TCCS - Phụ nữ nông thôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước. Là một lực lượng chủ yếu trong nông nghiệp và chiếm đông đảo trong nguồn nhân lực của đất nước, nhưng phụ nữ nông thôn còn gặp nhiều khó khăn so với nam giới nông thôn và phụ nữ đô thị. Chính vì vậy, cần có những quan tâm hợp lý đến phụ nữ nông thôn.

1 - Những thách thức đối với phụ nữ nông thôn hiện nay

Ở Việt Nam, phụ nữ nông thôn là lực lượng to lớn và quan trọng của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số năm 2009, phụ nữ chiếm 50,5% số người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (năm 1989 tỷ lệ này là 60%). Trong tổng lực lượng lao động nữ, có 68% là hoạt động trong nông nghiệp, tỷ lệ này đối với nam giới là 58%. Vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi kinh tế, với sự tham gia của lao động nữ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng trong khi lao động nam giảm dần. Thời kỳ 1993 - 1998, số nam giới tham gia hoạt động nông nghiệp mỗi năm giảm 0,9%. Trong giai đoạn này, 92% số người mới gia nhập lĩnh vực nông nghiệp là phụ nữ, vì nam giới chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp. Hiện tượng thay đổi này dẫn đến xu hướng là, nữ giới tham gia nhiều hơn trong hoạt động nông nghiệp.

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đang tạo nên những biến đổi mạnh mẽ trong đời sống của người nông dân Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những yếu tố tích cực thì cũng có một số tác động không tích cực của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt là việc chuyển đổi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp và sân gôn... (từ năm 2001 đến 2007 diện tích đất nông nghiệp cả nước đã mất 500.000ha, riêng năm 2007 mất 120.000ha) khiến cho hàng ngàn hộ nông dân không còn ruộng đất canh tác và phải tìm kiếm những phương thức sinh kế khác nhau, làm tăng thêm số lượng người di cư từ nông thôn ra đô thị cùng với phụ nữ xuất khẩu lao động và lấy chồng là người nước ngoài.

Ở Việt Nam, phụ nữ nông thôn là lực lượng to lớn và quan trọng của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số năm 2009, phụ nữ chiếm 50,5% số người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (năm 1989 tỷ lệ này là 60%). Trong tổng lực lượng lao động nữ, có 68% là hoạt động trong nông nghiệp, tỷ lệ này đối với nam giới là 58%.

Lao động di cư có khuôn mẫu giới rất rõ, phụ nữ trẻ từ nông thôn ra đô thị làm việc ở khu vực kinh tế không chính thức hoặc giúp việc nhà. Còn nam giới có xu hướng làm việc tại các trang trại, khu công nghiệp, nhà máy. Nhóm dân số trẻ di cư đến các đô thị, khu công nghiệp, để lại làng quê những người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em. Nhiều gia đình nông thôn, gánh nặng công việc sản xuất và chăm sóc, giáo dục con cái đè nặng lên đôi vai của người vợ, ông bà. Di cư nội địa cũng làm biến đổi cấu trúc gia đình nông thôn, tạo nên nhiều “gia đình không đầy đủ” vì thiếu vắng vợ hoặc chồng do họ đi làm ăn xa, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chức năng của gia đình, trong đó có chức năng giáo dục con cái. Hiện tượng nam giới tuổi trung niên và nam, nữ thanh niên “ly hương” đi tìm công ăn việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp trên phạm vi cả nước dẫn đến thực trạng ở nông thôn có xu hướng nữ hóa nông nghiệp (chủ yếu phụ nữ gánh vác công việc sản xuất nông nghiệp), lão hóa nông thôn (đa số những người trên trung niên và cao tuổi mới ở lại quê) và phụ nữ hóa chủ hộ gia đình trên thực tế (vì nam giới là chủ hộ trên danh nghĩa lại đi làm ăn xa). Xu hướng này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không chỉ đối với đời sống gia đình (sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS) mà còn cả với sự phát triển của thế hệ con em nông dân sống ở nông thôn hiện nay.

Đó là những thách thức đối với người nông dân nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng ở các vùng nông thôn Việt Nam hiện nay.

2 - Một số trở ngại của nguồn nhân lực nữ trong nông nghiệp, nông thôn

Về trình độ chuyên môn/kỹ thuật

Các kết quả điều tra cho thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có những chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực nhưng chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản còn thấp, chưa được cải thiện nhiều trong 5 năm qua.

Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm, nước ta có hơn 1 triệu người tham gia lực lượng lao động, đa số lực lượng này là cư dân nông thôn, không được đào tạo nghề cơ bản. Nguồn nhân lực làm việc trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản ở các vùng nông thôn có trình độ và được đào tạo nghề có tỷ lệ rất thấp. Cả nước có 81.300 công chức xã nhưng tỷ lệ được đào tạo chuyên môn đại học chỉ chiếm 9%; 39,4% có trình độ trung cấp; 9,8% sơ cấp và 48,7% chưa qua đào tạo. Như vậy, phần lớn lao động trong nông, lâm nghiệp và thủy sản là các lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm. Đây là nguyên nhân căn bản của việc năng suất lao động trong nông, lâm, thủy sản ở nước ta còn rất thấp và là trở ngại lớn trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay.

Quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi người lao động không chỉ có trình độ chuyên môn kỹ thuật mà còn phải có chuyên môn kỹ thuật bậc cao. Đây là thách thức lớn nhất đối với phụ nữ trong ngành nông nghiệp, nông thôn hiện nay, khi trình độ học vấn của phụ nữ nông thôn còn rất thấp: tốt nghiệp trung học phổ thông (8,02%), công nhân kỹ thuật (1,12%), trung học chuyên nghiệp (1,78%), cao đẳng, đại học (1,39%) và trên đại học (0,02%). So với nam giới, có sự khác biệt khá rõ về trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Có điểm đáng chú ý là, mặc dù phụ nữ đảm nhận đa phần các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nhưng họ lại ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật. Theo khảo sát, chỉ có khoảng 10% phụ nữ là các thành viên tham gia các khóa học trồng trọt và 25% trong các khóa học về chăn nuôi. Hiện tượng “Nữ làm, nam học” này khá phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam.

Về sức khỏe lao động nữ trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy các bệnh nghề nghiệp, mãn tính do làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm của người lao động nông nghiệp ngày mỗi tăng. Có 30,3% nông dân mắc các bệnh nghề nghiệp về da, gần 30% bị viêm nhiễm đường hô hấp, 10% bị đau đầu. Theo số liệu thống kê, cứ 100 ngàn lao động thì có 1.710 người bị ảnh hưởng sức khỏe do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật... Môi trường sản xuất nông nghiệp ô nhiễm không chỉ do sử dụng nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mà còn tăng thêm bởi ô nhiễm do các khu chế xuất, khu công nghiệp, sân gôn... đang đua nhau mọc lên ở các vùng nông thôn.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2007 có gần 4 triệu tấn phân bón các loại bị sử dụng lãng phí do cây trồng không hấp thụ được (chiếm 55% - 60%), cộng với việc lạm dụng sử dụng tới 75.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật mà không tuân thủ các quy trình kỹ thuật đã gây mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm nghiêm trọng đất, nguồn nước tại nhiều vùng nông thôn. Cùng với trồng trọt, hằng năm, ngành chăn nuôi cũng “đóng góp” khoảng 73 triệu tấn chất thải, trong đó chỉ có 30% - 60% chất thải được xử lý, còn lại xả thẳng ra môi trường. Ngay cả mô hình chăn nuôi trang trại cũng chỉ có 10% trong tổng số 16.700 trang trại có hệ thống xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và nông thôn tác động xấu đến sức khỏe của phụ nữ nhiều hơn nam giới, bởi phụ nữ là người đảm nhận chính các hoạt động sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi.

Việc bảo đảm quyền lợi về ruộng đất là vấn đề hết sức quan trọng đối với phụ nữ ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ làm nông nghiệp. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, hoặc phụ nữ là người dân tộc thiểu số, họ ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực khác nên đất đai có thể xem như là phương tiện sinh kế duy nhất giúp họ duy trì cuộc sống và thoát nghèo.

Tác động của công việc sản xuất nông nghiệp vất vả trong môi trường ô nhiễm còn cộng thêm với vai trò làm vợ, làm mẹ. Việc thực hiện chức năng sinh sản của phụ nữ cũng là một gánh nặng khi mà nam giới còn ít tham gia và chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ trong kế hoạch hóa gia đình, khiến cho tỷ lệ nạo, hút thai do có thai ngoài mong đợi của phụ nữ nông thôn khá cao, bình quân tỷ lệ nạo, hút thai là 1/1 ca đẻ sống. Đó là chưa kể, phụ nữ chưa có được quyền sinh sản khi mà họ bị sức ép của chồng và gia đình chồng đẻ con trai. Tất cả những điều này là những yếu tố tác động xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý của phụ nữ nông thôn. Trong khi thực hiện “thiên chức”, phụ nữ nông thôn không được hưởng các chế độ thai sản như phụ nữ thuộc các lĩnh vực làm công ăn lương khác, họ cũng không được hưởng các tiêu chuẩn về bảo hiểm xã hội, y tế trong thời gian mang thai, sinh nở.

Phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận quyền sở hữu ruộng đất

Mặc dù phong tục truyền thống của Việt Nam thừa nhận cả nam giới và phụ nữ đều được thừa kế đất đai nhưng trên thực tế, ít phụ nữ được đứng tên giấy tờ sử dụng đất. Từ năm 1988 ruộng đất đã được cấp cho các hộ gia đình nông thôn nhưng đa số giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất đều do nam giới đứng tên. Luật Đất đai năm 2003 có quy định tất cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới phải bao gồm tên của cả hai vợ chồng.

Mặc dù đây là một bước đi đúng hướng và sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm rằng sẽ có nhiều phụ nữ tiếp cận được với đất đai và vốn tín dụng, nhưng Luật Đất đai 2003 lại không yêu cầu sửa đổi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp trước đó (mà hầu hết chỉ nam giới đứng tên). Theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2004, có đến 81% số hộ gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một phần đất đai của họ. Trong đó, tùy theo từng loại đất mà phụ nữ đứng tên chiếm khoảng 25% đến 30%. Tỷ lệ này cao hơn một chút nếu so với các quốc gia Mỹ La-tinh chỉ có 11% đến 27% chủ đất là nữ, hoặc như ở U-gan-đa, phụ nữ chỉ sở hữu 5% đất đai.

Việc bảo đảm quyền sử dụng đất là vấn đề hết sức quan trọng đối với phụ nữ ở nông thôn, đặc biệt đối với phụ nữ làm nông nghiệp, vì đời sống của họ gắn liền với ruộng đất. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, hoặc phụ nữ dân tộc thiểu số, họ ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực khác thì đất đai có thể xem như là phương tiện sinh kế duy nhất có thể giúp họ duy trì cuộc sống và thoát nghèo.

3 - Một số giải pháp về chính sách đối với phụ nữ nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa

Một là, ưu tiên đào tạo nghề và việc làm cho phụ nữ

Khi đề cập đến tình hình thất nghiệp do ruộng đất bị thu hồi, trong Chỉ thị số 11/2006/CT-TTg ngày 27-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã nhấn mạnh: “Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm hiện đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng chuyển đổi đất”.

Quá trình biến động đất đai trong nông nghiệp không chỉ khiến cho nhiều nông dân, nhất là phụ nữ thất nghiệp mà nó còn tác động đến thị trường lao động với những mức độ khác nhau. Với mô hình phân công lao động theo giới hiện nay cộng thêm nam giới di cư đến các vùng đô thị, khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm, phụ nữ nông thôn đảm nhận “đa vai trò” nên có những bất lợi hơn so với nam giới trong việc tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp. Nghị quyết số 26-NQ/TW Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được thông qua tại Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã xác định “Giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”, đồng thời nhấn mạnh việc ưu tiên đào tạo nghề và việc làm cho những gia đình mất ruộng “Có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách bảo đảm việc làm cho nông dân, nhất là ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất”. Có cơ sở để thấy rằng phụ nữ nông thôn cần được quan tâm đào tạo nghề hơn nam giới, ít nhất là ở mấy lý do: a) phụ nữ là “nhân vật chính” vì họ đảm nhận hầu hết các công việc trồng trọt, chăn nuôi; b) ở các vùng quê nam giới đi làm ăn xa, nếu có ở lại quê thì họ cũng dễ tìm kiếm việc làm và ít gặp rủi ro hơn so với phụ nữ; c) phụ nữ không chỉ gắn với ruộng đồng mà còn gắn với làng xóm vì xu hướng “nữ hóa nông thôn” đang diễn ra; và d) phụ nữ thường gặp trở ngại nhiều hơn nam giới trong cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo do vẫn còn quan niệm thiên vị giới ở mức độ khác nhau. Trong một phân tích về thay đổi nghề nghiệp trong các khu vực nông thôn cho thấy nam giới thay đổi nghề nghiệp nhiều gấp hơn 2 lần phụ nữ (31,6% và 13,2%). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, xác suất đổi nghề của lao động nam lớn hơn lao động nữ, nếu một phụ nữ có xác suất đổi nghề là 22% thì một lao động nam tương đương có xác suất đổi nghề là 52%. Điều này càng cho thấy sự cần thiết ưu tiên đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật liên quan đến sản xuất nông nghiệp cho phụ nữ, vì nam giới có tính linh hoạt hơn nữ trong quá trình nắm bắt các cơ hội mới khi chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về chính sách lao động khuyến cáo rằng, mục tiêu của các chính sách trong bộ luật lao động cần phải mang lại lợi ích cho người lao động, đặc biệt là người nghèo, và tạo việc làm nhiều hơn, dù là chính thức hay không chính thức, cho những lao động thiếu kỹ năng. Trong tập huấn, cần chú ý đến những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận các dịch vụ khuyến nông, và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp ở nông thôn. Có chính sách ưu tiên chuyển giao khoa học - kỹ thuật và đào tạo nghề cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ trong các hộ gia đình có ruộng đất thu hồi. Chú ý đến những phẩm chất của phụ nữ thích hợp với các ngành nghề truyền thống, dịch vụ xã hội... Trong đào tạo nghề, chuyên môn kỹ thuật cho phụ nữ nên tính đến đặc điểm phong tục, tập quán, dân tộc và mức độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền. Chỉ khi chúng ta tính đến những đặc điểm văn hóa - xã hội như vậy mới có thể xây dựng chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp với điều kiện, năng lực và hoàn cảnh của phụ nữ, và đào tạo nghề mới có hiệu quả.

Hai là, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận các nguồn lực

Không làm chủ được các nguồn lực (đất đai, tài sản, phương tiện sản xuất,...) thì phụ nữ sẽ thuộc “nhóm yếu thế”, không thể tự chủ và khó phát huy được sức mạnh của vai trò nữ giới. Điều này sẽ càng thêm bất lợi nếu như đời sống gia đình của người phụ nữ có vấn đề, gặp chuyện “cơm không dẻo, canh chẳng ngọt” dẫn đến gia đình tan vỡ.

Chính vì lẽ đó, cần thúc đẩy việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai theo Luật Đất đai 2003. Đứng tên trong giấy tờ sử dụng đất không chỉ cho phép phụ nữ tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn mà còn nâng cao sự an toàn cho chính họ trong trường hợp ly hôn hoặc thừa kế. Với phụ nữ nông thôn, đất đai là một phương tiện bảo đảm an sinh xã hội đồng thời cũng là phương tiện duy nhất để thoát nghèo. Nghiên cứu cũng cho thấy, so với nam giới thì phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng thường ít có cơ hội trong việc tiếp cận vay vốn tín dụng. Vì thế, cần tính đến những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận và sử dụng vốn vay tín dụng từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác để có chính sách, chế độ riêng đối với nam và nữ nông dân trong triển khai chính sách tín dụng hiện nay.

Ba là, chăm lo sức khỏe và an sinh xã hội cho phụ nữ nông thôn

Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói nghèo CPRGS- 5/2002 đã xác định một trong số 18 nội dung về vấn đề thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ là “Cải thiện sức khỏe phụ nữ bằng việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe trong việc cung cấp các dịch vụ y tế và kế hoạch hóa gia đình. Bảo đảm cho phụ nữ nghèo được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách thuận lợi. Nâng cao chất lượng các dịch vụ sau sinh đẻ”. Đây là tư tưởng chỉ đạo rất đúng đắn, vì hiện nay phụ nữ nông thôn vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe. Để có chính sách ưu đãi nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ nông thôn, nên tập trung vào:

- Sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Khi thực hiện chức năng tái sinh sản, người phụ nữ nông thôn hiện nay phải đối diện với những gánh nặng về dân số - kế hoạch hóa gia đình do quan niệm của nam giới “khoán” việc đó cho nữ giới và nam giới thiếu sự tham gia, chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề này. Đồng thời, quan tâm đến chất lượng dân số hiện nay không thể coi nhẹ những nội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản, quyền sinh sản của người phụ nữ nông thôn.

- Cải thiện môi trường lao động và sinh hoạt ở nông thôn. Hiện nay, ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn và môi trường sản xuất nông nghiệp đã và đang đến mức báo động. Do vậy, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cần chú trọng đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Những “điển hình” công nghiệp hủy hoại môi trường như Vedan, Miwon là những ví dụ về sự trả giá quá đắt cho đời sống và môi trường của người dân nông thôn nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng./.