Một số kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng trong bảo đảm hậu cần Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
TCCSĐT - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi quyết định của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mãi mãi là một chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Kết quả đó có sự đóng góp to lớn của công tác bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác hậu cần đóng vai trò là nhân tố quyết định thắng lợi.
Cuộc Tổng tiến công diễn ra với ba chiến dịch lớn liên tiếp và xen kẽ nhau: chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Các chiến dịch được tiến hành với nhiều quy mô khác nhau, trên các địa bàn khác nhau và trong điều kiện hoàn cảnh không giống nhau. Trong suốt 55 ngày đêm tác chiến liên tục với phương châm “Thần tốc, táo bạo”, công tác hậu cần phải bảo đảm cho những chiến dịch sử dụng nhiều binh đoàn, binh chủng hợp thành, liên tục cơ động, liên tục tiến công theo suốt chiều dài đất nước, từ Tây Nguyên đến Sài Gòn. Bảo đảm hậu cần chiến dịch tiến công có nhiều nội dung, nổi bật là sự lãnh đạo của Đảng trong tạo nguồn dự trữ vật chất hậu cần, xây dựng thế trận hậu cần, phương thức, hình thức bảo đảm hậu cần và chỉ huy hậu cần chiến dịch. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hậu cần là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Tổng tiến công giành thắng lợi, đồng thời, để lại một số kinh nghiệm quý báu sau:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa chuẩn bị tạo nguồn, dự trữ vật chất hậu cần trước của các đơn vị, địa phương nơi mở chiến dịch với sự chuẩn bị trực tiếp của các đơn vị tác chiến, đồng thời phải huy động tối đa các nguồn lực hậu cần nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến dịch tiến công.
Để thực hiện tốt công tác hậu cần nhân dân cho chiến dịch, điều kiện cơ bản quyết định nhất là tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng. Chỉ có dưới sự lãnh đạo của Đảng mới có khả năng động viên cao nhất, sử dụng hợp lý nhất sức người, sức của tiềm tàng, to lớn của các ngành, các địa phương, của quần chúng nhân dân rộng rãi, đáp ứng mọi yêu cầu bảo đảm hậu cần cho Tổng tiến công. Chỉ dưới sự lãnh đạo đó, mới bảo đảm kết hợp đúng đắn giữa kinh tế với quốc phòng, giữa sản xuất với chiến đấu ở từng địa phương, bảo đảm sự đoàn kết, hợp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia làm hậu cần, phục vụ chiến đấu ở mỗi cấp. Trên cơ sở lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy, phải thực hiện sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của chính quyền các cấp, phát huy vai trò, khả năng của các cơ quan, các ngành, các đoàn thể quần chúng tham gia các mặt hoạt động hậu cần bảo đảm cho các lực lượng vũ trang chiến đấu.
Trong chiến dịch tiến công, yêu cầu vật chất hậu cần bảo đảm cho chiến dịch thường rất lớn, lên tới hàng ngàn, hàng vạn tấn. Các đơn vị tác chiến thường từ xa đến, lượng vật chất mang theo rất hạn chế, thời gian chuẩn bị trực tiếp lại rất ngắn, nếu không tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc kết hợp chặt chẽ giữa chuẩn bị tạo nguồn, dự trữ vật chất hậu cần trước của các đơn vị, địa phương nơi mở chiến dịch với sự chuẩn bị trực tiếp của các đơn vị tác chiến sẽ không thể có đủ vật chất theo yêu cầu nhiệm vụ.
Chiến dịch Tây Nguyên được mở ra trên một địa bàn dân cư thưa thớt nên việc tận dụng huy động vật chất hậu cần của địa phương là hạn chế, chủ yếu dựa vào các đơn vị đứng chân trên địa bàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng ủy Tổng cục Hậu cần, ngay từ năm 1973, bộ đội Tây Nguyên hằng năm đã sản xuất tự túc 1 - 2 tháng lương thực, thực phẩm, lượng vật chất của trên cấp cho chiến trường Tây Nguyên đủ cung cấp cho bộ đội cả năm.
Kết quả chuẩn bị vật chất hậu cần cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng của quân khu Trị - Thiên và Quân khu 5 là sự kế thừa kết quả chuẩn bị của nhiều năm trước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Quân khu, Quân khu 5 đã dự trữ được 8.000 tấn vật chất. Nhân dân quân khu Trị - Thiên còn dùng gạo, củi của mình để nấu cơm cho nhiều tiểu đoàn, trung đoàn ăn từ 5 - 10 ngày.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, khối lượng vật chất cần phải chuẩn bị lên tới 60.000 tấn, trong đó vũ khí đạn là 30.000 tấn, xăng dầu là 8.000 tấn, thời gian chuẩn bị chỉ có 22 ngày, trong khi hậu cần cấp trên chưa kịp bảo đảm. Để giải quyết khó khăn này, Đảng ủy chiến dịch đã chủ động báo cáo xin chỉ thị của Đảng ủy cấp trên, chỉ đạo các đơn vị triệt để tận dụng nguồn lực hậu cần đã được chuẩn bị trước của chiến trường Nam Bộ. Thời gian này, chiến trường Nam Bộ đã dự trữ được 40.000 tấn vật chất, như vậy, lượng vật chất có sẵn đã đáp ứng được 2/3 nhu cầu của chiến dịch. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ này, các chiến dịch khi bước vào giai đoạn thực hành tác chiến cơ bản đã có đủ lượng vật chất dự trữ theo yêu cầu.
Ngoài việc tận dụng lượng vật chất đã được chuẩn bị trước của các đơn vị, địa phương, Đảng ta đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị tham gia chiến dịch chủ động khai thác nguồn lực hậu cần khác, như nguồn vật chất chiến lợi phẩm, lượng vật chất của các quân đoàn, các binh chủng mang theo trong hành quân. Các đơn vị tham gia Tổng tiến công phải quán triệt và thực hiện nghiêm nghị quyết của các cấp ủy, trên cơ sở kế hoạch bảo đảm hậu cần cho tiến công, chủ động khai thác, huy động mọi nguồn lực hậu cần nhanh nhất, kịp thời nhất bảo đảm cho bộ đội hành động theo đúng phương châm “Thần tốc, táo bạo”. Đó là các nguồn vật chất đã được chuẩn bị trước, nguồn huy động trong nhân dân và cả nguồn chiến lợi phẩm. Trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng khi phát triển chiến dịch, nguồn chiến lợi phẩm trở thành nguồn chủ yếu bảo đảm cho Quân đoàn 2 giành thắng lợi trong nhiệm vụ tiếp theo (Theo tổng kết, lượng dự trữ vật chất của Quân đoàn 2 mang theo là 2.874 tấn, chiếm tỷ trọng 31,4%; hậu cần chiến lược chuyển đến 2.396 tấn, chiếm 26,4%; nguồn thu chiến lợi phẩm là 3.147 tấn, chiếm 35,4%). Nguồn chiến lợi phẩm không đơn giản chỉ là thu hồi vật chất như ở cấp chiến thuật, mà với cấp chiến dịch còn phải chiếm các căn cứ hậu cần của địch, các cơ sở, xưởng sửa chữa… biến căn cứ địch thành căn cứ của ta.
Lãnh đạo kết hợp chặt chẽ giữa tạo thế và tạo lực về hậu cần, bảo đảm trên cơ sở thế trận hậu cần đã có phải nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung, xây dựng thế trận hậu cần liên hoàn vững chắc phù hợp vối quy mô chiến dịch và nghệ thuật tác chiến.
Để tạo nên thế và lực hậu cần, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về hậu cần thật sự nghiêm túc, nhất quán theo tư tưởng quân sự, quyết tâm chiến lược và phương hướng tác chiến mà Trung ương Đảng đã vạch ra cho các lực lượng vũ trang. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã thường xuyên coi trọng việc chi viện cho tiền tuyến lớn, tăng cường sức người, sức của cho các chiến trường. Nắm vững quan điểm cách mạng bạo lực, nên trước những hành động của Mỹ - Thiệu phá hoại Hiệp định Pa-ri hòng tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược, chúng ta đã tranh thủ mọi điều kiện và hoàn cảnh để tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự, chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị về vật chất, kỹ thuật, giao thông vận tải ở cả phía trước và phía sau, ở tất cả các cấp, các chiến trường, nhằm sẵn sàng bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công.
Thế và lực hậu cần trong chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng ở nước ta được tạo nên bởi nhiều yếu tố. Trong các yếu tố này, trước hết, phải kể đến mạng đường cơ động, lượng dự trữ vật chất, khí tài ở các cấp, số lượng, chất lượng hình thái bố trí và khả năng cơ động của các lực lượng hậu cần, kỹ thuật trên chiến trường, khả năng chi viện về vật chất, khí tài từ phía sau ra phía trước. Một thế và lực hậu cần mạnh, có khả năng đáp ứng những yêu cầu của lực lượng vũ trang ta về bảo đảm vật chất, kỹ thuật và cơ động lực lượng, nhằm thực hiện thắng lợi những đòn tiêu diệt chiến lược trong mọi tình huống là hết sức cần thiết trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, để bảo đảm cho quyết tâm tiến công Sài Gòn với quy mô lớn thì tổ chức bố trí hậu cần phải điều chỉnh lại mới đáp ứng được. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhất là Đảng ủy chiến dịch đã tổ chức thêm đoàn hậu cần 240 bảo đảm cho hướng Tây Nam, dịch chuyển đoàn hậu cần 814 từ khu vực Nam Đồng Xoài xuống khu vực Nam Đồng Nai - quốc lộ 20 - quốc lộ 1 để thành thế liên hoàn với hậu cần Quân khu 7, đưa đoàn hậu cần 210 từ Bắc Đồng Xoài xuống Nam Đồng Xoài… Quá trình điều chỉnh tổ chức bố trí các đoàn hậu cần đồng thời thu gom các kho tàng phân tán quy mô nhỏ thành các cụm kho lớn ở những vị trí tiện cơ động, gần các trục đường vận chuyển cơ giới, phù hợp với yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.
Quá trình kết hợp giữa tạo thế và tạo lực trong thế trận chiến tranh nhân dân cực kỳ lợi hại và vững chắc, là nguyên nhân trực tiếp tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Cùng với các yếu tố khác, như mưu, thời, thì sự kết hợp chặt chẽ giữa thế và lực là một quá trình vận động của nhiều yếu tố, bao gồm: con người, vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật, trạng thái địch, ta, môi trường thiên nhiên và thời cơ hành động. Tất cả những sự vận động ấy được sắp xếp theo một trình tự thích hợp, thông qua tư duy năng động, sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chỉ huy và tập thể đơn vị, nhằm phát huy hết khả năng của mọi lực lượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng.
Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt phương thức, hình thức bảo đảm hậu cần phù hợp với điều kiện của từng chiến dịch, phải kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần tĩnh tại với hậu cần cơ động, giữa phân cấp và vượt cấp.
Trong các chiến dịch tiến công, do quy mô khác nhau, điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình địch ở mỗi khu vực cũng không giống nhau, nên phương thức, hình thức bảo đảm hậu cần của mỗi chiến dịch, trong mỗi giai đoạn của chiến dịch cũng không hoàn toàn giống nhau. Đảng ta, nhất là Đảng ủy chiến dịch phải linh hoạt, sáng tạo xây dựng nghị quyết, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt phương thức, hình thức bảo đảm hậu cần phù hợp.
Trong chiến dịch Tây Nguyên, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Đảng ủy chiến dịch, đã chỉ thị hậu cần chiến dịch phải lấy phương pháp tổ chức các cụm kho hậu cần trên từng hướng với dự trữ đầy đủ, đồng bộ các loại vật chất, bố trí mạng lưới quân y hoàn chỉnh trên các hướng để chủ động bảo đảm. Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tốc độ phát triển của chiến dịch rất cao, bộ đội cơ động liên tục, Đảng ủy quân đoàn đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hậu cần quân đoàn từ tổ chức 3 cụm hậu cần phải tổ chức thành các tiểu đoàn để dễ cơ động, đồng thời tổ chức đội hình xe mạnh cơ động vật chất kỹ thuật đi theo bộ đội để kịp thời bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật. Mặt khác, do chiến dịch phát triển vào sâu trong hậu phương của địch, có các căn cứ với dự trữ vật chất hậu cần kỹ thuật lớn nên hậu cần chiến dịch đã triệt để tận dụng chiến lợi phẩm bổ sung cho bộ đội.
Trong Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, tình huống diễn biến mau lẹ, có lợi cho ta, các chiến dịch liên tục phát triển, để bảo đảm hậu cần tốt nhất cho các mặt trận, Đảng ta đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần tĩnh tại với hậu cần cơ động. Hậu cần tĩnh tại ở đây được hiểu là dựa vào các căn cứ hậu cần được tổ chức bố trí tại một khu vực nào đó. Đây là phương thức bảo đảm cơ bản, bảo đảm tính vững chắc trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Tuy nhiên, lúc này diễn biến trên chiến trường hết sức mau lẹ, với chủ trương “Thần tốc, táo bạo” bộ đội cơ động liên tục, nếu chỉ sử dụng vật chất từ căn cứ chuyển lên theo thứ tự sẽ không bảo đảm được kịp thời bằng các lực lượng hậu cần cơ động bám sát đội hình hành quân của các đơn vị. Chiến dịch tiến công Huế - Đà nẵng và sau đó là cuộc cơ động thần tốc vừa đi vừa đánh địch mở đường vào tập kết tại Xuân Lộc, Đảng ủy chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã kịp thời chỉ đạo lực lượng hậu cần giải quyết rất thành công trong việc kết hợp giữa hậu cần tĩnh tại với hậu cần cơ động.
Trong quá trình bảo đảm hậu cần thường phải thực hiện theo nguyên tắc cấp trên bảo đảm cho cấp dưới, tuy nhiên, phải tùy theo điều kiện của từng giai đoạn chiến dịch, tùy vào khả năng của đơn vị để Đảng ta, trực tiếp là đảng ủy các mặt trận tiến hành lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc bảo đảm theo phân cấp hay vượt cấp cho phù hợp. Trong giai đoạn chuẩn bị, hậu cần chiến dịch thường thực hiện bảo đảm theo nguyên tắc phân cấp nhưng khi chiến dịch phát triển thì thường phải bảo đảm vượt cấp để đẩy nhanh tốc độ bảo đảm, đáp ứng được yêu cầu kịp thời, vật chất hậu cần kỹ thuật không phải bốc lên dỡ xuống nhiều lần mà được chuyển thẳng tới đơn vị sử dụng. Mặc dù vậy, việc bảo đảm vượt cấp chỉ nên diễn ra trong từng thời điểm, từng giai đoạn, sau đó phải nhanh chóng khôi phục việc phân cấp để ổn định công tác bảo đảm đồng thời phát huy được tính chủ động của hậu cần cấp dưới.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm chỉ huy hậu cần tập trung, thống nhất cao, tổ chức gọn nhẹ, có hệ thống thông tin mạnh, người chỉ huy hậu cần phải có đủ thẩm quyền và năng lực để giải quyết tốt các mối quan hệ và xử trí kịp thời các tình huống về hậu cần.
Để giải quyết được các vấn đề cả trước, trong và sau chiến đấu, chỉ huy hậu cần phải thường xuyên nắm chắc nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy, diễn biến tình hình trên chiến trường, do vậy, chỉ huy hậu cần phải theo sát sở chỉ huy, hoặc phải có thông tin mạnh mới có thể nắm được tình hình. Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lực lượng hậu cần cơ động của Quân đoàn 2 do không có phương tiện thông tin liên lạc trực tiếp với sở chỉ huy hậu cần, đã dựa vào bộ phận tác chiến ở sở chỉ huy phía trước, chịu sự chỉ huy trực tiếp của người chỉ huy quân đoàn ở sở chỉ huy phía trước để nắm và giải quyết tình hình.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương đã bổ nhiệm Chỉ huy hậu cần chiến dịch là Trung tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; Phó Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch là Thiếu tướng Bùi Phùng, Chủ nhiệm hậu cần chiến trường Nam Bộ. Do người chỉ huy hậu cần chiến dịch đồng thời lại là người chỉ huy hậu cần chiến lược nên công tác chuẩn bị hậu cần của Chiến dịch Hồ Chí Minh với thời gian ngắn, với khối lượng công việc to lớn nhưng dưới sự chỉ huy, điều hành quyết liệt và tập trung của Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch mà trước giờ nổ súng, hàng vạn tấn vật chất hậu cần, kỹ thuật cùng với một thế trận hậu cần liên hoàn vững chắc quanh Sài Gòn đã được chuẩn bị chu đáo.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với các chiến dịch liên tiếp xen kẽ nhau, đó là đỉnh cao nghệ thuật lãnh đạo của Đảng trong hoạt động tác chiến, nghệ thuật lãnh đạo tổ chức bảo đảm hậu cần, nghệ thuật lãnh đạo tổ chức huy động tạo nguồn, của xây dựng thế trận hậu cần và chỉ huy hậu cần. Thắng lợi vĩ đại trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đem lại những kinh nghiệm phong phú về vai trò lãnh đạo của Đảng trong bảo đảm hậu cần cho tác chiến hiệp đồng binh chủng. Những kinh nghiệm đó cần được kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Công tác hậu cần chiến dịch Hồ Chí Minh, Tổng cục Hậu cần, năm 1998.
2. Hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Tổng cục Hậu cần, năm 1987.
3. Hậu cần trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đặc san Hậu cần, năm 1976.
Trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 6 và giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Trọn đời theo Bác”  (04/06/2015)
Việt Nam và Bồ Đào Nha coi trọng phát triển kinh tế biển  (04/06/2015)
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an ninh lương thực với ASEAN  (04/06/2015)
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam - Bồ Đào Nha  (04/06/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên