Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp
Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một mô hình khác với các trường đại học khác theo mô hình truyền thống. Được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới mô hình là một hệ thống đào tạo - nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Đại học quốc gia Thành phố bao gồm nhiều trường đại học và các khoa chuyên ngành, các phòng thí nghiệm chất lượng cao, viện nghiên cứu, các trung tâm phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ và xúc tiến hoạt động nghiên cứu khoa học, cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo, phát triển những dự án hợp tác về đào tạo - nghiên cứu khoa học trong nước cũng như quốc tế.
Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có mối quan hệ chặt chẽ và hiệu quả với mạng lưới đại học trong nước, trong khu vực và trên thế giới, cùng hệ thống cơ sở vật chất đang được đầu tư theo hướng hình thành một đô thị khoa học hiện đại trong tương lai. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một địa điểm tổ chức các sự kiện lớn về giáo dục - đào tạo, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế rất hiệu quả. Gần 50 ngàn sinh viên đang theo học tại đây vừa được chứng kiến và tham gia tuần lễ hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc của Diễn đàn văn hóa thanh niên Đông - Nam á lần thứ 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh do chính trường đăng cai tổ chức. Cùng với 80 đại biểu từ 10 nước đến tham dự, diễn đàn này đã gây được ấn tượng sâu sắc trong mạng lưới các trường đại học Đông - Nam Á (AUN).
Học đi đôi với hành
Trong tầm nhìn chiến lược đến năm 2020, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm thực hiện ba mũi đột phá:
Trước hết, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế.
Thứ hai, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt là cán bộ giảng dạy, đạt chuẩn chất lượng cao.
Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn chất lượng quốc tế về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có tri thức cao, có kỹ năng chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu của xã hội và của doanh nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, thông tin, bảo vệ và phát triển môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người.
Qua hai năm thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội", Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - một trong hai trung tâm mạnh nhất nước - với nhiệm vụ kiểm soát và đánh giá chất lượng các chương trình, phương pháp và kết quả đào tạo của các trường trong Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo chuẩn mực khu vực (AUN) và quốc tế (ABET). Để thúc đẩy hội nhập về đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, trường đang xây dựng các chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, tiến tới liên thông đào tạo trong toàn hệ thống của trường, liên thông với các đại học trong nước và với mạng lưới đào tạo quốc tế.
Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lấy việc đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tri thức của xã hội làm động lực phát triển. Các chương trình giảng dạy được chỉnh lý và cập nhật kiến thức theo nhu cầu xã hội. Việc gắn bó giữa học tập - nghiên cứu - thực hành được xem như tiêu chí để thực hiện kế hoạch đào tạo hằng năm của các trường, các khoa. Hệ thống hỗ trợ đào tạo được đầu tư rất lớn theo hướng tiếp cận với kỹ thuật hiện đại như thư viện điện tử, phòng thí nghiệm công nghệ Nano, các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế tại các trường thành viên, liên kết chặt chẽ với khu công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện để sinh viên học tập, thực hành, và tham gia nghiên cứu khoa học thật hiệu quả.
Mối liên hệ chặt chẽ với các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp được Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng và luôn phát triển. Trên cơ sở đó, các chương trình huấn luyện nghiệp vụ, đào tạo đại học và sau đại học, các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ được triển khai phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn làm đầu mối để liên kết các tổ chức đào tạo trong nước với mạng lưới các trường đại học, các tổ chức có uy tín của các nước, qua đó giúp xây dựng chương trình đào tạo, chuyển giao tri thức, công nghệ và đưa những kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống phát triển kinh tế sôi động. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chương trình hỗ trợ ban đầu rất tích cực đối với Trường Đại học Dầu khí, Đại học Việt - Đức; đã bước đầu thực hiện chương trình ECV 1000 - đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ (Bình Dương, Bình Thuận...).
