ủy ban Phát triển Nông thôn và Xóa nghèo, thuộc Văn phòng Chính phủ Lào, đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án hợp tác phát triển cụm bản trung tâm khu vực biên giới Việt-Lào giai đoạn 2005-2015 với sự tham dự của các bộ, ban, ngành có liên quan của Lào.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết Dự án Hợp tác phát triển cụm bản trung tâm khu vực biên giới Việt Nam - Lào là dự án được triển khai và tổ chức thực hiện theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước và Hiệp định về hợp tác toàn diện giữa chính phủ Lào và Việt Nam giai đoạn 2005-2015, nhằm xây dựng biên giới Việt Nam - Lào thành khu vực phát triển, hòa bình, ổn định. Theo đó, dự án được tổ chức thực hiện từ năm 2005 tại 15 cụm bản trung tâm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, … dọc theo tuyến biên giới của hai nước tại 14 huyện của 10 tỉnh như Xiêng Khoảng, Át-ta-pư, Viêng Chăn, Xay-xổm-bun, Bô-ly-khăm-xay…. để triển khai các hạng mục như: xây dựng hệ thống nước sạch, thủy lợi, xây dựng trạm xá, lập tủ thuốc, xây dựng hệ thống phát thanh, nâng cấp các tuyến đường liên bản, liên thôn….

Qua 10 năm triển khai thực hiện, dự án đã thu được những thành tựu rõ ràng trên nhiều lĩnh vực, diện mạo các khu vực được xây dựng đều có sự phát triển rõ rệt, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước Lào nói chung và cho sự ổn định tại khu vực biên giới giữa hai nước nói riêng. Sau khi tổng kết công tác triển khai thực hiện trong 10 năm qua, Hội nghị cũng thảo luận về đề ra phương hướng kế hoạch hợp tác trong 5 năm tới (2016-2020).

Các nước, bạn bè quốc tế chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Trong những ngày qua, lãnh đạo các đảng, các nước và bạn bè quốc tế tiếp tục gửi thư, điện chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhân dịp đồng chí được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.

Trong đó có điện chúc mừng của: Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Suravanram Sudhakar Reddy; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Marxist Sitaram Yechury; Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee; Chủ tịch Đảng Hành động Nhân dân Singapore Khaw Bun Wan; Tổng thống Cộng hòa Belarus Lukashenko Aleksandr; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha Jerónimo de Sousa; Tổng Bí thư Đảng Tiến bộ của Nhân dân Lao động Síp Andros Kyprianou; Đảng Dân chủ Italy; Tổng thống Italy Sergio Mattarella; Tổng Bí thư Đảng Tái lập Cộng sản Italy Paolo Ferrero; Đảng bộ Đảng Cộng sản Italy tại Vernider; Đảng Lao động Bỉ; Đảng Cộng sản Đức; Đảng Dân chủ Xã hội Đức; Tổng Bí thư Đảng Dân chủ Xã hội Đức Katarina Barley; Trưởng Đại diện Viện Friedrich Ebert tại Việt Nam (FES) Erwin Schweisshelm; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka D.E.W Gunasekera; Bí thư Toàn quốc Đảng Lao động Thụy Sỹ Amanda Loset; Đảng Xã hội Pháp; Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab; Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật Bản -Việt Nam Furuta Motoo; Chủ tịch Hội đồng thúc đẩy hòa bình và hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Murayama Tomiichi; Chủ tịch Hội Nhật-Việt Shoei Utsuda; Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty Sumitomo Kuniharu Nakamura; Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Mitsubishi Ken Kobayashi.

Tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các nghị sỹ Việt Nam-Nhật Bản

Chiều 22-02-2016, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Tô Huy Rứa đã tiếp, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt Tsutomo Takebe đang thăm làm việc tại nước ta. Bày tỏ vui mừng được gặp lại ông Tsutomo Takebe , người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Tô Huy Rứa đánh giá cao vai trò và sự ủng hộ quan trọng của ông Tsutomo Takebe trong hơn 20 năm qua, góp phần vào sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung và hai Nhóm Nghị sỹ hữu nghị của Quốc hội hai nước nói riêng.

Ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết của ông Tsutomo Takebe dành cho việc xây dựng dự án Trường Đại học Việt-Nhật, góp phần thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nước một cách thiết thực, hiệu quả, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Tô Huy Rứa nhấn mạnh, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản luôn ủng hộ các hoạt động của Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật- Việt; tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, vun đắp cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự ổn định, hòa bình và phồn vinh trong khu vực; đồng thời tin tưởng với ảnh hưởng và tâm huyết của ông Tsutomo Takebe cùng sự quyết tâm của hai bên, Trường Đại học Việt-Nhật sẽ sớm đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực.

Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt Tsutomo Takebe bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam; đánh giá cao sự phát triển toàn diện của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam nói chung và hoạt động thiết thực, hiệu quả của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước nói riêng trong những năm qua; mong muốn thúc đẩy nhanh chóng dự án Trường Đại học Việt- Nhật; và khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội, tăng cường giao lưu giữa các nghị sỹ Việt Nam - Nhật Bản.

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp Đoàn Tổ chức Quốc tế Tôn giáo vì hòa bình

Chiều 22-02-2016, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã tiếp ông Kyoichi Sugino, Phó Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Tôn giáo vì hòa bình. Giới thiệu khái quát về tình hình các tôn giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Đến nay Việt Nam đã công nhận 40 tổ chức thuộc 14 tôn giáo. Các tôn giáo của Việt Nam có khoảng 80 nghìn chức sắc, nhà tu hành; 113.803 chức việc, 25.922 cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo đang sử dụng; 102 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành và 761 cơ sở hoạt động từ thiện nhân đạo. Tổng cộng Việt Nam có hơn 22 triệu tín đồ các tôn giáo; ngoài ra rất đông đảo người dân tham gia các tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng và các hành vi tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của dân tộc, ước tính khoảng 95% người Việt Nam có tín ngưỡng tôn giáo.

Với những chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua, các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, tiêu biểu là: các tôn giáo đã tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động từ thiện xã hội như cuộc vận động như: "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào "xứ họ đạo tiên tiến", ''gia đình công giáo gương mẫu'', phong trào ''nồi cháo tình thương giúp bệnh nhân nghèo của Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo"... Đồng thời, các tôn giáo tích cực tham gia xã hội hóa giáo dục mầm non, y tế, bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Tổ chức Quốc tế Tôn giáo vì hòa bình có trụ sở tại New York, là tổ chức NGO quốc tế được Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc công nhận, với hơn 90 nước tham gia. Tôn chỉ, mục đích của Tổ chức là thúc đẩy xây dựng hòa bình, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường thông qua hợp tác giữa các tôn giáo. Phó Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Tôn giáo vì hòa bình Kyoichi Sugino đánh giá cao vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần bảo đảm sự hài hòa giữa các tôn giáo, đồng thời hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia, hợp tác trong lĩnh vực tôn giáo./.