Sức trẻ sinh viên
Sinh viên của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khi ra trường đáp ứng cao với yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp cũng như các tổ chức khác trong nền kinh tế. Đa số sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, nắm bắt kịp yêu cầu thực tế và có đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cựu sinh viên nay đã trở thành những nhà quản lý giỏi trong nhiều lĩnh vực, nhà khoa học có tầm cỡ, nhà lãnh đạo có uy tín, nhà doanh nghiệp thành đạt, góp phần tích cực xây dựng và phát triển đất nước. Tấm bằng đại học của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một thương hiệu được ưu tiên chấm chọn của các nhà tuyển dụng lao động tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn công nghiệp lớn của nước ngoài (như IBM) cũng bắt tay hợp tác với Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho các dự án mà họ sẽ đầu tư vào Việt Nam trong tương lai gần.
Kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học của trường đã phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế tri thức của Việt Nam, đồng thời là động lực gắn bó đào tạo với nghiên cứu khoa học. Đã có nhiều công trình nghiên cứu theo hướng ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tế từ yêu cầu của địa phương và các doanh nghiệp như: dùng vật liệu composite để chế tạo phai cống thủy lợi tại đồng bằng sông Cửu Long; chế tạo và bảo vệ các thiết bị đặc chủng trong sản xuất phân bón; thiết kế và chế tạo thành công chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam mang tên SigmaK3, đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành công nghệ vi mạch của Việt Nam; sử dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ghép giác mạc, điều trị phỏng da, trong nghiên cứu bệnh lý, trong việc tạo ra bò sữa giống...
Đặc biệt, thành tựu nghiên cứu khoa học của tập thể thầy và trò về nhóm tế bào gốc đã được bình chọn là 1 trong số 10 sự kiện khoa học nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2007, với tiêu chí đem lại nhiều lợi ích nhất cho cuộc sống, vì cuộc sống của nhân dân Việt Nam....
Thành quả và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống
Những thành quả của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là dựa vào sự nỗ lực của cả một hệ thống: từ chủ trương và sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đến sự đồng lòng của các đơn vị thành viên là những trường đại học chất lượng hàng đầu, có truyền thống đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực (từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, từ khoa học nghiên cứu căn bản đến khoa học kỹ thuật ứng dụng, từ chiếc nôi nuôi dưỡng năng khiếu đến vườn ươm phát triển những tài năng trẻ của đất nước); từ việc huy động công sức và tri thức của toàn thể đội ngũ các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên đại học chất lượng cao, kinh qua thực tế nghiên cứu, giảng dạy, làm việc cả trong và ngoài nước đến việc phát huy hiệu quả mối quan hệ gắn bó với cộng đồng đại học trong nước và quốc tế, qua đó trường đã nhận được nhiều hỗ trợ về chuyên môn cũng như những nguồn lực kinh tế khác.
Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang được xây dựng thành một khu đô thị khoa học, khu đô thị đại học hiện đại, bao gồm cả đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cảnh quan môi trường và dịch vụ hỗ trợ. Trong những năm tới trường Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xúc tiến thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cho mô hình đô thị đại học đã được quy hoạch; nghiên cứu, triển khai đầu tư và kêu gọi đầu tư các dự án đang ấp ủ về một công viên khoa học hiện đại và thân thiện với môi trường.
Trong chiến lược phát triển của mình, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng và phát huy sức mạnh của cả hệ thống, hướng tới mục tiêu hàng đầu về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong khu vực, vươn tới trình độ quốc tế trong thời đại hội nhập toàn cầu ngày nay./.
Giới thiệu chính sách mới trên các số công báo từ ngày 17-11-2008 đến ngày 29-11-2008  (30/11/2008)
Vị trí cầm quyền và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện mới  (30/11/2008)
Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới  (30/11/2008)
Ðối thoại về vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng  (29/11/2008)
Phát hiện và nhân rộng điển hình để phát triển kinh tế - xã hội ở Sơn La  (29/11/2008)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay